NHẠY CẢM VÀ ĐAU KHỔ
Daniel Berrigan từng viết một câu nói bất hủ: “Trước khi thật tâm theo Chúa Giêsu, trước hết bạn hãy xem thử mình, khi nhìn vào bên trong, sẽ tốt đẹp được đến đâu!”
Khi nói thế là ông đang cố nêu bật một chuyện thường bị hiểu lầm sâu sắc từ mọi khía cạnh, cụ thể là tại sao và thế nào mà một tôn giáo đích thực lại đem đau khổ đến cuộc đời chúng ta.
Một mặt, chuyện quá phổ biến là niềm tin rằng nếu bạn chào đón Thiên Chúa vào đời mình, thì bạn sẽ có một đường đi dễ dàng hơn trong đời, Chúa sẽ cho bạn tránh khỏi nhiều bệnh tật và đau khổ thường tác hại lên người khác. Ngược lại, nhiều người lại nuôi cảm giác, thậm chí là một niềm tin rằng Thiên Chúa muốn cho chúng ta đau khổ, rằng có một mối ràng buộc cố hữu giữa đau khổ và chiều sâu, rằng càng đau đớn thì càng có tinh thần thiêng liêng. Tất nhiên, có phần nào sự thật thâm sâu trong đó, chiều sâu thiêng liêng liên kết bất phân ly với đau khổ, và Thập giá Chúa Kitô đã biểu lộ điều này, cũng như Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa thanh luyện những người đến gần Ngài. Nhưng có vô số cách hiểu lầm điều này.
Chúa Giêsu nói rằng chúng ta phải mang lấy thập giá hằng ngày mà theo Ngài, và rằng theo Ngài nghĩa là chấp nhận một đau khổ đặc biệt. Nhưng chúng ta sẽ hỏi: Tại sao lại thế? Tại sao khi chúng ta chú tâm vào Chúa Giêsu thì đau khổ đi sâu vào cuộc đời chúng ta hơn? Và điều ngược lại có đúng hay không? Một tôn giáo thật đi ngược lại với bản tính thịnh vượng của chúng ta hay sao? Chẳng lẽ đau khổ là thâm sâu còn vui mừng là nông cạn? Và, chuyện này nói lên điều gì về Thiên Chúa? Thiên Chúa ái khổ ư? Tại sao Thiên Chúa muốn và đòi chúng ta phải đau khổ? Tại sao nhất thiết một dòng chảy đau đớn phải đi kèm với việc thật tâm theo Chúa?
Đau đớn sẽ đổ sâu trong chúng ta hơn khi chúng ta thật tâm theo Chúa, không phải bởi Thiên Chúa muốn thế hay bởi đau đớn thì có phúc hơn vui mừng. Không phải như vậy. Đau khổ và đau đớn không phải là điều Chúa muốn, chúng là nhưng thứ tiêu cực, bị xóa sổ trên thiên đàng. Nhưng, khi chúng ta thật tâm theo Chúa, chúng sẽ đổ tràn sâu hơn trong đời chúng ta là bởi khi thật sự mở ra với Thiên Chúa, chúng ta sẽ không cố níu giữ sự bảo vệ sai lầm cho bản thân mình, và như thế sẽ nhạy cảm hơn để cuộc đời đổ đầy vào chúng ta cách tự do và sâu sắc hơn. Trong sự nhạy cảm đó, chúng ta sẽ thôi vô thức vặn vẹo mọi thứ để nhằm giữ cho mình được an toàn và không phải đau đớn. Nói đơn giản, chúng ta sẽ cảm nghiệm một đau đớn sâu sắc hơn trong đời, bởi chúng ta nhạy cảm hơn, sẽ cảm nghiệm mọi sự sâu sắc hơn.
Ngược lại cũng đúng. Nếu ai đó, quá vô cảm, trơ như đá, thì sự vô cảm của người đó sẽ khiến họ miễn nhiễm và những đau khổ và đau đớn của người khác hiếm khi làm phiền họ. Tất nhiên, người đó cũng sẽ không cảm nghiệm được ý nghĩa và niềm vui một cách thật sâu sắc, và đó là cái giá của sự vô cảm.
Vài năm trước, Michael Buckley, tu sỹ dòng Tên ở California, đã giảng trong thánh lễ đầu tay của một linh mục. Trong bài giảng, cha Buckley không hỏi linh mục tân chức rằng liệu cha có đủ mạnh để làm linh mục không, mà lại hỏi liệu cha có đủ yếu để làm linh mục hay không. Khi chỉ ra nghịch lý này, cha Buckley giúp trả lời câu hỏi: tại sao đến gần với Chúa hơn lại cũng có nghĩa là đến gần với đau khổ hơn. Liệu người này có đủ bất lực để không thể gạt đi những đau khổ lớn trong đời mình, để sống với một sự thất bại nhất định, để cảm nhận thế nào là một con người bình thường? Liệu cuộc đời của cha có những bối rối, nghi hoặc bản thân, hay dằn vặt trong lòng? Liệu cha có phải đương đầu với sợ hãi, có những lúc nản lòng, hay chấp nhận hạ bớt những kỳ vọng của mình?
Rồi cha Buckley tiếp tục so sánh giữa Socrates và Chúa Giêsu, nêu bật rằng Socrates bằng nhiều cách kêu gọi muốn có con người mạnh mẽ hơn. Như Chúa Giêsu, Socrates cũng bị kết án tử hình một cách bất công, nhưng không như Chúa Giêsu, ông không bao giờ sợ hãi và run rẩy hay “đổ mồ hôi máu” trước cái chết của mình. Ông uống thuốc độc và bình thản ra đi. Còn như chúng ta biết, Chúa Giêsu không trải qua cái chết với sự bình thản như vậy.
Một phán xét hời hợt, sẽ nói rằng phản ứng khác nhau là bởi cách chết khác nhau, đóng đinh thập giá thì kinh khủng hơn uống thuốc độc nhiều. Nhưng, dù lập luận này có phần đúng, nhưng không phải là nguyên do thật sự. Tại sao Chúa Giêsu đấu tranh vật lộn hơn Socrates trong cái chết? Bởi sự nhạy cảm vô cùng của Ngài. Chúa Giêsu đơn giản là ít khả năng hơn trong việc bảo vệ khỏi nỗi đau. Ngài cảm nhận mọi sự thật sâu sắc và hệ quả là dễ mẫn cảm với đau đớn thể xác và tinh thần, nhạy cảm hơn với sự chối bỏ và khinh dễ của con người, xúc động hơn trước tình yêu và thù ghét.
Socrates là là một con người vĩ đại và anh hùng, nhưng không như Chúa Giêsu đã khóc thành Jerusalem, ông không bao giờ khóc thương Athens, không bao giờ biểu lộ nỗi buồn sầu và đau đớn khi bị bạn bè phản bội. Ông mạnh mẽ, tự chủ, bình thản, và không bao giờ xúc động quá mức. Còn Chúa Giêsu, lại yếu hơn trong việc bảo vệ mình khỏi những đau đớn, và hệ quả là, đôi khi Ngài xúc động tột cùng.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
Ngọc Nga vá T.Anh sưu tầm