Affichage des articles dont le libellé est Ta đợi em dài 30 năm. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Ta đợi em dài 30 năm. Afficher tous les articles

mardi 27 août 2013

Ta đợi em dài 30 năm

Mặc dù đã bước ra một ngã rẽ khác hướng về tâm linh, muốn lánh xa những cạm bẫy của tiền tài, danh vọng, của tình cảm, ái dục, của văn chương, nghệ thuật, tôi vẫn chưa gầy dựng đủ những hạt mầm mới để khỏi vướng lụy vào những xúc cảm của trái tim mà một thời tôi từng dựa vào để tìm nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo. Sáng hôm nay, một lần nữa, tôi bị “trượt tu,” tự cho phép mình quay trở lại với một niềm vui của thế tục, và đó là lâng lâng thưởng thức một câu chuyện lãng mạn, một mối tình ở đâu đó của thiên hạ, tương tự như được dừng chân dưới một bóng cây giữa trưa nắng hạ để tận hưởng một ly kem mát lạnh màu xanh mạ, dịu ngọt mùi hạt pistachio. Nói đúng hơn, tôi thích nghe chuyện người ta yêu thương thay vì thù hận. Mà ai lại không thích nghe vậy?
Câu chuyện sau đây gợi nhắc mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương. Tuy thuộc loại người bị bệnh Alzheimer, kém trí nhớ mỗi khi nghe người khác hỏi về thi văn, tôi cũng khó quên mấy dòng mở đầu thi phẩm “Chờ Đợi Hoài Công” của Vũ Hoàng Chương:
 
Ta đợi em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm
Heo may chớm đã lên mùa gió
Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chiếu nằm

Nếu biết câu chuyện của ông cụ Howard Attebery, nhà thơ của chúng ta sẽ bớt tuyệt vọng trong tình yêu và ráng đợi thêm vài… thập niên thì may ra được toại nguyện, không phải nằm chiêm bao trên chiếu lạnh. Ông cụ này đã đợi lâu gấp đôi thời gian 30 năm để được hội ngộ bà Cynthia Riggs, một người mà cụ Howard đã thốt lên rằng, “Anh chưa bao giờ ngưng yêu em.” Ông đã “đợi em” đến 62 năm mới gặp lại bà. Tính đến nay, tháng Bảy 2013, ông Howard được 91 tuổi, bà Cynthia được 82 tuổi.
Mối tình của họ không do đầu óc tưởng tượng (khô như Nam Cali) của tôi vẽ ra, mà được ghi nhận trong mấy loạt bài ướt át của Vineyard Gazette, một nhật báo tại Marthas Vineyard, một khu vực thượng lưu mà các tổng thống Mỹ thường nghỉ mát ở Massachusetts.
Vào một ngày đông lạnh buốt của tháng Giêng 2012 ở Vineyard, bà Cynthia nhận được một bưu kiện được gởi cho bà nhưng không ghi địa chỉ hồi âm. Trong hộp thư lớn là một chồng giấy đã ngã màu vàng, ghi chép những dòng ký mã mà ông Howard và bà Cynthia từng bí mật viết cho nhau hơn 60 năm trước. Ngày mùa đông ấy cũng là lần đầu tiên bà nhận được sự liên lạc của ông từ ngày hai người chia tay hơn nửa thế kỷ trước.
Vào mùa hè 1950, hai người đã làm việc chung với nhau tại viện nghiên cứu hải dương học Scripps Institution of Oceanography ở phía bắc thành phố San Diego, Nam California. Công tác chính của họ là đếm và phân loại những hải sinh vật bé tí tẹo, phiêu du trên đại dương được gọi là plankton. Ngày đó bà Cynthia mới 18 tuổi, đã phiêu lưu lần đầu tiên từ quê nhà West Tisbury ở miền đông đến miền tây nước Mỹ, và rất ham muốn được vào ngành nghiên cứu khoa học.
“Tôi làm việc trong phòng thí nghiệm này với một đám đàn ông. Họ phải đếm plankton suốt ngày, vì vậy tôi trở thành nhân vật được chú ý từ ngày mới đến làm việc,” bà kể với nhật báo Vineyard Gazette. “Tôi rất ngây thơ, không biết gì đang xảy ra ở chung quanh. Họ bắt đầu những trò nghịch ngợm rất trẻ con, như đóng đinh cho ngăn tủ của tôi bị kẹt cứng. Thế nhưng trong đám đó có một người thường lên tiếng bênh vực tôi. Ông ấy lớn tuổi hơn và tên là Howard Attebery.”
Vì cả hai đều ngượng ngùng về việc kết thân trước đám đông, họ bắt đầu trao đổi những thông điệp viết bằng mật mã trên giấy lau chùi trong phòng thí nghiệm. Chỉ những thông điệp như “bạn có thấy chàng Don tìm được một con sâu không khí bên trong plankton của hắn?”
Bà Cynthia kể tiếp, “Một thời gian ngắn sau Đệ Nhị Thế Chiến, tôi được cha dạy cách viết mật mã. Những thông điệp của chúng tôi không có gì lãng mạn. Vả lại, anh ấy lớn tuổi hơn tôi rất nhiều, tôi xem anh như… ông nội. Anh Howard đã 28 tuổi, tôi mới có 18.”
Hết mùa hè, gót chân phiêu lãng đưa bà Cynthia đến trường đại học Antioch College ở Ohio, nơi bà tiếp tục học ngành địa lý hải dương. Sau này bà lấy chồng, có năm người con, và rồi trở về quê Vineyard để bắt đầu một sự nghiệp văn chương tương đối thành công với những truyện trinh thám dựa trên đời sống ở Vineyard. Từ ngày rời San Diego, bà không hề liên lạc hoặc nhận được thư của ông Howard.
Đến tháng Giêng 2012, bà bỗng nghĩ đến người bạn cũ và liền lên mạng Google để tìm thông tin về ông. Bà không thấy một manh mối nào hết. Thế nhưng có lẽ ông Howard biết được sự tìm kiếm của bà qua thần giao cách cảm, hai tuần sau bà Cynthia bỗng nhận được một bưu kiện của ông Howard mà không ghi địa chỉ của người gởi.
“Trong bưu kiện này là những tờ giấy lau cũ mèm mà tôi đã'hoàn toàn quên mất,” bà cụ kể. Những tờ thông điệp viết bằng mật mã mà hai người từng trao đổi cho nhau đã được ông Howard lưu giữ trong suốt 62 năm với mối tình thầm kín ông dành cho bà. Những tấm giấy này tuy đã ngã màu nâu nàng nhưng những dòng chữ vẫn còn đọc được.
Ông cũng viết thêm một thông điệp với bút chì và bằng mật mã kèm theo chồng thư cũ. Khi giải mã thư mới này, bà Cynthia nhận ra một dòng chữ tâm tình sau: “Anh chưa bao giờ ngưng yêu em.”
Ông Howard chỉ viết một dòng như vậy. Ở nơi viết địa chỉ người gởi, ông chỉ ghi tên, số vĩ tuyến và kinh tuyến. Với các chi tiết ấy, bà biết ông đang ở đâu đó ngoài khơi Baja California thuộc miền tây Mễ Tây Cơ. Bà đoán ông là một bác sĩ đã về hưu, đang nghỉ mát hoặc dưỡng già, nên bà gọi đến các trung tâm du lịch và tàu du lịch để tìm ông. Bà cũng phỏng đoán ông rất giàu có, không chừng đang nằm trên một du thuyền và nhâm nhi rượu pha margarita.
Sau những lần gặp bế tắc, cuối cùng bà tìm được tên và địa chỉ của ông qua Hội Nha Sĩ California. Bà liền gởi một lá thư với nội dung chung chung, tránh bày tỏ tình cảm. Lá thư cho biết bà đã nhận được bưu kiện của ông.
Thế rồi sau nhiều cuộc trao đổi bằng thư sau đó, đôi bạn khám phá họ có nhiều điểm giống nhau trong những thập niên xa cách. Ông đã lập gia đình, có hai con và đã góa vợ. Ông cũng dùng một tấm hình chụp ở Sedona, Arizona làm tấm bưu thiếp gởi cho bà. Bà đáp lại bằng một bài thơ do con gái tên Mary viết mang tựa đề “Gặp Cha Tôi Ở Sedona.” Cô Mary đã mất hơn năm năm trước. Trong thư hồi đáp, ông Howard cho biết con trai ông đã qua đời “trong cùng thời gian con gái của em mất, và cũng ở cùng tuổi.” Bà Cynthia đã xúc động với chi tiết này.
Ông Howard đã tiếp tục gởi nhiều món quà cho bà Cynthia. Bà cũng gởi lại những món quà liên quan đến ngành đại dương mà hai người từng chia sẻ.
Với sự khuyến khích của những bạn trong hội viết văn tại Vineyard, vào tháng Chín năm ngoái bà bay qua Santa Barbara để thăm con gái. Nghe vậy, ông Howard mua bà một vé đi xe lửa để bà có thể đi dọc bờ biển từ Santa Barbara xuống San Diego để thăm ông trong một ngày rưỡi.
Chỉ sau hai tiếng đồng hồ gặp nhau tại văn phòng của ông, họ đồng ý đi đến một tiệm nữ trang để mua nhẫn cưới.
Đến mùa xuân năm nay, với sự trợ giúp của con trai, ông Howard lái một chiếc xe thường dùng cho người đi cắm trại để dọn nhà từ San Diego đến Vineyard. Trên chuyến đi từ cực tây nam đến cực tây bắc đó, trái tim ông chắc hẳn đã sung sướng với niềm hạnh phúc được sống với một người mà ông đã “yêu thầm nhớ trộm” từ ngày đầu mới gặp hơn sáu thập niên trước.
 
Lễ cưới của họ diễn ra vào cuối tháng Năm nhân dịp lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong. Đến ngày thứ Bảy vừa qua, đúng ngày 13 tháng Bảy, 2013, họ mở tiệc đãi bạn bè và thân nhân. Đối với nhiều người Mỹ, mưa trong ngày cưới là một điềm may mắn. Trong ngày tiệc hôm đó, giông tố kéo đến đảo Vineyard, trút mưa bất ngờ vào giữa ngày hè, khiến mọi người phải bưng quà cáp, bánh cưới vào bên trong nhà thay vì tiếp tục bữa tiệc ở ngoài sân.
Trên bánh cưới, một lần nữa ông Howard đã làm cho những quí khách, mà phần lớn là các bạn nữ của bà Cynthia phải cảm động, khi ông viết trên bánh một dòng chữ: “Tình yêu là điểm tựa lớn nhất trong suốt cuộc đời còn lại của bạn.” (pq)
 
Phúc Quỳnh


Phương Hà sưu tầm