Monday, August 21, 2017
Phố Tây ở Việt Nam
Xu hướng người nước ngoài định cư, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam ngày càng tăng. Họ đến đây vì “đất lành chim đậu”, vì nhu cầu mưu sinh, hay chỉ là ý đồ “sống thử” để trải nghiệm? Dù là lý do gì, thì đó cũng là tín hiệu tích cực của một đất nước đang trên đường hội nhập. Từ năm 1995, ở các thành phố lớn của Việt Nam, phố “Tây” nhen nhóm và phát triển như những tụ điểm dân cư ngẫu nhiên, mang diện mạo và sắc thái riêng, rất sống động. Hiện ở Việt Nam có những phố “Tây” nổi tiếng như Ngã Tư Quốc Tế (Sài Gòn), Tạ Hiện (Hà Nội), Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang), Bạch Đằng (Đà Nẵng), Phạm Ngũ Lão (Huế), Trương Công Định (Đà Lạt)...
Ngôn ngữ bất đồng, tấm lòng rộng mở
Ngôn ngữ không hẳn là cánh cửa duy nhất của ngôi nhà toàn cầu. Trong thiên nhiên, nhiều lúc vạn vật lắng nghe, thấu hiểu, nhận biết nhau chỉ qua thị giác, xúc giác, hoặc sự thay đổi của thời tiết. Con người cũng vậy. Đôi khi nụ cười, ánh mắt, cử chỉ có khả năng truyền cảm, chuyển tải thông điệp, tinh tế, lắng đọng hơn cả lời nói. Dân “Tây” và dân “Ta” những năm đầu hội nhập cuối thế kỷ trước đã tận dụng tối đa những lợi thế đó để vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ, ẩm thực, tập quán, văn hóa, chính trị và cả những hận thù của chiến tranh để lại!
“Tây” có nhiều con đường lựa chọn để đến với “Ta”. Có thể là chuyến du lịch khảo cứu về phố cổ Hà Nội bởi sự mê hoặc của tranh “Phố Phái”. Có thể là sự tò mò khám phá miệt thương hồ miền Tây, vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, vịnh Nha Trang..., có một không hai trên thế giới. Có thể do nhu cầu tìm hiểu thị trường để đầu tư kinh doanh. Và có thể chỉ do ngẫu hứng “Lý ngựa ô”, “Lý qua cầu” của những kẻ vốn máu mê xê dịch!
Nhưng có lẽ “Tây” và “Ta” dễ kết nhau không như “Ta” và “Tầu”, một phần là do tính cách của người Việt. Tuy cùng hệ văn hóa Phương Đông nhưng dân Việt không nặng nề về tôn giáo, sắc tộc, tín ngưỡng, tập quán và đặc biệt là sẵn lòng cởi mở, thân thiện, bao dung. Đương nhiên, trong lúc kinh tế còn khó khăn, tiền “Tây” cũng tạo ra những dịch vụ tại chỗ cho người dân địa phương có việc làm, thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ những dịch vụ cao cấp như sân bay, bến cảng, sân gôn, khách sạn, nhà hàng đến các dịch vụ bình dân như chèo ghe thuyền, cho thuê xe đạp, xe máy, đánh giày..., đã tạo ra môi trường thuận tiện cho sinh hoạt thường ngày của du khách đến từ những nơi xa lạ. Trong khi đó, cùng với tiền bạc, dân “Tây” còn đem đến Việt Nam phong cách, lối sống, thói quen của xã hội văn minh, hiện đại, những sắc màu văn hóa riêng biệt của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới.
Dân “Tây” ngả mũ trước những món ăn, thức uống nơi quán cóc hay trên xe đẩy, gánh hàng rong trên hè phố của dân “Ta”, không phải vì giá cả hay chất lượng ẩm thực mà là sự thú vị, khác lạ của cuộc sống trên dải đất hình chữ S này. Chẳng hạn, cảm xúc khi uống cà phê, ăn phở ở phố cổ Hà Nội không giống ở phố cổ Hội An. Ở Hà Nội, vừa uống cà phê là vừa để quan sát, vừa để chiêm nghiệm. Ở Hội An uống cà phê là để lắng đọng và tĩnh tâm. Dạo phố đêm trên đại lộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn khác hẳn trên đại lộ Trần Phú – Nha Trang. Phố đêm Sài Gòn nồng nàn gió sông. Phố đêm Nha Trang miên man gió biển...!
Anh Bergeron quốc tịch Canada, hiện đang thuê căn hộ trên đường Bùi Viện – Ngã Tư Quốc Tế (Sài Gòn) cho biết anh đã “lập nghiệp” ở đây được 10 năm. Trong thời gian ấy, hai lần bố mẹ anh đã “triệu hồi” anh về nước, nhưng mỗi lần chỉ được vài tháng là anh lại nhớ Việt Nam “không thể chịu nổi”. Begeron vốn là bác sỹ chuyên khoa tâm lý nên anh có điều kiện tiếp xúc với nhiều người Việt có nghề nghiệp, lứa tuổi, vùng miền khác nhau. Qua sự tiếp xúc ấy càng nhân lên trong anh sự khám phá đất nước này. Begeron nói rằng, mỗi năm anh dành một tháng để du lịch các địa danh nổi tiếng và những thành phố lớn của Việt Nam. Những điểm du lịch mà Begeron thường lui tới thường xuyên là phố “Tây” Trương Công Định ở Đà Lạt và phố “Tây” Phạm Ngũ Lão - Huế, vì ở hai nơi đó anh có nhiều bạn bè thân tín và những kỷ niệm đẹp.
Những cư dân phố “Tây” ở Việt Nam ngày càng nhiều, họ ngày càng gần gũi, thân quen với người Việt, xã hội Việt. Phố “Tây” thực sự đã tô điểm những gam màu mới lạ cho không gian cuộc sống thị thành. Phố “Tây” không chỉ là nơi giải trí, thư giãn, hưởng thụ của người nước ngoài, nó còn là môi trường làm việc, học tập, kinh doanh chuyên nghiệp. Quán sách Randys Book Xchange nằm trong con hẻm nhỏ gần cầu Cẩm Nam, ở phố cổ Hội An của ông chủ Rady người Mỹ, có lẽ là quán sách độc đáo nhất Việt Nam. Thoạt nhìn, quán sách như một ngôi nhà bình thường, khuất lấp trong con hẻm nhỏ, yên tĩnh, nhưng bên trong là một không gian văn hóa đọc khá hiện đại. Các đầu sách cùng hạng, đồng giá 80.000đ một cuốn. Khách hàng cũng có thể đổi sách lấy sách, tỷ lệ tùy theo giá trị của mỗi cuốn. Randys Book Xchange được bình chọn là một trong 10 quán sách tốt nhất châu Á.
Phố “Tây” Nha Trang nằm trên bốn tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật – Hùng Vương – Trần Phú – Biệt Thự, là một trong những phố “Tây” thân thiện, hào hoa, lãng mạn, hiền hòa nhất Việt Nam. Gió biển Nha Trang cùng với lòng người bản xứ, đã lôi cuốn công dân của hầu hết các châu lục tới đây sinh sống, lập nghiệp. Nhà hàng Cafe Desami (đường Biệt Thự), quán LitLe Italia (đường Nguyễn Thiện Thuật), tiệm ăn La Core (đường Hùng Vương)..., và hàng chục nhà hàng, tiệm ăn khác trong khu phố “Tây” phục vụ hàng trăm món ăn theo khẩu vị Âu, Á, Phi, Ấn, Nhật với giá cả phải chăng, chất lượng hoàn hảo. Rất nhiều nhà hàng, tiệm ăn ở khu phố “Tây” Nha Trang do người nước ngoài làm chủ. Chẳng hạn, tiệm ăn Oto San trên đường Nguyễn Thiện Thuật là của một công dân Nhật Bản. Rượu Shochu, Sake với giá 40.000 đồng một ly 180ml. Các món Sushi chế biến từ hải sản tươi sống có giá từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng một suất. Món ăn, đồ uống do người Nhật chế biến, phục vụ cũng từ nguyên liệu, thực phẩm thông thường nhưng luôn đem lại cho thực khách sự tin cậy, ngưỡng mộ. Xứ sở của “Hoa Anh Đào”, của đất nước “Mặt Trời Mọc” đã truyền cảm hứng cho thực khách, cho người Việt về triết lý sống, về văn hóa doanh nhân, cũng thâm thúy như triết lý trà đạo của họ vậy!
Phố Tây, hồn Việt
Hầu hết các phố “Tây” ở Việt Nam đều không xuất hiện ở các khu đô thị mới, hiện đại mà nó thường nằm trong các khu phố cổ, nơi còn lưu giữ hồn cốt và những trầm tích văn hóa của phố thị xa xưa. Có lẽ do đẳng cấp văn hóa, nên đa số dân “Tây” sành điệu thường không phô trương thói trưởng giả hào nhoáng. Họ đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư với phong cách giản dị của đời thường. Họ đến Việt Nam để mục đích khám phá nét độc đáo mới mẻ nào đó của con người phương Đông, hoặc để chiêm ngưỡng, thụ hưởng cảnh quan thiên nhiên miền nhiệt đới. Họ đến Việt Nam để nghiên cứu những di chỉ văn hóa còn sót lại của các triều đại phong kiến... Với dân “Tây” Pháp, Mỹ, đến Việt Nam, họ còn mong muốn tìm kiếm hoài niệm về dĩ vãng của ông cha, anh em, bè bạn họ đã lưu dấu buồn vui ở xứ sở này trong những thế kỷ trước.
Hà Nội có hai khu phố “Tây”. Khu phố “Tây” phố cổ (Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến – Đinh Liệt – Nhà Thờ - Lý Quốc Sư - Ấu Triệu) chủ yếu tập trung khách vãng lai. Họ đến đây để “mua” những khoảnh khắc hào hoa, lãng đãng của Hà Thành, để lắng nghe âm hưởng của “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Kiến trúc phố cổ, phong thủy Hồ Gươm, món ăn đường phố đã quyến rũ họ, lưu bút họ.
Phố Tạ Hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn nét đẹp thâm trầm cổ kính của tường phố màu vàng, ô cửa màu xanh, mái phố rêu phong, cùng với với hương vị của bia cỏ, nem chua, khoai rán, chim quay. Ở đây, điểm xuyết những kiến trúc mới với qui mô nhỏ, là các nhà hàng, quán cafe, cửa hàng lưu niệm, theo phong cách “Tây” hiện đại, hài hòa với không gian phố cổ, càng hấp dẫn thêm du khách Mỹ, Âu trong các buổi tối đẹp trời.
Khu phố “Tây” Hồ Tây, còn được gọi là phố “Tây” Xuân Diệu, chủ yếu tập trung dân “Tây” thường trú lâu dài để công tác, học tập, kinh doanh ở Hà Nội. Ở đây có không gian sống phố thị hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Một bên Tây Hồ, một bên Hồng Hà, ở giữa là những biệt thự, nhà hàng sang trọng như Saiint Homore, My Way, Blue Bird, Bobby Chinn... Nhà hàng Don S ở khu phố “Tây” Xuân Diệu từng lọt vào top 50 nhà hàng tốt nhất châu Á.
Về mùa thu, phố “Tây” Nhà Thờ có sức hút mãnh liệt nhờ cảnh quan xung quanh Hồ Gươm, bởi nó khơi gợi phân vân những buồn vui không tên cho lữ khách. Có lẽ, ai cũng phải thổn thức khi nghe tiếng chuông thờ vang lên trong không gian phố cổ, ai cũng phải nao lòng ngắm mặt hồ xanh đờ đẫn phủ nhẹ sương mờ, ai cũng phải mơ màng khi bắt gặp lộc vừng rủ bóng, Thê Húc nghiêng soi trên gương nước chiều thu. Phố “Tây” Nhà Thờ thường tụ bạ “Tây” trẻ và cả “Ta” trẻ. Họ là những cư dân đang trẻ nên khoái kem dừa Thái, bánh gạo cay, trà chanh chém gió. Ở đây cũng phục vụ các món ăn Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha. Một số kiến trúc khá đẹp và sang trọng như Runam, Paris Deli, Boutique..., càng làm cho phố “Tây” Nhà Thờ buộc dân “Tây” không quên hẹn ngày trở lại!
Phố “Tây” Ngã Tư Quốc Tế - Sài Gòn có lẽ là phố “Tây” náo nhiệt, đông đúc và vui vẻ nhất nước Việt. Cái tên “Ngã Tư Quốc Tế” không có trong địa danh hành chính mà là cái tên dân gian do người Sài Gòn đặt từ trước năm 1975, gọi riết thành quen. Cái tên ấy đã gợi lên tính xã hội học về hiện tượng hợp chủng quốc quần cư, ở khu phố này. Ngã Tư Quốc Tế bao gồm đường Phạm Ngũ Lão, đường Bùi Viện và đường Đề Thám. Đầu thập kỷ 1960, Ngã Tư Quốc Tế còn nổi tiếng bởi nó là địa bàn hoạt động bảo kê cốt lõi, béo bở của tứ đại vương giang hồ “ Đại, Tỳ, Cái, Thế” (Tên cúng cơm của các ông trùm bốn băng giang hồ khét tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ).
Ngã Tư Quốc Tế có vị trí đắc địa vì nó ở trung tâm quận Nhất, liền kề với công viên, khách sạn, thương xá, các tụ điểm giải trí, thuận tiện giao lưu, di chuyển và giá cả lại khá mềm. Hiện nay, riêng khu phố “Tây” này có tới hơn 400 khách sạn, nhà nghỉ, mỗi ngày đón tiếp gần 2500 khách nước ngoài lưu trú. Ngã Tư Quốc Tế có cả loại hình khách sạn giường tầng phục vụ “Tây Ba Lô”, với giá “bèo”, chỉ có 60.000 đồng một đêm. Các dịch vụ cho thuê xe đạp, xe gắn máy, xế hộp, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch rất thuận tiện, giá cả phải chăng.
Ưu thế của Sài Gòn là có nhiều sân chơi cho dân “Tây”. Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Tao Đàn, Thảo Cầm Viên, hai bờ sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, địa đạo Củ Chi, Đầm Sen, Suối Tiên, phố nướng, phố ốc đêm, vũ trường, quán bar..., là những địa chỉ quen thuộc, hấp dẫn du khách.
Người nước ngoài cư trú lâu dài ở Sài Gòn thường rất dễ dàng chọn chỗ ở thuận tiện, phù hợp với túi tiền. Nếu là thiếu gia thì chọn đường Phạm Văn Hai, đường Cộng Hòa, đường Lũy Bán Bích... Nếu là đại gia thì chọn Phú Mỹ Hưng, Thanh Đa, Thủ Thiêm... Nếu “Tây” đến Hà Nội để hội thảo, hội nghị hay thưởng lãm thì “Tây” đến Sài Gòn để làm ăn, du hý và thuận tiện về miền Tây vui thú với sông nước, kênh rạch, nhà vườn hay vượt biển ra Côn Đảo, Phú Quốc, xuống Vũng Tàu, ra Mũi Né, ngược lên Đà Lạt, mỗi dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần.
Ở Huế, phố Tây chỉ tập trung ở đường Phạm Ngũ Lão, qui mô nhỏ hơn nhiều so với các phố “Tây” của các thành phố Nam Trung Bộ khác như Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết. Đường Phạm Ngũ Lão chỉ dài 200 mét, tiếp giáp với đường Lê Lợi và đường Võ Thị Sáu, thuộc bờ Nam của sông Hương. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đã qui hoạch bờ Nam sông Hương thành khu đô thị hiện đại với ý tưởng tạo ra không gian kiến trúc tương phản với thành quách cổ kích của bờ Bắc sông Hương. Các nhà hàng, quán cafe dành cho dân “Tây” đến Huế thường được thiết kế, trang trí để tôn thêm vẻ trầm mặc, tao nhã, thong dong của miền đất kinh kỳ. Sông Hương, lăng tẩm, đền đài, giọng Huế, mưa Huế, ẩm thực thuần Huế, cùng với nhã nhạc cung đình, nhạc Trịnh..., vẫn luôn tạo ra sức hấp dẫn kỳ lạ, mê mị, nhất là đối với dân “Tây” đến từ lục địa già.
Những năm tới đây, với những hiệp định song phương, đa phương, xuyên lục địa, đặc biệt là Hiệp định thương mại TPP, được thực thi, chắc chắn phố “Tây” ở Việt Nam ngày càng nhộn nhịp, đông vui.
Đến một lúc nào đó, trong các thành phố Việt, rất có thể “Ta” và “Tây” cùng chung địa chỉ của dòng chảy cảm xúc nhớ quê, nhớ nhà, cùng thầm thì hát những ca từ bình dị mà sâu lắng : “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó...”!
Ngô Quốc Túy