Affichage des articles dont le libellé est Nghệ thuật cảm ơn trong 45 giây của sao đoạt giải Oscar. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Nghệ thuật cảm ơn trong 45 giây của sao đoạt giải Oscar. Afficher tous les articles

jeudi 20 mars 2014

Nghệ thuật cảm ơn trong 45 giây của sao đoạt giải Oscar

Oscar không chỉ là nơi tôn vinh các tài năng điện ảnh mà còn là nơi thể hiện tính cách, văn hóa của các ngôi sao qua những bài phát biểu nhận giải.



Bài phát biểu nhận giải Oscar là một trong những chủ đề văn hóa có sức ảnh hưởng lớn ở Hollywood hàng chục năm qua. Và tác động của chúng vượt xa đêm trao giải. Mỗi một ngôi sao đều cần đúc rút kinh nghiệm cho mình, để có thể xử lý tốt khi đứng trước một khán phòng đông đúc bạn bè, đồng nghiệp và khán giả.
Các bài ca ngợi thái quá, đề cao cá nhân hoặc khiêm tốn giả hiệu, sự căng thẳng khi phát biểu và sự chuẩn bị quá kỹ lưỡng (hoặc không) đều có thể bộc lộ, ngay cả với những người đã thành danh.

Từ trái qua: Tom Hanks, Angelina Jolie và Roberto Benigni khi nhận giải Oscar.
Từ trái qua: Tom Hanks, Angelina Jolie và Roberto Benigni khi nhận giải Oscar.
Những bài phát biểu thời kỳ đầu Oscar thường khá thoải mái vì vậy cũng xuất hiện nhiều "bài phát biểu thảm họa" hơn. Greer Garson nói trong 5 phút rưỡi tại Oscar năm 1943, sau khi thắng Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai diễn trong phim Mrs. Miniver. Olivia de Havilland lập kỷ lục vào năm 1947 khi cảm ơn tới 27 người trong bài phát biểu cho phim To Each His Own.
Melissa Leo bắt đầu bài phát biểu ba phút bằng việc đi đi lại lại trước mặt Kirk Douglas - người giới thiệu giải thưởng - và văng một từ tục tĩu. Angelina Jolie không kiềm chế được cảm xúc đến nỗi nói: "Lúc này tôi rất yêu anh trai mình" trên sân khấu. Còn James Cameron say sưa nói về... James Cameron. Ông mở đầu bài phát biểu của mình khi Titanic giành 11 giải Oscar bằng câu nói: "Tôi không biết các bạn, nhưng tôi đang có khoảng thời gian rất tuyệt vời", và kết thúc bằng câu: "Tôi là vua của thế giới".
Ngày nay, thời gian phát biểu nhận giải bị hạn chế hơn. Các đề cử Oscar năm nay được yêu cầu nói trong 45 giây. Vậy, làm cách nào để có bài phát biểu nhận giải ấn tượng? Theo New York Times, dưới đây là những điều sao cần biết.
Chuẩn bị: Leigh Steinberg - một quản lý cao cấp trong lĩnh vực thể thao - cho rằng, lỗi lớn nhất của những người có khả năng chiến thắng là không chuẩn bị. "Nó dẫn tới việc bỏ phí thời gian, nhầm lẫn, hoặc quá xúc động. Do đó những gì phát ra khỏi miệng bạn không mạch lạc, và âm thanh của bạn trở nên ngớ ngẩn". Leigh Steinberg thường yêu cầu các khách hàng của mình, nếu họ có 25% cơ hội chiến thắng, hãy bắt đầu nghĩ về những thông điệp mà họ muốn truyền tải.
Cá nhân hóa: Những bài phát biểu truyền hình tại Oscar và Super Bowl luôn thu hút lượng lớn khán giả nữ, bởi vậy Leigh Steinberg nhắc nhở các sao nên chú ý trình bày những chi tiết về "gia đình, bệnh tật hay tình huống mà bạn đã phải trải qua, bất cứ điều gì phải làm cho từ thiện, bất cứ điều gì làm cho thế giới tốt đẹp hơn". Mục tiêu là cho người xem một cái nhìn thoáng qua - bạn là ai.
Leigh Steinberg nói, điều quan trọng là lay động cảm xúc của khán giả. "Người xem cần kết nối cảm xúc với diễn viên, vận động viên. Họ cần nghĩ rằng ngoài những màn trình diễn trên sân khấu, đây còn là một con người tuyệt vời. Rằng tôi sẽ xem các bộ phim của người đó, tôi sẽ mua các kỷ vật của họ".
Cảm ơn nhưng không thái quá: Nếu không biết chọn lọc, lời cảm ơn của bạn sẽ trở nên giảm giá trị, người được cảm ơn sẽ cảm thấy kém hãnh diện hơn. Những lời nhàm chán không kết nối bạn với khán giả. Tệ hơn, bạn sẽ nhận được nhiều sự giận dữ từ những người bị bỏ sót hơn là sự hân hoan từ những người được nhắc đến.
Rachel Shukert là tác giả của series sách Starstruck dành cho thanh thiếu niên. Ba năm qua, cô làm tổ chức sự kiện ở Manhattan, Mỹ. Shukert nói: "Bạn không nên chiều lòng tất cả mọi người bạn từng gặp". Thay vào đó, hãy dành sự đặc biệt cho gia đình. "Bất cứ bạn làm gì, đừng quên cảm ơn chồng, vợ của bạn, bởi nếu không, ngày hôm sau, trên các trang báo lá cải sẽ tràn ngập thông tin bạn chuẩn bị ly hôn", Rachel Shukert nói.
lupita2.jpg
Trong bài phát biểu cảm ơn khi thắng Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho vai diễn trong bộ phim về nô lệ "12 Years A Slave", nữ diễn viên Lupita Nyong’o nói: "Bất kể bạn đến từ đâu, giấc mơ của bạn luôn có giá trị".
Phi chính trị: "Bạn giành được một giải thưởng về diễn xuất. Không ai yêu cầu bạn cung cấp hiểu biết về Thượng viện", Rachel Shukert nói. Nhưng nếu bạn thắng giải ở một bộ phim có đề tài nhạy cảm, nên nhắc đến nó một cách tự hào. "Matthew McConaughey thực sự thiếu sót trong bài phát biểu tại Quả Cầu Vàng vì không đả động gì về căn bệnh AIDS. Và nếu bạn giành chiến thắng cho 12 Years A Slave mà không nói bất cứ điều gì về phân biệt chủng tộc, bạn sẽ trông giống một tên ngốc", Rachel Shukert nói.
Chân thành (khi không thể có được điều đó, phải diễn như là thật): Judy Smith là một nhà tư vấn quản lý khủng hoảng, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ George Bush và là nguồn cảm hứng cho bộ phim truyền hình Scandal. Bà đã giúp những người nổi tiếng giải quyết các vụ chia tay, các vấn đề liên quan tới ma túy hay lái xe dưới ảnh hưởng của cồn. Bà cho biết, khoảnh khắc dưới ánh đèn sân khấu là một cơ hội tuyệt vời để được thành thật.
"Cách tốt nhất để trở nên chân thành là hãy thực sự chân thành", bà Smith nói. Nhưng bên cạnh đó có một vài thủ thuật. Đầu tiên, ngừng lại giây lát. "Bề ngoài, nó khiến mọi người cảm thấy như bạn đang thực sự xúc động". Thứ hai, suy nghĩ trước khi cất lời nói. Hãy nói vài điều, đại loại như: "Ôi, lạy Chúa tôi, tôi thực sự choáng ngợp. Tôi không biết phải nói gì". Điều này cho bạn thêm thời gian để lấy bình tĩnh cho bản thân và nói những gì dự định.
Bà Smith nhấn mạnh, cuộc sống hiện đại tràn ngập các kết nối ảo. Khi bạn lên sân khấu, mục tiêu của bạn nên là kết nối. “Những phương thức kết nối ngày nay rất giả dối. Mọi người chia tay nhau qua tin nhắn. Khi bạn ở trong một khoảnh khắc vĩ đại như thế, bạn hãy làm cho mọi người gần gũi hơn với mình”.
"Nếu bạn có thể làm điều đó", Judy Smith nói, "bạn sẽ là một ngôi sao".
Song Ngư