Lễ Mẹ Thiên Chúa - Ngày Thế Giới Hòa Bình |
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô
cho Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 50
1 tháng 1 năm 2017
|
ĐGH Phanxicô |
“Phi bạo lực: Một Đường Lối Chính Trị Vì Hoà Bình”
1. Khởi đầu Năm Mới này, tôi xin chân thành gửi những lời cầu chúc hoà bình tới mọi dân tộc và mọi quốc gia trên thế giới, tới các vị lãnh đạo nhà nước và chính phủ, các vị lãnh đạo tôn giáo, dân sự và cộng đồng. Tôi cầu chúc hoà bình cho hết mọi người nam, nữ và trẻ em, và tôi nguyện xin cho hình ảnh Thiên Chúa và sự tương đồng với Ngài nơi mỗi con người chúng ta có thể làm cho chúng ta nhận biết được nhau là những tặng phẩm thánh thiêng có một phẩm giá vô hạn. Nhất là trong những tình trạng xung đột, chúng ta hãy biết tôn trọng điều này, đó là “phẩm giá sâu xa nhất” của chúng ta,[1] và hãy làm cho lập trường phi bạo lực tích cực trở thành lối sống của chúng ta.
Đây là Sứ điệp thứ năm mươi của Ngày Hoà Bình Thế Giới. Trong Ngày Hoà Bình Thế Giới đầu tiên, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói với toàn thể mọi dân tộc, không phải chỉ nói riêng người Công giáo, một cách tuyệt đối rõ ràng: “Hoà bình là đường hướng đích thực duy nhất cho sự tiến bộ của nhân loại – chứ không phải là những căng thẳng gây ra bởi những chủ nghĩa dân tộc đầy tham vọng, hay những những cuộc chinh phục bằng bạo lực, hoặc những sự đàn áp làm chỗ dựa cho một thứ cơ cấu dân sự giả dối.” Ngài đã cảnh báo về “mối nguy hiểm khi tin rằng các cuộc tranh chấp quốc tế không thể nào được giải quyết bằng đường lối của lý trí, nghĩa là bằng sự thương thảo dựa trên luật pháp, công lý và sự bình đẳng, mà lại chỉ dựa vào những phương sách dùng vũ lực nhằm đe doạ và hủy diệt.” Trái lại, ngài trưng dẫn Thông điệp Hoà bình trên Trái đất của vị tiền nhiệm là Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, và ngài tán dương “ý thức và lòng yêu chuộng hoà bình dựa trên chân lý, công lý, tự do và tình yêu thương.”[2] Được phát biểu cách đây năm mươi năm, những lời này vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa và tính khẩn trương.
Nhân dịp này, tôi muốn suy tư về đường lối phi bạo lực như một đường lối chính trị vì hoà bình. Tôi khẩn xin Thiên Chúa giúp cho tất cả chúng ta vun trồng đường lối phi bạo lực trong những tư tưởng và giá trị riêng tư nhất của chúng ta. Ước gì lòng bác ái và đường lối phi bạo lực điều khiển cung cách chúng ta đối xử với nhau trong tương quan giữa các cá nhân, trong xã hội cũng như trong đời sống quốc tế. Khi các nạn nhân của bạo lực có thể đề kháng lại cám dỗ trả thù, họ trở nên những người cổ vũ đáng tin cậy nhất cho việc xây dựng hoà bình phi bạo lực. Trong những hoàn cảnh có tính cách địa phương và thông thường nhất cũng như trong cơ cấu quốc tế, ước gì phi bạo lực trở nên nét nổi bật của những quyết định, những quan hệ và những hành động của chúng ta, và của đời sống chính trị dưới mọi hình thức, chắc chắn như thế.
Một thế giới đổ vỡ
2. Trong khi thế kỷ vừa qua đã phải chứng kiến cảnh tàn phá của hai cuộc Thế chiến đầy chết chóc, mối đe doạ chiến tranh hạt nhân và rất nhiều cuộc xung đột khác, thì hôm nay, đáng buồn thay, chúng ta lại đang thấy chính chúng ta vướng mắc vào một cuộc thế chiến rất ghê sợ cứ tấn công từng phần. Không dễ gì biết được liệu thế giới chúng ta ngày nay có bạo lực nhiều hơn hay ít hơn ngày xưa, hoặc biết được liệu những phương tiện thông tin hiện đại và tính cơ động lớn hơn đã làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực, hay, trái lại, làm cho chúng ta ngày càng quen với nó.
Dù sao ta cũng biết rằng thứ bạo lực “từng phần” này, thuộc những thứ loại và mức độ khác nhau, đều gây ra những đau khổ lớn lao: chiến tranh trong các quốc gia và các châu lục; khủng bố, tội ác có tổ chức, và những hành vi bạo lực bất ngờ; những sự lạm dụng và xâm hại mà di dân và các nạn nhân tệ nạn buôn người phải hứng chịu; và sự tàn phá hủy diệt môi sinh. Điều này dẫn tới đâu? Bạo lực có thể đạt được mục tiêu có giá trị lâu dài nào không? Hay là nó chỉ dẫn tới sự trả thù và một loạt những xung đột chết người chỉ có lợi cho một số ít kẻ “quân phiệt”?
Bạo lực không phải là phép chữa trị cho thế giới đổ vỡ của chúng ta. Chống lại bạo lực bằng bạo lực may mắn lắm là dẫn tới những cuộc cưỡng bách di cư với biết bao là khốn khổ, bởi vì biết bao tài nguyên khổng lồ đã bị chuyển hướng sang mục đích quân sự và vượt ra khỏi mục đích thoả mãn nhu cầu hằng ngày của những người trẻ, các gia đình gặp cảnh vất vả cơ cực, những người già yếu, những kẻ tàn tật, và đại đa số dân chúng trên thế giới. Nếu xảy ra điều tệ hại nhất, bạo lực có thể dẫn đến chết chóc, về thể lý cũng như về tinh thần, cho nhiều người, nếu không phải là cho tất cả.
Tin Mừng
3. Chính Chúa Giêsu đã từng sống trong những thời đầy bạo lực. Tuy nhiên, Ngài lại dạy rằng chiến trường thực sự, ở đó bạo lực và hoà bình gặp nhau, là chính lòng con người: vì “từ bên trong, từ lòng con người phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,21). Nhưng sứ điệp của Đức Kitô về phương diện này dạy chúng ta một cách tiếp cận triệt để tích cực. Ngài luôn giảng dạy tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, vốn hằng đón nhận và tha thứ. Ngài dạy các môn đệ phải yêu thương kẻ thù (x. Mt 5,44) và đưa cả má bên kia ra nữa (x. Mt 5,39). Khi Ngài khiến những kẻ buộc tội không dám ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (x. Ga 8,1-11), và khi, vào đêm trước khi chịu chết, Ngài bảo ông Phêrô xỏ gươm vào vỏ (x. Mt 26,52), Chúa Giêsu đã vạch ra con đường phi bạo lực. Ngài đã đi con đường đó cho đến tận cùng, cho tới tận thập giá, nhờ đó Ngài đã trở nên sự bình an cho chúng ta, và kết thúc sự thù hận (x. Ep 2, 14-16). Bất cứ ai đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu đều có thể nhìn nhận có bạo lực nơi mình và được chữa lành bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, và đến lượt mình, lại trở nên một dụng cụ cho sự hoà giải. Theo lời Thánh Phanxicô Assisi: “Khi môi miệng bạn loan báo sự bình an thì hãy bảo đảm rằng bạn đang có sự bình an lớn hơn trong tâm hồn bạn”.[3]
Để được là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hôm nay cũng có nghĩa là chúng ta phải tuân theo giáo huấn của Ngài về phi bạo lực. Như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Bênêđictô XVI đã nhận xét, giáo huấn này “là chân thực bởi vì đã nhận thấy trên thế giới có quá nhiều bạo lực, quá nhiều bất công, và do đó, tình trạng này không thể nào giải quyết được, ngoại trừ chống lại bạo lực bằng nhiều tình yêu thương hơn, bằng nhiều tình nhân hậu hơn nữa. Cái ‘nhiều hơn’ này đến từ Thiên Chúa.”[4] Ngài nhấn mạnh tiếp rằng: “Đối với Kitô hữu, phi bạo lực không phải chỉ là cách cư xử theo chiến thuật mà thôi, nhưng đó còn là lối sống của một nhân vị, thái độ của một con người xác tín vào tình yêu và năng quyền của Thiên Chúa, đến nỗi không còn sợ khắc phục sự dữ bằng duy vũ khí của tình yêu và chân lý. Yêu thương kẻ thù của mình chính là hạt nhân của “cách mạng Kitô giáo.”[5] Lệnh truyền của Tin Mừng đòi chúng ta phải yêu thương kẻ thù (x. Lc 6, 27) “quả thực đươc coi như đại hiến chương của đường lối phi bạo lực Kitô giáo. Lệnh đó không dạy ta phải chịu thua sự ác…, nhưng là dạy ta lấy thiện để đáp lại cái ác (x. Rm 12,17-21), và nhờ đó mà bẻ gẫy được chuỗi những bất công.”[6]
Mạnh mẽ hơn bạo lực
4. Phi bạo lực đôi khi bị hiểu như là đầu hàng, là thiếu dấn thân, và là sự thụ động, nhưng đây thì không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận lãnh Giải Nobel Hoà bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng thông điệp về phi bạo lực mang tính tích cực của mình: “Trong gia đình chúng ta, chúng ta đâu cần đến bom đạn và súng ống để hủy diệt hầu có được sự bình an đâu – mà chỉ cần hợp nhau lại, yêu thương nhau… Và chúng ta sẽ có thể vượt thắng tất cả mọi sự dữ trên đời.”[7] Vì sức mạnh của cánh tay làm cho ta lầm lẫn. “Trong khi những kẻ buôn vũ khí làm công việc của họ, thì lại có những người kiến tạo hoà bình rất tội nghiệp cống hiến sinh mạng mình để cứu giúp một người, rồi một người khác, và một người khác và một người khác nữa;” Đối với những người kiến tạo hoà bình này, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình tượng cho thời đại chúng ta.”[8] Tháng Chín vừa qua, tôi được niềm vui lớn lao là được tôn phong Mẹ Têrêsa lên bậc Hiển Thánh. Tôi ca ngợi Mẹ đã luôn luôn sẵn sàng phục vụ hết mọi người “bằng cách đón nhận và bảo vệ sinh mạng con người, những sinh mạng còn chưa chào đời cũng như những sinh mạng bị bỏ rơi và loại trừ… Mẹ đã cúi xuống trước những thân phận sức cùng lực kiệt, bị bỏ mặc chờ chết bên vệ đường, Mẹ nhìn thấy nơi họ phẩm giá được Thiên Chúa ân ban; Mẹ lên tiếng trước những cường quốc của thế giới, để họ có thể nhận thức được trách nhiệm của họ về các tội ác – phải, những tội ác! – của nạn nghèo khó họ đã gây nên.”[9] Để đáp ứng lại, sứ mệnh của Mẹ - và Mẹ đại diện cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người – là phải vươn tới những khổ đau, với lòng tận tụy quảng đại, để chạm đến và băng bó từng thân xác bị thương tích, chữa lành từng mảnh đời tan vỡ.
Sự thực thi dứt khoát và kiên trì đường lối phi bạo lực đã đem đến những kết quả đầy ấn tượng. Những thành công của Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar Khan trong công cuộc giải phóng Ấn độ, và của Tiến sĩ Martin Luther King Jr trong công cuộc chiến đấu chống lại nạn kỳ thị chủng tộc sẽ không bao giờ bị quên lãng. Đặc biệt các chị em phụ nữ thường là những người lãnh đạo theo đường lối phi bạo lực, chẳng hạn như Leymah Gbowee và hàng ngàn phụ nữ ở Liberia, những người từng tổ chức các cuộc cầu nguyện và phản kháng một cách phi bạo lực, đã dẫn tới những cuộc hoà đàm cấp cao để kết thúc cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia.
Chúng ta cũng không thể nào quên được thập niên đầy những sự kiện đáng ghi nhớ đã kết thúc bằng sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Âu châu. Các cộng đoàn Kitô giáo đã góp phần bằng sự cầu nguyện miệt mài và hành động dũng cảm của họ. Đặc biệt nhất là sứ vụ và giáo huấn của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Khi suy nghĩ về những biến cố của năm 1989, vị tiền nhiệm của tôi, trong Thông điệp Một Trăm Năm, đã nêu bật sự kiện là sự biến đổi rất quan trọng trong đời sống mọi người, các dân tộc và các quốc gia đã xảy ra “do sự phản đối ôn hoà, chỉ sử dụng vũ khí của sự thật và công lý.”[10] Sự chyển tiếp chính trị trong boà bình đã thành khả thể một phần là “nhờ quyết tâm phi bạo lực của những người, vốn luôn luôn không chịu nhượng bộ sức mạnh của quyền lực, đã thắng lợi hết lần này tới lần khác bằng cách tìm những phương cách hữu hiệu làm chứng tá cho sự thật.” Đức Gioan Phaolô II cứ nói mãi: “Cầu mong con người biết tranh đấu cho công lý mà không cần đến bạo lực, từ bỏ đấu tranh giai cấp trong các tranh chấp nội bộ của họ, và khước từ chiến tranh trong các tranh chấp quốc tế.”[11]
Hội thánh từng tham gia vào những kế hoạch kiến tạo hoà bình phi bạo lực tại nhiều quốc gia, bằng cách thuyết phục ngay cả những bên thích sử dụng bạo lực nhất trong những nỗ lực xây dựng một nền hoà bình công chính và bền vững.
Những nỗ lực như thế nhân danh các nạn nhân của bất công và bạo lực không phải là sản nghiệp của một mình Hội thánh Công giáo đâu, mà là tiêu biểu cho nhiều truyền thống tôn giáo, vì điều này “lòng trắc ẩn và đường lối phi bạo lực là những yếu tố chủ yếu chỉ cho ta con đường sự sống.”[12] Tôi mạnh mẽ khẳng định lại rằng: “Không một tôn giáo nào có chủ trương khủng bố cả.”[13] Chính bạo lực báng bổ thánh danh Thiên Chúa.[14] Chúng ta đừng bao giờ chán nhắc đi nhắc lại: “Danh thánh Thiên Chúa không thể nào được dùng để biện minh cho bạo lực. Chỉ duy hoà bình mới là thánh thiện. Chỉ duy hoà bình mới là thánh thiện, chứ không phải chiến tranh!”[15]
Gốc rễ một chính sách phi bạo lực phát xuất từ gia đình
5. Nếu bạo lực bắt nguồn từ lòng dạ con người, thì cơ bản mà nói, phi bạo lực phải được thực hành trước hết ở trong các gia đình. Đây chính là một phần niềm vui của tình yêu tôi đã mô tả trong tháng Ba vừa qua trong Tông huấn Niềm Vui Tình Yêu, sau hai năm suy nghĩ cùng Hội thánh về hôn nhân và gia đình. Gia đình là nơi thử nghiệm khắc nghiệt tối cần thiết trong đó vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em chị em, học biết thông đạt và bày tỏ mối quan tâm quảng đại về nhau, và chính ở đó những sự cọ xát và thậm chí những xung đột phải được giải quyết không phải bằng vũ lực, nhưng bằng sự đối thoại, sự tôn trọng và sự quan tâm đến lợi ích của người khác, lòng thương xót và sự tha thứ.[16] Từ bên trong các gia đình, niềm vui của tình yêu tràn lan ra khắp thế giới và toả chiếu cho toàn thể xã hội.[17] Một đạo đức học về tình huynh đệ và sống chung hoà bình giữa các cá nhân và giữa các dân tộc không thể cậy dựa trên lôgich của sự sợ hãi, bạo lực và tinh thần khép kín, nhưng phải dựa trên tinh thần trách nhiệm, sự tôn trọng và sự đối thoại chân thành. Từ đó, tôi bênh vực việc giải trừ vũ khí và việc cấm chỉ cũng như hủy bỏ vũ khí hạt nhân: sự răn đe hạt nhân và sự đe doạ chắc chắn hủy diệt lẫn nhau không thể được dùng làm nền tảng cho một đạo đức học như thế.[18] Tôi bênh vực với sự khẩn trương tương đương đối với việc chấm dứt nạn bạo hành trong gia đình cũng như nạn lạm dụng và xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Năm Thánh Lòng Thương xót kết thúc vào tháng Mười Một khuyến khích mỗi người chúng ta nhìn sâu vào nội tâm và để cho lòng thương xót của Thiên Chúa tuôn đổ xuống. Năm Thánh dạy cho ta hiểu ra được có biết bao nhiêu là cá nhân và tập thể xã hội rất đa dạng còn đang bị hờ hững dửng dưng, và là nạn nhân của bất công và bạo lực. Họ cũng là phần tử trong “gia đình” chúng ta. Họ cũng là anh em chị em của chúng ta. Chính sách phi bạo lực phải khởi sự ngay từ trong gia đình chúng ta, và từ đó lan toả ra toàn thể gia đình nhân loại.
“Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu mời gọi chúng ta đi theo con đường nhỏ của tình yêu, đừng bỏ mất một lời tử tế, một nụ cười hay một cử chỉ nhỏ bé nào có thể gieo vãi bình an và tình thân ái. Một khoa sinh thái học toàn diện cũng được tạo nên từ những cử chỉ đơn sơ hằng ngày có khả năng phá vỡ cái lôgich của bạo lực, thói bóc lột và tính ích kỷ.”[19]
Lời mời gọi của tôi
6. Kiến tạo hoà bình bằng đường lối chủ động phi bạo lực là phần bổ sung tự nhiên và thiết yếu cho những nỗ lực liên tục của Hội thánh nhằm giới hạn việc sử dụng vũ lực bằng việc áp dụng những chuẩn mực luân lý. Hội thánh hành động như thế bằng cách tham dự vào hoạt động của các định chế quốc tế và bằng sự đóng góp tích cực của rất nhiều Kitô hữu vào công cuộc dự thảo luật pháp ở mọi cấp độ. Chính Đức Giêsu đã cho chúng ta một “sách giáo khoa” về chiến lược kiến tạo hoà bình này trong Bài Giảng Trên Núi. Tám Mối Phúc (x. Mt 5,3-10) cho ta một bức chân dung của con người có phúc, tốt lành và chân thực. “Phúc cho những ai hiền lành,” Chúa Giêsu nói với ta, “những ai biết xót thương, những ai kiến tạo hoà bình, những ai có tâm hồn thanh khiết, và những ai đói khát sự công chính.”
Đây cũng là một chương trình và một thách đố cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, các vị đứng đầu các định chế quốc tế, các nhà quản trị các doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông: áp dụng Tám Mối Phúc vào việc thực hiện các trách nhiệm của mình. Đó là một thách đố xây dựng xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp bằng cách hành xử như những người kiến tạo hoà bình. Đó là biểu lộ lòng nhân từ bằng cách từ khước sa thải nhân sự, tác hại môi trường, hoặc tìm cách thắng lợi với bất cứ giá nào. Để làm được như vậy đòi hỏi phải “biết sẵn sàng đối diện với điều mâu thuẫn phía trước, giải quyết điều đó và biến nó thành mối liên kết trong chuỗi của một tiến trình mới.”[20] Hành động theo cung cách này có nghĩa là chọn lựa tình liên đới như một đường lối kiến tạo lịch sử và xây dựng tình bằng hữu trong xã hội. Phi bạo lực chủ động là một cách biểu lộ rằng đoàn kết thì thực sự mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn xung đột. Mọi sự trong thế giới này đều liên hệ với nhau.[21] Chắc chắn những điều khác biệt đều có thể gây ra những va chạm, cọ xát. Nhưng chúng ta hãy đối phó với chúng một cách xây dựng và phi bạo lực, để cho “những căng thẳng và chống đối” có thể thực hiện một sự hợp nhất đa dạng hoá và đem lại sức sống”, bảo tồn được “những gì có giá trị và hữu ích về cả hai phía.”[22]
Tôi cam đoan rằng Hội thánh sẽ trợ giúp mọi nỗ lực kiến tạo hoà bình bằng đường lối phi bạo lực một cách chủ động và sáng tạo. Vào ngày 01 tháng Giêng 2017 này, bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện sẽ khởi sự những hoạt động của mình. Bộ này sẽ giúp Hội thánh tiến hành theo một đường lối hiệu quả hơn bao giờ hết “những lợi ích vô giá của công lý, hoà bình, và công tác chăm sóc thụ tạo” và sự quan tâm đối với “những người di cư, những người nghèo khổ, những người đau yếu, những người bị loại trừ và sống ngoài lề xã hội, những người bị tù đầy và những người thất nghiệp, cũng như những nạn nhân của những cuộc xung đột vũ trang, của những thiên tai, và của mọi hình thức nô lệ hoá và hành hạ con người.”[23] Mỗi một sự đáp ứng trên đây, dù khiêm tốn đến đâu, cũng góp phần kiến tạo một thế giới phi bạo lực, bước đầu tiên dẫn tới công lý và hoà bình.
Kết luận
7. Theo truyền thống, tôi sẽ ký Sứ điệp này vào ngày 8 tháng Mười Hai, ngày Lễ kính trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, là Nữ Vương Hoà Bình. Khi Chúa Con giáng sinh làm người, các thiên thần đã ca ngợi vinh danh Thiên Chúa trên Trời và chúc bình an dưới thế cho người thiện tâm (x. Lc 2,14). Chúng ta hãy cầu xin được sự dẫn dắt của Đức Maria.
“Tất cả chúng ta đều mong muốn hoà bình. Nhiều người hằng kiến tạo hoà bình hết ngày này qua ngày khác khởi từ những cử chỉ và hành động nhỏ bé. Nhiều người đang chịu đau khổ, tuy nhiên, họ vẫn bền đỗ kiên nhẫn trong nỗ lực của mình để làm những người kiến tạo hoà bình.”[24] Trong năm 2017, ước chi chúng ta có thể tận hiến bản thân chúng ta một cách sốt sắng và chủ động cho việc loại trừ bạo lực khỏi tâm hồn chúng ta, khỏi lời nói và hành động của chúng ta, và cho việc chúng ta trở nên những người phi bạo lực và kiến tạo những cộng đồng phi bạo lực biết chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta. “Không có gì là không thể nếu chúng ta hướng lên Thiên Chúa mà cầu xin. Mỗi người đều có thể là một người thợ kiến tạo hoà bình.”[25]
Từ Điện Vatican, ngày 8 tháng Mười Hai 2016
PHANXICÔ
–––––––––––––––
1. Tông huấn Evangelii Gaudium, 228.
2. Phaolô VI, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Hoà bình Đầu tiên, ngày 1 tháng Giêng 1968.
3. “Truyện Ba Người Bạn”, Fonti Francescane, số 1469.
4. Bênêđictô XVI, Buổi đọc kinh Truyền tin ngày 18 tháng Hai 2007.
5. Như trên
6. Như trên
7. Mẹ Têrêsa, Diễn văn nhận Giải Nobel, ngày 11 tháng Mười Hai 1979.
8. Suy niệm “Con đường Hoà bình”, Nguyện đường Nhà Thánh Marta, ngày 19 tháng Mười Một 2015.
9. Bài giảng trong Lễ Tôn phong Mẹ Têrêsa Calcutta lên bậc Hiển Thánh, ngày 4 tháng Chín 2016.
10. Số 23.
11. Như trên.
12. Diễn từ trước các Đại diện Tôn giáo, ngày 3 tháng Mười Một 2016.
13. Diễn từ trước Hội nghị Thế giới lần thứ III của các Phong trào Đại chúng, ngày 5 tháng Mười Một 2016.
14. X. Diễn từ tại Buổi Gặp gỡ Liên tôn với Lãnh tụ Hồi giáo miền Caucase và các Đại diện Cộng đồng Tôn giáo, Baku, ngày 2 tháng Mười 2016.
15. Diễn từ tại Assisi, ngày 20 tháng Mười 2016.
16. X. Tông huấn Amoris Laetitia, 90 – 130.
17. X. như trên, 133, 194, 234.
18. X. Sứ điệp gửi Hội nghị về Tác động Nhân đạo của Vũ khí Hạt nhân, ngày 7 tháng Mười Hai 2014.
19. Thông điệp Laudato Si’, 230.
20. Tông huấn Evangelii Gaudium, 227.
21. X. Thông điệp Laudato Si’, 16, 117, 138.
22. Tông huấn Evangelii Gaudium, 228.
23. Tông thư - Tự sắc thiết lập Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện, ngày 17 tháng Tám 2016.
24. Buổi đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng, Bethlem, ngày 25 tháng Năm 2014.
25. Lời kêu gọi, Assisi, ngày 20 tháng Chín 2016.
Hiệu đính: WHĐ
ĐGH Phanxicô
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ. Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ. (Lc 2, 16-21).
|
Affichage des articles dont le libellé est Lễ Mẹ Thiên Chúa - Ngày Thế Giới Hòa Bình. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Lễ Mẹ Thiên Chúa - Ngày Thế Giới Hòa Bình. Afficher tous les articles
samedi 31 décembre 2016
Lễ Mẹ Thiên Chúa - Ngày Thế Giới Hòa Bình
Inscription à :
Articles (Atom)