Tuần trước tôi giúp một người bạn chuyển nhà, mặc dù cô ấy sống ở đó một mình, nhưng đồ chuyển đi lại đến tận 3 xe tải. Thấy vậy nên tôi mới bảo cô ấy: “Cậu có nhiều đồ như vậy? Thế có dùng được hết không?”
Cô bạn đáp: “Cậu còn không biết tính tôi sao, một tín đồ cuồng mua sắm như tôi, thích cái gì thì cứ mua về thôi, nếu không dùng thì cứ để trong kho.”
Tôi nhìn quanh bốn phía, quả thật đúng là như vậy, có nhiều quần áo vẫn còn đóng gói, bao bì, dán nhãn mác như vừa mới mua, có một số thứ là người giao hàng mới giao gần đây, cũng có một số thứ đã được mua từ mấy năm trước.
Tôi hỏi cô ấy tại sao không vứt hết đám đồ cũ đó đi, cô ấy trả lời rằng bởi vì cảm thấy sau này còn có thể dùng đến.
Người bạn này của tôi trong cuộc sống và công việc, chính là điển hình của một người lề mề, cẩu thả, làm việc gì cũng phải làm đi làm lại tận 3, 4 lần mới xong. Cô ấy cũng biết bản thân mình rất không quyết đoán, lại sống kiểu mơ hồ, nhưng không biết phải làm sao để thay đổi mấy tật xấu này.
Thông qua lần chuyển nhà, rốt cuộc tôi cũng hiểu được “bệnh” cô ấy ở đâu. Bởi vì xung quanh cô ấy có quá nhiều người, quá nhiều đồ, quá nhiều việc không cần thiết, đã vậy bản thân cô ấy lại không phân rõ cái nào nên nhớ cái nào nên quên, không hiểu rõ bản thân cần điều gì, nên mới khiến bản thân luôn sống mơ hồ như vậy.
“Mọi việc càng đơn giản càng tốt.” Cuộc sống này có quá nhiều thị phi, quá nhiều thứ hỗn độn, phức tạp, cho nên đừng cố gắng phức tạp hóa vấn đề làm gì, truy tìm sự đơn giản mới là hạnh phúc thật sự.
Tôi đã từng xem một bộ phim điện ảnh, nhân vật nữ chính có tính cách giống y người bạn của tôi, cái gì thích cũng mua về, nhà đầy ắp đồ vật, thậm chí khách đến còn không có chỗ để ngồi. Sau đó nơi cô ấy ở xảy ra một trận động đất, trốn trong nhà tuy an toàn, nhưng cô ấy rất khát nước, khổ nỗi những đồ vật lung tung trong nhà đã bị ngã và đổ nát khắp nơi, khiến cô ấy không thể lấy được chai nước mà cô ấy cần.
Sau trận động đất, nhà cô ấy chuyển đi nơi khác, chỉ có thể lấy đi một ít đồ mang theo. Nhìn túi hành lý nhỏ nhắn của mình, mẹ của nữ nhân vật chính thở dài: “Hóa ra đồ chúng ta cần lại ít như vậy.”
Từ đó, nhà cô ấy luôn theo đuổi cuộc sống đơn giản với những nguyên tắc: “Không mua thứ không cần thiết, vứt bỏ thứ không dùng, tập bỏ tính ham thích cuồng mua sắm.”
Cô gái kia đã rất kiên trì làm theo: vứt đồ không dùng, chỉ giữ lại đồ cần thiết. Ngoài ra còn mở rộng quy tắc này cho công việc của mình. Những việc không quan trọng hoặc không liên quan không cần cố gắng giải quyết, những người chuyên gây thị phi, sân si với mình thì không cần quan tâm, chỉ để ý đến gia đình và người bên cạnh. Cuộc sống đơn giản như vậy không chỉ không khiến cho nữ nhân vật chính cảm thấy trống trải, mà trái lại còn giúp cô ấy hạnh phúc và sống sung túc hơn.
Trong cuốn sách “Walden – một mình sống trong rừng” của tác giả Thoreau có một đoạn như sau: “Mỗi ngày chúng ta đều cố gắng nỗ lực hết sức cho cuộc sống, nhưng lại không nhận ra bản thân đã dần mất đi một thứ gì đó trong vô thức. Sự giàu có chỉ giúp chúng ta có thể mua thêm nhiều thứ vật chất tầm thường, nhưng những thứ đồ cần thiết để bồi dưỡng tâm hồn lại không cần tiền mua nó.”
Ngoài những thứ đồ thừa thãi, những mối quan hệ không cần thiết cũng cần được khai trừ.
Mai là nhân viên làm việc trong một công ty quảng cáo, cô ấy thường tham gia vào những hoạt động ngoại khóa của công ty. Mỗi lần đi hoạt động, cô ấy thường chụp hình và đăng lên các trang mạng xã hội để khoe ảnh của mình.
Hôm nay đi ăn cơm cùng vị giám đốc nào, ngày mai đi gặp vị khách hàng nổi tiếng nào, cô ấy đều đăng cả lên mạng xã hội. Tất cả những người tài giỏi, nổi tiếng đó, cô ấy đều thêm bạn bè và xin cách liên hệ. Vì vậy tất cả mọi người đều biết cô ấy có rất nhiều bạn trên mạng, mối quan hệ giao tiếp của cô ấy rất rộng.
Có lần, vì cô ấy phạm lỗi trong công việc, khiến công ty gặp một số rắc rối. Cấp trên của cô ấy đã rất tức giận và ra lệnh cho cô ấy phải có kế hoạch giải quyết vấn đề trong vòng 2 ngày, nếu không cô ấy sẽ bị đuổi việc.
Vì quá lo lắng, nên khi vừa trở về bàn làm việc của mình, cô ấy đã lập tức gọi điện đến những người bạn “tai to mặt lớn” mà cô ấy quen trước đây nhờ giúp đỡ. Kết quả cô ấy gọi rất nhiều người nhưng chỉ có vài người bắt máy, người thì bảo không quen biết cô, người thì mượn cớ rồi vội vàng cúp máy.
Cô thất vọng khóc lớn. Hóa ra kết bạn nhiều như vậy đến cuối cùng khi gặp khó khăn mới phát hiện ra, không có ai là bạn bè thật sự để giúp đỡ mình.
Thực ra việc kết bạn với những người nổi tiếng, những người có nhiều tiền kia không phải gọi là quá khó, nhưng thật sự quen biết, làm bạn với bạn có thể có bao nhiêu người? Những người càng ưu tú, càng tài giỏi, lại càng có rất ít bạn bè, họ chỉ có tầm 2 đến 3 người bạn tốt. Đối với họ, “làm phép trừ” trong vòng tròn bạn bè cũng là một điều quan trọng. Họ cần người quan trọng, không cần người thừa thãi.
Trong xã hội ngày nay, mỗi ngày đều có vô số thứ mới xuất hiện. Từ hàng hóa, cách thức giải trí, lượng công việc, đến các mối quan hệ xã giao hàng ngày. Chúng khiến bạn trở nên bận rộn hơn, khiến bạn phải chăm chỉ hơn, nhưng cũng khiến bạn trở nên stress hơn.
Bộ não con người như một chiếc lò xo đang bị ép chặt từng ngày và không thể dừng lại. Chúng ta liên tục mua sắm, liên tục tham gia các trò chơi giải trí… nhưng chúng lại khiến chúng ta mất quá nhiều thời gian và sức lực, mà kết quả đem lại cũng không có giá trị to lớn như ta nghĩ.
Đồ mỹ phẩm dù có nhiều cũng có ngày hết hạn, quần áo sớm muộn cũng lỗi thời, ứng dụng điện thoại quá nhiều sẽ làm đầy bộ nhớ, yêu quá lâu cũng có thể dễ gây nhàm chán…
Chúng ta cứ muốn rất nhiều thứ, mà thứ chúng ta thật sự cần và dùng lại rất ít.
Người thực sự thông minh nên biết làm phép trừ trong cuộc sống của mình: Từ bỏ đồ không cần thiết, từ bỏ việc thừa thãi, từ bỏ người không cần quan tâm.
Bất luận là cuộc sống hay tình cảm, có bỏ mới có được.
(Theo Trí Thức Trẻ)