Vũ Thế Thành – Thịt đỏ – tiến thoái lưỡng nan
Nguồn
Ăn nhiều thịt đỏ có thể gây ra bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư, nhất là ung thư ruột già. Nguyên nhân vì sao thì chưa rõ, nhưng qua nghiên cứu, thì rõ ràng thịt đỏ và những căn bệnh thời đại có liên hệ. Các nhà khoa học, cấm thì không dám cấm, chỉ khuyên ăn ít thịt đỏ. Nhưng trước tiên phải xác định thịt đỏ là gì, kẻo kiêng nhầm thì còn gì là đời.
Với mấy tay đầu bếp rất đơn giản: thịt đỏ là thịt có màu… đỏ. Nấu nướng xong, thịt ra màu gì cũng được, miễn là không ra màu trắng.
Thịt đà điểu là thịt đỏ hay trắng?
Các
nhà khoa học không chấp nhận phát biểu cảm tính đó. Họ cho rằng, thịt
đỏ là thịt có nhiều sắc tố myoglobin. Nhưng như thế nào là nhiều, thế
nào là ít lại không thấy nói tới, mà cơ thịt nào lại chẳng có myoglobin.
Bộ
Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho định nghĩa dứt khoát hơn: thịt đỏ là thịt
của động vật có vú. Hiểu như thế thì thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa,
thịt dê, heo, nai, bê, cừu, chó, mèo…và cả thịt chuột nữa đều là thịt
đỏ.
Thịt
trắng là các loại thịt gà vịt ngan ngỗng, thịt chim cò, chim cút…. Có
điều lạ, thỏ có vú đẻ con rành rành ra đó, mà lại được xếp vào loại thịt
trắng. Đà điểu là loài chim, không vú đẻ trứng, thịt lại đỏ ngang ngửa
với thịt bò, chằng biết nên gọi là thịt đỏ hay trắng.
Dù
là định nghĩa nào đi nữa, cũng cho ta một cái nhìn chung về thịt đỏ và
thịt trắng. Bài này chủ yếu nói về thịt bò thịt heo, còn những loại thịt
đỏ khác chỉ là những món ăn chơi.
Thịt
trắng, mà tiêu biểu là thịt gà, có lượng myoglobin khoảng 0,05%, nhưng
thịt heo có từ 0,1 -0,3%. Thịt bò còn nhiều myoglobin hơn nữa, từ 1 – 2%
. Heo già có nhiều myglobin hơn heo non. Mua chả lụa, cắt khoanh có màu
phơn phớt hồng (nếu không dùng hoá chất) là làm từ thịt heo già. Có
thêm mùi ngai ngái nữa là làm từ thịt heo nái.
Lại còn phân biệt thịt chế biến và không chế biến
Một
nghiên cứu của Viện Y Tế Quốc gia (Mỹ), khảo sát hơn nửa triệu người
cao tuổi ở Mỹ đi đến kết luận rằng, những người ăn khoảng 100 gr thịt
đỏ/ngày trên 10 năm dường như chết về tim mạch hoặc ung thư nhiều hơn
những người ăn chừng 20 gr/ngày.
Còn
các nhà nghiên cứu của đại học Harvard đã tập hợp 20 nghiên cứu về thịt
đỏ. Họ so sánh 2 loại thịt đỏ: loại không chế biến và loại chế biến.
Loại
không chế biến không phải là thịt sống, mà là thịt chế biến đơn giản ở
nhà như hấp, luộc,. chiên xào,…Loại chế biến là loại có ướp gia vị rồi
nướng hay xông khói, như xúc xích, jambon, salami, nem chua, lạp xưởng,…
Họ
nhận thấy thế này, nếu ăn thịt đỏ không chế biến cỡ 100 gr/ngày thì
không thấy có liên quan gì tới tăng rủi ro cao về bệnh tim mạch, kể cả
bệnh tiểu đường (thống kê chưa rõ ràng). Còn nếu ăn thịt đỏ chế biến,
chỉ cỡ 50gr/ngày, thì có liên quan tới tăng rủi ro tim mạch 42% và 19%
tiểu đường.
Cả
2 loại thịt đều có lượng chất béo bão hoà như nhau. Như vậy không phải
do chất béo. Vậy chắc là do lượng muối? Thịt chế biến nhiều muối hơn,
622 mg sodium/58 gr thịt so với 155 mg trong thịt không chế biến. Hay là
do lượng nitrate trong thịt chế biến? Nhưng đây chỉ là những giả thuyết
không kiểm chứng được.
Sắc tố myoglobin mắc vạ?
Bộ
Y Tế của Anh Quốc thẳng thừng hơn, thịt chế biến hay không chế biến gì
cũng vậy. Dựa trên đề nghị của Uỷ ban Tư vấn về Dinh dưỡng Quốc gia
(SACN), Bộ khuyến cáo mỗi ngày không nên ăn quá 70 gr thịt đỏ.
Uỷ
ban SACN đã duyệt xét nhiều nghiên cứu, và nhận thấy những người ăn
nhiều thịt đỏ dễ bị ung thư ruột già. Họ đi đến kết luận, có mối quan hệ
giữa sắt trong myoglobin và ung thư ruột già. Myoglobin có nhiều trong
thịt đỏ (thịt trắng ít hơn nhiều lần). Vậy ăn nhiều thịt đỏ làm tăng rủi
ro ung thư ruột già.
Myoglobin
là một loại protein có “lõi” sắt, giống như hemoglobin, nhưng myoglobin
có trong cơ thịt, còn hemoglobin có trong máu. Cả hai đều có chức năng
“ngậm” oxy cung cấp cho tế bào, và tạo ra màu đỏ cho thịt (myoglobin) và
máu (hemoglobin). Dù đều tạo ra màu đỏ, nhưng nếu myoglobin từ cơ mà đi
lạc vào máu là sức khoẻ có vấn đề rồi.
Tuy
nhiên cơ thể lại rất cần sắt để tạo hemoglobin cho máu, nhất là trẻ em,
bà bầu, mấy cô mấy bà bị “trời hành” mỗi tháng,…Thịt đỏ lại là nguồn
cung cấp sắt. Bỏ qua sao được! Uỷ ban SACN tỉnh bơ, vậy thì lấy sắt từ
nguồn thực phẩm khác: các loại đậu, trứng, thịt gà, thịt ngỗng, rau dền,
rau ngót,…cũng có nhiều sắt
Nhưng
điều quan trọng là, tại sao sắt trong myoglobin lại độc địa như vậy,
còn sắt trong các loại thực phẩm khác lại hiền lành thế? Chẳng nhà khoa
học nào buồn lên tiếng.
Thịt đỏ chỉ gây chuyện với con người
Một
nghiên cứu khác mới công bố cuối năm ngoái (2014) của trường Y San
Diego, đại học California cho rằng, ung thư hình thành là do một loại
đường có tên là Neu5Gc (*)
Các
nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi hơi bị…sốc. Tại sao các động vật ăn thịt
(chó lợn cọp beo,…) ăn thịt đỏ thì không sao, nhưng con người lại bị. Đó
là do trong cơ thể các loại động vật này có sẵn loại đường Neu5Gc,
nhưng con người thì không có. Vì vậy, khi ăn thịt đỏ (có đường Neu5Gc),
cơ thể người vì không có đường Neu5Gc, nên tạo ra kháng thể chống lại
Neu5Gc. Nếu ăn nhiều thịt đỏ, kháng thể này tạo ra viêm mãn tính, và sau
cùng hình thành khối u.
Để
chứng minh cho giả thuyết này, các nhà nghiên cứu bằng kỹ thuật di
truyền tạo ra 1 loài chuột, mà cơ thể chúng không có đường Neu5Gc (giống
như người). Cho chuột ăn đường này, chuột bị viêm, rồi hình thành khối
u. Đường Neu5Gc được tìm thấy tích luỹ trong khối u này.
Đây
là nghiên cứu đầu tiên, giải thích rất bài bản về mối quan hệ giữa thịt
đỏ và ung thư, dù rằng thí nghiệm chỉ mới thực hiện với chuột. Các nhà
nghiên cứu cũng thừa nhận, để có bằng chứng ở người là điều khó khăn hơn
nhiều.
Tiến thoái lưỡng nan, thoái tốt hơn
Thịt
là nguồn cung cấp protein, các vitamin và khoáng tuyệt hảo, nhưng càng
lúc càng có nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ thịt đỏ và các chứng
bệnh thời hiện đại (tiểu đường, tim mạch, ung thư) có mối quan hệ nhân
quả.
Có
những nghiên cứu dựa trên khảo sát cả chục ngàn cho tới cả triệu người,
kéo dài cả chục năm. Mặc dù bằng chứng thu thập qua những bản trả lời,
và quan sát trên thống kê là phương pháp chưa được thuyết phục lắm về
mặt khoa học, nhưng đọc đâu cũng thấy toàn thịt đỏ – khối u, thịt đỏ –
tiểu đường, thịt đỏ -tim mạch,… Thú thiệt, đọc riết cũng thấy…rét.
Thôi, cũng nên tính tới chuyện giảm bớt các bệnh “văn minh”, tăng phần văn hoá, bằng cách giảm ăn thịt đỏ (ai có ngon, bỏ luôn càng tốt). Ít ra cũng bớt gây ô nhiễm môi trường do chăn nuôi. Phúc cho bản thân, mà cũng lợi cho cộng đồng.
Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)
—–