Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là một khởi đầu mới, một con đường dẫn đến mục tiêu chắc chắn là Phục Sinh, chiến thắng của Chúa Kitô đối với sự chết. Mùa này thúc giục chúng ta hoán cải. Người Kitô hữu được mời gọi “hết lòng” trở về với Thiên Chúa (Joel 2,12), không chấp nhận lối sống tầm thường nhưng lớn lên trong tình bạn với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn tín trung, không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về; và qua sự đợi chờ đầy nhẫn nại ấy,Người tỏ lòng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta (x. Bài giảng, 08-01-2016).
Mùa Chay là mùa thuận lợi để đi sâu vào đời sống thiêng liêng nhờ những phương tiện thánh hoá Giáo hội đã đem đến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Nền tảng của mọi sự là lời Chúa, mà trong mùa này, chúng ta được mời gọi chuyên chăm lắng nghe và suy ngẫm. Giờ đây tôi muốn nói đến dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô (x. Lc 16,19-31). Chúng ta hãy để câu chuyện đầy ý nghĩa này gợi hứng cho chúng ta, vì nó cho chúng ta chiếc chìa khóa để hiểu chúng ta cần phải làm gì để có được hạnh phúc thật và được sống đời đời. Dụ ngôn ấy khuyên chúng ta thành tâm hoán cải.1. Tha nhân là một hồng ân
Dụ ngôn bắt đầu bằng việc giới thiệu hai nhân vật chính. Người nghèo được mô tả chi tiết hơn: người ấy thật tồi tàn và không đủ sức để đứng lên. Nằm trước cửa nhà người giàu có, anh ăn những vụn bánh từ bàn của người ấy rơi xuống. Thân thể anh đầy lở loét và mấy con chó đến liếm những vết thương của anh (x. cc 20-21). Một bức tranh về nỗi khốn cùng; vẽ nên một con người hèn hạ và đáng thương.
Cảnh tượng ấy lại còn ấn tượng hơn nếu chúng ta để ý đến tên của người nghèo là Lazarô: một cái tên đầy hứa hẹn, có nghĩa là Chúa cứu giúp. Như thế nhân vật này không vô danh. Tính cách của anh được mô tả rõ ràng và anh xuất hiện như một cá nhân với câu chuyện của riêng mình. Mặc dù thực tế ông nhà giàu không nhìn thấy anh, nhưng chúng ta nhìn thấy và biết anh như một người quen thuộc. Anh trở thành một khuôn mặt, và do đó, một hồng ân, một kho tàng vô giá, một con người mà Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc, mặc dù hoàn cảnh cụ thể của anh hệt như một kẻ bị ruồng bỏ (x. Bài giảng, ngày 08 Tháng 1 2016).Lazarô dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Mối tương quan thích đáng với mọi người là nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Ngay cả người nghèo nằm ở cửa nhà người giàu chẳng phải là điều phiền toái, nhưng là lời kêu gọi hoán cải và thay đổi. Dụ ngôn trước hết mời gọi chúng ta mở cửa lòng mình cho người khác vì mỗi người là một hồng ân, dù đó là người láng giềng của chúng ta hay một người bần cùng vô danh. Mùa Chay là mùa thuận lợi để mở cửa cho tất cả những ai túng thiếu và nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi họ.
Mỗi người chúng ta đều gặp những người như thế mỗi ngày. Mỗi cuộc đời mà chúng ta gặp là một hồng ân đáng được đón nhận, tôn trọng và yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta mở mắt để đón nhận và yêu thương sự sống, đặc biệt khi sự sống ấy yếu đuối và dễ bị tổn thương. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận những gì Phúc Âm nói với chúng ta về người giàu có.2. Tội làm cho chúng ta ra mù loà
Dụ ngôn cực tả những điều trái ngược về người giàu có (x. c. 19). Không như anh nghèo Lazarô, ông không có một cái tên; mà chỉ đơn giản được gọi là “một người giàu có”. Sự hào nhoáng của ông ở nơi những y phục lộng lẫy đắt tiền. Vải điều thậm chí còn quý hơn cả vàng và bạc, và do đó chỉ dành cho các vị thần (x. Gr 10,9) và vua chúa (x. Tl 8,26), còn vảilanh mịn dành cho một một nhân vật gần như thần thánh. Rõ ràng người ấy đã phô trương sự giàu có của mình, và ngày nào cũng thế: “ngày ngày yến tiệc linh đình” (c. 19). Ở nơi ông, chúng ta có thể có một thoáng nhìn bi đát về sự đồi bại của tội lỗi, diễn tiến qua ba giai đoạn kế tiếp: lòng ham mê tiền bạc, sự hư ảo và thói tự đắc (x. Bài giảng, ngày 20-09-2013).
Thánh Tông đồ Phaolô nói với chúng ta rằng “lòng ham mê tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác” (1 Tim 6,10). Đây là nguyên nhân chính của sự đồi bại và là nguồn gốc của ghen tị, xung đột và nghi ngờ. Đồng tiền có thể đi đến thống trị chúng ta, đến mức trở thành một thần tượng độc tài (x. Evangelii Gaudium, 55). Thay vì là một công cụ giúp chúng ta làm điều thiện và bày tỏ tình liên đới với người khác, tiền bạc lại có thể trói buộc chúng ta và cả thế giới vào một thứ luận lý ích kỷ chẳng còn chỗ cho tình yêu và cản trở hoà bình.
Rồi dụ ngôn cho thấy thói tham lam của người đàn ông giàu có làm cho ông ta thành hư ảo. Tính cách của ông thể hiện qua vẻ bên ngoài, qua việc tỏ cho người khác thấy ông có thể làm được những gì. Nhưng cái vỏ bên ngoài của ông chỉ che đậy một sự trống rỗng nội tâm. Cuộc sống của ông là một tù nhân cho cái vẻ bên ngoài, cho những khía cạnh hời hợt và phù du nhất củahiện hữu (x. nt. 62).
Bậc thấp nhất của sự suy thoái đạo đức này là thói tự đắc. Người giàu có phục sức như một vị vua và hành xử như một vị thần, mà quên rằng ông chỉ là người sẽ phải chết. Đối với những kẻ bị thói ham mê của cải làm cho sa đọa, ngoài cái tôi của họ ra, chẳng có gì tồn tại. Những người xung quanh họ ở ngoài tầm mắt của họ. Hậu quả của việc gắn bó với tiền bạc là một thứ mù lòa. Người giàu có không nhìn thấy người nghèo, người đói khát, người bị thương, người nằm ở cửa nhà mình.
Nhìn vào nhân vật này, chúng ta có thể hiểu tại sao Phúc Âm quyết liệt lên án thói ham mê tiền bạc: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: hoặc ghét chủ này và yêu chủ kia, hoặc gắn bó với chủ này và khinh chê chủ nọ. Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền bạc được” (Mt 6,24).3. Lời Chúa là một hồng ân
Đoạn Phúc Âm về người giàu có và Lazarô giúp chúng ta chuẩn bị chu đáo cho Lễ Phục sinh. Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta đến với một kinh nghiệm gần giống với kinh nghiệm của người giàu có. Khi linh mục xức tro trên đầu chúng ta, ngài lặp lại những lời này: “Hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro”. Quả vậy, cả người giàu và người nghèo đều chết, và phần quan trọng hơn của dụ ngôn này diễn ra ở đời sau. Hai nhân vật bỗng nhiên khám phá ra rằng “chúng ta đã chẳng mang gì vào trần gian này, thì cũng chẳng mang gì ra được” (1 Tm 6,7).
Chúng ta cũng thấy những gì xảy ra ở đời sau. Ở đó người giàu năn nỉ với Abraham mà ông gọi là “cha” (Lc 16,24,27), như một dấu chỉ cho thấy ông thuộc về dân Chúa. Chi tiết này làm cho cuộc đời của ông càng thêm mâu thuẫn, vì cho đến lúc này, chẳng có gì cho thấy ông có mối tương quan với Thiên Chúa. Thực tế, trong cuộc đời của ông không có chỗ nào dành cho Thiên Chúa. Vị thần duy nhất của ông là chính ông.
Người giàu có chỉ nhận ra Lazarô khi ông phải chịu những cực hình ở đời sau. Ông xin người nghèo lấy một giọt nước làm cho ông bớt đau đớn. Điều ông xin Lazarô cũng giống như điều ông có thể làm được nhưng đã chẳng bao giờ làm. Abraham nói với ông: “Cả đời con, con đã nhận được bao điều tốt lành, còn Lazarô chỉ nhận toàn điều bất hạnh. Bây giờ Lazarô được an ủi nơiđây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (c. 25). Ở đời sau, một loại công bằng được phục hồi và những bất hạnh trong đời đượcđền bù bằng những điều tốt lành.
Dụ ngôn tiếp tục đưa ra một thông điệp cho tất cả các Kitô hữu. Người giàu xin Abraham sai Lazarô đến cảnh báo các anh em của ông còn đang sống. Nhưng Abraham trả lời: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy lắng nghe các ngài” (c. 29). Và đáp lại lời phản bác của người giàu có, Abraham nói thêm: “Nếu chúng không nghe Môsê và các tiên tri, thì dù người chết sống lại chúng cũng chẳng tin” (c. 31).
Như thế đã lộ ra vấn đề thực sự của người giàu có. Gốc rễ của mọi bất hạnh của ông là không chịu nghe lời Chúa. Kết quả là ông không còn yêu mến Thiên Chúa và càng ngày càng khinh miệt người thân cận của mình. Lời Chúa thì sống động và mạnh mẽ, có khả năng biến đổi những cõi lòng và đưa chúng trở về với Chúa. Khi chúng ta đóng cửa lòng mình trước hồng ân lời Chúa, thì rốt cuộc chúng ta cũng sẽ đóng cửa lòng mình trước hồng ân là những anh chị em của chúng ta.
Anh chị em thân mến, Mùa Chay là mùa thuận lợi để đổi mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô, Đấng đang sống trong lời của Người, trong các bí tích và nơi người thân cận của chúng ta. Chúa là Đấng đã chiến thắng sự lừa dối của Tên Cám Dỗ trong bốn mươi ngày ở sa mạc, sẽ chỉ cho chúng ta con đường chúng ta phải đi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào một cuộc hành trình thực sự của hoán cải, để chúng ta có thể tái khám phá hồng ân lời Chúa, được thanh tẩy khỏi tội lỗi đã làm cho chúng ta ra mù loà, và phục vụ Chúa Kitô hiện diện trong những anh chị em của chúng ta đang túng thiếu. Tôi khuyến khích tất cả các tín hữu cũng hãy thực hiện sự đổi mới thiêng liêng này bằng cách tham gia các Chiến dịch Mùa Chay được nhiều tổ chức Giáo hội phát động tại nhiều nơi trên thế giới, để thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ trong gia đình nhân loại duy nhất của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, để nhờ tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta biết mở cửa lòng mình cho những ai yếu đuối và nghèo khổ. Như thế chúng ta mới có thể sống và làm chứng cho niềm vui Phục Sinh cách trọn vẹn.PHANXICÔ
P.ANH chuyển