1. Hãy thương xót, đừng đóng cửa con tim lại
Giáo
Hội “là nhà của Chúa Giêsu”, một ngôi nhà của lòng thương xót chào đón
tất cả, và do đó không phải là một nơi mà các Kitô hữu có thể đóng cửa
lại trước những ai muốn vào . Đây là thông điệp trọng tâm trong bài
giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ sáng thứ Ba 17 tháng Ba
tại nhà nguyện Santa Marta.
Một thông điệp mà Đức Giáo Hoàng
Phanxicô đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá khứ: đó là Đức Giêsu luôn
mở rộng cửa cho bất cứ ai tìm Ngài và đặc biệt là cho những người xa
Ngài. Nhưng, Đức Giáo Hoàng than thở là một số Kitô hữu lại đóng cửa lại
trước những người gõ cửa Giáo Hội. Trong khi Chúa Kitô trao ban toàn bộ
lòng thương xót, những người tuyên xưng niềm tin vào Ngài đôi khi lại
cản trở Ngài bằng cách đóng cửa trước những người khác.
Suy tư
của Đức Thánh Cha bắt đầu với nước, là nhân vật chính trong bài đọc
phụng vụ hôm thứ Ba. Đức Thánh Cha đã bình luận về lời mô tả của tiên
tri Ezekiel về dòng nước nhỏ giọt chảy ra từ ngưỡng cửa của đền thờ, và
gọi đó là “nước chữa lành”. Dòng nước ấy trở thành một dòng sông cuồn
cuộn đầy cá, có khả năng chữa lành bất cứ ai. Và, trong Tin Mừng, đó là
dòng nước của hồ Bethesda, nơi một người đàn ông bị liệt đang buồn bã
nằm bên bờ hồ. Đức Giáo Hoàng đã miêu tả ông ta như là một người có chút
“lười biếng” vì ông chưa bao giờ tìm cách đắm mình trong làn nước đang
chuyển động hầu tìm kiếm sự chữa lành. Nhưng, Chúa Giêsu đã chữa lành
anh ta và khuyến khích anh ta “bước đi”, nhưng điều này gây ra sự chỉ
trích của các thầy thông luật vì sự chữa lành đã diễn ra vào ngày thứ
Bảy. Đó là một câu chuyện mà Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng đang xảy ra
“nhiều lần” ngày hôm nay:
Ngài nói:
“Một người đàn ông -
một người phụ nữ - những người cảm thấy bị bệnh trong tâm hồn, buồn bã,
những người đã mắc nhiều sai lầm trong cuộc sống, tại một thời điểm nào
đó cảm thấy được các dòng nước đang di chuyển - Chúa Thánh Thần đang di
chuyển một cái gì đó - hoặc họ nghe thấy một từ nào đó hoặc một ý muốn
“Ah, tôi muốn được bước đi! ' ... Và họ thu hết can đảm của mình và bước
đi. Và bao nhiêu lần trong cộng đồng Kitô hữu ngày nay họ sẽ tìm thấy
những cánh cửa đóng kín! “Nhưng bạn không thể, không thể vào. Bạn đã
phạm tội và bạn không thể vào đây . Nếu bạn muốn đến, hãy đến với lễ
Chúa Nhật, nhưng bao nhiêu đó thôi - đó là tất cả những gì bạn có thể
làm. Như thế, những gì Chúa Thánh Thần đã tạo nên trong trái tim của con
người, những người Kitô hữu với não trạng của những thầy thông luật đã
triệt tiêu hoàn toàn”.
“Điều này khiến tôi đau khổ” Đức Giáo Hoàng nói trong khi nhắc lại rằng Giáo Hội luôn luôn giữ cho cửa được rộng mở.
“Giáo
Hội là nhà của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu chào đón tất cả. Nhưng không
chỉ dừng lại ở việc chào đón, Ngài tiến ra ra để tìm kiếm con người như
Ngài đã tìm người đàn ông này. Và với những người bị thương, Chúa Giêsu
làm gì với họ? Mắng chửi họ vì họ đã bị thương chăng? Không, Ngài đến và
mang vác họ trên vai Ngài. Và điều này được gọi là lòng thương xót. Và
khi Chúa quở trách dân Ngài: “Ta muốn lòng thương xót cứ không phải là
của lễ hy sinh!” - Ngài đang nói về điều này.
“Anh chị em là ai
mà dám đóng cửa con tim mình trước một người muốn cải thiện, muốn quay
về trong hàng ngũ dân Chúa - bởi vì Chúa Thánh Thần đã khuấy động trái
tim của người đó?”
Đức Thánh Cha kết luận rằng mùa Chay giúp
chúng ta tránh những sai lầm tương tự như những người coi thường tình
yêu Chúa Giêsu dành cho người bại liệt, chỉ vì điều đó là trái với lề
luật:
“Chúng ta xin Chúa trong thánh lễ ngày hôm nay cho chúng
ta, cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể Giáo Hội, một lòng hoán cải
hướng về Chúa Giêsu, một lòng hoán cải hướng về lòng thương xót của Chúa
Giêsu. Và như thế, Lề Luật sẽ được thực hiện đầy đủ, vì Lề Luật chính
là hãy yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như chính mình.”
2. Hãy có không gian cho tình yêu Chúa để Ngài có thể thay đổi chúng ta
Đức
Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta được yêu thương bởi Thiên Chúa
trong một cách thế không thần học gia nào có thể giải thích. Ngài đã
phát biểu như trên trong Thánh Lễ sáng thứ Hai 16 tháng Ba tại nhà
nguyện Santa Marta
Lấy ý từ bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên
tri Isaia trong đó Chúa nói Ngài sẽ “tạo ra một trời mới và đất mới”,
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng kỳ công sáng tạo lần thứ hai của Thiên
Chúa còn hơn “tuyệt vời” hơn trước bởi vì trời mới đất mới này được hình
thành nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngài làm mới tất cả mọi thứ và biểu lộ niềm
vui bao la của Ngài. Đức Thánh Cha nói:
“Chúng ta thấy Chúa đã
rất nhiệt thành: Ngài nói về niềm vui và rằng: ‘Ta sẽ hân hoan nơi dân
Ta’. Chúa nghĩ về những gì Ngài sẽ làm và Ngài sẽ vui mừng với dân Ngài
như thế nào. Thật gần như là một giấc mơ. Thiên Chúa có một giấc mơ. Ước
mơ của Ngài về chúng ta. ‘Oh, thật là vui khi tất cả chúng ta quy tụ
cùng nhau, khi này và người kia sẽ đi với tôi ... Tôi sẽ hân hoan trong
thời điểm đó!’ Để mang lại cho anh chị em một ví dụ có thể giúp chúng ta
hiểu rõ hơn, tôi muốn nói về một cô gái hay một cậu bé nghĩ về người
yêu của mình: ‘Khi chúng ta được ở bên nhau, khi chúng ta kết hôn ...’.
Đó là ‘giấc mơ’ của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng
“Thiên Chúa nghĩ về mỗi người chúng ta và yêu thương mỗi người chúng ta.
Ngài 'mơ' về chúng ta. Ngài mơ ước sẽ vui mừng thế nào với chúng ta. Đó
là lý do tại sao Chúa muốn ‘tái tạo’ chúng ta, Ngài muốn làm mới tâm
hồn chúng ta để niềm hân hoan có thể ngự trị.
Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:
“Anh
chị em đã bao giờ nghĩ về điều đó chưa? Chúa ước mơ về tôi! Ngài nghĩ
về tôi! Tôi đang ở trong tâm trí Chúa và trong trái tim của Ngài! Chúa
có thể thay đổi cuộc sống của tôi! Và Ngài có nhiều dự án: 'chúng ta sẽ
xây nhà và trồng vườn nho, chúng ta sẽ dùng bữa chung với nhau’ ... đó
là những giấc mơ của những người đang yêu .... Như vậy chúng ta có thể
thấy rằng Chúa đang trong tình yêu với dân Ngài. Và khi Ngài nói với dân
Ngài: ‘Ta đã không chọn con vì con là người mạnh nhất, lớn nhất, quyền
thế nhất. Ta đã chọn con vì con là người nhỏ nhất trong tất cả. Anh chị
có thể thêm: đau khổ nhất. Đây là người mà Ta đã chọn. Đây là tình
yêu’”.
Thiên Chúa “đang trong tình yêu với chúng ta” - Đức Giáo
Hoàng lặp đi lặp lại, khi ngài nhận xét về bài Tin Mừng nói về phép lạ
chữa lành cho đứa con trai một viên quản đội:
“Tôi không nghĩ
rằng có một nhà thần học nào có thể giải thích điều này: thật là không
thể giải thích được. Chúng ta chỉ có thể nghĩ về điều đó, cảm nhận và
khóc với niềm vui này. Chúa có thể thay đổi chúng ta. ‘Và tôi phải làm
gì đây?’ Hãy tin. Tôi phải tin rằng Chúa có thể thay đổi được tôi, rằng
Ngài có quyền năng làm như vậy: giống như người trong Phúc Âm có đứa con
trai bị ốm. 'Xin Ngài đến, trước khi con tôi chết’. Chúa Giêsu nói với
người ấy ‘Ông cứ đi đi. Con trai ông sẽ sống!’ Người đàn ông ấy tin
tưởng vào những lời của Chúa Giêsu và đã lên đường. Ông tin. Ông tin
rằng Đức Giêsu có quyền năng để thay đổi con mình, sức khỏe của nó. Và
ông đã thắng. Có đức tin là có không gian cho tình yêu Thiên Chúa, có
không gian cho quyền năng của ngài, cho sức mạnh của Thiên Chúa. Không
phải cho sức mạnh của một người quyền thế, nhưng cho sức mạnh của một
người yêu thương tôi, là người đang ở trong tình yêu với tôi và muốn vui
mừng với tôi. Đây là đức tin của chúng ta: hãy có không gian cho Chúa
để Ngài có thể đến và thay đổi tôi”.
3. Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong
Tuần Thánh, Giáo Hội cho con cái mình được dịp tham dự những ngày cuối
cùng trong sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu ở trần gian. Phụng vụ Chúa Nhật
Lễ Lá được mở đầu bằng nghi thức làm phép lá và rước lá. Trong nghi thức
này, cộng đoàn dân Chúa được nghe đọc bài Tin Mừng tường thuật lại việc
Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem với tư cách của Ðấng Mêsia.
Hình ảnh Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa khiến người ta nhớ lại lời sấm
ngôn nói về Ðấng Mêsia được ghi lại trong sách ngôn sứ Dacaria: "Này
thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui
sướng reo hò, vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Ðấng
Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa
vẫn còn theo mẹ".
Hình ảnh dân chúng reo hò tung hô Chúa Giêsu
cũng gợi nhớ đến cuộc lễ đăng quang của vua Salomon được ghi lại trong
sách các vua quyển thứ nhất: "Hãy đưa các bề tôi của Chúa Thượng đi theo
các ngươi để Salomon, con ta, cỡi con la cái của ta rồi đưa nó xuống
Ghikhô, ở đấy tư tế Sađốc và ngôn sứ Natan sẽ xức dầu phong nó làm vua
Israel. Các ngài sẽ rúc tù và và tung hô vua Salomon muôn năm".
Khi
Thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphaghê, phía núi Ôliu,
Ðức Giêsu sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia, và
sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có lừa con bên cạnh. Các
anh tháo dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì
trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay". Sự việc đó xảy ra
như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ:
Hãy bảo thiếu nữ Xion:
Kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.
Các
môn đệ ra đi và làm theo lời Ðức Giêsu đã truyền. Các ông dắt lừa mẹ và
lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Ðức Giêsu cỡi
lên. Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số
khác lại chặt nhành lá mà rải lên lối đi. Ðám đông, người đi trước, kẻ
theo sau, reo hò vang dậy:
Hoan hô Con vua Ðavít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!
Hoan hô trên các tầng trời.
Khi
Ðức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: "Ông
này là ai vậy?" Ðám đông trả lời: "Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ
Galilê đấy".
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Qua việc công
khai vào thành một cách long trọng như thế, Chúa Giêsu khẳng định Người
là Ðấng Mêsia và là vua của dân Israel. Tuy nhiên, Người không xây dựng
vương quốc bằng cách đánh nam dẹp bắc hay bằng cách phát triển các sức
mạnh kinh tế, mà bằng cách thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha trong vai trò
người tôi tớ trung thành đã được ngôn sứ Isaia mô tả trong bốn bài ca
của ông. Cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem này chỉ là bước khởi đầu
cho cuộc thương khó mà Chúa Giêsu phải trải qua để chiến thắng sự dữ và
sự chết, mở ra cho loài người lối đi đến cõi phúc bất diệt bên Thiên
Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hăng hái bước vào Tuần Thánh,
không phải chỉ bằng việc tham dự đầy đủ các lễ nghi, nhưng còn bằng việc
thông dự thật sự vào những khổ đau của Chúa, để con học được bài học
yêu thương và vâng phục mà đem ra thực hành suốt cả đời con, xin cho con
đừng ngơi nghỉ bao lâu còn đóng đinh với Chúa trên thập giá.
4. Kitô hữu phải trung thực trong lời nói và việc làm
Chúng
ta có thể cống hiến ba điều cho tất cả những ai “muốn thấy Chúa Giêsu”:
sách Phúc Âm, Thánh Giá và chứng tá đức tin nghèo nàn nhưng chân thành
của chúng ta. Phúc Âm: trong đó chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng
nghe Người và hiểu biết Người. Thánh Giá; dấu chỉ tình yêu của Chúa
Giêsu, Đấng đã tự trao ban cho chúng ta. Và một đức tin được diễn tả ra
trong các cử chỉ đơn sơ của tình bác ái huynh đệ.
Đức Thánh Cha
Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành
hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba tại
quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: trong
Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay, thánh sử Gioan lôi kéo sự chú ý của chúng ta
với một chi tiết lạ kỳ: vài người Hy Lạp” theo Do thái giáo đến
Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, hướng tới tông đồ Philiphê và nói: “Chúng
tôi muốn trông thấy Đức Giêsu” (Ga 12,21).
Trong thành thánh,
nơi Chúa Giêsu đến lần cuối cùng, có nhiều người. Có những người bé nhỏ
và đơn sơ đã tiếp đón vị ngôn sứ thành Nagiarét vui như lễ hội, vì họ
nhận ra nơi Ngài Đấng Chúa Sai Đến. Có những thượng tế và các vị lãnh
đạo của dân muốn loại trừ Ngài, bởi vì họ coi Ngài là lạc giáo và nguy
hiểm. Cũng có những người, như những người Hy lạp tò mò muốn trông thấy
Ngài và hiểu biết hơn về con ngưòi và các việc Ngài đã làm, mà việc sau
cùng là cho ông Ladarô sống lại đã gây nhiều ồn ào.
Đức Thánh Cha quảng diễn lời xin của các người Hy lạp như sau:
“Chúng
tôi muốn trông thấy Đức Giêsu”: các lời này, như biết bao lời khác
trong các Phúc Âm, vượt ngoài giai thoại đặc biệt này và diễn tả một cái
gì phổ quát. Chúng vén mở cho thấy một uớc mong hiện hữu trong con tim
của biết bao nhiêu người đã nghe nói tới Đức Kitô, nhưng chưa gặp được
Ngài. “Tôi muốn trông thấy Đức Giêsu”, Ngài cảm thấy lời này trong trái
tim của dân chúng. Trả lời một cách gián tiếp, một cách ngôn sứ, cho lời
xin có thể trông thấy Ngài, Chúa Giêsu nói lên một lời tiên tri vén mở
cho thấy căn cước của ngài và chỉ cho thấy con đường giúp hiểu biết Ngài
thực sự: “Đã đến giờ con người được tôn vinh” (Ga 12,23). Đó là giờ của
Thập Giá! Đó là giờ bại trận của Satan, ông hoàng của sự dữ, giờ chiến
thắng vĩnh viễn của tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa. Chúa Kitô
tuyên bố rằng “Ngài sẽ được nâng cao khỏi đất” (c. 32), đây là một kiểu
diễn tả có hai nghĩa: “được nâng cao” bởi vì bị đóng đinh, và “được nâng
cao” bởi vì được Thiên Chúa Cha tán dương trong việc Sống Lại, để lôi
kéo tất cả mọi người đến với Ngài và hòa giải con người với Thiên Chúa
và giữa con người với nhau. Giờ của Thập Giá, giờ đen tối nhất lịch sử,
cũng là suối nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Ngài.
Đức
Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: tiếp tục lời tiên tri về lễ Vượt
Qua của Ngài gần kề, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh đơn sơ và gợi ý, đó là
hình ảnh “hạt lúa” rơi xuống đất, chết đi để sinh bông hạt (c. 24). Đức
Thánh Cha giải thích thêm như sau:
Trong hình ảnh này chúng ta
tìm thấy một khía cạnh khác nữa của Thập Giá Chúa Kitô: đó là hình ảnh
của sự phong phú. Thật vậy, cái chết của Chúa Giêsu là một nguồn suối vô
tận của sự sống mới, bởi vì nó mang theo trong chính nó sức mạnh tái
sinh của tình yêu thương của Thiên Chúa. Được dìm mình trong tình yêu đó
qua bí tích Rửa Tội, kitô hữu có thể trở thành “các hạt lúa” và đem lại
nhiều bông hạt, nếu họ “đánh mất sư sống mình” vì tình yêu thương Thiên
Chúa và các anh chị em khác như Chúa Giêsu (c. 25). Vì thế cho những
người ngày nay “muốn trông thấy Chúa Giêsu”; cho những ngưòi kiếm tìm
gương mặt của Thiên Chúa; cho những người từ nhỏ đã nhận được giáo lý và
rồi đã không đào sâu nó; cho biết bao nhiêu người còn chưa gặp được
Chúa Giêsu một cách cá nhân; cho tất cả những người đó chúng ta có thể
cống hiến ba điều: sách Phúc Âm, Thánh Giá và chứng tá đức tin nghèo nàn
nhưng chân thành của chúng ta. Phúc Âm: trong đó chúng ta có thể gặp gỡ
Chúa Giêsu, lắng nghe Người và hiểu biết Người. Thánh Giá; dấu chỉ tình
yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã tự trao ban cho chúng ta. Và một đức tin
được diễn tả ra trong các cử chỉ đơn sơ của tình bác ái huynh đệ. Nhưng
một cách chính yếu trong sự trung thực của cuộc sống giữa điều chúng ta
nói và điều chúng ta sống, sự trung thực giữa đức tin và cuộc sống, giữa
các lời nói và các hành động của chúng ta. Sách Tin Mùng. Thánh Giá và
chứng tá. Xin Đức Maria Mẹ chúng ta giúp chúng ta theo Chúa Giêsu trên
con đường của thập giá và sự sống lại.
5. Trẻ em là một món quà và sự giầu có lớn cho nhân loại và cho Giáo Hội
Trẻ
em là một món quà và một sự giầu có lớn cho nhân loại và cho Giáo Hội.
Chúng mang lại sự sống, niềm vui và hy vọng và liên lỉ nhắc nhở cho
chúng ta biết điều kiện cần thiết để được vào Nước Thiên Chúa: đó là
không coi mình là đủ rồi, nhưng cần sự trợ giúp, tình yêu và ơn tha thứ.
Đức
Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 20,000 tín hữu và du khách hành
hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 18 tháng Ba tại quảng
trường thánh Phêrô.
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã duyệt xét
các gương mặt khác nhau trong gia đình: cha mẹ, con cái, anh chị em,
ông bà nội ngoại. Đức Thánh Cha nói hôm nay ngài muốn kết thúc loạt bài
giáo lý với các trẻ em: trước hết trẻ em là một món quà lớn cho toàn
nhân loại. Đúng thật chúng là một món quà lớn cho nhân loại, nhưng cũng
là những kẻ bị loại bỏ lớn, bởi vì người ta không để cho chúng được sinh
ra; và lần tới tôi sẽ nói tớí vài vết thương rất tiếc làm cho tuổi thơ
phải đau khổ.
Nhớ lại kỷ niệm gặp gỡ với các trẻ em Á châu trong chuyến công du mục vụ mới đây Đức Thánh Cha tâm sự:
Tôi
nhớ tới biết bao nhiêu trẻ em mà tôi đã gặp trong chuyến du hành mới
đây của tôi tại Á châu: chúng tràn đấy sức sống, lòng hăng say, nhưng
đàng khác rất tiếc tôi cũng trông thấy trong thế giới nhiều trẻ em sống
trong các điều kiện không xứng đáng với con người… Thật thế, người ta có
thể phán đoán một xã hội theo cách nó đối xử với các trẻ em, không phải
chỉ trên bình diện luân lý, nhưng cả trên bình diện xã hội học nữa, xem
nó có phải là một xã hội tự do hay một xã hội nô lệ các lợi lộc quốc
tế.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
Trước hết các trẻ em nhắc cho
chúng ta nhớ rằng trong các năm đầu của cuộc sống chúng ta tất cả đều
hoàn toàn tùy thuộc các săn sóc và lòng nhân từ của người khác. Và Con
Thiên Chúa đã không quản ngại đi qua con đường này. Đó là mầu nhiệm mà
chúng ta chiêm ngưỡng hằng năm vào lễ Giáng Sinh. Hang đá là hình ảnh
thông truyền cho chúng ta thực tại này một cách đơn sơ và trực tiếp.
Tiếp
tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói thật là lạ: Thiên Chúa không gặp khó
khăn làm cho các trẻ em hiểu Ngài, và các trẻ em không có vấn đề hiểu
Thiên Chúa. Không phải vô tình mà trong Phúc Âm có vài lời rất đẹp và
mạnh mẽ liên quan tới các “trẻ nhỏ”. Từ “trẻ nhỏ” ám chỉ tất cả những
người tùy thuộc nơi người khác, và một cách đặc biệt các trẻ em. Thí dụ
Chúa Giêsu nói: “Lậy Cha là Chúa trời đất, con tạ ơn Cha vì Cha đã dấu
những điều này với những kẻ khôn ngoan và thông thái, nhưng lại mạc khải
cho nhũng người bé nhỏ” (Mt 11,25). Lại nữa: “Các con hãy coi chừng
đừng khinh rẻ một trong những kẻ bé mọn này, bởi vì Thầy bảo cho các con
biết các thiên thần của chúng ở trên trời hằng xem thấy mặt Cha Thầy ở
trên trời” (Mt 18,10).
Như thế, các trẻ em tự chúng là một sự
giầu có cho nhân loại và cả cho Giáo Hội nữa, bởi vì chúng liên lỉ nhắc
cho chúng ta nhớ tới điều kiện cần thiết dể được vào Nước của Thiên
Chúa: đó là không tự coi mình là đủ, nhưng cần đến sự trợ giúp, tình yêu
thương và ơn tha thứ. Và chúng ta tất cả đều cần đến sự trợ giúp, tình
yêu thương và ơn tha thứ.
Các trẻ em còn nhắc cho chúng ta một
điều hay đẹp khác nữa: chúng nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta luôn
luôn là con: cả khi một người trở thành người lớn, hay người già, cả khi
có trở thành cha mẹ, chiếm một địa vị có trách nhiệm, thì bên dưói tất
cả những thứ đó vẫn còn căn tính là con. Tất cả chúng ta đều là con. Và
điều này luôn đưa chúng ta tới sự kiện chúng ta không tự ban sự sống cho
chính mình mà nhận được nó. Ơn lớn lao của sư sống là món qua đầu tiên
chúng ta nhận được.
Đôi khi chúng ta sống mà quên đi điều này,
làm như thể chúng ta là chủ nhân cuộc sống của mình, trái lại chúng ta
tùy thuộc một cách triệt để. Trên thực tế đó là lý do của niềm vui lớn
cảm thấy rằng trong mọi lứa tuổi của cuộc sống, trong mọi hoàn cảnh,
trong mọi điều kiện xã hội, chúng ta là con, và luôn là con. Đó là sứ
điệp chính mà trẻ em trao ban cho chúng ta với sự hiện diện của chúng:
chỉ với sự hiện diện chúng nhắc cho chúng ta nhớ rẳng tất cả chúng ta và
từng người chúng ta là con.
Đề cập tới các món quà mà trẻ em đem lại cho nhân loại Đức Thánh Cha nói:
Nhưng
có biết bao nhiêu món qua , biết bao nhiêu phong phú mà các trẻ em đem
đến cho nhân loại. Tôi chỉ xin nhắc đến vài điều thôi.
Các trẻ em
đem lại cho chúng ta kiểu nhìn thực tại với một cái nhìn tin tưởng và
trong sáng. Trẻ em có một sự tin tưởng tự phát nơi cha mẹ; và có một
lòng tin tưởng tự phát nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu, nơi Đức Mẹ. Đồng
thời cái nhìn nội tâm của trẻ em trong sạch, chưa bị ô nhiễm bởi tính
hiểm độc, hai mặt, bởi các cáu cặn của cuộc sống làm chai cứng con tim.
Chúng ta cũng biết rằng các trẻ em có tội tổ tông, chúng có các ích kỷ
của chúng, nhưng chúng duy trì một sự trong trắng, một sự đơn sơ nội
tâm. Các trẻ em không ngoại giao: chúng nói lên điều chúng cảm, chúng
thấy một cách trực tiếp. Và biết bao nhiêu lần chúng khiến cho cha mẹ
gặp khó khăn, khi chúng nói trước mặt các người khác: “Con không thích
cái này, vì nó xấu”. Nhưng mà các trẻ em nói lên điều chúng trông thấy,
chúng không phải là những người hai lòng, chúng chưa học cái khoa học
hai mặt mà rất tiếc người lớn chúng ta đã học.
Ngoài ra, trong sự
đơn sơ nội tâm của chúng, các trẻ em còn đem theo với chúng khả năng
nhận và cho đi sự âu yếm. Âu yếm là có một con tim “bằng thịt” chứ không
phải “bằng đá” như Thánh Kinh nói (x. Ed 36,26). Sự âu yếm cũng là thơ
văn: là “cảm thấy” các sự vật và các biến cố, không đối xử với chúng như
đồ vật thuần tuý, chỉ để dùng chúng vì chúng phục vụ…
Các trẻ em
có khả năng cười và khóc: Vài đứa khi chúng ta bế chúng trên tay, chúng
cười; vài đứa khác khi trông thấy tôi mặc áo trắng, chúng tin rằng tôi
là bác sĩ đến chích ngừa cho chúng và chúng khóc… nhưng một cách tự
phát! Các trẻ em là thế: chúng cười và khóc, là hai điều mà nơi chúng ta
là người lớn thường bị “chặn đứng”, chúng ta không có khả năng… Biết
bao nhiêu lần nụ cuời của chúng ta trở thành một nụ cười bằng giấy,
không có sự sống, một nụ cười không sống động, cả một nụ cười giả tạo,
bằng rơm nữa. Các trẻ em cười một cách hồn nhiên và khóc một cách hồn
nhiên.
Điều này luôn luôn tùy thuộc con tim. Và thường khi con
tim của chúng ta bị “chặn lại” và mất đi khả năng cười, khóc này. Và khi
đó trẻ em có thể dậy cho chúng ta lại biết cười và biết khóc. Và chính
chúng ta, chúng ta phải tự hỏi: tôi có cười một cách hồn nhiên không,
với sự tươi mát, với tình yêu thương và nụ cuời của tôi có giả tạo
không? Tôi có còn khóc không, hay tôi đã mất đi khả năng khóc rồi? Đó là
hai câu hỏi rất nhân bản mà trẻ em dậy cho chúng ta.
Vì tất cả
những lý do đó Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài “trở nên như trẻ em”,
vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (x. Mt 18,3; Mc
10,14).
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị
em thân mến, các trẻ em đem lại sự sống, niềm vui và hy vọng, và cả các
bất hạnh nữa. Dĩ nhiên, chúng cũng đem theo các lo lắng và đôi khi biết
bao nhiêu vấn đề; nhưng một xã hội với các lo lắng này và các vấn đề này
thì vẫn hơn là một xã hội buồn sầu và xám xịt vì không có trẻ em. Và
khi chúng ta thấy rằng mức độ sinh của một xã hội chỉ tới gần một phần
trăm thôi, chúng ta có thể nói rằng xã hội này buồn, xám xịt, bởi vì nó
không có trẻ em.