XẢ STRESS
(không
phải uống thuốc)
Bs. Ðỗ Hồng Ngọc
Không có stress có lẽ
con người cũng không thể tồn tại. Thế nhưng, vượt ngưỡng đến một mức nào đó thì
con người cũng… không thể tồn tại, bởi chính stress gây ra nhiều thứ bệnh
về thể chất và tâm thần, nên rất cần biết cách “xả” stress trong cuộc sống đầy
căng thẳng, âu lo hiện nay.
Stress là một phản ứng bảo
vệ, khi cơ thể bị một mối đe dọa, mối nguy hiểm xảy đến cho nó. Người ta gọi nó
là phản ứng (hay đáp ứng) “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight response),
nghĩa là trong tình huống đó, chỉ có hai cách để chọn lựa: chiến đấu để sinh
tồn hoặc bỏ chạy để… sinh tồn!
Lúc đó, cơ thể phải
huy động toàn lực để đối phó. Não thùy sẽ ra lệnh tiết các kích thích tố cần
thiết, nào adrénaline, nào norepinephrine, cortisol… ồ ạt đổ vào máu. Tim đập
nhanh để bơm máu về các cơ bắp lớn, phổi hổn hển tăng tốc bơm oxy, đường huyết
vọt lên cao nhằm tăng cường khẩn cấp năng lượng, đồng tử mắt nở to để nhìn cho
rõ, tai vểnh lên, mũi phồng ra… Tóm lại, mọi thứ đều phải trong tư thế sẵn
sàng. Trong lúc các mạch máu lớn chuyển máu đến các bắp cơ thì mạch máu nhỏ
ngoại biên co thắt lại, để nếu có bị thương thì máu cũng không bị mất nhiều… Vì
thế mà người bị stress thường mặt mày tái ngắt, xanh lè, tay chân đơ cứng!
Stress cấp tính có
những phản ứng mạnh hơn ta tưởng. Một người đang đứng trước chuồng cọp, thấy
cọp sổng chuồng thì… phân, nước tiểu tóe ra mà không hay, tay chân bủn rủn,
ngất xỉu. Nguy cơ qua đi, hiểm họa chấm dứt thì mọi thứ lại trở về trật tự cũ.
Tim đập chậm lại, hơi thở điều hòa, bắp cơ buông xả. Nếu sự đe dọa không mãnh
liệt nhưng cứ dồn dập, hết lớp này tới lớp khác, đến một lúc vượt quá mức chịu
đựng gọi là “mất bù” thì sẽ tạo ra những hiệu ứng âm thầm gây tác hại không
lường được lên thể chất và tâm thần của ta.
Thời đại ngày nay, con
người ít có dịp chiến đấu một mất một còn trước thú dữ hay trước “hòn tên mũi
đạn” như xưa. Nhưng con người ngày nay lại phải thường xuyên đối đầu với những
“hòn tên mũi đạn” còn nguy hiểm hơn, kiểu “bề ngoài thơn thớt nói cười / bề
trong nham hiểm giết người không dao”. Stress vượt qua ngưỡng lúc nào không hay
và dẫn tới vô số bệnh tật mà bác sĩ cũng phải bó tay, đành gắn cho những cái
tên mơ hồ như “rối loạn chức năng”, “mệt mỏi kinh niên”, “rối loạn thần kinh
thực vật”… Ðại học Y khoa Harvard ước tính có từ 60%- 90% bệnh nhân (ở Mỹ) tìm
đến bác sĩ là do stress.
Stress liên quan đến
rất nhiều bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, suyễn, đau
nhức kinh niên, mất ngủ, dị ứng, nhức đầu, đau thắt lưng, một số bệnh ngoài da,
ung thư, tai nạn thương tích, tự tử, trầm cảm, giảm miễn dịch v.v… Tóm lại là
rất phức tạp. Bác sĩ nếu không quan tâm đúng mức – đau đâu chữa đó – thì chỉ
chữa đựơc triệu chứng bên ngoài còn cái gốc sâu thẳm bên trong là stress vẫn
không đựơc giải tỏa, bệnh vẫn cứ luẩn quẩn loanh quanh, chuyển từ “bệnh” này
qua “bệnh” khác, và do đó, chất lượng cuộc sống bị giảm sút rõ rệt! Nhiều khi
ta tưởng cholesterol xấu tăng cao trong máu là do thức ăn, nhưng không phải, do
stress nhiều hơn! Tiểu đường tưởng do ăn nhiều chất ngọt, thực ra do stress
nhiều hơn. Ta thấy đời sống càng căng thẳng, bệnh tiểu đường càng phát triển
mạnh! Ở nước ta mới mấy năm trước, tiểu đường chỉ lai rai, bây giờ thì… “năm
sau cao hơn năm trước”, lan tràn cả ở thành thị lẫn nông thôn! Các nghiên cứu
trên thế giới cũng cho thấy vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, người làm việc ở
những khu vực dễ bị sa thải thì chết vi tim mạch, tai biến mạch máu não cao gấp
đôi các khu vực khác…!
Stress thay đổi từ
người này sang người khác. Cùng một sự việc, với người này thì nổi điên lên còn
với người kia chỉ là một trò cười, với người này là cả một sự sụp đổ, với người
kia là một bài học… Cùng là con ông bà “viên ngoại họ Vương”, cùng “sắm sửa bộ
hành chơi xuân”, mà Thúy Kiều thì khóc sướt mướt, thở than, nằm mộng, làm mười
khúc đoạn trường đầy nước mắt trong khi Thúy Vân ngạc nhiên sao chị mình “kỳ
cục” vậy! Hẳn là bên trong Thúy Kiều có cái gì đó khác với Thúy Vân, bởi bên
ngoài thì cả hai đều “mười phân vẹn mười” cả!
Người dễ bị stress là
người thường có tính quá lo lắng, cầu toàn, hay tự chỉ trích, thiếu quyết đoán,
hay do dự… Nếu bị thêm sức ép từ bên ngoài thì dễ suy sụp, dễ bị vượt ngưỡng!
Nhiều học sinh học giỏi mà thi rớt cho là “học tài thi phận” một phần chính là
do stress! Gia đình kỳ vọng nhiều quá, tạo một áp lực vô hình, khiến em không
còn là chính mình nữa!
Những dấu hiệu sớm để
nhận biết stress là có vấn đề về trí nhớ như hay quên, mất định hướng, thường
hoang mang…
Về cảm xúc thì dễ dao
động, bứt rứt, dễ bị kích động, tâm tính bất thường, hay cáu gắt, lúc nào cũng
có cảm giác bị tràn ngập, rất khó tìm được sự thư giãn. Trong lúc nghỉ
ngơi mà vẫn cứ lo lắng, thậm chí còn lo lắng nhiều hơn!
Các triệu chứng về thể
chất dễ nhận ra như nhức đầu, đau lưng, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chóng
mặt.. Ðặc biệt đau cột sống cổ hay cột sống thắt lưng. Cứ tưởng là loãng xương,
là gai cột sống, là thoát vị đĩa đệm gì gì đó, thực ra gốc ở stress.
Người bị stress dễ bị
bệnh vặt, cảm cúm triền miên vì sức đề kháng giảm sút đáng kể, dễ bị mất ngủ,
tức ngực, tim đập nhanh và … dễ nổi mụn, nổi chàm trên da. Không có gì ngạc
nhiên vì ở trong phôi thai, não và da vốn cùng xuất phát từ một lá mầm ngoại bì
(ectoderme). Não mà bất an thì da cũng nhăn nhúm, nổi mụn, nổi chàm, chữa hoài
không khỏi, thoa mỹ phẩm đắt tiền cũng vô ích. Não mà an vui thì da cũng tươi
nhuận, hồng hào, sáng láng.
Người bị stress còn
hay có những hành vi bất thường như tự dưng thèm ăn, ăn hoài, lên cân đột ngột;
hoặc bỗng nhiên bỏ ăn, sụt ký đột ngột…
Có người còn đi qua đi
lại, đi tới đi lui, cắn móng tay, nhai nhóp nhép. Các huấn luyện viện bóng đá,
ông nào cũng hay đi qua đi lại, đi tới đi lui, nhai nhóp nhép “sinh-gom” hoặc
phì phèo thuốc lá liên tục giữa lúc hai đội bóng vờn nhau trên sân. Họ bị
stress. Nhưng đó là một thứ stress cấp, coi căng vậy mà hiền, chóng qua, hết
trận đấu là xong, lại bắt tay nhau vui vẻ! Còn cái thứ stress nhai nhóp nhép
kiểu “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”… mới là thứ stress nặng, mãn tính,
triền miên, sinh đủ thứ chuyện.
Phòng
bệnh hơn chữa bệnh.
Nguyên tắc là đừng tự
đòi hỏi mình phải luôn hoàn hảo, phải luôn luôn đúng!
Cũng đừng bao giờ so
sánh mình với người khác. Con vịt là con vịt mà con gà là… con gà.
Con gà mà dại dột so với con vịt thì sẽ chìm nghỉm trong nước! Lục súc tranh
công không thể nào vui được! Một khi đã so sánh thì dù hơn, dù kém, dù ngang
bằng cũng đều khổ!
Nên tránh những kẻ chuyên “phun” nọc độc! Họ rất sung sướng khi “tiêm” được nọc độc
cho kẻ khác. Tránh những kẻ nhỏ mọn, đố kỵ, "đâm bị thóc, thọc bị
gạo"
Bói ra ma quét nhà ra
rác, dị đoan mê tín… làm ta căng thẳng lo lắng vô lối. Một lời nói, một cử chỉ của thầy thuốc cũng có thể gây stress
trầm trọng không ngờ. Bác sĩ vừa xem phim X quang vừa lắc lắc cái đầu đủ cho
bệnh nhân thót tim, nhưng thực ra chì vì bác sĩ mỏi cổ do cả đêm thức coi bóng
đá. Bác sĩ chỉ cần “phán” một câu mơ hồ như tim hơi lớn, gan hơi yếu, phổi hơi
dơ… đủ cho bệnh nhân sống trong hoang mang ám ảnh dài lâu. Lời nói của bác sĩ
không chỉ mang thông tin, mà còn truyền cảm xúc, gây stress, bởi người bệnh
luôn ở trong một trạng thái tâm lý rất nhạy cảm khi tiếp xúc với thầy thuốc.
Có nhiều cách “xả” stress!
Nhậu nhẹt, hút thuốc lá, ma túy… cũng là một cách xả
stress, nhưng rõ ràng là có hại, “chạy ô mồ mắc ô mả”!
Nhảy múa, ca hát, viết
nhật ký, viết blog…. là những cách xả stress tốt. Nói chuyện tào lao (tám)
cũng là một cách xả stress… , miễn là đừng có “chuyển lửa” từ người này qua
người khác! Thực ra, nói ra được với ai đó, một bạn thân thiết, một người có
khả năng lắng nghe, một người sẵn sàng làm “thùng rác” cho mình thì mình sẽ cảm
thấy nhẹ gánh! Không có bạn bè để tâm sự thì có thể tâm sự cùng tượng đá. Trải
lòng ra một lúc, tượng đá cũng xiêu. “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” là vậy!
“Chửi chó mắng mèo”, “Giận cá chém thớt” cũng được. Ðập bể mấy cái ly cái dĩa…
cũng hay! Có điều nên chọn trước một ít ly tách, chén dĩa mẻ, để dành sẵn, khi
nào cần thì đập nghe vừa rôm rả vừa đỡ tốn kém!
Nguyên tắc chung là phải làm một cái gì đó
cho năng lượng bị dồn nén trong stress có chỗ “xì” ra,
thoát ra.
Ta vẫn thường nói “xả
xú bắp”, “xả hơi” đó thôi…
Tóm lại, đừng có ngồi
đó mà gậm nhấm, suy nghĩ vẩn vơ. Giặt đồ, nấu ăn, rửa chén, lau nhà gì cũng
tốt. Chạy bộ, đánh đấm, la hét, khóc lóc… cũng đựơc. Ðọc sách, xem phim càng
hay, miễn là biết chọn phim, chọn sách!
Thấy người chồng trằn trọc mãi không ngủ được, lăn qua
lộn lại cả đêm, người vợ hỏi có chuyện gì vậy anh? “Anh mắc nợ anh John hàng
xóm một số tiền, hẹn ngày mai trả mà không có một xu dính túi!”. Người chồng
đau khổ nói. Lập tức bà vợ tung mền dậy, chạy ra bờ rào gọi với sang nhà hàng
xóm: “Anh John ơi, ngày mai chồng tôi chưa có tiền trả cho anh đâu nhé!”. Xong,
bà quay vào bảo chồng: "Anh yên tâm ngủ đi, bây giờ là lúc để cho anh John
trằn trọc". Cô vợ đã rất thông minh! Cô đã “chuyển lửa” từ chồng mình
sang… chồng hàng xóm. Chắc chắn anh John sẽ trằn trọc cho tới sáng, còn ông
chồng cô sẽ ngủ ngon!
“Chuyển” như vậy vẫn chỉ là ở bên ngoài. Chuyển bên
trong hay hơn. Chuyện xưa kể bà mẹ già có hai cô con gái, một cô bán
dù, một cô bán giày vải. Cô bán dù sống nhờ những ngày mưa, cô bán giày làm ăn
khá nhờ những ngày nắng ấm. Bà mẹ lo buồn cho cô bán giày suốt những ngày mưa và đau khổ cho cô
bán dù ngày nắng ráo. Có người biết chuyện khuyên bà sao không làm ngược lại, mừng cho cô bán dù ngày mưa và mừng cho cô bán
giày ngày nắng?
Não ta có một đặc điểm
lý thú là không thể cùng lúc nghĩ tới hai việc. Ðã nghĩ điều này thì quên
điều kia. Và người ta đã “lợi dụng” đặc điểm này để dịch chuyển các điểm tập
trung trên vỏ não từ vùng này sang vùng khác. Chẳng hạn đang giận sôi lên thì… xảy ra động đất hay cháy nhà,
lập tức vùng “giận sôi” của vỏ não tắt ngấm để nhường chỗ cho vùng sợ hãi! Ta biết giận dữ hay sợ hãi đều tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Nó có thể làm ta kiệt sức, suy sụp, thở không ra hơi… Có thể chọn cách nào khác
chuyển dịch hay hơn, có lợi cho sức khỏe hơn chăng?
***Có đó***.
Ðó là cách thở sâu, thở bụng, đưa hơi
xuống huyệt… đan điền (dưới rún chừng 4 cm). Nó giúp làm cho ta tĩnh tâm lại,
nó chuyển dịch vùng căng thẳng ở vỏ não qua vùng êm ái của … cái rún, với
điều kiện là phải để tâm quan sát xem cái hơi thở đó nó vào ra lên xuống ra sao.
Khi chú tâm vào hơi thở, lắng nghe hơi thở , quan sát nó,
dòm ngó nó, nghiền ngẫm nó… thì ta đã đánh “lạc hướng” cảm xúc ta rồi! Vỏ
não khi đã tập trung vào hơi thở thì “quên” tập trung vào các chuyện linh tinh
khác.
Cách đơn giản này có
khả năng giải stress rất tốt. Tập luyện đúng mức, não thùy sẽ tiết ra một kích
thích tố gọi là endorphine, một thứ á-phiện nội sinh, làm cho dịu nhẹ toàn
thân, tạo sự sảng khoái, lâng lâng, mà không gây tác dụng phụ.
Thiền, yoga, dưỡng
sinh, tài chí, khí công… đều là những cách làm cho thân tâm hợp nhất, làm cho
ta quay trở lại với chính mình bằng cách lắng nghe hơi thở của chính mình (có
thể kết hợp với động tác hay không cần động tác) đó thôi. Hiện nay các kỹ thuật
này ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở các Trung tâm y khoa lớn
trên thế giới để trị liệu các bệnh do stress gây ra, các chứng trầm cảm, tâm
thần, lo âu, đau nhức…, kể cả nghiện rượu, thuốc lá, ma túy… một cách rất có
hiệu quả.
BS Ðỗ Hồng Ngọc
Hiền sưu tầm