Ca
khúc "Ly Rượu Mừng" là một bài hát thịnh hành trong dịp
Tết. Bài hát mời mọi người cùng uống rượu mừng Xuân và nói những
lời chúc Tết đến toàn dân và đất nước. Tuy bài hát không mô tả
những cảnh tượng và sinh hoạt Tết như pháo nổ, hoa tươi sặc sỡ, bánh
kẹo, bài hát tiêu biểu cho Tết Việt Nam vì chúc Tết là một tục lệ
quan trọng trong Tết Việt Nam. Cộng với điệu nhạc vui tươi, giai điệu
tiết tấu sống động, và lối diễn tả bình dị với vài điểm đặc sắc,
"Ly Rượu Mừng" là một bài hát bất hủ trong dịp Xuân về.
Nhạc
sĩ Phạm Đình Chương viết ca khúc "Ly Rượu Mừng" là một bài
hát Xuân gồm có những lời chúc Tết đến mọi người và đất nước. Bài
hát rất thịnh hành trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Hầu như năm
nào các đài phát thanh, truyền hình đều trình bày "Ly Rượu
Mừng" trong suốt mấy ngày Tết. Trong các bữa tiệc, người ta
thường hát bài này khi cụng ly chúc mừng Tết. Bài hát vẫn còn
thịnh hành hiện nay ở hải ngoại trong cộng đồng người Việt hải
ngoại. Tuy nhiên, ca khúc "Ly Rượu Mừng" không còn được ưa
chuộng bởi giới trẻ tại Việt Nam hiện nay (Xem, thí dụ như, Anh 2015;
Chị 2015).
Có
vài chữ trong bản gốc in năm 1966 có lẽ viết sai. Thí dụ
"tuông rơ" thay vì "tuôn rơi"; "Muông người" thay vì "Muôn
người"; "đang phơi phới" thay vì"dâng phơi phới."
Trong
bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức
của "Ly Rượu Mừng." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm
nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía
cạnh văn chương của lời nhạc, nhưng sẽ có phần nói về các
khía cạnh âm nhạc của bài hát. Tôi dùng "khán giả" để chỉ
người nghe, người đọc, và người xem.
Thời điểm bài hát được viết không được rõ. Trong tài liệu từ
Wikipedia, năm viết được ghi là 1952 (Wikipedia 2015). Tuy nhiên, tờ in
nhạc bản gốc ghi có giấy phép in ngày 28-12-1966 (Dòng 2014). (Nhạc
sĩ miền Nam
thường in lại những tác phẩm viết trước đó.) Bài hát có nhắc đến
chiến tranh, hoà bình, và lời chúc các binh sĩ. Nhưng Việt Nam hầu
như lúc nào cũng có chiến tranh trong các thập niên 1950 và 1960. Do
đó chi tiết này không cho biết rõ thời gian bài hát được viết.
Tiểu
sử vắn tắt của tác giả (Wikipedia 2015).
Phạm
Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở
Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống âm
nhạc. Cha ông là Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được hai
người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với
nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca
sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng
có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc
sĩ Phạm Duy. Người con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út
là Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Phạm
Đình Chương học nhạc từ năm 13 tuổi, bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 17
tuổi. Năm 1951, ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với tên Hoài Bắc, ông cùng các
anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ra ban hợp ca Thăng Long danh
tiếng. Năm 1967, ông thành lập phòng trà "Đêm Mầu Hồng" tại
Sài Gòn rất nổi tiếng (Robertino147 2006). Ông viết khoảng sáu mươi ca
khúc, gồm nhiều thể loại như dân ca, tình ca, nhạc phổ thơ. Những ca
khúc nổi tiếng của ông gổm có: Tiếng Dân Chài, Anh Đi Chiến Dịch, Ly
Rượu Mừng, Người Đi Qua Đời Tôi, Nửa Hồn Thương Đau (thơ Thanh Tâm Tuyền),
Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng Dưới Hoa (thơ Đinh Hùng).
Năm
1979, ông vượt biên và đến định cư tại California, Hoa Kỳ (Robertino147 2006). Ông
mất vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại California.
A. "Ly
Rượu Mừng" tiêu biểu cho nhạc Xuân vì bài hát chú trọng vào lời
chúc Tết và có điệu nhạc vui tươi sống động
"Ly
Rượu Mừng" có nội dung đơn giản, là ca khúc mừng xuân với những
lời chúc Tết tới mọi người được hạnh phúc ấm no trong cảnh đất
nước thanh bình tự do. Bài hát không có những mô tả hình ảnh hoặc
sinh hoạt trong những ngày quanh dịp Tết (thí dụ, pháo nổ, màu hoa
sặc sỡ, kẹo bánh) nhưng rất tiêu biểu cho ngày Tết Việt Nam. Đó là
vì bài hát chú trọng vào điểm quan trọng nhất trong dịp Tết: chúc
Tết. Ngoài ra, bài hát được viết với điệu nhạc Valse, đem lại nét
vui tươi sống động trong mùa Xuân. Giai điệu vả tiết tấu có nhiều
khía cạnh linh hoạt theo nội dung, rất thích hợp cho hợp ca hoặc phối
hợp giữa hợp ca và đơn ca.
1. "Ly
Rượu Mừng" gồm những lời chúc Tết cho mọi người có cuộc sống
ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh bình tự do:
Bài
hát mở đầu với lời mời nâng chén rượu để chúc mọi người ở khắp
nơi ("Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi"), từ anh nông phu được
mùa lúa thơm, người buôn bán có lợi tức, cho tới công nhân lao động
thoát được cảnh nghèo khó ("Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người
thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó.")
Với các chữ "nông (phu)," "thương (gia)," và "công
(nhân)," ta không thể không liên tưởng đến "sĩ nông công
thương," được coi là bốn giai cấp xã hội Việt Nam thời xưa. Không
rõ tại sao Phạm Đình Chương bỏ "sĩ" (người học hành). Trong
đoạn sau, ông có nhắc đến "sĩ," nhưng đó là "nghệ
sĩ" là những người sinh sống qua nghệ thuật, chứ không phải là
những người sinh sống qua học hành hoặc hành nghề chuyên môn như bác
sĩ, kỹ sư, luật sư. Có thể lúc bấy giờ, số người "sĩ" không
nhiều trong xã hội bằng ba giới "nông, công, thương."
Với
"nâng chén," tác giả mở đầu bằng hành động giơ cao ly rượu
khi chúc mừng. Tác gỉả dùng "chén" và "ly" như nhau
trong toàn bài hát. Ta nên nói thêm về "chén" và
"ly" trong tiếng Việt.
Chữ
"chén" có nhiều nghĩa trong tiếng Việt. Nghĩa thông thường
của "chén" là vật dùng để uống nước, rượu, trà, thường
bằng sành hay sứ. Một chữ có nghĩa tương tự là "tách" (do
tiếng Pháp "tasse") nhưng "tách" thường có tay cầm
trong khi "chén" thường không có tay cầm. Nghĩa thứ hai là
vật dùng để ăn, như chén cơm, chén cháo. Trong nghĩa này, người miền
Nam dùng "chén" thay cho "bát" hoặc "tô" mà
người miển Bắc thường dùng. "Chén" còn có thể dùng với
nghĩa bóng, hàm ý chứa đựng ý tưởng, tâm tình (như "chén tình"
trong bài hát).
"Ly"
khác "chén" ở hai điểm: "ly" thường làm bằng thủy
tinh và sâu hơn "chén." Để uống rượu, người Tây phương thường
dùng "ly" và rất ít khi dùng "chén." Ngược lại,
người Việt dùng "ly" và "chén" tùy vào loại rượu.
Nguyễn Dư (2014) viết một bài lý thú về nguồn gốc các dụng cụ uống
rượu (chén, bát, ly, cốc).
Ta
cũng nên để ý là khi uống rượu chúc mừng, người ta thường nói
"nâng chén" hoặc "cụng ly" chứ ít ai nói "cụng
chén." Có thể vì thói quen "cụng ly" là tạo âm thanh cho
thêm phần vui nhộn, và thường thì thủy tinh pha lê của ly mới tạo ra
được âm thanh trong vắt, chứ không có mờ đục buồn tẻ như sành sứ của
chén. Thực ra có nhiều nguồn gốc giải thích cho thói quen "cụng
ly." Một giải thích theo thói quen Hy Lạp là khi cụng ly, ta có
thể làm văng thuốc độc bỏ vào ly rượu của mình vào ly rượu của kẻ
đang muốn hại mình (Xem, thí dụ như, Etiquette International; Upton 2010).
Một lý thuyết khác là khi cụng ly, ta đuổi ma quỷ ra khỏi rượu và do
đó uống rượu an toàn hơn (Etiquette International; Upton 2010). Một giải
thích nữa là một ly rượu ngon khơi mạnh các giác quan về nhìn, đụng
chạm, vị, và mùi. Do đó, khi cụng ly, ta tạo thêm cảm nhận âm thanh,
cho đầy đủ ngũ quan (Etiquette International). Với hai lý thuyết đầu,
"cụng ly" hay "cụng chén" đều có ý nghĩa. Nhưng với
lý thuyết thứ ba, "cụng ly" có lẽ đúng hơn "cụng
chén" vì như trình bày trên, âm thanh tạo bởi hai ly thủy tinh va
chạm nhau nghe thánh thót và vang vang hơn chén sành.
Ngoài
ra, tiếng Việt ta dùng "nâng chén" và "nhấc ly" chứ
không dùng "nâng ly" hoặc "nhấc chén." Đó là vì
"nâng" là hành động trịnh trọng, hàm ý dùng sức (thực sự
hay bề ngoài). Trong lúc uống rượu bằng chén thời xưa, người ta
thường dùng hai tay để "nâng" chén rượu mời với ngụ ý trịnh
trọng hoặc bày tỏ sự kính trọng. "Nâng" trong "nâng khăn
sửa túi" hoặc tiếng lóng "nâng bi" có ý nghĩa kính cẩn
trịnh trọng tương tự. Ngoài ra, vì chén thường không có tay cầm, dùng
hai tay để "nâng" chén giữ cho chén thăng bằng, không đổ hoặc
rớt. Ngược lại, "ly" thường có hình thể thon dài, có bầu
sâu chứa rượu và chân ly dài, và nhẹ, nên cầm ly dễ dàng và không
dùng sức nhiều. Do đó, khi đưa ly rượu lên cao, người ta thường dùng
một tay để "nhấc" thay vì "nâng." Một điểm nữa, có
lẽ hơi lạc đề, là cách "nhấc" ly hoặc cầm ly rượu. Cách
đúng nhất là cầm chân hoặc thân (stem) ly, và không bao giờ cầm bầu
(bowl) ly (Xem, thí dụ như, Real Simple). Lý do là khi cầm chân hoặc thân
ly rượu, tay người cầm ly sẽ không che rượu trong ly (để màu và mức
trong của rượu được nhìn thấy), và thân nhiệt ở tay sẽ không làm thay
đổi nhiệt độ rượu. Vì cầm ly rượu ở chân hoặc thân ly và bằng một
tay, hành động đưa ly lên thường không cần phải có sự trịnh trọng
hoặc nặng nề. Do đó, "nhấc ly" nghe hợp lý hơn "nâng
ly." Tuy nhiên, "nâng ly" hoặc "nâng cốc" vẫn được
dùng để ngụ ý trịnh trọng, lễ phép, trong lúc chúc tụng.
Trở
về với "Ly Rượu Mừng," mọi người cùng nhấp chén rượu đầy
vơi, chúc vui mọi người ("Á A A A Nhấp chén đầy vơi, chúc người người
vui.") Trong dịp Xuân về, ai cũng nao nao với những mối duyên nợ
cuộc đời ("Á A A A Muôn lòng xao xuyến duyên đời.") Với quãng
"Á A A A," bài hát khuyến khích mọi người cùng ca. Có lẽ
đó là lý do "Ly Rượu Mừng" thích hợp cho hợp ca và trong
cuộc họp mặt đông người khi mọi người cùng nâng ly rượu chúc lẫn
nhau.
Ly
rượu được rót tràn đầy để chúc người binh sĩ lên đường ra nơi trận
mạc xa xôi được thành công, làm tươi sáng cuộc đời dân lành ("Rót
thêm tràn đầy chén quan san/ Chúc người binh sĩ lên đàng/ Chiến đấu công thành,
sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân mình.") Ta hiểu
"quan san" là quan ải và núi non, thường để chỉ những nơi xa
xôi, hoặc ở biên giới, đồn trú cho binh lính. Lời chúc cũng được gửi
tới những bà mẹ già nơi xa xôi, nhớ thương con cháu mong mỏi được gặp
lại người con đi xa, sẽ có dịp gặp lại con trở về hội ngộ chan hòa
niềm yêu thương ("Kìa nơi xa xa có bà mẹ già / Từ lâu mong con mắt vương
lệ nhòa/ Chúc bà một sớm quê hương/ Bước con về hòa nỗi yêu thương.") Mọi
người cùng hát bài hát vui vẻ làm tươi thắm đời người chiến sĩ, và
để cho người mẹ già không còn lo âu buồn bã vì con nữa ("Á A A A
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính/ Á A A A Chúc mẹ hiền dứt u tình.")
Ly
rượu mừng cũng gởi đến những cặp tình nhân hoặc vợ chồng đang xây
tổ ấm cùng nhau ("Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương/ Xây tổ ấm trên cành
yêu đương.") Điều đó không có nghĩa là chúc mừng những cặp vợ
chồng mới cưới. Ta biế̉t ít ai làm đám cưới trong mùa Xuân vào dịp
Tết. "Đôi uyên ương" chỉ có nghĩa cặp tình nhân, hoặc cặp vợ
chồng trẻ đang tạo dựng gia đình nhỏ. Với người nghệ sĩ, chúc mừng
họ đem lời ca, tiếng nhạc, câu thơ văn, và nét họa tô điểm cuộc đời
thêm mới mẻ tốt đẹp ("Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ/ Tiếng thi ca nét
chấm phá tô nên đời mới.") Như trình bày ở trên, "nghệ sĩ"
đây không phải là giai cấp "sĩ" trong "sĩ nông công
thương" mà là những người theo ngành nghệ thuật như nhạc sĩ, ca
sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, ̣điêu khắc gia, v.v.
Nhưng
lời chúc thiêng liêng nhất là lời chúc cho đất nước hòa bình, không
còn chiến tranh, thịt rơi máu đổ. Đó là ngày quê hương được yên vui
và những người lính trở về với chén rượu ấm chứa chan đầy tình
thương yêu ("Bạn hỡi, vang lên/ Lời ước thiêng liêng/ Chúc non sông hòa
bình, hòa bình/ Ngày máu xương thôi tuôn rơi/ Ngày ấy quê hương yên vui/ đợi
anh về trong chén tình đầy vơi.") Có thể đây là lý do ca khúc
"Ly Rượu Mừng" không còn được thịnh hành tại Việt Nam hiện
nay nữa, vì lời chúc hòa bình có vẻ mất ý nghĩa. Tuy nhiên, với
tình trạng thế giới hiện nay và thái độ ngang ngược của Tàu cộng,
chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, chiến tranh
không nhất thiết là về quân sự, mà còn có ý nghĩa chính trị, văn
hóa, xã hội, v.v. Với những ý nghĩa đó, Việt Nam hiện nay vẫn còn
chiến tranh trên toàn đất nước dưới sự thống trị tàn bạo của cộng
sản.
Mọi
người hãy cùng nhấc cao ly rượu, chúc cho tương lai sáng sủa tràn đầy
tự do, đất nước thanh bình, và mọi người được hạnh phúc tràn trề
("Nhấc cao ly này/ Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do/ Nước non thanh bình/
Muôn người hạnh phúc chan hòa.") Trước hết, ta để ý tác giả
dùng "nâng chén" và "nhấc cao ly rượu" (thay vì
"nâng ly" hoặc "nhấc chén") như đã đề cập ở trên.
Thứ nhì, trong phiên khúc này, tác giả chúc đất nước tự do và thanh
bình. Ta phải hiểu Phạm Đình Chương ngụ ý cầu mong nước non thanh
bình và sáng trời tự do cho toàn thể đất nước Việt Nam từ Nam ra
Bắc. Lúc bấy giờ, miển Nam đã được hưởng nền dân chủ tự do, nhưng
miền Bắc bị dưới ách thống trị tàn bạo của cộng sản. Phạm Đình
Chương lúc nào cũng tưởng nhớ đến miền Bắc. Tên hát của ông là Hoài
Bắc, nói lên tâm tư này. Thứ ba, đây là lời chúc khác với lời chúc
trong phiên khúc trước. Trong phiên khúc trước, lời chúc "non sông
hòa bình" khác với "nước non thanh bình." "Hòa
bình" ngụ ý không còn chiến tranh, chém giết lẫn nhau. "Thanh
bình" ngụ ý yên tĩnh, không bị khuấy động. Một đất nước hòa
bình không có nghĩa là thanh bình nếu nước đó vẫn còn những bất
công, đàn áp bởi kẻ cầm quyền. Thí dụ điển hình là Việt Nam. Tuy
không còn chiến tranh, Việt Nam hiện nay còn bị khuấy động nhiều hơn
cả lúc đang chiến tranh, vì những bất công, tham nhũng, đàn áp, và
tàn bạo do nhà nước cộng sản xảy ra toàn diện trên khắp vùng đất
nước. Đó là không kể hiểm họa mất nước có thể xảy ra nay mai.
Tổng
kết, mọi người mơ ước hạnh phúc ở khắp mọi nơi và hương thơm thanh
bình đang dâng cao ("Ước mơ hạnh phúc nơi nơi/ Hương thanh bình dâng
phơi phới.") "Phơi phới" hàm ý một khí thế đang lên. Lời
chúc "thanh bình" gồm cả "hòa bình" lẫn yên tĩnh,
và do đó có ý nghĩa mạnh mẽ hơn "hòa bình."
"Ly
Rượu Mừng" là một ca khúc đơn giản, gồm những lời chúc Tết cho
mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh
bình tự do. Bài hát có nhiều khía cạnh khác biệt với những bài
hát khác về Xuân.
2. Tuy
không mô tả cảnh tượng hoặc không khí Xuân, "Ly Rượu Mừng"
tiêu biểu cho ngày Tết vì chúc Tết là tục lệ quan trọng nhất trong
Tết Việt Nam:
Ca
khúc "Ly Rượu Mừng" thuần túy là những lời chúc Xuân cho
mọi người và đất nước. Bài hát hoàn toàn không có mô tả cảnh tượng
đón Xuân, hoặc các trang lễ, chuẩn bị, và không khí của những ngày
Tết theo truyền thống Việt Nam. Phạm Đình Chương cố tình gạt bỏ
những hình ảnh về Xuân, mà chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất
là chúc Tết. Cả toàn bài hát không hề có các cảnh tượng thiên nhiên
mùa Xuân như màu sắc hoa (mai, đào), mùi hương thơm hoa, nắng vàng,
gíó ngàn, tiếng chim hót; hình ảnh đón Tết và trang hoàng trong nhà
như bếp hồng, bánh dầy, bánh chưng, kẹo mức, hạt dưa, trái cây, cây
nêu; cảnh tượng đường phố như trẻ em khoe quần áo mới, người đi nườm
nượp, phố phường đông đúc; các hình ảnh và âm thanh Tết như pháo nổ
đì đùng, trống đập múa Lân, phong bì đỏ lì xì, tiếng nhạc ca hát
mừng Xuân, v.v.
Những
bài hát khác về Xuân luôn luôn có, không nhiều thì it, những hình ảnh
hoặc gợi ý cho cảnh Xuân và không khí đón Tết. Thí dụ như: "Rừng
hoa mai đua nở" ("Tâm Sự Nàng Xuân" của Hoài Linh); "Ngắm
vườn bên thấy mai đào nở," ("Nghĩ Chuyện Ngày Xuân" của Song
Ngọc); "Hoa lá nở thắm," "hoa đào hồng thắm," ("Cánh
Thiệp Đầu Xuân" của Minh Kỳ & Lê Dinh); "Hoa đào hoa mai,"
"trẻ thơ khoe áo xinh xinh," "mứt vàng hạt dưa," "bánh
dầy bánh chưng," "phong bì thắm tươi" ("Ngày Tết Việt
Nam" của Hoài An); "chim hót mừng," "Lập lòe tà áo xanh
xanh," "đàn chim non xinh xinh tung bay," "tiếng pháo đì
đùng," "Ngàn hoa hé môi cười vui" ("Xuân Đã Về" của
Mink Kỳ); "cánh hồng tươi thắm," "Muôn sắc khoe tươi,"
"Nồng ngát hương thơm" ("Gió Mùa Xuân Tới" của Hoàng
Trọng); "nụ hoa vàng mới nở," "lộc non vừa trẩy lá,"
"bầy chim lùa vạt nắng," "rung nắng vàng ban mai,"
("Anh Cho Em Mùa Xuân" của Nguyễn Hiền, thơ Kim Tuấn); "mai đào
nở vàng bên nương," "pháo giao thừa rộn ràng," "trông bánh
chưng ngồi chờ sáng," "cho tà áo mới ba ngày xuân đi khoe phố
phường" ("Xuân Này Con Không Về" của Trịnh Lâm Ngân); "nắng
vàng," "nâng phím đàn cùng hát ca," ("Xuân Họp Mặt"
của Văn Phụng).
Thực
ra, cả toàn bài "Ly Rượu Mừng," chỉ có một chữ
"Xuân" duy nhất trong câu đầu. Nếu bỏ chữ "Xuân" này
và thay bằng một chữ khác như "vui," cả toàn bài chỉ hoàn
toàn nói về chúc tụng mọi người và đất nước, và không có một chút
xíu gì về Xuân hoặc Tết cả. Nhưng có thật là vậy không?
Tại
sao "Ly Rượu Mừng" luôn luôn được coi là bài hát tượng trưng
cho dịp Xuân về, Tết đến?
Câu
trả lời thật đơn giản nhưng cũng có thể gây ngạc nhiên: Chính lời
chúc tụng là đặc tính độc đáo của Tết Việt Nam.
Tết
Việt Nam có thể không có cảnh tượng thiên nhiên như chim hót, nắng
vàng, gió mát, hoặc những hoạt động nhân tạo như pháo nổ, múa rồng,
múa lân, hoa mai, hoa đào, bánh chưng, kẹo mứt, quần áo mới, tiếng
hát Xuân, phong bì đỏ lì xì.
Nhưng
Tết Việt Nam không thể nào không có lời chúc Tết.
Chúc
tụng hoặc chúc mừng nhau gần như là căn bản sinh hoạt ở xã hội Việt
Nam. Người Việt hình như bị ám ảnh với chúc tụng. Người ta chúc nhau
trong bất kỳ dịp nào: sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, sinh đẻ, thi cử
(trước và sau khi thi), thăng quan tiến chức, mua sắm đồ dùng, mua nhà,
mua xe, cưới hỏi, du lịch, nghỉ hè, đau ốm, ra vào bệnh viện, ra mắt
tác phẩm, mở cửa hàng, nhận chức vụ mới, thuyên chuyển, trình diễn,
trúng thầu, ký khế ước. Trong một buổi họp mặt, cho dù bất cứ có
dịp gì, luôn luôn có người đứng lên ngỏ lời chúc mọi người.
Trong một bữa tiệc, sẽ có người nói, "Chúc quý vị một bữa
tiệc vui vẻ." Trên đài phát thanh hoặc truyền hình hàng ngày,
các xướng ngôn viên luôn luôn có lời chúc khán thính giả, lúc thì
một ngày vui vẻ, một ngày nghỉ an toàn, hoặc một buổi tối ấm cúng
với gia đình. Trong một lá thư hay một e-mail, người viết thường mở
đầu hoặc kết luận bằng một lời chúc. Ngay cả trong lúc gặp nhau
hàng ngày cũng có lời chúc vui vẻ hoặc mạnh khỏe. Những lời chúc
nhiều khi biến thành những lời chào hỏi hàng ngày, thí dụ như
"Chúc bạn một ngày vui," tương tự như những câu nói sáo rỗng
"Have a nice day!" ở Hoa Kỳ.
Chúc
tụng hoặc chúc mừng nhau không phải chỉ xảy ra thông thường ở Việt
Nam. Dân chúng tại nhiều quốc gia khác cũng có thói quen tương tự.
Nhưng tại các quốc gia này, chúc tụng thường xảy ra tại các buổi
họp mặt, tiệc tùng, ăn mừng một dịp nào đó, và thường không xảy ra
giữa cá nhân hoặc qua thư từ, và không có sắc thái hầu như là ám
ảnh của người Việt. Tại các quốc gia khác, trong bữa tiệc họp mặt,
ngoại trừ các xã hội cấm uống rượu (thí dụ, đạo Hồi), thường có
những lời chúc tụng giữa khách và chủ qua cách giơ cao ly rượu và
cùng uống (toasting). Đa số những lời chúc tụng là cho sức khoẻ
(Etiquette Scholar).
Người
Việt có lẽ tin tưởng vào các lời chúc tụng sẽ quả thật đem lại may
mắn, sức khỏe, tiền bạc, thành công, tình yêu. Trong các dịp lễ long
trọng như ngày Tết, lời chúc còn có ý nghĩa "thiêng liêng"
hơn các dịp khác vì có sự tin tưởng vào thần thánh, tổ tiên ông bà
hoặc những người đã khuất trong gia đình, hội họp trong dịp Tết và
sẽ giúp những lời cầu chúc thành sự thật. Phong tục cổ truyền Việt
Nam trong dịp Tết có nhiều tục lệ như cúng kiến, xông đất, xuất
hành, chúc Tết, hái lộc, biếu quà, kiêng cữ, v.v. nhưng có lẽ chúc
Tết là tục lệ quan trọng nhất. Trong những ngày đầu năm, câu đầu tiên
người ta nói với nhau khi gặp nhau là lởi chúc Tết. Ngay cả ngày nào
đi chúc Tết ai cũng được quy định rõ rệt: "Mồng một chúc Tết mẹ
cha/ Mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy."
Do
đó, tuy không có những mô tả thiên nhiên, cảnh tượng, nhà cửa, đường
phố, thiên hạ, và các hoạt động Tết, ca khúc "Ly Rượu Mừng"
biểu hiện một đặc tính quan trọng nhất trong Tết Việt Nam. Đó là
những lời chúc Tết trong các ngày đầu năm. Tết Việt Nam sẽ mất ý
nghĩa nếu không có những lời chúc Tết và do đó "Ly Rượu
Mừng" luôn luôn là một ca khúc được hát trong dịp Tết hàng năm.
3. Giai
điệu, tiết tấu, và điệu nhạc valse thích hợp cho lời chúc mừng Xuân
với nét vui tươi và sống động:
Bài
hát được viết với nhịp 3/4, dưới điệu nhạc Valse có tốc độ/ hành
độ (tempo) nhanh và do đó đem lại nét sống động và vui tươi, thích
hợp cho dịp vui ăn mừng ngày Tết. Nhạc sĩ thường chọn lựa điệu nhạc
(tiết điệu) khi soạn nhạc. Tiết điệu là chu kỳ của các phách mạnh
và yếu theo một nhịp điệu nào đó. Tiết điệu cho thấy sự liên kết
nhịp nhàng trong chuyển động. Thí dụ: valse, rhumba, fox, slow, tango
(Phạm Đức Huyến, 37). Ta nên biết có hai điệu nhạc Valse, hoặc Waltz
theo tiếng Mỹ: Waltz chậm (slow Waltz) và Viennese Waltz. Cả hai đều có
cùng nhịp điệu căn bản nhưng Viennese Waltz có tốc độ nhanh hơn Waltz
chậm, có thể nhanh gấp ba bốn lần. Waltz chậm còn được gọi là
Boston, do tên thành phố Boston tại Hoa Kỳ khi điệu Waltz được phát
triển và du nhập qua Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 (Xem, thí dụ như, OSLH).
Nhạc Việt thường dùng Boston
cho Waltz chậm và Valse cho Viennese Waltz. Trong bài "Ly Rượu
Mừng," nhạc sĩ Phạm Đình Chương ghi rõ điệu Valse trên tờ nhạc,
và bài hát nên được trình bày với tiết điệu nhanh và sống động của
điệu Viennese Waltz.
Giai
điệu và tiết tấu của bài hát thích hợp cho hợp ca, như trong buổi
họp mặt. Bài hát có những khúc trầm bổng, ngắn gọn và kéo dài
tùy vào nội dung của câu hát, tạo nên nét linh hoạt và sống động.
Thí dụ câu "Bạn hỡi/vang lên/ Lời chúc/ thiêng liêng" có bốn
ngắt quãng với dấu nghỉ, và ở nốt cao, diễn tả lời kêu gọi mọi
người cùng vang lên lời chúc. Lời kêu gọi đó được nhấn mạnh qua bốn
ngắt quãng và nốt cao tạo nên khí thế thúc giục mạnh mẽ. Tương phản
với câu kêu gọi thúc giục đó, câu "Kìa nơi xa xa có bà mẹ già"
có cùng trường độ, nhưng không có dấu nghỉ và lời ca được kéo dài
liên tục; do đó tạo ra âm hưởng êm ái nhẹ nhàng, thích hợp cho hình
ảnh bà mẹ già mong chờ con.
Bài
hát gồm có những lời chúc mọi người và toàn dân đất nước. Do đó,
âm hưởng bài hát sẽ có khí thế mạnh mẽ và ý nghĩa khi bài hát
trình bày qua hợp ca. Tuy bài hát có thể do một ca sĩ hát, âm điệu
sẽ được hay hơn nếu có nhiều ca sĩ cùng hát một lúc. Những quãng Á
A A A trong bài hát là dành cho khúc hợp ca, có nhiều người đồng
xướng. Bài hát cũng sẽ được trình bày linh động nếu có những khúc
hát hợp ca xen kẽ những khúc hát đơn ca, hoặc hợp ca giọng nam xen kẽ
hợp ca giọng nữ. Ban Hợp ca Thăng Long phối hợp kỹ thuật hợp ca và
đơn ca, và hợp ca giọng nam cùng giọng nữ rất tinh vi, đem nét linh
động, vui tươi, và nhiều sắc thái cho bài hát (Xem, thí dụ như,
Doppelpass01 2010).
B. Bài
hát có lối diễn tả đơn giản thích hợp cho các lời chúc Tết chính
xác và có vài nét đặc sắc đem lại nét linh hoạt sống động:
Trong
"Ly Rượu Mừng," Phạm Đình Chương không có lối dùng chữ hoặc
kỹ thuật trình bày gì đặc biệt. Bài hát có ít mỹ từ. Các từ ngữ
đơn giản, dễ hiểu, không cầu kỳ bóng bẩy. Đó chính là điểm hay của
bài hát. Bài hát gồm những lời chúc Tết cho mọi người; do đó, ngôn
từ cần phải đơn giản thích hợp với bản chất bình dị và chất phác
của đa số dân Việt thời bấy giờ. Không ai muốn nói những lời chúc
khó hiểu hoặc bóng bẩy làm mất đi ý nghĩa chân thành của lời chúc
đầu năm. Ngoài ra, vì bài hát là những lời chúc Tết và không phải
là một câu chuyện hoặc tâm trạng của một người nên không có nhiều
những khía cạnh kỹ thuật viết như lối trình bày, "cho thấy,
đừng kể," chú trọng vào chi tiết rõ rệt, v.v...
Tác
giả dùng những lời chúc chính xác, ̣đánh đúng vào nguyện vọng của
mọi người. Với người nông phu, còn gì sung sướng hơn là ruộng lúa
được mùa; thương gia buôn bán có lời nhiều; người lao động không còn
nghèo khó; người chiến sĩ thành công nhiệm vụ, giúp dân lành; bà mẹ
già gặp lại con trở về, hết cơn u buồn; cặp tình nhân xây tổ
ấm; người nghệ sĩ tô điểm đời thêm tươi đẹp; non sông hòa bình và
đất nước hưởng thanh bình tự do. Ta không thấy những lời chúc mơ hồ,
sáo rỗng, máy móc, như "sức khỏe sung túc," "sống lâu
trăm tuổi," "tài lộc dồi dào," "con hiền dâu
thảo," "thăng quan tiến chức," v.v...
Tuy
bài hát có lối diễn tả bình dị và đơn giản, cũng có vài điểm đặc
sắc đáng ghi. Trước hết, Phạm Đình Chương trình bày cuộc uống rượu
mừng là một chuỗi tác động rót rượu, nâng chén hoặc nhấc cao ly,
nhấp nháp rượu, uống cạn ly, và rót thêm rượu ("nâng chén ta chúc
nơi nơi / Nhấp chén đầy vơi/ Rót thêm tràn đầy chén/ Nào cạn ly/ chén tình
đầy vơi/ Nhấc cao ly này"). Mỗi tác động kèm theo lời chúc mọi
người. Cách mô tả đó tạo ra cảnh tượng linh hoạt sống động của một
bữa tiệc khi mọi người cùng giơ cao ly rượu và chúc lẫn nhau. Thứ
nhì, bài hát có vài chỗ dùng "cho thấy, đừng kể," chi tiết
rõ rệt, và ẩn dụ nhẹ nhàng. Thí dụ như "mắt vương lệ nhòa,"
"máu xương thôi tuôn rơi," "chén tình," "thoát ly đời
gian lao." Cộng với điệu nhạc vui tươi và giai điệu tiết tấu sống
động, các diễn tả này đem lại những nét chấm phá rải rác trên khắp
bài hát, giúp khán giả có tâm trạng lâng lâng sảng khoái.
C. Kết
Luận:
Ca
khúc "Ly Rượu Mừng" là một bài hát bất hủ cho Tết. Bài
hát không có những mô tả thông thường về Tết như pháo nổ, hoa mai hoa
đào nở, bánh kẹo trái cây, nhưng đánh đúng vào sắc thái quan trọng
trong dịp Tết là chúc Tết. Ngoài ra, với điệu nhạc Valse vui tươi,
giai điệu trầm bổng, tiết tấu sống động, và lời ca đơn giản, bài
hát thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.
Với
người Việt, Tết là mùa vui vẻ. Những ngày đầu năm là những ngày ai
cũng vui cười, trao quà, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Ngày Tết
thực ra có thể tạo căng thẳng cho một số gia đình phải lo tốn kém
chuẩn bị, mua sắm và sửa soạn nhà cửa. Với nhiều gia đình nghèo,
ngày Tết cũng như mọi ngày trong cuộc đời. Ngoài ra, có nhiều gia
đình thiếu thốn người thương yêu vì họ bị giam cầm cho những tội bịa
đặt của nhà nước cộng sản. Do đó, trong khi ta hưởng thụ những ngày
Tết hạnh phúc với gia đình, ta cũng nên có chút suy nghĩ đến những
người đang chịu khổ cực đọa đầy, nhất là những người đang trong ngục
tù cộng sản vì đấu tranh cho dân chủ tự do.
Đáng
kể nhất, ngày Tết còn là những ngày nhắc nhở đến nỗi đau thương cho
những gia đình mất người thương yêu trong Tết Mậu Thân năm 1968 khi quân
cộng sản, nuốt lời đình chiến đã tuyên bố qua đài phát thanh, tổng
tấn công những thành phố đô thị miền Nam. Cuộc thảm sát tại Huế là
bằng chứng cho bản chất dã man vô nhân đạo của cộng sản. Bản chất
đó vẫn không hề thay đổi từ lúc cộng sản được thành lập cho đến
nay, trong suốt 85 năm trời.
Tuy
chiến tranh không còn trên Việt Nam, đất nước vẫn chưa được hưởng thanh
bình và tự do dưới ách cộng sản. Do đó, "Ly Rượu Mừng" vẫn
là bài hát có ý nghĩa trong mùa Xuân với lời cầu chúc đất nước
"ngày mai sáng trời Tự Do" và "nước non thanh bình."