Lại chuyện Bolsa – Little Saigon
Vương Trùng Dương
LTS: Bài “sổ tay phóng viên” có nhan đề “Bolsa-Little Saigon trong mắt người ngoại tỉnh” của phóng viên Ngọc Lan đăng trên nhật báo Người Việt và Người Việt Online (NVO) hôm đầu tuần đã đưa đến nhiều ý kiến đồng tình lẫn phản đối.
Nhiều độc giả để lại lời bình luận trên NVO hay gửi email bày tỏ sự đồng tình, cũng như đề nghị “những kiểu bài này phải được đăng liên tục và dài dài trên báo Người Việt như là lời khuyên răn cho người cư ngụ tại vùng Bolsa, Orange County hay vùng lân cận.” Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản đối khi cho rằng “đó chỉ là chuyện nhỏ, nói ra như thế chẳng khác nào ‘vạch áo cho người xem lưng’ rồi còn ai dám đến Little Saigon nữa.”
Để rộng đường dư luận, nhật báo Người Việt đăng bài viết dưới đây của tác giả Vương Trùng Dương liên quan đến đề tài nói trên.
******
Buổi sáng ngồi uống café với bằng hữu, nhân bài viết của cô Ngọc Lan trên nhật báo Người Việt ngày 10 Tháng Bảy vừa qua “Sổ tay phóng viên: Bolsa-Little Saigon trong mắt người ngoại tỉnh” trong đó nêu ra 4 điểm: Chạy xe không biết nhường. Nhường không đúng cách, không biết cám ơn. Không biết xếp hàng hay chen được cứ chen… có người cho rằng chí lý, phải nêu ra để chấn chính. Có người lại trách “vạch áo cho người xem lưng”! Với tôi, phải khách quan nhìn nhận giữa đúng và sai trong cách ứng xử khi “nhập gia tùy tục” theo nếp sống văn minh của người bản xứ.
Vẫn không gian nầy nhưng thời gian khác nhau đã thay đổi cách ứng xử như những điều cô Ngọc Lan ghi nhận. Cho đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ, tôi là cư dân ở Little Saigon.
*Cảm ơn và biết nhường
Tháng 11 năm 1990, từ Nashville, Tennessee gia đình tôi di chuyển bằng xe bus Greyhound sang Little Saigon. Lúc đó người Việt ở các nơi chỉ gọi nơi nầy là Santa Ana. Vừa chân ướt chân ráo, tôi tham gia vào “Nhóm Thân Hữu H.O” với chị Bích Huyền, anh Huy Phương, anh Chu Tất Tiến và Tê Đê (Nguyễn Tiến Đức). Anh Tê Đê viết “Những Mảnh Vụn Mầu USA” trên nhật báo Người Việt, tôi viết “Chuyện Trong Tuần” cho tuần báo Saigon Times ghi lại dăm điều ba chuyện nơi xứ người và cũng là cơ hội tiếp xúc với những gia đình H.O. Các anh chị khác thường viết những mẩu tin để lớp người đi trước đón nhận, chia sẻ với những gia đình mới định cư.
Trong những lần giao tiếp với các chị, dù là vợ của bậc niên trưởng, thượng cấp nhưng khi chào từ giã, các chị đều nói “Cảm ơn anh”. Tục ngữ ta có câu “Giấy rách giữ lấy lề”, quý chị thể hiện phép lịch sự trong giao tiếp như thành ngữ dân gian “nát vỏ còn bờ tre”, và tấm gương cho con cái noi theo.
Kỷ niệm khó quên trong dịp Thanhsgiving đầu đời do các đồng môn cùng quân trường ở Đà Lạt tổ chức gợi trong tôi hình ảnh “đất lành chim đậu” khi dòng người tị nạn lưu lạc xứ người. Nhưng, sau nầy lại gán cho hình ảnh “chốn gió tanh mưa máu” bởi một số nhân vật mang đầu óc tị hiềm, hám danh làm hoen ố mảnh đất được hồi sinh! Ngoài ra, khi tôi vừa định cư nơi nầy, bằng hữu cũng cảnh báo tệ nạn băng đảng, có con cái vị thành niên nên thận trọng… nay thì không còn tệ nạn đó gây lo ngại cho cư dân. Đó là điểm son, nhờ sự can thiệp gắt gao của chính quyền địa phương.
Thuở đó, trong những lần sinh hoạt ở hội trường, nếu không đủ ghế, quý ông còn nhường ghế cho quý bà để đứng ở phía sau. Sau nầy quy tụ người Việt định cư đủ các thành phần… có lẽ ảnh hưởng phần nào lối “văn hóa ứng xử” trong nước nên xảy ra “văn hóa giành ghế” bỏ mũ, xách tay chiếm ghế trống.
Vào dịp Hè, trước thương xá Phước Lộc Thọ, vào ba đêm cuối tuần có tổ chức sinh hoạt (ăn uống và giải trí). Cuối tuần vừa qua, tôi ghé lại chơi, hình ảnh làm khó chịu là có những dãy ghế đá chỉ có ít người ngồi cùng với mũ, áo, xách tay chiếm chỗ trước sân khấu để giữ cho thân nhân đi ăn uống trong lúc mọi người đứng hằng giờ. Để biết sự tình, tôi lân la và được biết họ không phải là cư dân ở đây. Nếu quý vị ở “ngoại tỉnh” chứng kiến cảnh nầy mà phán cư dân Little Saigon thì oan quá. Vì cư dân Little Saigon có ai ra đó ăn mà nhờ người chiếm chỗ?
Tôi làm tài xế đón cháu ngoại, cháu nội khi tan trường cũng 8 năm rồi. Hình ảnh đáng quý đã thể hiện nếp sống văn minh và làm tấm gương cho con cái ở những bậc phụ huynh khi đưa, đón ở các trường học. Ý thức được kẻ trước người sau, tuần tự và nhường nhịn nhau rất lịch sự. Thế nhưng có vài lần ở trường Tamura Elementary School tôi bắt gặp hình ảnh một bà đội nón lá, đeo khẩu trang lái xe, trang phục chẳng giống ai, đến trước cổng trường (chỉ có một lane) dừng lại, bước xuống xe thản niên đi tìm con/cháu trong khi hàng chục chiếc kẹt ở phía sau. Hình ảnh “người xa lạ” nầy (Tôi mượn chữ Người Xa Lạ trong tác phẩm L’ Étranger của Albert Camus). Thú thật, tôi rất “dị ứng” với hình ảnh nầy vì trước đây bạn bè cũng nhắc đến hình ảnh quái dị nầy nơi xứ sở văn minh. Có lần anh Lê Văn Mạnh (binh chủng Thiết Giáp) bắt gặp hình ảnh nầy ở hành lang nơi siêu thị ABC, anh phán “Ở đây cùi hủi hết, cút về nước mà sống”.
Đã nhập gia nhưng không ý thức nên tùy tục, theo lời bạn bè đã gặp nhiều lần trong các siêu thị, ở quầy bán trái cây có bọc lưới, nylon… “vô tư” xé ra ăn thử. Chưa hết, các bịch gừng, tỏi… xé hai, ba bịch để lấy phần nầy chuyển sang phần khác. Thói hư tật xấu nầy nên đề cập, không phải “vạch áo cho người xem lưng” mà cho đồng hương khi bắt gặp nên “dạy cho bài học” để ý thức nếp sống nơi xứ người.
Đọc báo trong nước đề cập đến cảnh hỗn độn, phức tạp ở học đường khi đưa đón con cái, xe cộ phụ huynh chen lấn, rồi chửi bới, đánh nhau trước mặt con cái từ đó tiêm nhiễm đầu óc trẻ thơ trở thành thói hư tật xấu.
Trong những lần trò chuyện cùng bằng hữu, tôi đề cập đến hình ảnh trên và gợi lại hình ảnh xưa, các bà H.O trải qua thời cơ cực, lầm than nhưng khi đặt chân trên mảnh đất Hoa Kỳ đâu có bà “người xa lạ” nào đội nón lá, bịt khẩu trang… Không biết bây giờ du nhập từ đâu? Ông Bá Dương với tác phẩm mang tên “Dị Vực, Xú Lậu Đích Trung Quốc Nhân” (Người Trung Quốc Xấu Xí) đã thẳng thắn nêu ra những thói xấu mà có lẽ khi viết ra những điều nầy ông cũng đau lòng ngay chính bản thân! Ông Wang Yunmei viết quyển Pigs On the Loose: Chinese Tour Groups trên đất nước ông ngày nay có loại gia súc xổng chuồng nầy, có giây mơ rễ má gì không? Bây giờ thì người dân trong nước thấy rõ những điều trong hai tác phẩm trên đang tràn lan từ thành đến tỉnh.
Chúng ta không dám viết như vậy vì ngại sẽ bị “hai lằn đạn” với thực trạng xã hội bây giờ.
Năm 1965, ông Vũ Hạnh lập lờ tác phẩm Per Comporedere Vietnam Il Vietnamila, tiếng Ý, tác giả A. Pazzi, Hồng Cúc dịch Người Việt Cao Quý nhưng thật ra chính là ông. Nhưng nay ông không dám lập lờ để cho ra tác phẩm Người Việt Đáng Hổ Thẹn trước thực trạng nhiễu nhương, suy đồi. Nếu trong nước người đọc được những điều làm hổ thẹn nầy thì khi ra hải ngoại tránh đi để hòa nhập trong cuộc sống.
Nhân đề cập đến hai chữ “cảm ơn”, hầu như ai cũng than phiền ở trong nước sao hạn chế tối đa. Khi gởi tiền về có lời nhắn, chia sẻ tiền bạc nhưng khi nhận được hồi báo chỉ có hai chữ gọn lỏn “nhận đủ”. Bên nầy ông bà cha mẹ khi nhận cái thiệp vẽ nguệch ngoạc của trẻ thơ Happy Birthday cũng cảm ơn, nhờ bưng cho ly nước cũng cảm ơn… Vì vậy nếu có thiếu hai chữ nầy có lẽ thiếu sự giáo dục trong gia đình.
*Chen lấn và ồn ào
Nếu trong lúc trà dư tửu hậu mà đem chuyện nầy ra kể mà “chưa hết thì chưa về” thì coi như bỏ nhà đi luôn.
Trong những lần có văn nghệ miễn phí, dù tổ chức ở tôn nghiêm, hình ảnh chen lấn để chiếm chỗ tốt, gần sân khấu xảy ra nhan nhản! Quý vị có lẽ chứng kiến trong những lần sinh hoạt cộng đồng, nếu có chiêu đãi self-service sẽ ngao ngán cảnh chen lấn nhau để hưởng phần, bất chấp hàng người nối tiếp còn có hay không! Ông bà ta đã nói “Trời đánh tránh bữa ăn. Miếng ăn là miếng tồi tàn”… vì vậy những người tự trọng đành thiệt thòi!
Vào những dịp tổ chức văn nghệ miễn phí, ngay cả ở nơi tôn nghiêm, cảnh chen lấn nhau để chiếm chỗ gần sân khấu làm nhiều người khó chịu. Kể từ khi có “smartphone” và “iPad” thì “nạn phóng viên” tràn lan, vài người bạn đồng nghiệp đã than phiền bị xô đẩy làm rơi máy chụp hình. Có những người chen ra trước dàn máy của phóng viên, giơ iPad thản nhiên quay tới quay lui, bất chấp lời than phiền ở sau.
Khi xem trên youtube vài chương trình ca nhạc ở trong nước, ca sĩ hát trên sân khấu, khán giả ngồi dưới “vô tư” hát theo để chứng tỏ ta là người sành nhạc, tội nghiệp cho người ngồi bên cạnh, phải nghe song ca bất đắc dĩ. Ở đây, tôi cũng đôi lần là nạn nhân khi xem phim. Dĩ nhiên trước khi xem cũng biết sơ qua nội dung, thế rồi bị lãnh đủ lời thuyết minh đằng sau, may nhờ âm thanh trong rạp át bớt “tiếng vọng từ đáy vực”. Thật tình cũng không hiểu nó du nhập từ đâu?
Ngoài hai chữ “cảm ơn”, hai chữ “xin lỗi” cũng thật khan hiếm. Khi va chạm, thái độ làm phật lòng… không thốt được hai chữ “xin lỗi”. Quan niệm rằng khi thốt ra lời đó thì coi mình là người lép vế, sai phạm… mà không hiểu rằng đó là cách xử thế (ngoại trừ trường hợp xảy ra liên quan đến pháp luật thì phải thận trọng để khi đáo tụng đình luật sư biện hộ vin vào đó để lật ngược).
Có lần hai đứa cháu ngoại được trường tổ chức trình diễn các bản nhạc đã được học ở Saigon Performing Arts Center. Phụ huynh nào cũng muốn thu video để làm kỷ niệm. Tôi ngồi hàng thứ ba, hàng thứ tư có vài đồng hương, khi con em trình diễn cần sự im lặng để thưởng thức, thế nhưng phía sau lại trò chuyện khi về Việt Nam. Trước tôi có vài vị quay lại đưa ngón tay lên môi để yêu cầu giữ im lặng nhưng “đàn gẩy tai trâu”. Tuy có quen biết nhưng tôi cũng bực mình quay lại nói “hai chị biết lịch sự một chút để nghe con em trình diễn”. Chuyện cách nay khoảng bốn năm và tôi không còn chạm mặt với đấng phu quân của họ. Điều nầy tôi cũng không hiểu họ bị ngượng hay trách tôi dám lên tiếng chỉ trích? Có lẽ vì vậy nên khi có ai đề cập đến vài điều đáng hổ thẹn thì bị xuyên tạc “vạch lá tìm sâu”!
***
Trở lại đề tài hôm Thứ Hai vừa rồi, qua ý kiến của anh em được trao đổi với nhau, nói tôi nên viết “feedback.” Trước hết trả lời đến quý vị “ngoại tỉnh”, chốn Bolsa -Little Saigon nầy tuy có vài điểm không hay nhưng nhiều điểm tốt. Theo ý các bạn thì dù sao nơi chốn nầy cũng là thành lũy cuối cùng cho lớp người tị nạn. Phải công tâm nhìn nhận và biết ơn các vị dân cử gốc Việt của thành phố Westminster đã bảo vệ thành lũy nầy để cư dân và đồng hương chúng ta yêu thích. Ngoài ra đồng hương người Việt còn cảm thấy hãnh diện khi có tượng đài Đức Trần Hưng Đạo (Thánh Tổ Hải Quân VNCH), còn có đoạn đường Đại Lộ Trần Hưng Đạo-Bolsa.
Cũng theo lời các anh, cách đây năm, mười năm, nơi nầy thường được gọi là “gió tanh mưa máu” bởi những xáo trộn gây ra bát nháo. Nay sự bát nháo đã bị đào thải nhiều rồi.
Trong sinh hoạt đời sống, người bản xứ hay nơi có sắc dân của mỗi nước quy tụ, cũng có nhiều hình ảnh không đẹp nên trong cộng đồng của chúng ta không thể tránh khỏi.
Chốn Bolsa-Little Saigon qua bốn thập niên, với người Việt, qua các thành phần định cư dễ bị phân hóa, xáo trộn nhưng được bầu không khí dễ thở của ngày hôm nay là điều đáng mừng.
Với tôi, với vài hình ảnh cá nhân làm khó chịu, với vài cách cư xử thiếu lịch sự xảy ra không đến trầm trọng làm hoen ố những người “chọn nơi nầy làm quê hương.”