Tôi lái xe chạy lòng vòng cũng khá lâu, định kiếm chỗ đậu quanh ‘Carrefour de L'Estrie’ mà chưa tìm ra, xe cộ ở đâu mà nhiều thế, dân chúng đi mua sắm tấp nập, chẳng có vẻ gì là 'Kinh tế suy thoái cả', oh ! như thế cũng là một điều tốt thôi, vì có tiêu sắm thì mới tạo 'JOB' cho nhiều người.
Vào trong 'Shopping Mall' không khí thật tưng bừng nhộn nhịp, thấy đám con nít đang lăng xăng đứng xếp hàng khá dài chờ đến phiên được lên gặp ông già Noël để xin xỏ những điều bọn chúng mong ước sẽ có, nào game, nào món quà vào dịp Chúa Giáng thế. Đã là đầu tháng 12 nên Nhạc Giáng Sinh được để nghe khắp nơi, tôi thì mỗi khi nghe những bài Thánh ca cổ điển ấy, luôn cảm thấy tâm thanh thản như trẻ thơ, lòng vui một cách nhẹ nhàng, những kỷ niệm đẹp về Giáng Sinh thời còn bé như được sống lại hơn lúc nào hết .
nhà thờ Huyện Sĩ
nhà thờ Huyện Sĩ
Khi xưa ở bậc tiểu học tôi được các sơ dạy dỗ, học trường nhà thờ Huyện Sĩ vì trường tôi được xây cất ở sân sau, trong khuôn viên nhà thờ do ông bà Lê Phát Ðạt, tức Huyện Sĩ* hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng. Khởi công xây dựng năm 1902 và đến 1905 thì được khánh thành. Nhà thờ nằm ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng) có style Gothic rất đẹp, tọa lạc sát bên trường Nữ trung học Nguyễn Bá Tòng.
Bên trái khuôn viên nhà thờ là núi Đức Mẹ Lộ Đức được xây dựng năm 1960. Hằng năm cứ vào ngày 11-02 các cha sở họ Chợ Đũi có thói quen dâng thánh lễ tại núi này cầu nguyện đặc biệt cho các bệnh nhân và để tạ ơn Đức Mẹ Lộ Đức. Những băng ghế đá trước tượng đức Mẹ cũng là nơi nhiều cặp tình nhân bên trường Nguyễn Bá Tòng thường hò hẹn, khung cảnh đẹp, thanh lặng đúng là nơi lý tưởng giúp cho anh chị dễ thầm thì với nhau hơn, cùng hướng lòng cầu xin đức Mẹ ban cho hạnh phúc lâu dài.
Bên trái khuôn viên nhà thờ là núi Đức Mẹ Lộ Đức được xây dựng năm 1960. Hằng năm cứ vào ngày 11-02 các cha sở họ Chợ Đũi có thói quen dâng thánh lễ tại núi này cầu nguyện đặc biệt cho các bệnh nhân và để tạ ơn Đức Mẹ Lộ Đức. Những băng ghế đá trước tượng đức Mẹ cũng là nơi nhiều cặp tình nhân bên trường Nguyễn Bá Tòng thường hò hẹn, khung cảnh đẹp, thanh lặng đúng là nơi lý tưởng giúp cho anh chị dễ thầm thì với nhau hơn, cùng hướng lòng cầu xin đức Mẹ ban cho hạnh phúc lâu dài.
Tôi còn nhớ đến đám bạn trai thưở ấy, hay nghịch phá hơn bạn gái rất nhiều và chuyên môn ‘đầu nêu’ dẫn đường cho ‘hươu’ chạy. Có một hôm Hoàng trong bọn lên tiếng hỏi đám bạn có muốn đi khám phá một bí mật trong nhà thờ không ? Tôi tuy nhát gan nhưng lại ‘tò mò’ muốn biết nên hăm hở tán đồng ngay, hơn nữa tôi cũng tin tưởng là Hoàng không ‘gạt gẫm’ tụi tôi vì bạn này đã được các cha tin cẩn cho đứng giúp lễ đều đều mỗi tuần.
Vào giờ nghỉ, bọn tôi cũng hơn chục đứa kéo nhau đi theo Hoàng để khám phá xem bí mật là cái gì ? vì không phải giờ lễ, bên trong nhà thờ thật yên lặng và hơi tối, bọn tôi ngoan ngoãn và ‘rón rén’ theo sau Hoàng, đi vào gian chái sau cung thánh. Tại gian chái bên trái là tượng bán thân ông Huyện Sỹ bằng thạch cao, gắn ở cột đầu, phía sau là phần mộ. Nhìn thấy mộ tôi đã hơi 'rởn tóc gáy' vì vốn dĩ hay 'sợ ma' tuy vậy nhờ có đông các bạn nên tôi cũng bớt lo ngại. Trên mộ là tượng toàn thân kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo, đầu chít khăn đóng, quay về cung thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày. Đến nơi Hoàng chỉ vào tượng và nói :
- bí mật tui muốn chỉ cho các bạn là đây, tụi mình đang đứng nơi phần mộ của ông bà Huyện Sĩ, người đã đem công của để xây dựng nhà thờ và trường học của tụi mình, vì vậy người ta kêu là trường Nhà thờ Huyện sĩ chớ tên chính thức là Phan văn Minh.
Tôi không chú tâm nghe giải thích mấy vì còn đang mải mê chiêm ngưỡng các bức tượng được khắc rất tinh vi, Bà Huyện Sĩ với tóc búi, cũng dựa trên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm tuyệt đẹp, chân mang hài như đang ngủ yên giấc ngàn thu, đang trong bầu không khí tĩnh lặng thì bỗng nhiên trong nhóm có một đứa la lên :
- Tụi bay ơi, chạy đi Bà Huyện Sĩ đang ngồi dậy kìa!
Trong đám có đứa sợ quá hét lên, làm cho cả bọn cùng hoảng vía hùa nhau ‘ù té’ mà chạy, thiếu điều dẫm chân lên nhau xuýt ngã.
Bất hạnh thay vừa chạy ra đến cửa nhà thờ thì thấy cha xứ đã đứng sẵn ở đó. Đứa nào đứa nấy mặt lấm lét sợ sệt, cha tuy không la rầy thậm tệ nhưng giải thích cho chúng tôi hiểu, khi vào nơi trang nghiêm phải giữ yên lặng không được giỡn cợt to tiếng, cha bắt bọn tôi đền tội bằng vài phút thinh lặng và thành tâm không được tái phạm. Sau chuyện này, bọn tôi đồn rầm lên là ‘có ma’ ở sau cung thánh.
Vì học trường của các sơ nên mỗi khi gần đến các lễ lớn như Phục Sinh, học trò hay được dạy thắt lá để tham dự vào Lễ lá chủ nhật trước ‘Easter’ là lúc Chúa Giê su tiến vào thành Jérusalem để sau đó chịu khổ hình. Ngoài ra vào Mùa Vọng một tháng trước Giáng Sinh, các sơ dạy chúng tôi cách làm máng cỏ để trang hoàng lớp học của mình. Hơn 50 năm nay không còn những sinh hoạt ấy nên ‘chữ nghĩa đã trả thầy’ tôi chẳng còn nhớ làm ‘máng cỏ’ là như thế nào nữa!
Những kỷ niệm Giáng Sinh của thuở thiếu thời luôn được sống lại một cách mãnh liệt trong tôi vào mùa vọng, tôi háo hức trưng và giăng đèn trên cây thông (Sapin) dù mới khoảng đầu tháng 12. Không khí lễ Noel tràn ngập khi những vòng nguyệt quế, tết bằng hoa hay lá thông, có điểm vài đồ trang trí được treo trên cửa chính, cùng với những ánh đèn chớp chớp, trang hoàng ở các ngôi nhà về đêm, làm tôi nghĩ đến khi xưa còn bé, rất háo hức trông đến dịp lễ này, mong đợi được ông già Noel đi từ Bắc cực về phát quà cho trẻ con vào đêm Giáng Sinh 24-12.
Hôm qua cô cháu ngoại đến chơi và thấy bé rất mong được đi gặp ông Santa để xin ông cho 'Barbie với con ngựa trời' làm tôi lại hồi tưởng đến hình ảnh của chính mình ngày xưa. Cả nhà chúng tôi từ ông bà và các cậu bây giờ rất vui, biết phải mua quà gì để cho cô cháu gái 'vui thoả' vì lời thỉnh cầu của cô với ông già Noël sẽ được toại nguyện.
*Ông Huyện Sĩ là ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu (vua Bảo Đại)
KĐ
Đêm thánh vô cùng (Silece Night)
Trình bày Elvis Phương