07 Tháng Tư
Bình An Trong Tâm Hồn
Purna,
một môn đệ của Ðức Thích Ca, xin thầy được phép đi đến Sronapa-Ranta,
một vùng còn bán khai để tiếp tục tu luyện và truyền đạo. Nhân lời xin
này, người ta ghi lại cuộc đối thoại giữa hai thầy trò như sau: Ðức
Thích Ca cho biết ý kiến: "Nhân dân vùng Sronapa-Ranta còn rất man di.
Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của họ là hiếu chiến, thích gây
sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc đến đó, nếu họ nghi
kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu khống con,
con sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Nếu thật sự xảy ra như vậy, thì con
nghĩ là: dân chúng tại đây thật tốt lành và thân thiện, vì họ chỉ lăng
mạ con chứ không dùng vũ lực, không đánh đập hay ném đá con". Ðức Thích
Ca tiếp lời: "Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con, thì con sẽ nghĩ
thế nào?". Purna thưa: "Trong trường hợp đó, con vẫn nghĩ dân chúng
vùng Sronapa-Ranta thật tốt lành và thân thiện, vì họ không cột con vào
cột để đánh đòn và không dùng khí giới sắc bén để sát hại con".
Nghe
môn đệ xác quyết như thế, Ðức Phật không khỏi ngạc nhiên; Ngài hỏi
tiếp: "Nhưng nếu họ thật sự ra tay giết con, con nghĩ thế nào trước khi
nhắm mắt lìa đời?". Không cần suy nghĩ lâu, Purna đáp: "Nếu họ hại đến
tính mạng con, con vẫn nghĩ họ là những người tốt lành và thân thiện,
vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hay hư nát này". Nghe đến đây,
Ðức Thích Ca bảo: "Purna, con đã tu tâm dưỡng tính đến nơi đến chốn để
có được sự ôn hòa, kiên nhẫn hơn người. Thầy nghĩ con có thể sinh sống
và truyền đạo cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi và giúp họ dần dần giải
thoát khỏi bẩm tính hiếu chiến và bất nhân như chính con đã tự giải
thoát mình khỏi những thiên kiến và những ý nghĩ hận thù, ghen ghét".
Thiết
nghĩ tự tạo cho mình sự bình an trong tâm hồn là bổn phận của Kitô hữu
chúng ta. Và theo kinh nghiệm của tu sĩ Purna trong câu chuyện trên, để
tạo cho mình nền hòa bình này, chúng ta phải cố gắng tự giải thoát mình
khỏi mọi thiên kiến, nghi kỵ cũng như hằng ngày phải thanh luyện tâm hồn
khỏi những ý nghĩ hận thù, ghen ghét.
Chén cơm trong ngày