Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa hằng sống. Người khác với tượng thần của chư dân, bởi thần của chư dân là những vị thần hư vô, không tồn tại:
“Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc,
Chỉ do tay người thế tạo thành:
Có mắt có miệng không nhìn không nói,
Có hai tai mà chẳng thể nghe chi
Không chút hơi thở nơi mồm, nơi miệng” (Tv 134(135),15-17)
Người là Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối, trung tín, công minh và chính trực vô cùng, nhưng lại rất gần gũi với dân riêng Người. Người luôn luôn đồng hành với dân, dẫn dắt dân thông qua các giao ước, giáo huấn và người đại diện, nhưng cũng sẵn sàng sửa phạt dân khi họ dám lìa xa Người mà đến với thần ngoại (x. Đnl 12,26-28). Tuy nhiên, khi dân nhận ra những lỗi lầm của mình và tỏ lòng sám hối, Người lại tha thứ và cứu họ khỏi án phạt, vì Người là Đấng giàu lòng thương xót (x. Lc 1,50; Ep 2,4).
Hôm nay, dân Chúa đang gặp nạn bởi sự uy hiếp của quân Philitinh, một đội quân hùng mạnh hơn hẳn quân Israel cả về số lượng cũng như chất lượng (x. 1 Sm 13). Hơn nữa, trong quân đội của Philitinh xuất hiện một gã khổng lồ Gôliát cao to, khỏe mạnh khác người, là sức mạnh và chỗ dựa tinh thần của quân Philitinh (x. 1 Sm 17,4-7), nhưng nó lại là nỗi khiếp sợ, hoang mang của quân Israel (x. 1 Sm 17,24). Chính trong những tình thế mà sức mạnh dân Chúa cảm thấy bất lực trước các thế lực dân ngoại, thì Thiên Chúa đã ra tay uy quyền để cứu dân (x. 1 Sm 17,40-54).
Đavít, một cậu bé chăn cừu dễ thương lại chính là vũ khí sống động mà Thiên Chúa dùng để hạ nhục kẻ thù của dân Người. Người đã không hành động một cách trực tiếp, mà hành động qua con người nhỏ bé được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến (x. 1 Sm 16). Trước một Gôliát khổng lồ đầu đội mũ chiến bằng đồng, toàn thân được trang bị bảo vệ bằng đồng, tay cầm giáo rất đáng sợ lại là một cậu bé chăn cừu Đavít nhỏ bé, tay cầm chiếc dây phóng đá và mấy hòn đá cuội nhỏ, đại diện cho quân đội Israel để giao đấu tay đôi với hắn (x. 1 Sm 17,40). Dưới con mắt của bao người, chỉ cần tên Gôliát kia dậm chân một cái thì Đavít cũng khó mà đứng vững được, đúng là “lấy trứng chọi đá,” quả là một cuộc chiến không cân xứng.
Giữa hai thế lực, một bên là sức mạnh con người được thể hiện tất cả ra bên ngoài với những võ trang hiện đại và tối tân qua hình ảnh Gôliát; bên còn lại là sức mạnh của Thần Minh được thể hiện qua sự nhỏ bé, yếu đuối của con người qua hình ảnh cậu bé Đavít. Sức mạnh của Thần Minh thì tiềm tàng ở bên trong chứ không ở những gì mà con người nhìn thấy, sức mạnh ấy phải được nhìn dưới con mắt của đức tin, và nhờ đức tin thì sức mạnh ấy mới được thực hiện (x. 1 Sm 17,34-37).
Đavít nói với tên Gôliát: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Israel mà mày thách thức” (1 Sm 17,45). Đavít đã tuyên bố rõ ràng, cậu đến không phải là với sức mạnh của cậu hay của người Israel, nhưng đến với sức mạnh của một vị Thiên Chúa sống động đã chọn Israel là dân riêng Người. Có thể nói những lời cậu vừa dõng dạc tuyên bố, đó là lời nói của một đức tin trọn vẹn, có thể lời đó không là gì với người Philitinh, và cũng chỉ như trò cười trước mặt Gôliát. Thế nhưng, với Israel đó là chỗ cậy dựa vững chắc đối với họ, và qua đó Thiên Chúa cũng nhắc nhở cho dân về niềm tin, khi họ đang quên Đấng luôn đồng hành với họ và là Vua đích thực của họ. Qua sự xuất hiện của Đavít, Thiên Chúa cho mọi người thấy rằng đây chính là cuộc chiến của Thiên Chúa để bảo vệ dân chứ không phải là của quân đội Israel (x. 1 Sm 17,47).
Cuộc chiến bắt đầu khi tên Gôliát mạnh mẽ xông lên tiến về phía Đavít, đây là lúc sức mạnh Thiên Chúa thể hiện, Đavít xông lên và dùng dây phóng ném chỉ một hòn đá nhỏ vào trán, khiến tên Gôliát ngã sấp mặt xuống đất ngay lập tức. Sau đó, Đavít đã dùng chính gươm của hắn, mà chặt đầu hắn mang về Giêrusalem như cậu đã tuyên bố trước quân đội hai bên (x. 1 Sm 17,48-51). Đavít đã làm những gì theo ý Chúa và đã thành công. Vũ khí thô sơ như đồ chơi của trẻ em đó, Thiên Chúa đã dùng để cho sức mạnh của Người được thể hiện, sức mạnh của hòn đá và hướng đi của hòn đá hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không phải là Đavít.
Có thể nói ý Chúa thật nhiệm mầu, bởi Người đâu cần phải dùng đến Đavít, mà chỉ cần phán một lời thì cả Gôliát và quân Philitinh sẽ không còn trên mặt đất. Thế nhưng, qua Đavít Thiên Chúa muốn nói với dân người cách riêng và toàn thể chư dân nói chung đó là, “những gì mà con người cho là mạnh mẽ thì đối với Chúa chẳng có là gì, và những gì mà con người cho là yếu đuối thì trước mặt Chúa đó quả là mạnh mẽ, khi con người biết đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa” (1 Cr 1,26-30). Kết quả, quân Philitinh đã tan tác như ong vỡ tổ và dân Israel được an toàn (x. 1 Sm 17,51).
Qua cuộc chiến tay đôi giữa Đavít và tên Gôliát, cho chúng ta có được một cảm nghiệm về đời sống đức tin ngay giữa lòng thế giới hôm nay. Trước hết, hình ảnh về một Đavít thật yếu ớt và nhỏ bé trước mắt Gôliát cao to khỏe mạnh, như là hình ảnh của một dân Israel giữa muôn dân trên mặt đất, như là hình ảnh của Giáo Hội ngày nay đang trong hành trình tiến về quê trời giữa biết bao nhiêu là sóng gió và thử thách. Còn Gôliát là một hình ảnh của các thế lực thù địch xung quanh như các học thuyết sai lạc, trào lưu xã hội bài trừ tôn giáo, bách hại… Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi hãy trung thành và can đảm trong đức tin qua Giáo Hội, vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Cách đặc biệt hơn khi nhìn vào chính con người của mỗi chúng ta, để thấy được cuộc chiến đấu giữa một Đavít và Gôliát vẫn diễn ra thường ngày trong con người của mình, giữa những chọn lựa, nhất là trong hành trình đức tin, như cảm nghiệm của Thánh Phaolô: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Hình ảnh Đavít, tượng trưng cho con người chúng ta thật yếu đuối và mỏng manh giống như một “ngọn gió thoảng qua.” Còn Gôliát cao to, khỏe mạnh tượng trưng các thế lực xấu vẫn hằng ngày tìm cách để cám dỗ và loại bỏ chúng ta, hầu làm cho chúng ta xa dần tình yêu của Thiên Chúa (x. 1 Pr 5,8). Chính vì thế, chúng ta dù yếu đuối và mỏng manh, chúng ta cũng luôn phải chiến đấu và chiến đấu tới cùng để không bị các thế lực sự dữ thống trị chúng ta (x. 1 Pr 5,9).
Thế nhưng, để có thể chiến thắng được quân thù, tự sức chúng ta không thể, vì quân thù rất mạnh và mưu mô; chúng ta chỉ có thể chiến thắng khi chúng ta có vũ khí trong tay đó là đức tin. Nếu chúng ta dùng đức tin để chiến đấu, thì không phải chúng ta chiến đấu, mà chính Thiên Chúa sẽ chiến đấu thay cho chúng ta, giống như hình ảnh Đavít năm xưa trước Gôliát, và chắc chắn chúng ta sẽ dành được chiến thắng (x. Ep 6,10-14).
Thiên Chúa luôn gần gũi với con người, còn về phía chúng ta, chúng ta có để cho Thiên Chúa ở gần và ở trong ta hay không? Chúng ta có giống như Đavít làm theo ý Chúa trong chương trình của Người hay không? Mỗi người chúng ta hãy mở lòng mình để cho ý Chúa được thể hiện, chính những lúc đó, chúng ta sẽ có được cảm nghiệm như Thánh Phaolô, “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Chúng ta hãy sống theo sự hướng dẫn dưới con mắt đức tin, để có thể nhận ra được những dấu chỉ của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong vũ trụ. Trong cuộc sống, đứng trước những sự dữ, đau khổ, bất công… và nhất là sự chết, nếu có không có đức tin, chắc chắn chúng ta cảm thấy thất vọng và buông xuôi mọi thứ (x. Rm 4,21). Chỉ có trong đức tin, chúng ta mới tìm ra được ý nghĩa và lời giải đáp cho bản thân, cũng như người thân trong những trường hợp tưởng như là ngõ cụt (x. Ga 20,29). Hơn nữa, nhờ đức tin, chúng ta sẽ có sức để chiến đấu vượt qua thử thách chông gai trong cuộc sống, vì “chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc” (Tv 90[91], 3).
Trong vũ trụ này, với những thay đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, nhưng dù chúng ta phải đối diện với những thay đổi theo hướng nào đi nữa thì hãy xác tín rằng, Chúa chính là chủ của vũ trụ và Người đang hướng dẫn để đưa chúng đạt đến sự hoàn hảo. Vì thế, dù là những điều nhỏ bé và tầm thường đang diễn ra trong vũ trụ thì cũng nằm trong ý định của Chúa. Chính Chúa đang dùng những gì tầm thường ấy để thực hiện chương trình nhiệm mầu của Người.
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa sống động, Người đã, đang và tiếp tục yêu thương ta, bởi Người là tình yêu (x. 1 Ga 4,16). Người là khởi đầu và cũng là cùng đích của cuộc sống chúng ta (x. Kh 22,13). Vì thế, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa luôn ở ngay bên ta và trong ta để giúp ta, nếu ta biết dành chỗ cho người (x. Tv 90(91)). Hãy tín thác và dâng lên cho Người tất cả những vui buồn và khó khăn, để Người ban ơn và giúp ta vượt qua như Đavít xưa. Hãy can đảm và dựa vào ơn Chúa, loại bỏ trong chúng ta những gì là ích kỷ hẹp hòi, những gì là tự kiêu, tự phụ… để luôn ngoan ngoãn trong Chúa. Hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang làm cho vũ trụ này đạt đến sự hoàn thiện qua sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ luôn giữ được sự bình an trong cuộc sống, vì có Chúa luôn ở cùng.
John Phạm