Little Saigon: Đông kín người xem triển lãm và hội thảo Trương Vĩnh Ký tại báo Người Việt
Bác Sĩ Quách Nhất Trí chỉ con trai Ben vị danh nhân ông nội Nhất Danh thường nói. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Đằng-Giao/Người Việt
WESSTMINSTER, California (NV) – Vừa mở cửa lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 8 Tháng Mười Hai, phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster đã chật kín với 200 khách tham dự Triển Lãm và Hội Thảo Tưởng Niệm ông Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898).
Hai bên tường là một bộ sưu tập công phu, gồm nhiều chân dung của Trương Vĩnh Ký và một số hình ảnh sinh hoạt của ông.
Giữa một rừng tóc trắng râm ran thăm hỏi nhau, có lác đác vài mái đầu đen lặng lẽ tìm chỗ ngồi.
Anh Hào Nguyễn, cư dân Garden Grove, cho biết anh có mặt tại buổi hội thảo vì muốn tìm hiểu hơn về văn hóa Việt.
“Tôi quan niệm rằng mình là người gốc Việt không phải vì có tên họ Việt Nam. Qua đây, người mình càng phải hiểu biết thật rõ về văn hóa, lịch sử Việt để còn biết mà truyền đạt cho thế hệ kế tiếp,” anh chia sẻ, “Những chương trình hội thảo như hôm nay rất cần thiết cho sinh hoạt hải ngoại.”
Cũng còn rất trẻ, anh Hải Ngô, ở Irvine, nói: “Tôi đọc rất nhiều sách báo của ông Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa. Đọc sách Trương Vĩnh Ký viết về Trương Vĩnh Ký nhiều rồi, tôi muốn nghe người khác nói về ông.”
Cô Tracy Đào, ở Westminster, nở nụ cười duyên dáng nói: “Em có ông chú năm nay 72 tuổi, cứ than là trong đời chú có một hối hận duy nhất là không thi đậu vào trường Petrus Ký được. Ba em, hồi còn sống cũng thường nói về những hãnh diện của ông khi còn là học sinh trường này. Em có cảm tưởng như trung học Petrus Ký đối với người Việt Nam cũng ‘tầm cỡ’ như Đại Học Harvard bên này. Bởi vậy em muốn biết về ông, ngoài những gì ba em kể.”
Rất nhiều người muốn biết về học giả Trương Vĩnh Ký. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ông Nguyễn Chí Kham, ở Santa Ana, nói như reo: “Chương trình hôm nay quý quá. Chỉ người mình ở đây mới có thể tổ chức được. Tôi cầu sao cho người trong nước được nghe buổi hội thảo này để biết sự thật.”
Ông Nguyễn Văn Kha, từ Đức sang, nói: “Tôi qua đây thăm hỏi bạn bè. Không ngờ may mắn lại được dịp dự một buổi nói chuyện quí báu như hôm nay.”
Cũng như phần đông người hiện diện, ông là cựu học sinh Petrus Ký.
Mọi người rất cảm động khi thấy Giáo Sư Lê Xuân Khoa tuổi già lại vừa yếu sức mà vẫn cố gắng tham dự.
Thay mặt ban tổ chức, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân cho biết rằng nhà báo Đỗ Quý Toàn, nhà báo Phạm Phú Minh và bản thân ông cùng tổ chức buổi hội thảo.
Tuổi nào cũng thích hình ảnh hiếm thấy về cụ Trương Vĩnh Ký. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Sau đó, ông cùng nhà báo Phạm Phú Minh mời Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, cựu giáo viên Petrus Ký, nói về góc nhìn của ông về danh nhân Petrus Trương Vĩnh Ký.
Ông Sâm cho biết, theo tài liệu sưu tập của ông Nguyễn Văn Tố, Trương Vĩnh Ký thông thạo nhiều ngôn ngữ, như tiếng Hán, tiếng Latinh, Pháp, Anh, Trung Hoa, Xiêm, Miến Điện, Nhật, Ấn Độ, Hy Lạp…
Vì học giả đã được Toàn Quyền Paul Bert sắp xếp để vừa làm gạch nối giữa triều đình Việt Nam và nước Pháp, vừa dạy tiếng Pháp cho vua Đồng Khánh và được vua phong là Nam Trung Ẩn Sĩ.
Theo ông Quân, Petrus Ký là người có ba đức tính: Khoa học, lương tâm và khiêm cung. Cả đời ông dược dùng vào việc kêu gọi nhân nghĩa và tình đồng bào.
Di cảo quí hiếm vừa tìm được của cụ Petrus Ký. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ông Quân nhắc nhở rằng Petrus Ký nhà nghèo, từng đóng cửa tòa soạn vì không đủ tiền trang trải và cả đời không hề có tước vị gì cả. “Như vậy, không có chứng cớ gì cho thấy ông cấu kết với Pháp để làm hại quê hương, dân tộc,” ông khẳng định. “Ngược lại, Petrus Ký là một người yêu nước vô cùng, đến cả người Pháp còn biết.”
Ông kết: “Bốn mươi năm sau khi ông mất, Petrus Ký mới được vinh danh. Thử hỏi nếu không phải là người thực lòng yêu nước thì sao ông không bị chìm vào quên lãng?”
Diễn giả kế tiếp là Giáo Sư Trần Văn Chi. Ông nói về tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam: Gia Định Báo.
Dù phải có người Pháp đứng tên theo luật thời đó, ông Trương Vĩnh Ký vẫn là người dùng báo này để phát triển ngôn ngữ Việt hiện đại, theo ông.
Có nhiều ý kiến chống đối việc học chữ quốc ngữ, nhưng Petrus Ký vẫn một lòng thúc đẩy việc này vì ông biết đây là cách duy nhất để giảm thiểu nạn mù chữ ở Việt Nam, ông Chi cho biết.
Để thay đổi không khí, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát trình diễn bài hành khúc của của trường Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác năm 1939 với lời tiếng Pháp của ông Le Jeannic, hiệu trưởng của trường lúc bấy giờ.
Ông Phát cho biết rất ngạc nhiên khi nhà báo Phạm Phú Minh sưu tìm được nhạc phẩm này. Đại khái, bài hát thay lời Petrus Ký kêu gọi học sinh nên sống cho quê hương, “mảnh đất đáng quý này,” với lời lẽ chứa chan tình thầy trò và dân tộc.
Một cô chiêm ngưỡng bước chân tiền nhân. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Buổi chiều, các diễn giả tiếp nối chương trình trong sự háo hức của người nghe.
Nhà bình luận văn học Bùi Vĩnh Phúc chia sẻ một số nhận định sâu sắc về vài nét đặc thù thú vị của Trương Vĩnh Ký trong những đóng góp lớn lao cho văn hóa Việt Nam.
Ông Phúc chia sẻ, qua bản phiên âm truyện Kiều từ chữ Nôm qua chữ quốc ngữ, ông Trương Vĩnh Ký đã cho đông đảo quần chúng được thưởng thức cách sử dụng chữ Nôm thần diệu của của cụ Nguyễn Du.
Qua truyện Kiều chữ Nôm, chữ quốc ngữ cổ, Nguyễn Du đã làm cho văn hóa Việt thêm dồi dào, phong phú, và qua bản phiên âm này, Trương Vĩnh Ký, với chữ quốc ngữ mới, đã có công to lớn là cho đông đảo quần chúng cái quyền hãnh diện vì có một nhà thơ Việt, dùng tiếng Việt một cách thần tình với những điều tuyệt vời đến thế.
Ông Phúc nhấn mạnh, Petrus Ký là người đi tiên phong trong việc làm giàu đẹp cho tiếng Việt, cả về ngữ âm và ngữ nghĩa.
Ông đã phải rất giỏi chữ Nôm để nắm bắt hồn thơ óng ánh mượt mà của Nguyễn Du và chuyển tải một cách tài tình qua chữ quốc ngữ, một thứ tiếng còn quá mới mẻ, chưa hoàn chỉnh, ông Phúc nói.
Ngày nay, có được những dòng thơ với thủ pháp tuyệt vời của Nguyễn Du trong truyện Kiều mà chúng ta vẫn mãi hoài suy ngẫm là nhờ công Petrus Ký.
Ngoài ra, ông còn phiên âm bộ Minh Tâm Bửu Giám, Tứ Thư và biên soạn tự điển Pháp-Việt, Việt-Pháp cùng nhiều sách giáo khoa để giúp cả người Việt lẫn người Pháp.
Những cuốn sách như Kim Vân Kiều, Phan Trần, Lục Vân Tiên, Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Tân Hợi 1876, Chuyện Đời Xưa, Chuyện Khôi Hài, Lục Súc v.v., lần đầu tiên được in bằng chữ quốc ngữ và xuất bản trong nửa sau của thế kỷ 19.
Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên khẳng định rằng Trương Vĩnh Ký là người đi trước thời đại hơn cả trăm năm, ông có suy nghĩ rộng hơn, khác hơn và cao hơn người khác. Có lẽ vì vậy, nhiều người không hiểu kịp ông nên nảy sinh ra nhiều sai lầm khi bàn luận về ông.
Ông bàn về một câu Latinh đã gắn liền với Petrus Ký gần 60 năm qua là “Sic vos non vobis” và gây rất nhiều tranh cãi cho đến hôm nay.
Một dấu hiệu tốt khi giới trẻ muốn biết về nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Trong thư gởi một người bạn ở Pháp là Bác Sĩ Alexis Chavanne năm 1887, ông có dùng câu “Sic vos non vobis” và sau này, Khổng Xuân Thu dịch thành “Ở với họ mà không theo họ.”
Sự hiểu lầm ghê gớm bắt đầu khi đoạn thư bị dịch sai lạc là: “Điều duy nhất và đơn độc (về chính trị) mà tôi tìm kiếm là có lợi, đúng như câu châm ngôn Latinh “Sic vos non vobis” (ở với họ mà không theo họ). Đó là định mệnh của tôi và điều tự nhủ chính bản thân tôi.”
Ông Wilston vạch rõ, thực ra, “Sic vos non vobis” là từ những vần thơ của thi hào Virgil. Nghĩa đen chỉ là “như vậy, các anh không phải cho các anh,” hiểu theo nghĩa thông dụng, câu này là “ không phải cho tôi.”
“Bank of England” cũng dùng nghĩa này làm phương châm phục vụ.
Do đó, để thực sự hiểu Petrus Ký, đoạn thư trên phải dịch là “Điều duy nhất mà tôi theo đuổi là làm sao cho có lợi, tuy phải nói thêm rằng (lợi ích đó) không phải cho tôi. Đó là số phận và là niềm an ủi của tôi.”
Ông kết luận, hiểu lầm về Petrus Ký thì có rất nhiều, vì mấy mươi năm trước, ông đã bộc lộ suy nghĩ bằng tiếng Latin, một thứ tiếng không mấy người hiểu. Ngày nay, với phương tiện internet, bổn phận của chúng ta là tìm hiểu chính xác hơn về nhân vật có một không hai của lịch sử Việt Nam.
Nhà báo Phạm Phú Minh, vị diễn giả sau cùng, nói về lối viết “An Nam ròng” của cụ Trương Vĩnh Ký.
Ông là người đầu tiên viết văn xuôi bằng chữ quốc ngữ. Tiêu biểu nhất là hai quyển “Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi” và “Chuyện Đời Xưa.”
Trong cuốn đầu, ông ghi chép mọi chuyện trong chuyến đi bằng lời văn bình dân, ai đọc cũng hiểu; và do đó, đã đạt đến lối viết tiêu chuẩn của ngày nay.
Nhưng trong cuốn thứ nhì thì lại khác, ông viết theo lối kể chuyện với một văn phong riêng, cách dùng từ ngữ riêng, ông Minh trình bày.
Một cách tóm tắt, học giả Petrus Ký đã làm cho tiếng Việt đa dạng, phong phú, cầu kỳ và tinh tế hơn với chủ trương gần gũi với quần chúng bình dân.
Lần đọc những dòng chữ quốc ngữ đầu tiên của dân tộc. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Cả năm diễn giả cùng đến với lòng kính mến cụ Petrus Trương Vĩnh Ký một cách sâu đậm, và phần diễn thuyết của từng vị đều vô cùng công phu, có thể đúc kết thành một tài liệu quý báu.
Nhà báo Phạm Phú Minh cho hay, trong 20 năm qua, tại Little Saigon này đã có các cuộc hội thảo với các đề tài về văn học, văn hóa như: Phạm Quỳnh (1999), Văn Học Hải Ngoại (2007), Tự Lực Văn Đoàn (2013), Văn Học Miền Nam (2014), Phan Thanh Giản (2017),… và lần này, cuộc triển lãm cùng hội thảo về Petrus Trương Vĩnh Ký với số đông diễn giả và người hưởng ứng như vậy phải được coi là lớn lao. (Đằng-Giao)
KLiên sưu tầm