VATICAN. “Ta muốn lòng nhân, chứ không cần hy lễ. Những công việc từ bi bác ái trong hành trình Năm Thánh” . Đây là chủ đề ĐTC (Đức Thánh Cha) đã chọn cho sứ điệp mùa chay, công bố hôm 26.01.2016, qua đó ĐTC mời gọi các tín hữu chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái, về thể lý cũng như về tinh thần.
Sứ điệp được công bố trong cuộc họp báo tại Vatican do ĐHY Francesco Montenegro, TGM Agrigento, nam Italia, thành viên Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm). Hiện diện trong dịp này cũng có hai vị Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của Hội đồng Cor Unum.
ĐTC bắt đầu sứ điệp với lời gợi nhắc về Đức Maria, ngài nói:
“Đức Maria, biểu tượng của một Giáo Hội loan báo Tin Mừng bởi vì đã được Tin Mừng hoá. Trong Tông Sắc khởi đầu Năm Thánh tôi đã ngỏ lời mời gọi ngõ hầu “Mùa Chay của Năm Thánh này được sống một cách quyết liệt như khoảnh khắc quan trọng để cử hành và trải nghiệm lòng Thương Xót của Thiên Chúa” (Misericordiae Vultus, 17). Cùng với lời kêu gọi hãy lắng nghe Lời Thiên Chúa và sáng kiến “24 giờ cho Thiên Chúa” tôi muốn nhấn mạnh tính ưu việt của việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, đặc biệt là những lời mang tính tiên tri. Lòng thương xót của Thiên Chúa thực sự là một thông cáo cho toàn thế giới: nhưng cũng chính qua thông cáo này mỗi Ki tô hữu được kêu gọi để trải nghiệm đầu tiên. Và chính vì điều này nên trong thời gian của Mùa Chay, tôi sẽ gửi những thừa sai của Lòng Thương xót đi ngõ hầu họ có thể trở nên một dấu chỉ cụ thể cho tất cả mọi người về sự gần gũi và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Để đón nhận Tin Vui mà tổng lãnh thiên thần Gabriel đã loan báo cho mình, Đức Maria, trong lời kinh Magnificat, đã ca vang đầy tính ngôn sứ về lòng thương xót mà qua đó Thiên Chúa đã thương chọn mẹ. Trinh nữ Nazaret, đã hứa hôn với Giuse, vì thế trở nên biểu tượng hoàn hảo của Giáo hội truyền giáo bởi vì đã và vẫn tiếp tục được Tin Mừng hoá do hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng đã làm cho trinh nữ thụ thai. Trong truyền thống ngôn sứ, lòng thương xót thực sự bó buộc phải, ở mức độ từ nguyên, làm cùng với cung lòng mẫu tử (rahanim) và thậm chí cùng với một sự thiện hảo quảng đại, trung tín và thương cảm (hesed), vốn được diễn tả trong toàn bộ những mối tương quan vợ chồng và gia đình”.
Kế đến, ĐTC nói về: “Giao ước giữa Thiên Chúa và con người: một lịch sử của lòng thương xót”. Ngài nói:
“Mầu nhiệm lòng thương xót Thiên Chúa được mạc khải trong tiến trình lịch sử của giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Ngài là Israel. Thực ra, Thiên Chúa đã tự vén mở mình như là Đấng luôn giàu lòng thương xót, sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh để đổ tràn xuống dân của Ngài một sự âu yếm và một lòng thương xót sâu sắc, trước hết trong những thời khắc bi thảm nhất khi sự bất trung làm gãy đổ mối tương quan của Giao ước và Giao ước đòi hỏi phải được củng cố trong một cách thức vững vàng hơn trong sự công chính và chân lý. Chúng ta ở đây đối diện với một thảm kịch đích thực của tình yêu, trong đó Thiên Chúa sắm vai người cha và người chồng bị phản bội, trong khi dân Israel sắm vai người con và người vợ không chung thuỷ. Đây đích thực là những hình ảnh rất gần gũi – giống như trường hợp của Hô-sê – đã diễn tả rằng Thiên Chúa muốn kết giao với dân của người.
Vở kịch của tình yêu này đạt đến đỉnh cao khi Thiên Chúa Con đã làm Người. Nơi Ngài, Thiên Chúa đã đổ tràn lòng thương xót vô ngần vô hạn đến độ đã làm cho Ngài trở nên “Lòng Thương Xót nhập thể” (Misericordiae Vultus, 8). Là người, Đức Giêsu Nazaret đích thực là con cái của Israel cùng với tất cả những hệ luỵ. Nơi Người cũng ăn sâu lời mời gọi lắng nghe một cách trọn vẹn lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi người Do Thái đó là từ Shemmà, mà cho đến tận hôm nay vẫn còn là cốt lõi của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel: “Nghe đây, hỡi Israel: Thiên Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa, ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết linh hồn hết trí khôn.” Con Thiên Chúa là Chú Rể làm tất cả để chinh phục tình yêu của Hiền Thê của Người, nơi đó Ngài trao ban tình yêu vô điều kiện vốn trở nên hữu hình trong tiệc cưới vĩnh hằng với Nàng.”
Đề cập đến các việc bác ái, ĐTC nói:
“Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi cõi lòng con người và làm cho họ cảm nếm một tình yêu tín trung và nhờ đó đến lượt mình con người có thể bày tỏ lòng thương xót. Đây là một phép lạ luôn luôn mới mẻ mà lòng thương xót của Thiên Chúa có thể chiếu toả trong đời sống của mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương người thân cận và thực hiện tất cả những gì mà truyền thống Giáo Hội gọi là những hành vi thương xót thể xác và tâm hồn. Những hành vi này nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta được diễn tả trong những hành động cụ thể và hằng ngày, nhằm hướng đến sự giúp đỡ người thân cận chúng ta cả về thể xác lẫn tinh thần và dựa trên chính những điều này mà chúng ta sẽ bị phán xét: nuôi dưỡng, thăm viếng, ủi an, giáo huấn người thân cận. Chính vì điều này tôi đã ước mong rằng “dân Ki tô giáo sẽ phản tỉnh trong suốt Năm Thánh về những công tác của lòng thương xót về thể xác cũng như tinh thần. Sẽ là một cách thức để thức tỉnh lương tâm của chúng ta thường xuyên mơ ngủ trước thảm cảnh của đói nghèo và để thường xuyên tiến vào trọng tâm của Tin Mừng, là nơi những người nghèo là những người được lòng thương xót của Thiên Chúa ưu ái”(ibid., 15). Nơi người nghèo, thực ra, thân thể của Đức Ki tô một lần nữa trở nên hữu hình giống nhưu thân thể bị hành hạ, bị đòn roi, suy dinh dưỡng, phải chạy trốn…để cần chúng ta nhận ra, đụng chạm và trợ giúp với sự quan tâm”.
Trong sứ điệp, ĐTC cũng nói rõ những người cứng lòng không chịu đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa mới là những người khốn khổ nhất. Ngài viết:“Đứng trước tình yêu mãnh liệt như cái chết của Chúa (Xc Dc 8,6), người nghèo khốn khổ nhất là những ai không chịu thừa nhận mình nghèo hèn. Họ tin rằng mình đang giàu có, nhưng trong thực tế họ là người nghèo nhất trong số những người nghèo. Họ nghèo vì là nô lệ của tội lỗi, vốn thúc đẩy họ sử dụng sự giàu có và quyền lực không phải để phục vụ Thiên Chúa và than nhân, nhưng để bóp nghẹt nơi chính mình ý thức thâm sâu rằng bản thân họ chứ chẳng phải ai khác vốn là kẻ nghèo đang ăn xin. Nếu quyền lực của họ càng cao và sự giàu có của họ càng lớn thì họ càng dễ dàng trở nên mù quáng và gian dối. Họ mù quáng đến độ chẳng muốn nhìn người nghèo Lazzaro đang ăn xin trước cửa nhà họ”(Xc Lc 16, 20-21).
Và ĐTC kết luận sứ điệp như sau:
“Đối với tất cả mọi người, Mùa Chay của Năm Thánh này vì thế là một thời gian ân sủng để có thể thoát khỏi tình trạng tha hoá của chính mình nhờ lắng nghe Lời Chúa và thực hiện những công tác của Lòng thương xót…Những việc bác ái thể lý và tinh thần phải luôn đi đôi với nhau. Thực vậy chính khi động chạm đến thân thể chịu đóng đinh của Đức Giêsu nơi người đau khổ thì tội nhân mới có thể nhận lãnh hồng ân của sự ý thức rằng chính bản thân họ là một người nghèo khó đang ăn xin.”
Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Huy Maii
Phạm Anh chuyển