Don’t just stand there with your Eiffel Tower smile.
Tell me you love me, and tell me in French
Jarod Kintz
Tiền & tem có in hình Eiffel
Nhắc đến nước Pháp, người ta nghĩ đến thủ đô Paris. Nhắc đến Paris, người ta lại nghĩ đến tháp Eiffel. Thật vậy, từ rất lâu, chữ A trong tên của thủ đô nước Pháp đã được tượng hình hoá bằng những nét phác họa của ngôi tháp thanh thoát này.
Gần như ai cũng biết tháp Eiffel do công ty của ông… Eiffel xây. Nhưng, ông ấy là ai? Gustave Eiffel sinh tháng 12/1832 tại Dijon (Pháp) và mất tháng 12/1923 tại Paris. Họ khai sinh của ông là “Bonickhausen dit Eiffel”, nhưng lúc 45 tuổi, ông xin bỏ phần họ gốc Đức, chỉ giữ lại chữ Eiffel mà thôi. Năm 1855, sau khi tốt nghiệp kỹ sư École Centrale de Paris, ông khởi nghiệp trong 2 ngành luyện kim và xây dựng các công trình bằng kim loại, đặc biệt về thép. Ở tuổi 26, ông chịu trách nhiệm cho công trình lớn đầu đời: xây cây cầu dài 510 m dành riêng cho xe lửa ở thành phố Bordeaux. Từ đó, công ty của ông liên tiếp thực hiện những đề án liên quan đến hệ thống đường sắt, nhà ga, cầu, hải đăng, sườn, vòm các công trình kiến trúc tại Pháp và nhiều nơi trên thế giới: Hung Gia Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ, Catalogne, Thuỵ Sĩ, Bồ Đào Nha, Bỉ, Phần Lan, Estonie, Algérie, Ai Cập, Madagascar, Brésil, Việt Nam … Họ tên của ông gắn liền với ngọn tháp cao nhất thủ đô Paris, từng được mệnh danh là “người đàn bà sắt”, nhưng ít ai biết đến việc công ty của ông cũng đã thực hiện việc đúc cốt sắt cho một người đàn bà khổng lồ nổi tiếng khác: pho tượng Nữ thần Tự Do tại New-York, cũng như sự trùng tu cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương (có tên cũ là cầu Mây, Sắc, Thành Thái, Clémenceau rồi Nguyễn Hoàng) và việc thiết kế phần khung sườn bằng kim loại cho Bưu điện trung tâm của Sài Gòn. Cũng nêu thêm ở đây, sau khi Gustave Eiffel ngừng hoạt động trong ngành xây dựng, công ty đổi tên thành Levallois-Perret và đã xây cầu Mống (còn có tên gọi khác: Arc-en-ciel) bằng thép kiên cố, bắc qua kênh Bến Nghé, nối liền quận 1 và Khánh Hội (quận 4 bây giờ) của Sài Gòn. Hiện nay, một số công trình của Eiffel đã được công nhận là di sản thế giới hoặc di tích lịch sử của quốc gia.
Tượng bán thân Gustave Eiffel đặt dưới chân tháp
Riêng về tháp Eiffel, được xây dựng chỉ trong 26 tháng, từ 01/1887 đến 03/1889, cho kịp dịp khai mạc Hội chợ đấu xảo hoàn vũ (Exposition universelle) tổ chức tại Paris đầu tháng 05/1889. Trước sự kinh ngạc của dân chúng thủ đô, từ 4 chân trụ, được tính toán để lắp ghép khít khao đến từng cm, ngôi tháp “mọc” thêm 12m mỗi tháng để đạt đến chiều cao 312m khi khánh thành. Chỉ riêng trong năm 1889, đã có gần 2 triệu người hiếu kỳ đến thăm tháp. Từ đó đến nay, theo ước tính, khoảng 300 triệu người từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về để có thể thực hiện giấc mơ “ôm ấp nhân tình ở ngọn Eiffel”*. Trừ 2 trận Đại Thế Chiến và gần 10 tháng gián đoạn vì đại dịch Covid-19 vừa rồi, mỗi năm, ngôi tháp này tiếp đón chừng 7 triệu người đến viếng thăm.
Vài công trình của Gustave Eiffel tại Việt Nam: Cầu Trường Tiền-Huế, Cầu Mống Sài Gòn
Nhận được huy chương cao quý Bắc Đẩu bội tinh ngay sau khi xây xong tháp, nhưng Gustave Eiffel đã không tránh khỏi búa rìu dư luận. Ngay khi mới khởi công xây dựng, hơn 50 thân hào, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ đã lên tiếng phản đối bằng cách gửi thư đến giám đốc công trình. Trong thư ngỏ in trên báo Le Temps đề ngày 14 tháng 2 năm 1887, có đoạn viết : “…Ngọn tháp lố bịch cao chót vót này, tựa một ống khói đen khổng lồ của nhà máy, sẽ chiếm lĩnh bầu trời Paris, và bằng sức nặng cục mịch của mình, đè bẹp Notre-Dame, Sainte-Chapelle, tháp Saint-Jacques, điện Louvre, vòm điện Invalides, Khải Hoàn Môn, tất cả những công trình kiến trúc của chúng ta bị sỉ nhục, bị thu nhỏ và sẽ biến mất trong cơn ác mộng này. Rồi trong suốt 20 năm nữa, chúng ta sẽ thấy chiếc bóng bỉ ổi như vết mực của cây cột bằng kim loại ghê tởm này tiếp tục đổ dài xuống khắp thủ đô…” Báo chí cũng không tha, với những bài viết có tựa đề giật gân: “Chưa xây xong, tháp sẽ đổ và đè chết cả ngàn người”, “Lên đến đỉnh tháp, khách viếng thăm sẽ chết ngạt”, “Thảm họa xảy ra khi tháp sẽ bị lún sâu xuống đất”… May mắn thay, những lời gièm pha kia đã không cản được quyết tâm của Eiffel, hợp đồng ban đầu giữa công ty của ông và thành phố Paris rồi cũng thực hiện: sau 20 năm, toà tháp không bị dỡ bỏ (dù đã có kẻ rắp tâm giả mạo hồ sơ để bán nó cho các cơ sở thu gom phế liệu!), ngược lại, từng được sử dụng để làm đài quan sát quân sự, trạm phát sóng truyền thanh, truyền hình, nơi đặt phòng thử nghiệm khí tượng cùng một số nghiên cứu khoa học khác, cũng như đang được website TripAdvisor xếp hạng 5 trong 10 địa điểm thu hút khách du lịch nhất thế giới. Mặt khác, vào ngày khánh thành, “ống khói đen khổng lồ của nhà máy” lại khoác một lớp sơn đỏ tươi rực rỡ, như để sẵn sàng chào đón những ngày hội hoa đăng sắp đến. Trong suốt hơn 130 năm, sau nhiều lần chuyển màu sơn từ đỏ son sang đỏ nâu, vàng nghệ, cam nâu, vàng nâu, cho đến màu “nâu Eiffel” đặc trưng, ngôi tháp này sẽ lại sắp thay màu áo trong vài năm sắp tới. Đó là ban ngày. Về đêm, tháp Eiffel lộng lẫy với dàn đèn chiếu từ chân đến đỉnh, soi rõ từng góc cạnh đan xen và thông thoáng như đăng-ten của công trình đặc sắc này. Từ loại đèn dùng hơi đốt soi dáng tháp ngày khánh thành đến đèn led hiện đại của thế kỷ XXI, thêm đèn pha trên đỉnh như một ngọn hải đăng, thêm kỹ thuật đèn nhấp nháy như một cây thông Giáng Sinh khổng lồ, những năm gần đây, được trang bị hệ thống đèn rọi từ mặt đất đặt chung quanh tháp, Eiffel có thể đổi màu cho phù hợp với các sự kiện đang diễn ra: đỏ rực mừng Tết âm lịch, nửa xanh dương nửa vàng như màu cờ Ukraine, hồng để ủng hộ chương trình chống ung thư vú… Vào dịp Quốc khánh 14 tháng 07, Eiffel về đêm chính là cái đinh của các buổi hoà nhạc và bắn pháo bông, trở thành biểu tượng, không chỉ riêng Paris, mà còn chung cho cả nước Pháp nữa!
Tượng Nữ thần Tự Do & tháp Eiffel bên sông Seine
Thật ra, Gustave Eiffel chỉ là người thực hiện. Chính 2 kỹ sư của công ty ông đã trình dự án dựng nên toà tháp này, Émile Nouguier và Maurice Koechlin, cùng với bản phác hoạ của kiến trúc sư Stéphen Sauvestre. Vì vậy, về sau, Eiffel được đánh giá là một doanh nhân, thầu khoán thành đạt, giỏi tính toán, kiên quyết “dám nói dám làm”, hơn là một kỹ sư đầy tài năng như thuở mới bước chân vào ngành xây dựng.
Tháp Eiffel trong khi xây dựng
Qua đời ở tuổi 91, ông không tái hôn dù vợ mất rất sớm, khi Eiffel mới ngoài 40. Ông bà có 5 mặt con, họ đều ít nhiều thừa hưởng được từ bên nội sự trường thọ, nên gia đình ông thuộc loại “con đàn cháu đống”, điều hiếm thấy nơi các gia đình Pháp sống nơi phố thị. 100 năm sau ngày mất, cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn tạo được nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nối tiếp. Ngoài bộ phim màn ảnh rộng “Eiffel” của Pháp sản xuất năm 2021, không ai có thể kể hết tên những bộ phim, vở kịch, quyển truyện, bài thơ, bức ảnh có nhắc đến tên ông, đến các công trình do ông và cộng sự xây dựng, nhất là ngôi tháp sừng sững giữa trời phía tả ngạn thủ đô, ngày đêm soi bóng dòng Seine:
Vén áo tháp cổ cao ngồng
hươu đứng giữa Paris
mắt sao trời đơn lạc…
(“De la tour” – Hoàng Xuân Sơn)
Tháp Eiffel về đêm
CN – Thiais 02.2024
* lời bài hát “Kể chuyện đi xa” của nhạc sĩ Phạm Duy
Thanh Phước sưu tầm