Affichage des articles dont le libellé est So sánh Y tế Mỹ và Canada. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est So sánh Y tế Mỹ và Canada. Afficher tous les articles

vendredi 15 janvier 2016

So sánh Y tế Mỹ và Canada


Quí Vị thân mến, 

Cuộc tranh luận trên truyền thông Mỹ - Canada về tính ưu việt giữa 2 hệ thống y tế khác nhau cuối cùng rồi cũng tràn vào TNIC. Tôi cũng ngại ngần bàn luận lắm, vấn đề này đã tốn nhiều giấy mực thì giờ của cả 2 nước. Nhưng thấy có một số tin tức do vài anh chị đưa lên không được chính xác, cho nên cần phải đính chính. 

Trước tiên là anh Lê Thanh Kim nói rằng dân chúng của Canada phải đóng thuế lợi tức đến 55% mức lương. Nói điều này thì có đụng chạm tới .. tôi, bởi vì tôi là nhân viên của Bộ Thuế Vụ, nên tôi cần đính chính. 

Dân Canada phải trả thuế lợi tức cho 2 chính phủ: liên bang và tỉnh bang. Thuế suất theo nguyên tắc lũy tiến, tùy thuộc vào 4 nhóm lợi tức (income bracket). 

Thuế liên bang: Nhóm lợi tức thấp nhất (dưới 37,885) thuế suất 15%, Nhóm lợi tức cao nhất (trên 123,184) thuế suất 29% 
Thuế tỉnh bang: thay đổi theo tỉnh, nhưng cao nhất là New Brunswick, 18% và thấp nhất là Alberta, 10%. 

Như thế, người dân Canada chịu mức thuế lợi tức tối đa là 47% (29%+18%) chứ không phải 55% như anh Kim nói. Nhưng đây là mức thuế cho nhóm dân có lợi tức cao nhất, sống tại tỉnh bang đánh thuế cao nhất, chứ đa số dân Canada chỉ trả thuế suất khoảng 25%. 

Hệ thống y tế của Canada là hệ thống y tế công cộng, toàn dân (universal public health care insurance) nghĩa là toàn bộ dân chúng được bảo hiểm y tế, không tùy thuộc vào việc làm hay lợi tức. Trên nguyên tắc, người dân phải đóng tiền bảo hiểm y tế hàng tháng. Nhưng nếu net income (lợi tức ròng) của gia đình dưới 28,000$/năm thì được giảm và dưới 20,000$/năm thì được miễn đóng. Còn lương trên 28,000 thì mỗi tháng cũng chỉ đóng 54$ cho cá nhân hay 96$ (vợ chồng) hay 108$ cho gia đình (3 người trở lên). Đây là giá của tỉnh bang BC, những tỉnh bang khác không xê xích bao nhiêu, thậm chí còn có thể free hoàn toàn như Ontario . 

Những người đi làm việc thì tùy theo cơ quan hay công ty, có thể được chủ nhân trả cho phân nửa hoặc bao luôn tiền này. Như vậy, vì số tiền đóng bảo hiễm y tế hàng tháng quá thấp, có tính chất tượng trưng, nên nói y tế Canada miễn phí thì cũng không sai, và toàn bộ dân chúng Canada đều có bảo hiểm y tế: đi khám bệnh miễn phí, xét nghiệm soi chụp miễn phí, sinh đẻ miễn phí, chữa trị bệnh viện miễn phí .. 

Còn tiền thuốc mua uống về nhà do bác sĩ cho toa, nếu là diện lợi tức thấp thì hoặc là không phải trả hay trả ít. Nếu là diện buôn bán, tự làm chủ (self-employed) như anh Bill sẽ phải móc tiền túi ra trả đủ, còn những người đi làm thuê và trong nơi làm việc có extended medical insurance plan (bảo hiểm y tế phụ trội) như tôi thì sẽ phải trả 20% tiền thuốc thôi, chương trình bảo hiểm y tế phụ trội trả 80%. 

Khi bệnh nặng phải vào nhà thương, tôi chỉ hơn anh Bill hay người ăn welfare ở chỗ tôi có thể được nằm một phòng riêng, còn anh Bill hay người welfare phải nằm chung phòng với vài người khác, nhưng chữa trị và thuốc thang như nhau. Ngay cả người homeless có thể nằm cùng bệnh viện với Thủ Tướng Canada, nhưng người này không có lính gác, không có phòng riêng (Canada không có bệnh viện tư và không có bệnh viện riêng dành cho quan chức) Một khi đã vào bệnh viện, không người dân nào trả một đồng xu. 

Đây là điểm tự hào của dân Canada về mặt bình đẳng xã hội trên phương diện y tế. 

Tôi bật cười khi đọc thấy anh nào đó gọi nhà thương Canada là “nhà thương thí”. Hy vọng có ngày anh vào nếm mùi nhà thương thí Canada xem có giống nhà thương thí VN hay không. 

Đúng là chim sợ cây cong, ngựa quen đường cũ. Nói như anh, Thủ Tướng và Bộ Trưởng Canada đều nằm nhà thương thí. 

Một thành kiến cần đính chính là tuy y tế Canada theo xã hội chủ nghĩa nhưng không phải toàn bộ bác sĩ y tá lãnh lương cố định như công chức. Thay vì có hàng trăm hãng bảo hiểm y tế (medical insurers) chi trả cho bác sĩ nhà thương như ở Mỹ, chính quyền tỉnh bang ở Canada đóng vai trò medical insurer. Chính quyền đặt ra mẫu chi phí dịch vụ, khám bệnh bao nhiêu tiền, mổ tim bao nhiêu tiền ... và trả cho bác sĩ, nhà thương thực hiện các dịch vụ đó. 

Thay vì gởi hoá đơn tính tiền cho các medical insurance companies như ở Mỹ, bác sĩ và nhà thương ở Canada gởi bill tới cho Bộ Y tế tỉnh bang. Do đó, giữa bác sĩ vẫn có sự chênh lệch lợi tức, ít bệnh nhân thì lợi tức thấp, nhiều bệnh nhân thì lợi tức cao. 

Bệnh viện đông bệnh nhân, quản trị khéo thì thặng dư ngân sách, ngược lại thì chính phủ phải bù lỗ, bệnh viện có kế toán đỏ (thâm hụt) có thể nằm trong danh sách bị đóng cửa nếu có cắt giảm ngân sách. 

Không phải là tình trạng đồng lương cố định, làm việc kiểu ban ơn như “nhà thưong thí VN”. Tuy nhiên, bác sĩ ở Canada không kiếm được nhiều tiền như bác sĩ ở Mỹ, vì giá cả dịch vụ do chính phủ ấn định và chính phủ còn giới hạn cả số bệnh nhân bác sĩ khám trong một ngày (Thời gian khám bịnh nhân không quá 25 phút), để bảo đảm chất lượng khám bênh (BC quy định 50). 

Bác sĩ ở Canada kiếm nửa triệu đô la một năm là thuộc loại đông khách lắm rồi. 

Khuyết điểm lớn nhất của hệ thống y tế công cộng Canada là tình trạng chờ đợi nội soi (CT scan, MRI scan) và mổ xẻ. Điều này có thể hiểu được vì y tế chiếm một khoảng khổng lồ trong ngân sách chính phủ, trong khi số người già mỗi ngày một đông, gánh nặng y tế càng ngày càng nặng. 

Như tôi phải chờ 3 tháng mới được CT scan xương sống (đau lưng dưới). Nếu MRI thì chắc phải chờ 6 tháng, vì MRI tốn kém hơn. 

Mổ thì thời gian chờ đợi nhanh hay lâu tùy thuộc vào tính ưu tiên của bệnh trạng, khẩn cấp hay không. 

Ngoài ra, còn tùy thuộc vào tỉnh bang nữa. Tỷ dụ như dân chúng ở Alberta được mổ nhanh hơn dân chúng ở BC. Nhưng chuyện có người đã chết vì bệnh biến chứng trước khi đến lượt kêu mổ là có thật. 

Chuyện phải chờ đợi lâu lắc ở Emergency Room cũng có thật ở nhiều nơi trên Canada .

Khuyết điểm thứ nhì là vì chính quyền độc quyền trong lãnh vực y tế, không cho tư nhân kinh doanh y tế (không cho phép 2-tier system), cho nên chính quyền cũng không chịu mua sắm những máy móc tân tiến nhất, đắt tiền nhất trong mọi lãnh vực bệnh lý. 

Tỷ dụ như Canada chưa có máy để chữa bệnh đĩa đệm thoát vị (bulging disc) bằng radio wave như bệnh viện tại Mỹ, Âu châu và cả Việt nam. 

Khi biết tôi về VN để chữa bệnh bằng radio wave disc therapy, nhân viên bệnh viện Việt Pháp (Franco Vietnamien Hopital) ngạc nhiên. Tôi phải giải thích rằng nước Canada tư bản có nền y tế xã hội chủ nghĩa hơn cả Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa VN. Họ không cho Pháp hay bất kỳ ai mở nhà thương kinh doanh ở Canada , cho nên Canada chưa có cái máy chữa đĩa đệm thoát vị bằng sóng radio. 

Nếu đau nặng (herniated disc) thì họ đè ra mổ, còn chưa nặng thì cứ chữa lòng vòng như physicotherapy, chirotherapy, châm cứu, thể dục, thuốc giảm đau v.v. Phải chăng họ cho đau lưng không phải là bệnh trầm trọng đe doạ tính mạng? 

Nói tóm lại, hệ thống y tế Canada không toàn hảo, nhưng dù có khuyết điểm, đối với đại đa số dân chúng, nền y tế công cộng của Canada vẫn bảo đảm một đời sống khoẻ mạnh, không ai phải lo lắng không có tiền chữa bệnh hay phá sản vì bệnh hoạn. 

Vì không phải trả tiền bác sĩ nên động một tí là đi bác sĩ, có khi một ngày đi 2 bác sĩ khác nhau cho chắc ăn, cho nên nói chung bệnh tật được phát hiện rất sớm. 

Dân Canada có tuổi thọ cao đứng hàng thứ 10 trên thế giới (nữ gần 84, nam 77) và tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh (infant mortality) thấp thứ 23 trên thế giới (4.8/1000)


Nay xin bàn qua đôi chút về nền y tế Hoa Kỳ. 

Y tế Mỹ là một chuyện lạ trên thế giới. Mỹ là một quốc gia có nền y khoa tiến bộ nhất, bệnh viện và máy móc y khoa tối tân nhất. Nhưng đây cũng là quốc gia tiền tiến duy nhất Tây phương không có một nền bảo hiểm y tế phổ cập toàn dân (universal public health care insurance). Mỹ là quốc gia tiên tiến duy nhất nhưng người dân có thể bị phá sản vì bệnh tật. 

Mỹ là một quốc gia giầu có nhất thế giới, có mức sống cao nhất thế giới, có giá sinh hoạt thấp so với thu nhập cao nhất thế giới, nhưng có hơn 40 triệu dân (15%) không có bảo hiểm y tế và người già phải tìm cách mua thuốc chữa bệnh tại Canada vì thuốc Canada rẻ gấp mấy lần.

Một số dân Mỹ sống dọc theo biên giới Canada đã phải qua Canada mượn thẻ y tế của dân Canada để khám bệnh miễn phí (thẻ y tế của nhiều tỉnh bang Canada không dán hình). 

Trong khi lợi tức bình quân đầu người của Mỹ hơn Canda, có khoảng 15%, dân Mỹ phải đóng bảo hiểm y tế cao hơn dân Canada 14 lần. Đây là một điểm đáng buồn, đáng hổ thẹn cho đại cường quốc Hoa Kỳ, quốc gia có những chiếc máy bay quân sự trị giá 2.4 tỷ đô la một chiếc. 

Nếu dùng chi phí đầu người, Tuổi Thọ và Tỷ Lệ Tử Vong Trẻ Sơ Sinh để làm thước đo sự thành công của nền y tế, thì nền y tế Mỹ đã thất bại (nhưng nếu không dùng thì lấy gì để đánh giá?). Trong khi Mỹ nói chi tiêu y tế tính theo đầu người cao nhất thế giới thì dân Mỹ tuổi thọ đứng thứ 30 trên thế giới (nữ gần 81, nam 75), tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh (infant mortality) thấp thứ 33 trên thế giới (6.3/1000, thua cả Cuba ). 

Tổng thống Obama phải cay đắng thốt lên:”We spend 25,000 dollars more (per capita per year (theo đầu người hàng năm)) but we are not healthier.” 

Tổng thống Clinton đã thất bại trong việc cải tổ y tế Hoa Kỳ. Không rõ lần này TT Obama có may mắn hơn không? 

Chúc TT Obama và dân chúng Hoa Kỳ may mắn trong cuộc tranh đấu chống lại lòng tham không đáy của các tập đoàn tư bản y tế và dược phẩm Mỹ. Có thể dùng một mô thức y tế kết hợp để tránh được khuyết điểm của cả 2 hệ thống. Nhưng nếu TT Mỹ lại thua lần nữa thì không có gì lạ, vì Hoa kỳ luôn luôn là nước Tư Bản Chủ, không phải Dân Chủ.
Riêng dân Canada đã vài lần được thăm dò ý kiến là có muốn Canada sáp nhập vào Mỹ hay không, mức sống cao hơn và chỉ đi ăn hiếp người khác chứ không sợ ai ăn hiếp. Đa số nói không. 
Lý do chính: họ muốn ai cũng được nằm nhà thương miễn phí, bất kể giàu nghèo, có job hay không có job. Không công bằng tài sản được thì ít nhất cũng công bằng y tế và giáo dục, nhu cầu cần thiết cho dân tự đứng lên khi mạnh khoẻ và có chí hướng tiến lên.

Nguyễn văn Đức chuyển