Lệnh cấm nhập cảnh mới của Trump khác lệnh cũ như thế nào?
Lệnh cấm nhập cảnh chỉ áp dụng với 6 nước thay vì 7 như trước và sẽ không được thực hiện ngay lập tức.
Ngoại trưởng Mỹ thông báo về sắc lệnh mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/3 ký sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới. Lệnh này có một số điểm khác biệt so với sắc lệnh mà ông đã ký hồi cuối tháng một và bị thẩm phán liên bang đình chỉ đầu tháng hai, theo Business Insider.
1. Iraq không nằm trong danh sách.
Lệnh mới này chỉ áp dụng với 6 nước Sudan, Iran, Somalia, Yemen, Syria và Libya. Công dân từ các quốc gia này sẽ bị ngưng cấp thị thực 90 ngày, giống như sắc lệnh Trump đã ký vào cuối tháng một. Iraq, nước xuất hiện trong danh sách đầu tiên, đã được gỡ bỏ.
Một quan chức Bộ An ninh Nội địa giải thích điều này là vì chính phủ Iraq đã đồng ý cung cấp cho Mỹ thêm thông tin về công dân của mình. "Chúng tôi đã nhận được sự đảm bảo đầy đủ từ chính phủ Iraq rằng chúng tôi có thể kiểm tra các công dân của họ theo sự chỉ đạo của tổng thống Mỹ".
2. Những người đã có thị thực không bị cấm.
Lệnh cấm hồi tháng một được áp dụng với cả người đang giữ thị thực, dẫn đến sự hỗn loạn tại hàng loạt sân bay ngay sau khi lệnh được thực hiện. Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly cho biết những người có thẻ xanh sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới này.
Người đã có thị thực không phải là đối tượng trong lệnh cấm. Lệnh cấm chỉ áp dụng với công dân của 6 nước Hồi giáo xin thị thực mới.
3. Cộng đồng tôn giáo thiểu số không còn được ưu ái.
Lệnh cấm hồi tháng một ưu tiên cho các cộng đồng tôn giáo thiểu số tại các nước Hồi giáo, chẳng hạn như tín đồ Kitô giáo tại Syria muốn xin tị nạn. Quy định này đã khiến các nhà phê bình tin rằng lệnh cấm nhập cảnh thực chất là lệnh cấm Hồi giáo.
Trong lệnh cấm mới, quy định này đã được hủy bỏ, cộng đồng tôn giáo thiểu số không còn được ưu tiên.
4. Người tị nạn Syria không còn trong diện đặc biệt.
Lệnh cấm nhập cảnh mới vẫn giữ nguyên việc đình chỉ nhận người tị nạn trong 120 ngày, nhưng người tị nạn Syria cũng được xếp nằm trong nhóm này. Trước đó, trong sắc lệnh hồi tháng một, người tị nạn Syria bị cấm nhập cảnh Mỹ vô thời hạn.
5. Lệnh cấm không được thực hiện ngay lập tức.
Thay vì được thực hiện ngay lập tức, sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 16/3, để chính phủ Mỹ có 10 ngày để chuẩn bị và làm quen.
"Bạn sẽ không thấy bất kỳ sự hỗn loạn nào tại các sân bay", một quan chức an ninh nói ngay sau khi sắc lệnh được ban hành. "Tối nay sẽ không có người nào bị buộc phải dừng chân khi vào nước ta theo lệnh này".
Phương Vũ