Affichage des articles dont le libellé est Mùa thu đi nhặt bạch quả - Phan Hạnh.. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Mùa thu đi nhặt bạch quả - Phan Hạnh.. Afficher tous les articles

samedi 2 novembre 2013

Mùa thu đi nhặt bạch quả - Phan Hạnh.

Này bạn già ơi, sáng nay bạn có nhớ uống thuốc bổ chưa? Hay là bạn quên? Hầu hết những người già chúng ta bị bệnh lãng trí; chính vì vậy mà có một câu nói đùa mới trở nên thịnh hành ngày nay:"Bộ sáng nay bạn quên uống bạch quả rồi hả?"
 
Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, bạch quả (Ginkgo biloba) có khả năng tuyệt vời để kích thích trí nhớ, là một món thuốc hỗ trợ đáng tin cậy giúp làm giảm bệnh quên nhẹ. Bạch quả cũng được ca ngợi cho vai trò trong việc giúp đỡ các trường hợp của bệnh Alzheimer trung bình. Trong khi bệnh quên nhẹ thường là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên, các triệu chứng sớm phát hiện của bệnh Alzheimer là quên nặng, suy giảm khả năng nhận thức, khảo sát và lý luận. Những thay đổi cơ bản bộ não có thể xảy ra sớm nhất là 10 năm trước khi được chẩn đoán và thường xảy ra ở người trên 60 tuổi. Mặc dù yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer, các nhà nghiên cứu đồng ý rằng lối sống tốt có thể giúp giữ cho bộ não của bạn khỏe mạnh. Tôi lo tìm hạt bạch quả để nấu chè ăn đây vì tôi hay quên quá.
 
Ở Canada, mùa thu hoạch nông phẩm hàng năm được đánh dấu bằng Lễ Tạ Ơn hay còn được gọi là lễ hội ngày mùa, rơi vào ngày Thứ Hai thứ nhì của Tháng Mười. Là một người có gốc gác miệt vườn Tiền Giang, tuy không hề làm nghề trồng trọt chăn nuôi nơi ruộng vườn nông trại, nhưng tôi rất thích thú vui đi hái rau quả, nhất là hái táo vì đỡ phải khom lưng lúi cúi như hái dâu tây hoặc hái đậu hái cà.
 
Năm nay tôi đi hái táo ở vườn táo Orchalaw Farms, số 9726 Heritage Road, Brampton tất cả là ba lần, hái hơn 40 cân Anh táo, vừa để ăn vừa làm quà tặng. Orchalaw Farms và các vườn táo cho khách hàng vào tự hái ở Ontario hầu hết đều đóng cửa vào cuối Tháng Mười. Tôi buồn năm phút, chỉ năm phút thôi là tôi vui lại vì tôi có thứ khác để thu hoạch: bạch quả!
 
Bạn có đi hái hay đi nhặt bạch quả bao giờ chưa? Vui lắm bạn ạ. Bạn hỏi đi nhặt trái bạch quả ở đâu? Xin thưa là ở ngay trong trung tâm thành phố Toronto, những nơi như Queen’s Park, Moss Park, Allan Gardens, Edwards Gardens, khuôn viên Trường Đại Học Toronto, Trinity Bellwoods Park, Toronto Island Park, High Park, nghĩa trang Mount Pleasant. Tôi không biết chính xác ở Toronto có tổng cộng bao nhiêu cây bạch quả “cái” nhưng cũng đủ nhiều để bạn đi lượm quả. Tài liệu cho biết chỉ có khoảng 25% số cây bạch quả ở Toronto là cây “cái” tức cây có quả; ba phần tư số cây bạch quả còn lại là cây “đực”, trụi lủi không có trái, chỉ có phấn bông làm cho bạn dị ứng sổ mũi mà thôi.
 
Ở thành phố Montreal, bạn có thể tìm thấy cây bạch quả tại các địa điểm: Viện bảo tàng Beaux-Art Museum đường Sherbrooke, công viên Joyce Outremont, vườn Bách Thảo, đường Saint Catherine, trường cao đẳng Notre-Dame, Parc La Fontaine, trường trung học Sophie-barat, cao ốc Londen Life 1245 Sherbrook street, trường đại học Concordia, gần tượng Bethune trên đường Maisonneuve Blvd. (north side), near Bethune's statue, Murray Hill Park, Westmount, St. Joseph's Oratory, nghĩa trang Mount Royal, v.v. Thành phố Ottawa cũng có cây bạch quả trồng ở gần đài tưởng niệm Việt Nam góc Preston street/Somerset street, Ottawa Experimental Farm, Russell Boyd Park, Pretoria Bridge, Tòa Đại Sứ Đức, v.v.
 
Tuy không có nhiều cây bạch quả cái có trái ở Toronto nhưng bạn khỏi lo, nếu bạn đi tìm thì thế nào cũng thấy quả rụng để nhặt, lý do là chỉ có dân Á Đông như Tàu, Việt mới chịu khó nhặt, còn người thuộc các sắc dân khác hoặc không biết giá trị bổ dưỡng của bạch quả hoặc không dám đụng tới trái bạch quả rụng dưới đất vì nó có mùi khó ngửi. Tên Anh ngữ của bạch quả là Ginkgo bị họ nghịch ngợm gọi là “stinkgo” cũng vì lẽ đó.
 
Trái bạch quả chín và bắt đầu rụng khoảng giữa tháng Mười. Bề nào cũng hay đi dạo công viên chụp ảnh cảnh mùa thu, sẵn thấy trái bạch quả rụng, bạn và tôi lượm đem về lấy hạt nấu chè ăn cho bổ. Riêng trong High Park, nơi gần nhà nhất, tôi thấy có bốn cây bạch quả cái có trái chi chít đầy cành. Để đề phòng bị dị ứng với chất urushiol (chất này cũng thường có ở dây leo thường xuân tức poison ivy) trong trái và lá bạch quả có thể làm ngứa rát da tay, bạn nên đeo găng tay rồi hãy nhặt nó.
 
Một buổi sáng sớm trong High Park, tôi đang cúi nhặt bạch quả thì một nhân viên làm vườn của công viên cười bảo tôi đang phụ bà ta dọn rác đấy và bà cám ơn, thật đúng như câu nói “rác của người này là của cải của người kia”. Nhiệm vụ của bà là nhặt để vứt vì sợ người qua lại giẫm bẹp trái rụng trên lối đi có thể khiến cho lối đi trở nên trơn trợt. Còn tôi đi nhặt hạt dành phần ăn của mấy con sóc.
 

(Phan Hạnh dưới tàng cây bạch quả trong High Park, xách cây gậy kéo dài ra được để khều trái trên các cành thấp)
 
Mỗi lần đi nhặt, vợ chồng tôi bỏ ra khoảng 45 phút và nhặt được khoảng từ một trăm đến hai trăm hạt, tùy may rủi. Nếu trời mưa gió đêm hôm trước thì chắc chắn quả rụng nhiều tha hồ lượm. Nếu chậm chân đến trễ và có người đã lượm trước rồi thì coi như chúng tôi chỉ đi mót và phải đến thăm cây khác may ra chưa có ai nhặt. Bề nào cũng đi dạo công viên tập thể dục, nếu nhặt được nhiều hạt bạch quả thì tôi xem đó như là phần thưởng, là chiến lợi phẩm.
 
Nhặt quả chỉ là một phần ba hay phân nửa công việc, phần còn lại cũng mất nhiều công lắm, nào là chà xát cho bong ra hết lớp cơm bao bên ngoài hạt, xong rồi để cho hạt khô ráo để bóp bể và bỏ lớp vỏ cứng quanh hạt và chỉ giữ phần nhân dẻo để nấu chè gừng với đường phèn. Bổ hay không chưa biết nhưng chắc chắn đó là một kinh nghiệm vui vui.
 
Đã nhiều lần chúng tôi đi Niagara-on-the-Lake vào mùa thu để vui chơi ngắm cảnh và để ý thấy có một số cây bạch quả “cái” trồng dọc đường phố. Chúng tôi cũng có lượm nhưng không được nhiều, lý do là vì có rất nhiều du khách Á Đông cũng lượm bạch quả. Tôi không ngờ một người quen của tôi - dân Mít ta đàng hoàng chứ không phải Tàu, Đại Hàn hay Nhật - tuần vừa rồi đi đến địa điểm du lịch nổi tiếng đó để hái bạch quả. Tôi xin nói lại một lần nữa là hái chứ không phải nhặt.
 
Giữa đám đông qua lại dập dìu, người bạo gan đó mang theo ba đoạn trúc dài, dùng băng keo nối lại thành cây sào và quơ đập cho bạch quả rụng để vợ con tha hồ lượm. Người hùng cho biết qua đợt hành quân càn quét đó, anh thu hoạch được 40 pounds trái bạch quả. Vì trái chưa hoàn toàn chín cho nên anh phải mất công lâu hơn để làm sạch hạt. Một điểm thất bại khác là vì trái chưa chín tới nên có nhiều vị đắng hơn. Bạn nhớ đấy, bạch quả rụng ăn mới ngon. Dù sao đối với tôi, người bạn đó đã tạo một kỷ lục.
 
Hầu như tất cả những cây bạch quả ở Toronto cũng như trên thế giới đều do người trồng chứ không phải mọc hoang ngoại trừ một vài nơi ở Hoa Lục. Càng trở về sau, bạch quả là giống cây càng được ưa chuộng nhất để trồng ở đô thị vùng khí hậu ôn đới vì các ưu điểm: lá vàng đều vào mùa thu trông rất đẹp, phát triển chậm, cao to, có táng rộng cho bóng mát, miễn nhiễm sâu bọ bệnh tật, chịu đựng được điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sống thọ qua nhiều thế kỷ. Tuy rằng giới chức thành phố có chủ đích chỉ trồng cây đực, nhưng sai sót vẫn có thể xảy ra và chỉ phát hiện ba bốn chục năm sau khi cây đủ tuổi ra trái.
 
Một cặp vợ chồng nọ mười mấy năm trước mua một ngôi nhà trên đường Princeton Road gần ngã tư Royal York và Dundas St W, trước nhà có cây bạch quả cao cho bóng mát rất vừa ý. Đến khi ba năm trước đây, cây bạch quả ra trái, mùa thu trái chín rụng đầy bị đạp vỡ ra bốc mùi hôi chua như phân chó mèo khiến gia chủ mỗi ngày phải mất công hốt dọn.
 
Vì cây bạch quả đó do sở lâm viên thành phố trồng khoảng 50 năm trước do lầm tưởng đó là một cây đực, vợ chồng gia chủ liên lạc với thành phố và yêu cầu thay thế bằng cây khác không trái. Sở lâm viên thành phố đồng ý với điều kiện gia chủ phải trả chi phí $10,837: $9,000 giá trị của cây bạch quả, $954 phí tổn cưa đốn và dọn cây, $583 chi phí trồng cây mới, và $300 phí hành chánh không hoàn trả. Cho dù gia chủ chịu trả chi phí, trước khi thi hành, mọi thủ tục còn phải được hội đồng thành phố cứu xét, và họ đã không chấp thuận việc đốn một cây bạch quả sung sức lành mạnh. Bạn hãy đến địa chỉ 44 Princeton Road tha hồ nhặt quả.
 
Nếu có người không thích cây bạch quả cái thì ngược lại cũng có người thích như chàng phi công dân sự người nước Slovakia tên Martin Dusan Kuchta. Martin kể rằng vào năm 1996, anh là phi công trưởng của hãng hàng không Czech Airlines và hay đến Toronto. Vốn là người có sở thích cây cối, một ngày đầu tháng 11 Martin tản bộ ở Moss Park (tọa lạc góc đường Queen St E  và Sherbourne St) và trông thấy cây bạch quả rất đẹp đầy trái chín, thế là anh nảy ý định lấy hạt về trồng ở quê nhà. Năm 2006, cây bạch quả Martin trồng từ hạt ở Toronto đã phát triển tốt và cao khoảng bốn thước.
 
Người Âu Châu đã chú trọng đến cây bạch quả từ thế kỷ thứ 18 vì hình thù và sắc đẹp của nó. Ông Englebert Kaempfer, một y sĩ và nhà thực vật học người Đức, lần đầu tiên trong cuộc đời ông được thấy cây bạch quả trong chuyến công du Nhật Bản. Sau đó ông Carolus Linnaeus, người Thụy Điển, cũng là một nhà thực vật học, trong việc xếp lọai hệ thống các lọai động vật và thực vật, đã đặt tên Ginkgo Biloba cho cây bạch quả. Năm 1727, người ta mang cây bạch quả từ Trung Hoa tới Âu châu và trồng tại vườn dành cho những cây nhiệt đới.
 
Tại Hoa Kỳ, năm 1784 ông Hamilton là người đầu tiên trồng cây bạch quả tại sân nhà ông ở Philadelphia và cây ấy hãy còn sống ngay cạnh nghĩa trang Woodlawn. Khắp Hoa Kỳ và Canada, những thành phố lớn hầu như đều có trồng cây bạch quả.
 
Hiện nay có nhiều nông trại ở Hoa kỳ trồng loại cây này, chẳng hạn như ở South Carolina để sản xuất và cung cấp lá cho các nhà bào chế các sản phẩm bạch quả.
Cây và lá bạch quả được đề cập đến nhiều trong văn chương Nhật bản và Trung Hoa. Hình họa của nó có mặt hầu như trong mọi ngành mỹ thuật như điêu khắc, hội họa, gốm sứ, thêu dệt… phần lớn ở Á Đông và một phần nhỏ ở Âu Mỹ. Năm 1815, thi sĩ, khoa học gia, triết gia, và chuyên gia nghiên cứu  thực vật Johann Wolfgang von Goethe của nước Đức có sáng tác bài thơ Ginkgo biloba để tặng bà Marianne van Sillemer trong một buổi họp bạn. Goethe xem bạch quả là biểu tượng của tình yêu đan kết tình bạn khi quan sát vẻ đẹp của lá cây bạch quả trong vườn và cảm xúc đề bút thành thơ, nguyên bản hiện vẫn còn giữ tại Heidelberg.
 
Bạch quả được ca ngợi là thần dược. Một số trang web Việt ngữ có đăng bài viết “Bạch Quả: Trường Sinh Dược Thảo” của tác giả Trần Khánh Liễm nói khá đầy đủ các lợi ích của bạch quả đối với sức khỏe con người. Tác giả đưa ra ba trường hợp chứng minh sự hiệu nghiệm của việc chữa bệnh bằng bạch quả như sau:
 
1.- Tôi có người anh kết nghĩa năm nay 82 tuổi. Cách đây trên mười năm, vì rủi ro, anh đang lái xe bỗng dưng buồn ngủ, đâm vào chiếc xe 18 bánh đang đậu bên đường. Kết quả bị gẫy hai chân, gẫy hai tay và mất một cái đầu gối. Sau mấy tháng nằm bệnh viện, anh đã phải qua nhiều cuộc giải phẫu và cuối cùng anh được xuất viện. Anh tiếp tục tập luyện, cuối cùng đi lại bình thường. Mỗi khi trái gió trở trời, anh bị đau nhức thê thảm. Anh đi bác sĩ và được cho toa. Nhưng uống thuốc tê thấp không phải lúc nào cũng dễ vì nếu uống thuốc lâu, thuốc có thể làm nguy hại đến những bộ phận khác trong cơ thể. Một hôm, anh nghe người ta chỉ, dùng trà bạch quả, anh thấy dễ chịu hẳn lên, lại cảm thấy tâm trí thỏai mái, trí nhớ được phục hồi có thể ngồi viết lại những phần nhật ký anh chưa hoàn tất được. Rồi sau đó anh tìm hiểu nhiều về các lọai dược phẩm. Nay anh đã được bình phục và không còn đau nhức nhiều như trước kia nữa, thật là một an ủi lớn cho anh.
 
2.- Một người khác, bạn của anh tôi, năm nay 73 tuổi. Anh bị đau ở bả vai phải, kéo xuống cánh tay và bàn tay rất khó chịu. Anh đã đi mấy bác sĩ, uống năm sáu toa thuốc không thấy khỏi. Anh dùng sản phẩm bạch quả trong hai tuần, anh đã hết bệnh, sau đó anh đi mua ngay cây bạch quả 15 gallon, đưa về trồng trước cửa nhà. Mỗi sáng đi tập thể dục về, anh lấy mấy lá nhai rồi nuốt đi. Cách đây ít lâu, anh cho biết là lá bạch quả đã đem lại cho anh sức khoẻ lạ thường, cảm thấy người thật là cường tráng.
 
3.- Hai tháng nay, tôi được biết một người bạn, tâm hồn rất sáng suốt minh mẫn, nhưng cơ thể anh xuống dốc thê thảm. Các khớp xương của anh đau nhức. Mỗi khi cơn đau lên như thế, các bắp thịt kéo co lại đau đớn lắm. Anh tìm đọc tài liệu về sản phẩm bạch quả. Mấy hôm sau anh mua về dùng. Ngày hôm sau anh cho biết chưa bao giờ anh có được giấc ngủ ngon như thế, một tuần sau anh cho tôi biết các khớp xương hãy còn đau nhưng bắp thịt không co lại và không còn đau nữa.
(Ngưng trích)
 
Gọi bạch quả (hay ngân hạnh) là trường sinh dược thảo kể cũng không ngoa. Khoa học chứng minh cây bạch quả đã hiện diện trên quả địa cầu từ 270 triệu năm trước cùng thời với khủng long. Năm 2009, người ta tìm thấy một cây bạch quả khổng lồ tại thôn Thiên Đài, huyện Trường Thuận, tỉnh Quý Châu Trung Hoa. Thật ra đó là một chùm cây gồm hai cây bạch quả “tổ tiên” với rất nhiều cây “con cháu” ở xung quanh và chúng khác nhau rất nhiều về mặt độ dày và chiều cao.
 
Người dân địa phương nói rằng “hóa thạch sống” này vẫn đầy sinh khí trong mùa hè và có thể sản sinh ra hơn 4.000 cân Anh hạt mỗi năm. Là nơi trú ẩn an toàn cho nhiều loài chim, chùm cây này được coi là rất linh thiêng đối với dân làng. Những người dân làng dù ở gần hay xa đều tới cầu nguyện và tế tự dưới cây để cầu xin cho điều kiện thời tiết thuận lợi.
 
Cây bạch quả cổ thụ này có chu vi 16,8 mét (55,1 feet), tương đương với 13 đứa trẻ nắm tay nhau ôm vòng quanh thân cây. Nó có chiều cao 50 mét (164 feet), và tán của nó bao phủ một vùng rộng cỡ nửa héc-ta. Theo các chuyên gia lâm nghiệp, cây này đã sống thọ hơn 4.000 năm, được đặt cho biệt danh “Trung Hoa ngân hạnh vương” và được công nhận trong sách Guinness Book of World Records năm 1998.
 
Mấy mươi năm gần đây, sau nhiều cuộc khảo cứu, người Tây phương tiêu thụ các sản phẩm xuất chiết từ lá và hạt bạch quả càng nhiều. Bạch quả đã được chứng minh lâm sàng chữa được chứng ù tai, một vấn đề thường gặp nhưng khó trị. Trong một số nghiên cứu được thực hiện tại Pháp vào cuối năm 1970, từ 40 đến 74 phần trăm bệnh nhân mắc bệnh ù tai, chóng mặt, và mất thính giác nhận thấy có sự cải thiện đáng kể với việc sử dụng bạch quả. Thảo mộc kỳ diệu này cũng thấy là có lợi cho việc điều trị đau đầu, trầm cảm, dị ứng, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch máu ngoại biên do tiểu đường, da sẩn ngứa, bệnh tăng nhãn áp, bất lực, viêm võng mạc và dây thần kinh, cũng như các giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.
 
Sản phẩm bạch quả thường đi kèm trong viên thuốc hoặc dạng viên nang. Liều điều trị thông thường là 40 mg đến 120 mg, 2-3 lần mỗi ngày. Trong 30 năm qua, bạch quả đã chứng minh hiệu quả của nó đối với nhiều người tăng trí nhớ, giúp sự tuần hoàn, và điều trị một loạt các vấn đề sức khỏe.
 
Người ta nói đùa rằng bạn không bao giờ nên uống thuốc ngủ và bạch quả cùng một lúc. Tại sao? Tại vì nó sẽ làm cho bạn ngủ say, bạn có thể nằm mơ mê man nhớ đủ mọi chuyện nọ chuyện kia và không thể thức dậy!
 
Bạn hãy nhận biết rằng không phải tất cả các sản phẩm bạch quả đều giống nhau. Có thứ không chứa đủ tất cả các thành phần hoạt động hữu hiệu. Tránh mua thứ rẻ tiền. Bạn nên đọc nhãn kỹ; sản phẩm phải có ít nhất 24% "flavonoid" hoặc "glycoside flavone bạch quả" và sáu phần trăm "ginkgolides" hoặc "terpene lactones." Tuy bạch quả không gây tác dụng phụ nào trầm trọng nhưng trước khi dùng bạn cũng nên hỏi bác sĩ gia đình của bạn cho chắc ăn, nhất là nếu bạn đang dùng chất làm loãng máu, aspirin, tỏi, vitamin E, gừng, hay Coumadin.
 
Người Triều Tiên gọi bạch quả là “Eun Hang”, có nghĩa là ngân hạnh và phát âm giống y như ngân hàng. Trong chương trình truyền hình “1 Night 2 Days”, nam diễn viên Đại Hàn Yoo Hae Jin kể chuyện vui rằng hai bên lề đường phố Hán Thành có rất nhiều cây bạch quả và người qua đường ai cũng mừng rỡ kêu lên “ngân hàng” và cùng nhau nhặt quả rụng như nhặt tiền. Hai thành phố thủ đô Bắc Kinh và Đông Kinh của Trung Hoa và Nhật Bản cũng có trồng rất nhiều cây bạch quả, tạo nên cảnh trí thu vàng quyến rũ và lãng mạn.
 
Thủ đô Hán Thành bắt đầu hạn chế việc trồng thêm bạch quả trong những năm gần đây sau khi nhận được nhiều lời phàn nàn về mùi hôi của loại cây này từ người dân. Tỷ lệ cây bạch quả đã giảm xuống còn 40,3 % vào năm 2012, tương ứng với sự gia tăng của các loại cây khác như cử và anh đào. Số cây bạch quả cái ở thủ đô hiện nay là 25.800 cây. Nhằm nỗ lực ngăn chặn mùi hôi của trái bạch quả chín rụng, vào năm ngoái, sở công viên cử các toán đặc nhiệm hái tất cả quả trên cây trước khi chúng rụng xuống đất, thu được khoảng 4 tấn quả. Sau khi kiểm tra hàm lượng kim loại nặng trong quả, chính phủ đem phân phát cho người cao niên trong thành phố. Tôi nghĩ Toronto nên bắt chước Hán Thành áp dụng biện pháp này trong những năm sau khi tôi không còn sức đi nhặt bạch quả nữa.
 
Phan Hạnh