(nguồn: khoahoc.com.vn)
Xe lửa "xanh" tại châu Âu
Đường hầm năng lượng Mặt trời tại Bỉ - Ảnh: Guardian
Những chuyến xe lửa tốc độ cao xuyên quốc gia nối liền Paris và Amsterdam đã trở thành xe lửa đầu tiên tại châu Âu sử dụng năng lượng Mặt trời. Khi chui qua Solar Tunnel, hệ thống điện trên các xe lửa sẽ tự động chuyển sang sử dụng năng lượng Mặt trời bên trong đường hầm, giúp giảm nhiên liệu và chi phí giao thông, AFP dẫn lời giám đốc Steven De Tollenaere của công ty chịu trách nhiệm dự án Enfinity. Với chi phí xây dựng 15,6 triệu euro, Solar Tunnel có chiều dài 3,6 km, chạy vắt qua Antwerp ở miền bắc Bỉ. Tổng cộng có đến 16.000 bảng điện Mặt trời đã
được sử dụng để bao phủ diện tích 50.000m2 của đường hầm, gấp 8 lần sân bóng đá.Theo công suất thiết kế, các bảng năng lượng sẽ sản xuất 3.300 megawatt/giờ điện năng, tương đương với lượng điện tiêu thụ trung bình của gần 1.000 hộ gia đình. Hãng chuyên về năng lượng thay thế Enfinity cam đoan Solar Tunnel sẽ giúp loại bỏ được 2.400 tấn CO2 mỗi năm, nhưng vẫn đủ năng lượng để cung cấp cho 4.000 chuyến xe lửa/năm.
Bên cạnh công dụng cung cấp năng lượng, đường hầm đóng vai trò làm lá chắn, bảo vệ các đoàn tàu khỏi tình trạng cây ngã đổ đè lên đường ray hoặc toa tàu trong lúc di chuyển, do Solar Tunnel chạy xuyên rừng già của Antwerp. Enfinity hy vọng dự án này sẽ là bước đệm để họ nhân rộng mô hình xe lửa xanh tại Mỹ và các nơi khác trên thế giới. Hiện chiến dịch gây quỹ và cổ súy cho tuyến xe lửa tốc độ cao nối liền Tucson và Phoenix, bang Arizona, đang được phát động tại Mỹ.
Trong khi đó, tại Ý, Liên minh châu Âu đang tài trợ cho một dự án chế tạo xe lửa gắn bảng điện Mặt trời trên nóc các toa, với mục tiêu cung cấp năng lượng cho hệ thống điều hòa của tàu. Còn tại Pháp, giới hữu trách đang nghiên cứu công nghệ tương tự để cung cấp năng lượng cho hệ thống chiếu sáng và điều hòa trên tàu ở vùng Poitou Charentes.
Xe lửa của Chủ tịch Kim có thể tàng hình
Nhờ sử dụng các vật liệu mới nhất, xe lửa bọc thép chuyên dụng cá nhân của người uy lực nhất Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong Il có thể tàng hình trước các vệ tinh gián điệp và máy bay trinh sát của Mỹ.
Theo nguồn tin mật của Tình báo Hàn Quốc, thân chiếc xe lửa mà Chủ tịch Kim Jong Il thường dùng được thiết kế đặc biệt, sử dụng công nghệ tàng hình.
Đài phát thanh Mayak đưa tin, trên xe lửa còn được trang bị nhiều thiết bị khác nhau, có khả năng tránh được sự phát hiện của radar, các bộ cảm biến hồng ngoại và trinh sát âm thanh.
Xe lửa tàng hình của Chủ tịch Kim
Trước đây, có nhiều thông tin cho rằng, các vệ tinh gián điệp Mỹ và máy bay quan sát tầm cao thường xuyên theo dõi những chuyến đi của Chủ tịch Kim Jong Il, người mà chỉ sử dụng ô tô và các phương tiện đường sắt.Mỹ muốn tìm cách “chặn bắt” các cuộc đàm phán của Chủ tịch Kim từ căn cứ của mình. Để lừa lực lượng tình báo trên không và vũ trụ của “kẻ thù”, đôi khi Triều Tiên sử dụng những chiếc xe lửa giả, copy chiếc xe lửa của Chủ tịch Kim thường sử dụng.Nếu Chủ tịch Kim đi du lịch bằng xe lửa của mình, trong thời gian dừng ông không bao giờ ra khỏi xe, kể cả những người trong đoàn tháp tùng ông cũng vậy.
Theo các phương tiện thông tin đại chúng của Seoul, trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng tích cực mở rộng các mạng đường hầm nối liền các cơ sở quân sự và quốc gia, cũng như kết nói trực tiếp đến dinh thự của Chủ tịch Kim.
Xe lửa thân thiện với môi trường ở Đài Loan Với vận tốc 300 km/giờ, những chiếc xe lửa bóng loáng với hai màu trắng - cam bắt đầu hoạt động ở Đài Loan từ hôm 5-1, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc cách mạng giao thông trên hòn đảo có đến 23 triệu dân.
Hệ thống tàu hỏa siêu tốc này nối kết các thành phố và thị trấn nằm dọc theo hành lang phía Tây, hứa hẹn sẽ thay đổi đời sống của hơn 90% dân số Đài Loan. Sau 1/4 thế kỷ hoạch định và chế tạo, hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường cao tốc đồng thời giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm không khí do khói xe. Đối với một số nhà quy hoạch đô thị và quản lý môi trường, dự án này là hình mẫu giúp các quốc gia châu Á kiểm soát lượng dầu nhập khẩu, hạn chế lượng khí thải gây tình trạng ấm dần lên của Trái đất và nâng cao tiêu chuẩn sống cho số đông người dân theo hướng bền vững cho môi trường.
Những người đi trên xe lửa chở đầy khách chỉ tiêu hao 1/6 mức năng lượng mà họ dùng nếu lái ô-tô một mình, và tạo ra chỉ 1/9 lượng khí carbon dioxyde (CO2), tác nhân chính gây hiện tượng Trái đất ấm dần lên. Hành khách xe lửa cũng chỉ hao tốn hơn một nửa năng lượng và giải phóng 1/4 lượng khí CO2 so với người đi xe buýt. Hệ thống giao thông này có mức đầu tư đến 15 tỉ USD với mỗi chiếc có sức chứa 900 người. Sử dụng đường ray điện trên cao thay vì những đầu máy chạy bằng diezel, đội xe lửa hiện gồm 19 chiếc mỗi ngày hoạt động trên nhiều tuyến đường chạy dài từ Đài Bắc xuống tận Cao Hùng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam.
Tất cả các thị trấn và thành phố nằm dọc theo tuyến đường đều có trạm nghỉ riêng và nhà ga. Khoảng cách từ Đài Bắc đến Cao Hùng dài 345 km và tàu hỏa chạy mất khoảng 90 phút. Các nhà ga lớn giống như nhà đón khách sân bay đã được xây dựng ở ngoại ô của mỗi thành phố dọc theo tuyến đường. Xe lửa siêu tốc không sử dụng đường ray hiện hữu mà chạy trên hệ thống đường được thiết kế đặc biệt cách mặt đất 18 m để tránh cắt ngang đường bộ dành cho phương tiện giao thông khác. Giá khởi điểm cho vé một chiều từ Đài Bắc tới Cao Hùng sẽ là 44 USD - bằng 2/3 giá vé máy bay thông thường. Tổng công ty tàu hỏa cao tốc Đài Loan hy vọng hệ thống xe lửa điện này sẽ thu hút 150.000 hành khách mỗi ngày.
Vận hành xe lửa bằng… não!
Với một công nghệ mới rất độc đáo của Nhật, bạn có thể điều khiển một thiết bị điện tử mà không cần động đến một ngón tay. Bạn chỉ cần dùng… não của mình mà thôi!
Công nghệ mới này chính là “mạch ghép nối não - máy” (brain - machine interface) do công ty Hitachi Inc. thiết kế và sản xuất có khả năng phân tích những thay đổi rất nhỏ trong dóng chảy của máu trong não và chuyển đổi thông tin về hoạt động trong não thành những tín hiệu điện.
Công nghệ này vừa được giới thiệu tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu cao cấp của Hitachi ở Hatoyama, gần Tokyo, ngày 20/06/2007.
●Cứ như là có phép thần
“Mạch ghép nối não - máy” khá đơn giản! Nó bao gồm một cái mũ chụp chứa các điện cực được kết nối bằng sợi cáp quang với một thiết bị vẽ sơ đồ, và thiết bị này được nối với vật cần tác động (như một chiếc xe lửa đồ chơi) bằng một máy vi tính và một mô-tơ.
Trong buổi trình diễn công nghệ mới, chuyên gia Kei Utsugi mở đầu bằng câu: “Các bạn hãy hít một hơi thật sâu và thư giãn!”. Sau câu nói vui của ông, nhà nghiên cứu Akiko Obata thực hiện những tính toán đơn giản trong
đầu mình và sau đó, chiếc xe lửa chạy về phía trước – cứ như là có một phép thần được truyền đi từ vùng thùy trán của não để ra lệnh cho chiếc xe chuyển động. Ông Utsugi giải thích: “Kích hoạt vùng đó của não – bằng cách làm vài phép tính hoặc hát một bài – chính là tác nhân khiến xe lửa lao về phía trước. Khi bạn ngưng các tính toán trong đầu, xe lửa sẽ dừng lại”.
Sự “thần kỳ” của mạch ghép nối não - máy này xuất phát từ một công nghệ được gọi là phép đo vẽ địa hình quang học (optical topography), có khả năng truyền một lượng nhỏ tia hồng ngoại qua bề mặt não để vẽ ra những thay đổi trong dòng máu của não.
Mặc dù công nghệ mới này rất phù hợp để sử dụng cho các mục đích y học, nhưng những “đại gia” công nghệ như Hitachi và Honda Motor Co. của Nhật đang cạnh tranh nhau trong việc cải tiến công nghệ này để sử dụng cho mục đích thương mại. Các nhà khoa học của Hitachi đang nghiên cứu chế tạo loại thiết bị điều khiển từ xa dùng cho ti vi để người sử dụng có thể tắt, mở ti vi hoặc chuyển kênh truyền hình chỉ bằng… tư duy của họ. Honda – tác giả của mạch ghép nối giám sát não bằng máy MRI giống như loại máy đang được các bệnh viện sử dụng – cũng đang rất thích thú với việc ứng dụng mạch ghép nối não - máy cho những sản phẩm xe hơi thế hệ mới và “thông minh” của mình.
● Một công nghệ “thông minh” và hữu ích
Theo nhóm nghiên cứu, một ngày nào đó, công nghệ mạch ghép nối não - máy sẽ có khả năng thay thế các bộ điều khiển từ xa, bàn phím, và thậm chí còn có thể giúp những người khuyết tật điều khiển những chiếc xe lăn điện tử, giường ngủ và tay - chân giả nữa.Ứng dụng đầu tiên của công nghệ này sẽ là giúp những người bị liệt có thể điều khiển được các thiết bị, máy móc…ngay cả khi họ đã mất hoàn toàn khả năng kiểm soát các cơ bắp của cơ thể.
Từ năm 2005, Hitachi đã đưa ra thị trường một thiết bị dựa trên công nghệ đo đạc quang học có chức năng giám sát hoạt động não của người bị liệt để giúp học có thể giải quyết những vấn đề đơn giản – ví dụ như trả lời “Có” hay “Không” bằng những tính toán và suy nghĩ trong não.
Nhà khoa học Hideaki Koizumi, trưởng dự án mạch ghép nối não - máy của Hitachi, phấn khởi nói: “Chúng tôi đang nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ này trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như khi bệnh nhân ở trong phòng vẫn có thể liên lạc với bên ngoài bằng mạch ghép nối thông minh này”.Một lợi thế lớn của mạch ghép nối này là không cần phải đưa những bộ cảm biến vào trong não. Những công nghệ trước đây của các công ty Mỹ, như Neural Signals Inc., đòi hỏi phải cấy ghép một “con chip” (mạch điện tử siêu nhỏ) dưới sọ người sử dụng.
Hiện nay, Hitachi cũng đang cải tiến thiết bị mới để nó có thể có kích thước nhỏ gọn hơn và có độ chính xác cao hơn trong việc thu nhận một cách chọn lọc các tín hiệu điện từ não người.Theo ông Koizumi, công nghệ này tự thân nó có sự hấp dẫn trong lĩnh vực giải trí và dễ dàng sử dụng cho các món đồ chơi. Ông nói: “Sẽ thật sự ngộ nghĩnh và thú vị khi bạn có thể dùng não của mình để làm cho một chiếc xe lửa chạy hay ngừng theo ý muốn”.
Ông Hideaki Koizumi: “Sẽ thật sự thú vị khi
bạn có thể dùng não của mình để làm cho
một chiếc xe lửa chạy hay ngừng theo ý muốn”
(Ảnh: AP/Shizuo Kambayashi)