Sức hút đặc biệt của Tổng thống Thái Anh Văn: Một ‘Nữ Trung Anh Kiệt’ của Đài Loan
https://www.ntdvn.com/doi-song/tong-thong-thai-anh-van-vo-tac-thien-cua-dai-loan-30819.html
Minh Anh • 09:33, 17/04/20
Người dân Đài Loan đã sáng suốt khi để bà Thái Anh Văn tái đắc cử. Một người phụ nữ giản dị nhưng đầy khí phách, có thể khiến nguyên thủ quốc gia các nước lớn phải… nghiêng mình kính nể. (Ảnh: Getty)
Sáng 1/4/2020, bà Thái Anh Văn dõng dạc tuyên bố: “Tôi muốn nói với cộng đồng quốc tế rằng Đài Loan sẽ tích cực tăng cường hợp tác với tất cả quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán. Ở giai đoạn này, chúng tôi sẽ quyên góp 10 triệu khẩu trang để hỗ trợ nhân viên y tế ở các quốc gia nơi dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng. Sau đó, chúng tôi sẽ cung cấp nhiều hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng quốc tế dựa trên năng lực sản xuất của mình”.
Có ai ngờ rằng, một quốc đảo nhỏ bé lại chống dịch thành công sớm nhất thế giới, và hào phóng sản xuất khẩu trang hỗ trợ các nước thiếu hụt vật tư y tế?
Có ai ngờ rằng, một dân tộc vốn bị lép vế và kìm kẹp trong nhiều năm bởi Trung Quốc lại có thể tận hưởng những giá trị tự do, hạnh phúc và thịnh vượng?
Có ai ngờ rằng, một nữ Tổng thống lại có thể tạo nên những kết quả xuất sắc cho nền dân chủ Đài Loan như bà Thái Anh Văn?
Người dân Đài Loan đã chứng minh quyết định của mình là sáng suốt khi để bà Thái Anh Văn giữ chức Tổng thống trong hai nhiệm kỳ. Một người phụ nữ giản dị nhưng đầy khí phách, có thể khiến nguyên thủ quốc gia các nước lớn phải… nghiêng mình kính nể.
Sức hút của bà đến từ đâu?
Tổng thống Thái Anh Văn – một người phụ nữ giản dị nhưng đầy khí phách, có thể khiến các nguyên thủ quốc gia các nước lớn phải… nghiêng mình kính nể. (Ảnh: Getty)
Ý thức kỷ luật ngay từ khi còn bé
Bà Thái Anh Văn sinh ngày 31/8/1956 tại huyện Bình Đông, Đài Loan. Bà là con út trong một gia đình có tới 11 anh chị em. Công việc kinh doanh của gia đình bà thuận lợi nhờ xưởng sửa chữa ô tô của người cha, nhưng ông lại chỉ cho con đi học ở trường công, với mục đích giúp con gái mở rộng các mối quan hệ xã hội.
Trong một bài phỏng vấn tại Đài Loan năm 2015, bà từng chia sẻ về cuộc sống gia đình thuở nhỏ: “Cha tôi kỳ vọng nhiều ở tất cả các con. Tuy nhiên ông thường rất thất vọng mỗi khi tôi không đạt điểm cao nhất ở mọi bài thi. Ông đối xử với tôi không giống như với các anh chị”. Vì vậy, bà luôn độc lập, tự chủ và kỷ luật trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của gia đình, cộng thêm phương pháp giáo dục nghiêm khắc của cha, bà Thái đã trui rèn nên những đức tính: chuyên nghiệp, năng động, bền bỉ và chăm chỉ.
Năm 1978, bà Thái tốt nghiệp khoa Luật của Đại học Quốc lập Đài Loan, rồi tiếp tục theo học tại Đại học Cornell, New York để lấy bằng thạc sĩ Luật năm 1980; sau đó bà hoàn thành chương trình Tiến sĩ Luật tại Trường Kinh tế London năm 1984. Nền tảng học luật mang đến cho bà một tư duy sắc sảo, mạch lạc và nhạy bén.
Nền tảng học luật mang đến cho bà Thái Anh Văn một tư duy sắc sảo, mạch lạc và nhạy bén. (Ảnh: Getty)
Trở về Đài Loan, bà tham gia công tác giảng dạy tại các trường đại học trong một thời gian dài. Sự nghiệp chính trị của bà mới chỉ bắt đầu hơn 15 năm trước, thời điểm bà được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng các vấn đề Đại lục.
Là người sống nội tâm, bà chưa bao giờ thích trở thành tâm điểm của sự chú ý. Bà cũng không nghĩ rằng mình sẽ chính thức tham gia chính trường ở tuổi 43. Nhưng kỳ tích đã xảy đến với người phụ nữ này. Năm 2016, Bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Đảng Dân tiến, đã trở thành tổng thống nữ đầu tiên của Đài Loan. Tiếp tục, vào tháng 1/2020, sau vô vàn khó khăn trước mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bà tái đắc cử và giành trọn niềm tin yêu của người dân quốc đảo.
Một tổng thống giản dị
Mặc dù là Tổng Thống Đài Loan, nhưng bà Thái Anh Văn lại vô cùng gần gũi. Bà sống một mình trong một căn hộ giản dị và hiếm khi chia sẻ về cuộc sống riêng tư. Bầu bạn với bà chỉ có 2 chú mèo: Xiang Xiang và Ah Tsai.
Michael Cole, một nhà nghiên cứu sống tại Đài Loan từng tiếp xúc với bà Thái Anh Văn chia sẻ: “Bà ấy rất thích ngồi nhâm nhi một ly rượu vang đỏ, đọc sách và chơi cùng những chú mèo”. Thậm chí bà còn cho biết mình vẫn đi một đôi giày trong suốt 16 năm qua (Financial Times).
https://www.youtube.com/watch?v=sCF7Om-urPc&feature=emb_logo
Trái ngược với sự trịch thượng, quyền thế thường thấy của một lãnh đạo cấp cao, bà toát lên một vẻ dịu dàng, thân thiện, phúc hậu; bà dễ dàng chiếm được thiện cảm của người xung quanh. Người ta thấy bà điềm nhiên ăn mì gói, hay không ngại vất vả cùng hàng triệu người Đài Loan tập trung ở quảng trường cầu nguyện cho Hồng Kông vào đêm các sinh viên biểu tình “thất thủ” trước hắc cảnh. Hình ảnh bà chiếu trên màn hình lớn, và tất cả cùng hô vang: “STAND_WITH_HongKong!! PRAY_FOR_HongKong!!” (Đồng hành cùng Hồng Kông, cầu nguyện cho Hồng Kông). Biển người thành tâm hát bài Quang Phục Hương Cảng, rất nhiều người đã khóc ngày hôm đó. Ở bà luôn có sự chân thành, trí thông minh và lòng kiên định.
Ông Rupert Hanmond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Đài Loan, nhận xét: Bà Thái không chùn bước trước những quyết định khó khăn. “Tôi coi bà là một người có phong thái của doanh nhân. Nhưng bà Thái lại có một khiếu hài hước và trí thông minh tuyệt vời”.
Bà từng tự mô tả mình là một “nhân vật chính trị không điển hình” vì không có tham vọng và khát khao quyền lực của một chính trị gia. Bà luôn sẵn sàng tâm lý để nhận trách nhiệm cho các sai sót về chính sách hay thất bại trong bầu cử. Tuy vậy, bà lại có một tinh thần thép.
Trái ngược với sự trịch thượng, quyền thế thường thấy của một lãnh đạo cấp cao. Ở bà toát lên một sự thân thiện, phúc hậu; bà dễ dàng chiếm được thiện cảm của người xung quanh. (Ảnh: Getty)
Một ‘Nữ Trung Anh Kiệt’ của Đài Loan
Khi nói về nữ lãnh đạo Đài Loan, nhiều người gọi bà là “Người đàn bà thép”, thậm chí có ý kiến so sánh bà với Võ Tắc Thiên về khả năng trị quốc.
Nhưng bà nhận mình có nhiều điểm chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Sức mạnh của bà Angela Merkel không nằm ở uy tín của bà trước đám đông. Chính quyết tâm và ý chí của bà mới là cái chúng ta cần để điều hành một quốc gia hiện đại”.
Khi nhậm chức năm 2016, mối quan tâm đầu tiên của bà Thái là vực dậy nền kinh tế yếu kém và thiết lập bản sắc riêng biệt của Đài Loan so với Đại lục. Trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C, bà Thái chạm tới trái tim của bao người Đài Loan khi trả lời câu hỏi liệu họ đã sẵn sàng cho một tổng thống nữ hay chưa.
“Dĩ nhiên, một số người Đài Loan vẫn mang tư tưởng truyền thống và cảm thấy do dự khi xem xét một người phụ nữ làm tổng thống. Nhưng với thế hệ trẻ, tôi nghĩ họ nhìn chung háo hức về ý tưởng có một người phụ nữ làm lãnh đạo. Họ nghĩ rằng nó khá hợp thời”, theo CNN.
Mặc dù được nhiều người ví bà như một ‘Võ Tắc Thiên’ của Đài Loan, tuy nhiên Tổng thống Thái Anh Văn lại thấy mình có nhiều điểm chung với bà Angela Merkel. (Ảnh: Getty)
Ngày 12/7/2019, Bà Thái Anh Văn tiếp tục gây ấn tượng mạnh trên chính trường quốc tế bằng một bài diễn thuyết xuất sắc tại Đại học Columbia, Mỹ. Đó là một thông điệp khẳng định chủ quyền của Đài Loan trước Trung Quốc, một bước đi đầy chiến lược của bà để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 1/2020. Không làm công chúng thất vọng, bà xứng đáng là Tổng thống trong nhiệm kỳ tiếp theo.
“Câu chuyện về ‘sự thay đổi’ chính là điều tôi muốn nói hôm nay. Đó là câu chuyện Đài Loan. Đó là câu chuyện về một hành trình của hòn đảo không xa Trung Hoa lục địa đã tìm ra cho mình con đường dân chủ hoá và đã nêu tấm gương cho thế giới về bước đi lên tới nền dân chủ.
Trong thời kỳ đầu của sự quá độ về mặt chính trị, người ta bảo có dân chủ nào tồn tại được dưới cái bóng của Trung Quốc? Vậy mà Đài Loan hôm nay là biểu hiện của một xã hội dân chủ rộng rãi và hệ thống chính trị vững mạnh.
Người ta còn bảo hòn đảo tài nguyên hạn hẹp với số dân có 23 triệu người thì làm được trò trống gì trong nền kinh tế toàn cầu. Vậy mà nay chúng tôi đã trở thành đối tác kinh tế đứng thứ 11 trong số các đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ”.
“Cũng như nước Mỹ, con đường tiến lên dân chủ của chúng tôi thật gian nan, cũng có máu đổ, cũng thật khó nhọc với bao mồ hôi và nước mắt của tiền nhân…”.
Đài Loan chỉ là hòn đảo nhỏ bé, ít tài nguyên với vỏn vẹn 23 triệu dân, nhưng chúng tôi đã trở thành đối tác kinh tế đứng thứ 11 trong số các đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ. (Ảnh: Getty)
Và điều kiện tiên quyết để có được dân chủ, theo bà, là cuộc chiến bền bỉ với chế độ độc tài, mà điển hình là ĐCSTQ: Kinh nghiệm của Hồng Kông với cái gọi là “một quốc gia, hai chế độ” là bài học cho thế giới thấy rõ hơn bao giờ hết rằng độc tài không thể nào cùng tồn tại với dân chủ. Khi có dịp là thể chế độc tài sẽ bóp chết dân chủ, chỉ cần một tia sáng yếu ớt hé lên ánh dân chủ thôi thì cũng đã bị dập cho phải tắt.
“Mỗi ngày Đài Loan chọn cho mình tự do ngôn luận, quyền cho con người và nền pháp trị là mỗi ngày chúng tôi trôi ra xa hơn khỏi cái vòng ảnh hưởng của độc tài toàn trị. Câu chuyện của chúng tôi, sự tồn tại của chúng tôi chính là điều đánh thức thế giới rằng dân chủ là tài sản quý báu nhất của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ dân chủ bằng mọi giá”.
Bà không bao giờ thỏa hiệp đánh đổi giá trị của dân chủ lấy lợi ích kinh tế. Đài Loan quyết tâm cải cách kinh tế, xây dựng trật tự thương mại trong khu vực vùng Nam Á và Đông Nam Á, và hợp tác bình đẳng-công bằng với các đồng minh, bất chấp ĐCSTQ dùng mọi thủ đoạn cướp giật đồng minh (như Solomon, Burkina Faso, Cộng hòa Dominica, Sao Tome và Principe, Panama và El Salvador) nhằm cô lập Đài Loan.
“Nhưng khi nào tôi còn ở cương vị Tổng thống, thì Đài Loan sẽ còn tiếp tục chứng minh cho thế giới thấy rằng dân chủ và tăng trưởng kinh tế không chỉ có lợi cả hai mặt và là hai vấn đề thực sự gắn chặt với nhau. Nền kinh tế của chúng tôi đã từng rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc làm cho sự chủ động của chúng tôi bị giới hạn trong các vấn đề song phương. Trung Quốc đã triệt để khai thác sự lệ thuộc này, lấy đó làm phương tiện xâm nhập xã hội chúng tôi, nhằm tạo cơ sở làm con bài để mặc cả đòi chúng tôi phải lấy nền dân chủ của mình ra để đánh đổi. Nhưng Đài Loan đã quyết tâm theo đuổi con đường khác để phát triển kinh tế. Nền dân chủ sẽ ý nghĩa gì nếu để mất đi mảnh đất gieo mầm cho sự sáng tạo và nuôi dưỡng ý tưởng mới được trở thành hiện thực?”.
Nền kinh tế của Đài Loan đã từng rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng nền dân chủ sẽ ý nghĩa gì nếu mất đi mảnh đất gieo mầm cho sự sáng tạo và nuôi dưỡng ý tưởng?” (Ảnh: Getty)
“Ngày xưa, dân chủ là một cuộc chiến của các giá trị đối lập. Ngày nay, dân chủ là một cuộc đối thoại của những giá trị khác biệt”.
“Tất cả mọi thứ đều có thể thương lượng chỉ trừ 2 điều: sự tự do và tương lai của chúng tôi”.
– Tổng thống Thái Anh Văn –
Sự kiện tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử năm 2020 là một cái tát cho Bắc Kinh. Trước đó, Bắc Kinh đã gây sức ép, bóp nghẹt Đài Loan về ngoại giao và kinh tế, tuyên truyền dữ dội trong thời gian vận động tranh cử ở Đài Loan. Có điều là ĐCSTQ đã quên mất ngọn lửa dân chủ mà người Đài Loan nuôi dưỡng, nhất là khi họ thấy rõ sự thất bại của mô hình “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông. Giấc mộng Trung Hoa đã vỡ tan. Và gần đây, Trung Quốc lại rất tức giận khi Đài Loan cung ứng khẩu trang cho thế giới, thậm chí còn “nóng mặt” hơn khi Hoa Kỳ từ bỏ chính sách “một Trung Quốc” đã được thực hiện từ nhiều thập kỷ; và công nhận Đài Loan. Chưa hết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một tổ chức thân ĐCSTQ, đã 2 lần từ chối cho phép Đài Loan gia nhập; nhưng, mặc kệ WHO, Đài Loan vẫn thể hiện là một hình mẫu chống dịch viêm phổi Vũ Hán hiệu quả cho cả thế giới noi theo.
“Tại thời khắc này, người dân trên toàn thế giới đang chiến đấu với bệnh dịch. Chúng tôi tin rằng, một chế độ càng dân chủ càng minh bạch sẽ càng đem đến cho người dân niềm tin chiến thắng bệnh dịch. Một xã hội có tự do ngôn luận mới có kháng thể tự nhiên, mới có sức miễn dịch tập thể trước những thông tin giả dối”.
– Tổng thống Thái Anh Văn –
“Một xã hội có tự do ngôn luận mới có kháng thể tự nhiên, mới có sức miễn dịch tập thể trước những thông tin giả dối” – Bà Thái Anh Văn. (Ảnh: Getty)
Nỗ lực kiên trì vượt qua mọi trở lực, Đài Loan đã có kết quả xứng đáng. Các giá trị dân chủ họ dày công đeo đuổi đã trao cho họ tiếng nói trên cộng đồng quốc tế. Con “virus độc tài ĐCSTQ” không xâm nhập được vào Đài Loan, đất nước này từ lâu đã xây được một tấm khiên vững chắc.
Nếu không có ý chí tự lực, tự cường của bà Thái Anh Văn, có lẽ người dân Đài Loan không thể “tắm mình trong ánh nắng dân chủ” như ngày hôm nay.
Quả thực, bà Thái Anh Văn có khả năng thu phục lòng người dù bà không hoạt ngôn như phần đông những chính trị gia khác. Thay vào đó, bà sở hữu trí tuệ, lòng ngay thẳng và khả năng kiên trì.
Bà Thái luôn thể hiện mình là một nhà tư tưởng, một người đàm phán xuất sắc. Hình ảnh này trái ngược hẳn với các lãnh đạo thông thường trong Đảng Dân tiến, vốn luôn quyết liệt có phần quá mức. Bà chắc chắn là người từng trải hơn những lãnh đạo khác trong Đảng của mình.
Bà Thái Anh Văn có khả năng thu phục lòng người dù bà không hoạt ngôn như phần đông những chính trị gia khác. Thay vào đó, bà sở hữu trí tuệ, lòng ngay thẳng và khả năng kiên trì. (Ảnh: Getty)
Yo Su-ling, người ủng hộ Đảng Dân tiến (DPP), tin rằng bà Thái Anh Văn đã trưởng thành thông qua những lần vấp ngã. Doanh nhân này nhận định: “Tất cả những người khác chỉ nói nhưng bà Thái luôn suy nghĩ kỹ trước khi nói. Chúng tôi biết rằng việc độc lập hoàn toàn khỏi Trung Quốc là điều không tưởng vì vậy người dân Đài Loan cần những người như bà Thái, một nhà đàm phán tốt để giành được nhiều lợi thế nhất cho Đài Bắc”.
Với bà Thái Anh Văn, quyền được tự do ngôn luận, được tư duy, được thoải mái trong mảnh đất mình sinh sống là các giá trị cơ bản của con người. Chỉ khi có được tự do, người ta mới có thể sáng tạo và cống hiến cho một tương lai tốt đẹp hơn. Như Herbert Hoover đã từng nói: “Tự do là cánh cửa mở ra đón ánh sáng của tinh thần nhân văn và nhân phẩm của con người”.
Người dân Đài Loan đã lựa chọn đúng. Họ đã có một vị Tổng thống tuyệt vời!