Ông là Trương Văn Kiềm (64 tuổi), người địa phương hay gọi là ông Tư Kiềm, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Một ngày đầu Tháng Mười Hai, cạnh bờ sông Hậu, thuộc ấp Phước Lộc, phường Tân Lộc, ngay từ sáng sớm đã rôm rả tiếng nói cười hòa lẫn tiếng cưa, khoan, tiếng đóng đinh, tiếng tôn va vào nhau xoang xoảng, ông Tư Kiềm cùng mọi người trong đội xây nhà từ thiện đang dựng nhà cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại đây.
Phía nhà trên, tiếng của chị Nguyễn Thị Út, người được tặng nhà, vang lên: “Mấy chú rửa tay, vô ăn cơm. Vợ chồng con dọn cơm rồi.” Ngồi vắt vẻo trên nóc căn nhà đang xây, ông Tư Kiềm nói vọng xuống: “Mấy anh em ráng làm thêm chút để hai vợ chồng dọn vào sớm. Chứ mưa xuống, hai đứa nhỏ còn ở trong căn nhà dột nát thì tội lắm… Anh Hai ngó coi miếng tôn nó có bằng chưa?”
Phía dưới nhiều người cũng làm việc không nghỉ, người cắt tôn, người dựng vách, người đóng đinh, xẻ gỗ, ai cũng đầm đìa mồ hôi. 12 giờ, đội thợ xây mới chịu nghỉ tay vào ăn cơm.
Nhìn mâm cơm đã được bày sẵn từ lâu, một người trong đội thốt lên: “Ái cha, chủ nhà đãi cơm ngon quá, mấy anh không nhanh tay tôi ăn hết phần ráng chịu à!” Nhưng bữa cơm ngon ấy chỉ là vài miếng tàu hủ chiên và một tô canh chua cũng toàn tàu hủ và mấy cọng rau. Ấy vậy mà ai cũng tấm tắc khen ngon.
Ông Tư Kiềm cho biết, để có được bữa cơm như thế chủ nhà cũng đã tốn kém rồi. Nếu gia chủ không có khả năng lo cơm thì đội của ông cũng tự bỏ tiền túi ra mua cơm ăn chứ không đòi hỏi gì.
“Biệt đội” xây nhà từ thiện Tư Kiềm làm nhà cho một hoàn cảnh khó khăn tại ấp Phước Lộc. (Hình: Pháp Luật TPHCM)
Nói về hành trình xây nhà miễn phí cho người nghèo không biết mệt mỏi của mình, ông Tư Kiềm kể lại, cỡ 14 năm rồi, hồi đó trong lúc đi tìm thuốc nam từ thiện, ông thấy một bà lão ở một mình trong căn nhà bị sập bếp. Người con trai kêu mẹ đi đốn cây về cho anh ta sửa lại nhưng bà lão làm sao đốn cây nổi nên bị con mắng nhiếc. “Từ đó, tôi nguyện với lòng phải làm gì đó để những người già neo đơn có nơi trú ngụ an toàn,” ông Tư kể.
Và cũng từ đó ông Tư về nhà tự lập trại mộc, tự bỏ tiền túi mua cây, mua tôn về xây nhà từ thiện cho những hoàn cảnh nghèo khó. Cứ biết hoàn cảnh nào khổ là ông Tư chủ động tìm đến giúp đỡ, không chỉ ở địa phương mình mà bất kỳ nơi đâu trong khu vực miền Tây, nơi đâu cần nhà là ông Tư đến “cho” nhà.
Mặc dù là nhà cây, vách tôn nhưng chi phí cũng từ 10 đến 15 triệu đồng (khoảng $660) mỗi căn. Bao nhiêu tiền con cái chu cấp hằng tháng, ông Tư gom hết đi mua gỗ về làm nhà miễn phí cho người nghèo.
“Ban đầu chỉ có một mình tôi làm. Thấy tôi mua cây nhiều quá, mọi người nói tôi xây cất nhà cửa kinh doanh chứ không tin tôi làm từ thiện. Lúc đó tôi không giải thích gì mà nghĩ mình làm thì người ta sẽ thấy thôi. Người nghèo có được nơi trú mưa trú nắng là mình ấm lòng rồi, đêm về ngủ ngon lắm,” ông Tư Kiềm nói.
Một, hai, ba rồi nhiều căn nhà được ông Tư dựng lên. Thấy vậy, nhiều người trong xóm tự động tham gia. Ông Lê Hồng Tuấn (58 tuổi), phường Tân Lộc, cho biết: “Hồi đầu năm nhờ anh Tư mà vợ chồng con trai tôi có được căn nhà trú mưa trú nắng. Thấy việc làm của ảnh có ý nghĩa quá nên tôi gia nhập luôn, phần để trả ơn, phần để giúp đỡ những hoàn cảnh như con mình. Mình già rồi, không làm gì được thì góp chút công sức cho xã hội,” ông Tuấn nói.
Số lượng thành viên trong đội không cố định vì đa số là nông dân, thời gian rảnh họ đi theo ông Tư xây nhà từ thiện. Tuy nhiên, mỗi công trình cũng không dưới 10 người tham gia.
Cứ thấy truyền hình phát một mảnh đời bất hạnh là ông Tư ghi chú rồi về bàn bạc với mấy người bạn tổ chức quyên góp, vận động, lên kế hoạch tặng nhà cho người đó. Cứ như thế, 14 năm qua ông Tư Kiềm cùng “biệt đội” của mình đã trao tặng khoảng 300 “mái ấm” cho người nghèo khắp các tỉnh, thành miền Tây.
Trong bộ quần áo lấm lem vết bẩn, đưa mắt nhìn về căn nhà sắp dựng xong, ông Tư Kiềm chia sẻ: “Không biết mình còn xây được bao nhiêu căn nhà nữa nhưng tôi sẽ làm đến khi nào không còn sức.” (Tr.N)