ĐI XEM MỘT KỶ NIỆM
Tản mạn về phim “The Post”
Lý Nguyên Diệu
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng …”
Trịnh Công Sơn
Chiều hôm qua tôi đi xem phim “The Post” vừa được phát hành với giá vé chỉ 6 đồng cho người lớn tuổi. Ngoài cái lợi tiền bạc, người lớn tuổi còn được xem phim nầy như hồi tưởng về một kỷ niệm không thể quên, dựa trên một câu chuyện có thật đã xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ.
Điều đặc biệt đầu tiên của phim “The Post” là, dù đã biết rất rõ kết cuộc sẽ như thế nào, người xem càng lớn tuổi (những người đã sống qua thời kỳ những năm 1960, 70), càng thấy thấm thía cái hay của phim nầy. Một điều đặc sắc khác trong thời buổi nầy là một phim Mỹ dài 1 giờ 56 phút mà không có súng đạn (trừ hai phút đầu tiên về chiến tranh Việt Nam), không có tình dục, áo quần hở hang, … lại được đa số các cơ quan truyền thông Mỹ xếp hạng 1 trong 10 phim hay nhất của năm 2017. Một điều hi hữu để lôi kéo các tay ghiền xi-nê là phim nầy tập họp 3 ngôi sao sáng chói của Hollywood: Đạo diễn Steven Spielberg (14 Oscars & 10 Đề cử), nữ tài tử Meryl Streep (3 Oscars & 17 Đề cử) và nam tài tử Tom Hanks (2 Oscars & 3 Đề cử).
Phim “The Post” bao gồm ba câu chuyện chính. Chuyện chiến tranh Việt Nam, chuyện một người đàn bà can đảm và quan trọng nhất là chuyện tự do ngôn luận. Tựa của cuốn phim là tên cắt ngắn của nhật báo “The Washington Post”. Một trong những tờ nhật báo hàng đầu của miền Đông nước Mỹ đã lấy một quyết định vô tiền khoáng hậu khi bất chấp áp lực của Toà Bạch Ốc, in lại Hồ sơ Ngũ Giác Đài (Pentagon Papers) làm rung động nước Mỹ từ mùa Hè năm 1971 cho đến bây giờ, dưới thời đại “fake news” của Tổng thống Donald Trump đang cố gắng khuất phục một nền báo chí bất trị.
Chuyện thứ nhất về Hồ sơ Ngũ Giác Đài thì với người Việt Nam, 4000 trang của Hồ sơ về nguồn gốc và quá trình tham chiến của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam phải là chuyện quan trọng. Đạo diễn Spielberg cũng ý thức điều nầy khi ông bắt đầu phim bằng hình ảnh một cuộc hành quân bi thảm tại Hậu Nghĩa năm 1966. Kéo theo phản ứng của Daniel Ellsberg, một chuyên viên của Rand Corporation, khi làm việc trên Hồ Sơ Ngũ Giác Đài theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara, đã khám phá những dối trá liên tục của 5 chính quyền Mỹ từ thời Tổng thống Truman đến Nixon.
Đáng chú ý nhất là sau khi lấy trộm Hồ sơ để công khai hoá qua báo chí, một nhà báo đã hỏi anh có biết sẽ có thể bị tù vì giải mật một tài liệu quốc gia không? Ellsberg đã trả lời không ngần ngại bằng lương tâm (“tấm lòng” của TCS) của một con người đầy nhân bản: “Nếu đi tù mà (chấm dứt chiến tranh) cứu được bao nhiêu mạng người thì cũng đáng”. Để làm rõ hơn tính chất dối trá của cuộc chiến, đạo diễn Spielberg còn sưu tầm và trình bày lại những đoạn diễn văn lừa bịp của các Tổng thống Eisenhower, Kennedy, Johnson mà bây giờ một người Việt Nam đã đọc qua Hồ sơ Ngũ Giác Đài không thể không thấy chua xót cho thân phận của hai nền Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam, từ Tổng thống Diệm đến Tổng thống Thiệu, đã bị làm con cờ thí cho “đồng minh”. Trong năm 2017, tài liệu truyền hình “Chiến tranh Việt Nam” (The Vietnam War) của Ken Burns cũng đã trình bày rất cặn kẽ và rõ ràng bi kịch nầy của dân tộc ta.
Chuyện thứ hai về người đàn bà vai chính trong phim là Katharine “Kay” Graham (qua phần diễn xuất điêu luyện xứng đáng giải Oscar của Meryl Streep). Goá chồng năm 46 tuổi và phải thay chồng cầm đầu một tạp chí lớn. Tám năm sau, 1971, người đàn bà quý phái, mảnh mai đó phải lấy một quyết định sinh tử mang nặng hai hệ quả: Một là quay lưng lại với tình bạn cố cựu giữa gia đình bà và gia đình Tổng thống Lyndon B. Johnson và gia đình Bộ trưởng McNamara. Hai là chính bà và chủ bút Ben C. Bradlee có thể đi tù vì cãi lệnh toà án đang bị áp lực của chính quyền Nixon..
Trong cái thập niên 1960 hỗn loạn, bà “Kay” đã phải ra khỏi chốn khuê phòng để tương tác với những nhà tài phiệt lão luyện của Thị trường Chứng khoán Nữu Ước (NYSE) đã là một điều đáng khâm phục như một khởi đầu của phong trào phụ nữ bình quyền. Để thể hiện tư cách của bà chủ báo, cuốn phim cho thấy khi nghe nhân viên báo cáo một triệu rưỡi Mỹ kim tiền lời cho báo Washington Post, bà nói ngay: “Đó là lương của 25 ký giả giỏi” chứ không nói gì đến tài khoản ngân hàng của bà sẽ gia tăng. Cũng trong tinh thần đó, bà đã nói với chủ bút Bradlee: “Phẩm chất cũng có thể đi đôi với lợi nhuận”. Thật là ngược hẳn với nguyên tắc kinh tế của Trung Cọng bây giờ là hy sinh phẩm chất để đạt lợi nhuận. Năm 1971, sự nghiệp bà lên đến cao điểm tận cùng khi bà dựa vào lương tâm (“tấm lòng” của TCS), dựa vào sự nghiệp báo chí của cha và của chồng, dựa lên bổn phận của một người dân, để quyết định đăng lên báo Washington Post của bà những trang “Tối Mật” của Hồ sơ Ngũ Giác Đài. Đoạn phim đầy xúc động khi bà đến nhà cựu Bộ trưởng McNamara để, nhân danh là một người bạn, một bà mẹ, một người dân, một nhà báo, đặt thẳng câu hỏi: “Vì sao ông biết không thể thắng cuộc chiến từ năm 1965 mà ông vẫn tiếp tục gửi quân qua chiến trường Việt Nam?” Những biện hộ lúng túng của ông cựu Bộ trưởng trong căn nhà vắng vẻ chỉ có hai người cho ta thấy sự thật trần truồng của cuộc chiến bi thảm dài 20 năm đó, không có một “chính nghĩa” nào, một “lý tưởng tự do” nào, mà chỉ có quyền lợi nước Mỹ (“America First”) và thân phận bi thảm của những dân tộc nhược tiểu.
Chuyện cuối cùng và quan trọng nhất, vượt cả thời gian lẫn không gian, của phim “The Post” là cuộc tranh đấu bảo vệ tự do ngôn luận giữa báo chí và quyền lực nhà nước. Ngược lại với những trang sử đen tối của nước Mỹ trong cuộc Nội Chiến chống chế độ nô lệ năm 1861 hay cuộc “thảm sát Mỹ Lai” năm 1968, những gì đã xảy ra tại Hoa Thịnh Đốn vào mùa Hè năm 1971 phải được coi là trang sử sáng láng nhất của nước Mỹ mà toàn thế giới phải tìm đọc và ráng học lại mỗi ngày. Phần nầy của phim giúp cho chúng ta hiểu vì sao “Tu chính Án số Một” của Hiến Pháp Hoa Kỳ phải là Số Một. Số đầu tiên. Số quan trọng nhất. Hãy cùng nhau đọc lại viên ngọc nầy: “Quốc Hội không được đưa ra bất kỳ luật nào để thiết lập tôn giáo, hoặc để cấm tự do tôn giáo; để giảm bớt quyền tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí; hoặc quyền người dân được tụ tập ôn hoà, và quyền kiến nghị chính quyền phải giải quyết các khiếu nại.” (Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances).
Phân tích một cách cơ bản thì chính Đệ Nhất Tu Chính Án nầy là thành trì bảo vệ Đệ Tứ Quyền đã giúp kiểm soát, quân bằng và yểm trợ ba quyền Lập Pháp, Tư Pháp và Hành Pháp để nước Mỹ trở thành cường quốc như ngày hôm nay theo logic của một bài chính trị học đơn giản: Quốc gia nào cũng phải có một chính quyền. Chính quyền là sản phẩm của con người nên chính quyền nào cũng không hoàn toàn, phải có lỗi lầm, sai trái (bugs in each and every system). Muốn sửa sai trái thì phải biết có sai trái và sai trái như thế nào. Sau khi sửa sai chính quyền mới có thể có tiến bộ. Trong tiến trình chính trị nầy, báo chí lãnh trách nhiệm nặng nề nhất. Đó là dùng quyền tự do ngôn luận để giúp cho chính quyền “biết có sai trái và sai trái như thế nào”.
Chính vì ý thức được tầm quan trọng căn bản đó mà Katharine Graham và Chủ bút Ben Bradlee (với sự hổ trợ tích cực của các ký giả như Meg Greenfield, Ben Bagdikian) đã đứng đầu sóng ngọn gió để vượt qua áp lực chính trị của Tổng thống Nixon, vượt qua áp lực kinh tế của các chủ ngân hàng. Và chính nghĩa của họ đã “tất thắng” chói lọi khi gần 20 nhật báo lớn khác của Mỹ đoàn kết theo gương tờ Washington Post để cùng trích đăng Hồ sơ Ngũ Giác Đài, và nhất là khi Toà Án Tối Cao Liên Bang đã phán quyết bầu thuận cho tờ Post qua đa số phiếu 6-3
Điều phải nói thêm là cuốn phim cho thấy quyết định xử dụng quyền tự do báo chí của bà chủ nhân Graham và chủ bút Bradlee là một quyết định đầy ý thức trách nhiệm. Trách nhiệm với quốc gia, với dân tộc, dựa trên một quá khứ cách mạng chống thực dân Anh và dựa vào một tin tưởng ở tương lai dân chủ, thịnh vượng của nước Mỹ.
Vì vậy mà giá trị, đáng mua cái vé 6 đồng, của phim “The Post” là đã vẽ được một cách sinh động một kinh nghiệm huy hoàng trong lịch sử nước Mỹ mà người dân Mỹ có thể hãnh diện nhất. Và đó cũng là một bài học về tôn trọng tự do ngôn luận mà nhà nước Việt Nam (và rất nhiều nước khác) phải cho trình chiếu rộng rãi cho đại chúng, và phải học mỗi ngày bằng cách bắt buộc tất cả cán bộ phải xem phim “The Post” mỗi buổi sáng.
LÝ NGUYÊN DIỆU
Đầu năm 2018
Ngọc Tuyền sưu tầm