Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm ra mắt sách ‘Chuyện Đời Xưa’ của Trương Vĩnh Ký
Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Chủ Nhật, 27 Tháng Tám, bốn nhà giáo Trần Văn Chi, Phạm Lệ Hương, Nguyễn Trung Quân, và Nguyễn Văn Sâm sẽ thuyết trình về Trương Vĩnh Ký, người xây đắp quốc văn (chữ Quốc Ngữ) trong thời kỳ chữ Quốc Ngữ còn phôi thai, tại Viện Việt Học, Westminster.
Cũng trong buổi hội thảo này, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm sẽ ra mắt cuốn sách ông mới xuất bản, “Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký, Những Điều Thú Vị.”
Ông cho biết: “Nghe nói từ lâu, ông Trương Vĩnh Ký có một tác phẩm là ‘Chuyện Đời Xưa’ rất thú vị, nhưng tôi chưa được thấy, nay nhờ thầy Vương Hồng Sển đã tìm được nguyên bản, đọc thấy thật thú vị nên muốn phổ biến rộng rãi. Trước hết là để gìn giữ tài sản văn học Việt Nam, sau là để giới thiệu văn chương Quốc Ngữ trong giai đoạn mới hình thành, trong đó Trương Vĩnh Ký là người có công lớn vun bồi cho chữ Quốc Ngữ thành chữ nước ta.”
“Trong giai đoạn khởi thủy ấy, Trương Vĩnh Ký đã mượn thứ chữ mới này để đưa chữ Quốc Ngữ vào đời sống dân tộc. Với những bài viết của ông được phổ biến lúc bấy giờ, ông đã có công bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc. Công trình của ông là mở đầu cho một giai đoạn văn chương Quốc Ngữ. Ông đã chuyển nhiều tác phẩm viết bằng chữ Nôm sang chữ Quốc Ngữ bằng lối hành văn ‘nói sao viết vậy,’” ông nói.
“Chính vì điểm này nên những sách của Trương Vĩnh Ký đã giúp cho các thế hệ sau tìm hiểu rõ ràng được lối sống, ngôn ngữ của dân tộc trong giai đoạn này. Nếu chúng ta không lục soạn lại được những tác phẩm của Trương Vĩnh Ký thì chúng ta sẽ đánh mất đi những chứng tích ngôn ngữ thể hiện tâm tư tình cảm của người dân Việt miền Nam Việt Nam trong thời đại đó,” ông nói thêm.
Ông cho hay: “Vì vậy chúng tôi đã cố gắng sưu tầm lại các sách Trương Vĩnh Ký đã viết và bỏ công sưu tầm chú giải những chữ hay lối nói của người Việt miền Nam trong thời đại chữ Quốc Ngữ còn sơ khai. Có những tiếng, những chữ nay đã mất hay bị biến dạng vì ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Do đó chúng tôi in lại ‘Chuyện Đời Xưa’ của Trương Vĩnh Ký với phần chú giải cặn kẽ để người đọc thời nay hiểu được những gì Trương Vĩnh Ký đã ‘vẽ’ lại tâm tình của người thời ấy.”
Đề cập đến ý nghĩa của cuốn “Chuyện Đời Xưa,” tác giả cho biết Trương Vĩnh Ký muốn đưa ra chuyện này kia để giúp sửa đổi cách sống cho người đọc (đến nay vẫn còn có ý nghĩa giáo dục ấy), thấy chuyện hay thì bắt chước, chuyện dở thì loại bỏ. Mục đích thứ hai của ông là giúp cho một số người học tiếng “Annam.” Cũng vì mục đích này mà Trương Vĩnh Ký không có lối viết văn chương mà viết theo cách nói của người dân mà nay ta có thể gọi là tiếng “Annam ròng.”
Về điểm này, chúng ta đã biết ngôn ngữ văn chương của bất cứ một dân tộc nào cũng có thứ chữ, lối nói gọi là “cổ ngữ” hay “tử ngữ.” Đây là kho tàng cho những nhà ngôn ngữ học hay những nhà khảo cổ học trong việc tìm hiểu phục vụ cho khoa học và đời sống đương đại.
Cuốn “Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký, Những Điều Thú Vị” do Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm soạn thảo và phát hành dày chỉ gần 200 trang, do Amazon ấn hành, nhưng là một cuốn sưu khảo công phu giải thích những chữ cổ, lối nói cổ nay đã phai lạt, giúp cho người đọc không chỉ hiểu ý nghĩa câu chuyện mà còn được biết thêm về lời ăn tiếng nói, cách sống chân thực của người miền Nam.
Đề cập đến chữ Quốc Ngữ thời kỳ phôi thai ở miền Bắc, giáo sư cho rằng những người khai phá chữ Quốc Ngữ cho văn học Việt Nam như Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Duy Tốn và sau đó là Nam Phong Tạp Chí… là những người đi sau Trương Vĩnh Ký cả mấy thập niên, thì chủ trương làm văn, viết văn đã ảnh hưởng phương Tây để chuyển kho tàng văn học chữ Nôm sang chữ Quốc Ngữ.
Trở lại cuốn sách sắp ra mắt trong dịp hội thảo về Trương Vĩnh Ký này, tác giả cho biết “Chuyện Đời Xưa” của Trương Vĩnh Ký có tất cả 74 truyện dựa theo bản in năm 1927 với tên gọi đầy đủ là “Chuyện Đời Xưa Lựa Nhón Lấy Những Chuyện Hay và Có Ích” là một cuốn sách giáo dục về luân lý, dùng tiếng “Annam ròng.” Đa số chuyện là kể về con người từ cách ăn ở, ngôn ngữ cho tới một số chuyện có liên quan đến thú vật thường là về con hổ, có lẽ vào lúc ấy, miền quê còn hoang vắng, hổ thường có mặt nên liên quan nhiều đến đời sống của con người.
Đọc cuốn sách này của nhà giáo Nguyễn Văn Sâm, người đọc không chỉ thấy thú vị về 74 truyện của Trương Vĩnh Ký, mà còn được mở mang kiến thức về ngôn ngữ của người Việt miền Nam trước khi thực dân Pháp bắt đầu mở cuộc gọi là “khai hóa” cho dân tộc Việt Nam.
Kim Liên sưu tầm