lundi 17 janvier 2022

“Chúa thử thách”

 


Khi nghe một người chia sẻ về những khó khăn trong năm qua và kết luận bằng câu: “Năm nay quả thật là một năm Chúa thử thách con cái Người hết mức!”, tôi bỗng thấy nói thế thì oan cho Chúa quá. Tại sao Chúa lại phải thử thách con cái của mình? Với mục đích gì? Chẳng lẽ Chúa gây ra bao nhiêu khốn đốn cho con cái mình để thử xem chúng có tin yêu mình không à? Rồi nếu chúng tin yêu mình thì sao mà nếu chúng không tin yêu mình thì sao? Để thưởng hay phạt chúng hoặc để thương hay ghét chúng hơn à? Nếu thật sự chúng ta còn nghĩ Chúa thử thách mình thì chúng ta đã hiểu sai về Chúa và như thế thì làm sao sống tương quan với Chúa cho đúng để được hạnh phúc đây?

Trước hết chúng ta phải nhớ là Chúa không thể dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt được, nên Chúa không thể gây ra khó khăn để dùng chúng vào bất cứ mục đích gì. Vả lại, mọi việc Chúa làm đều tốt lành nên các sự dữ xảy ra cho chúng ta không đến từ Chúa, mà là do ma quỷ hay do con người để cho ma quỷ điều khiển mình mà gây ra hoặc do con người chưa phát huy được hết khả năng khắc phục và thống trị trái đất, như Chúa đã giao cho họ nhiệm vụ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không để cho con cái mình phải chống trả một mình với sự dữ nên đã nhập thể để có thể chia sẻ thân phận làm người và hiện diện trong mọi hoàn cảnh của chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người.

Khi xảy ra sự dữ quả thật là đức tin của chúng ta bị thử thách: thoạt tiên, chúng ta không khỏi tự hỏi vậy Chúa có yêu thương mình không và mình có nên tiếp tục tin vào Chúa không? Nhưng sau đó, nghiệm ra được tình yêu tột cùng của Chúa dành cho loài người trên thập giá và biết rằng: “Thiên Chúa cao vời, làm sao ta hiểu thấu” (Gióp 36,26), chúng ta vẫn tin vào tình yêu của Chúa dù đang gặp khó khăn và đau khổ. Như thế, chúng ta vượt qua được thử thách và đức tin của chúng ta được mài dũa hơn. Đồng thời, nếu chúng ta tin vào Chúa thì Chúa vẫn ở với chúng ta trong thử thách và giúp chúng ta vượt qua thử thách cách nhẹ nhàng hơn.

Vậy được xem là thử thách đức tin khi chúng ta vẫn tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa trong khi mọi sự xảy đến không được như ý mình và coi vẻ là xấu cho mình. Lúc đó, khó khăn được biến thành dịp để tăng thêm lòng tin cho chúng ta vào Thiên Chúa và đây là mối lợi to lớn hơn nhiều so với việc chúng ta được điều như ý và trước mắt cho là tốt đẹp. Đồng thời, đức tin cứu chúng ta vì chính nhờ đức tin mà chúng ta mới thấy được lợi ích thiêng liêng đến từ khó khăn và, nếu không có đức tin, ngoài đau khổ vì gặp phải khó khăn, chúng ta lại còn thêm đau khổ do tức giận hay buồn phiền gây ra vì chúng ta không được như ý hay nhìn thấy mọi sự theo chiều hướng xấu.

Trong đức tin, những mất mát, khi lấy đi khỏi mình những gì mình đã cậy dựa và bám víu, cũng có thể trở thành cơ may giúp chúng ta có được một điều mới tốt đẹp hơn. Mặt khác, khi giúp mình khám phá ra rằng mọi sự trên đời đều chóng qua và không thể tạo nên chỗ dựa vững chắc, những mất mát có thể hướng chúng ta tìm đến Chúa để nương tựa vào Người. Ngoài ra, với lòng tin yêu Chúa, những trở ngại hay bất trắc, tuy không phải là sự dữ, nhưng dễ gây đau khổ vì làm cho những dự tính của mình không được thực hiện, cũng có thể được chúng ta xem như những can thiệp yêu thương và quan phòng của Chúa để tránh cho mình khỏi một sự dữ hoặc để giúp mình đạt được một điều tốt lành, mà đôi khi chỉ rất lâu sau chúng ta mới thấy được.

Tóm lại, đức tin của chúng ta bị thử thách khi gặp khó khăn, nhưng không phải do Chúa tạo ra khó khăn để thử thách đức tin của chúng ta. Trái lại, Chúa có thể giúp chúng ta biến những khó khăn đó thành những cơ hội để chúng ta xích lại gần Chúa hơn và trưởng thành hơn trong đức tin. Vì thế, chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta có lòng tin vào Chúa, để khi gặp khó khăn, đức tin càng bị thử thách thì càng được vững mạnh, như Chúa Giêsu đã nói: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13,12).

ULTD & ltd

L.T.Diệp

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire