mercredi 28 décembre 2022

Du học sinh VNCH Montréal – Một thời để nhớ

Du học sinh VNCH Montréal – Một thời để nhớ

Nguyễn Phát Quang

Thời gian tự cánh chim bay,
qua dần những tháng cùng ngày
Còn đâu mùa cũ êm vui?
Nhớ thương biết bao giờ nguôi?  (Hoài cảm, Cung Tiến)

Đúng vậy, mới đây đã sống gần 50 năm ở Montréal.

Hôm nay ở ‘Xứ lạnh tình nồng’ này, sau bao tháng cố gắng tìm kiếm trong trí nhớ mình và của các bậc niên trưởng, tôi viết lên những trang này để gợi nhớ ngày tháng êm đẹp đầy nhựa sống của thời sinh viên du học tại Montréal. Tôi muốn chia sẻ với những bạn học cùng thời và cảm ơn các bậc đàn anh trong mùa Giáng sinh 2021 này.

Nếu tôi không viết, ai viết cho?

Người Việt tại Canada

Những người Việt Nam đầu tiên có lẽ là 20 nữ tu dòng Carmélites (Dòng Tu Kín) giáo phận Thái Hà (Hà Nội) có mặt tại Canada năm 1954 khi  Cộng Sản cầm quyền ở miền Bắc. Số nữ tu nầy, còn trẻ dưới 18 tuổi, được chính phủ Canada cho phép tị nạn tại tu viện Carmel de Dolbeau, 500 Km phía bắc Montréal, vùng Lac-Saint-Jean (tỉnh bang Québec). Sau đó dời về Basilique Ste Anne de Beaupré, cách thành phố Québec 35 Km. Một nhóm khác đã được Soeur Rose-Alba Brien, người Québecois thành lập  năm 1921 Carmel de Hanoi, năm 1954 dìu dắt về ở Carmel de Montréal. Tới năm 1957 thì dời về Danville, 160 Km phía đông Montréal, gần Drummonville. Có lẽ 2 nhóm được gom lại tại Danville năm 1983. Monastère des Carmélites đóng cửa năm 2009.



Tu viện Monastère des Carmélites tại 351, ave. du Carmel. Montréal, 18 sept. 2012.
Construction: 1895-1896 / Alfred Préfontaine. Nguồn: www.flickr.com/photos/urbexplo/4366756297

Những phu nhân của thầy Bùi Thiệu Tường (chị Thái – Inf. Chef  St Justine), của kỹ sư Lê Văn Thiện, kỹ sư Phùng Phú Thanh là nữ tu từ dòng này ra.

Khi xưa những linh mục JB Vũ Dư Khánh, Aimee Đỗ Thông, cha Khang  thường thăm viếng các Soeurs ở Danville vào dịp Tết hay hè với quà bánh chưng, trái cây Việt Nam.

Nhưng người di dân Việt Nam đầu tiên trên đất Canada phải kể là bà Phạm Thị Ngọc Lang, người miền Tây, là mẹ của bà Céline Galipeau, xướng ngôn viên của đài truyền hình quốc gia Radio-Canada; năm 1953, bà Lang đến Montréal kết hôn với ông Georges Galipeau, khi hai sinh viên gặp nhau trên chuyến tàu Saigon-Marseille. Bà là nữ điều dưỡng quốc gia (Infirmière d’État de France) trên đường du học. Ông Galipeau là phóng viên cho nhựt báo La Presse ở Québec và thông tín viên của UPI ở Việt Nam, và cũng là nhân viên ngoai giao ở ONU (Liên Hiệp Quốc) và giáo sư Đại học Montréal. Ông thuộc làu nhuyễn truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, bằng tiếng Việt. Ông đi nhiều xứ trên thế giới, nhất là Phi Châu nên bà Céline Galipeau được học nhiều ngôn ngữ và văn hóa thế giới. Bà Céline Galipeau ‘Loan’ sinh năm 1957 tại Longueuil, tốt nghiệp Cao học xã hội học Đại học McGill (Montréal)  và bắt đầu làm ký giả từ năm 1983. Bà đã đi làm nhiều nơi trên thế giới và từ 2009 thì làm Chef d’antenne cho Radio Canada, được nhiều giải thưởng cùng với huy chương Officière de l’Ordre national du Québec và Ordre du Canada, ghi nhận sự đóng góp của bà. Có lẽ bà là người có dòng máu Việt đầu tiên sinh  ở Canada.

Cha mẹ và bà Céline Galipeau. DCVOnline tổng hợp

Ông Phạm Nam Trường cũng có thể coi là người đầu tiên ở Montréal, được học bổng của Bảo Đại/Nam Phương. Ông đậu Bac 2 từ Pháp, sang học Kỹ sư Công chánh (Ing. Civil) ở trường Polytechnique năm 1952, ra trường năm 1956 và tốt nghiệp Cao học (maîtrise) về Cơ học đất-Mecanique des Sols và về Việt Nam năm1958. Năm 1967 làm Nghị sĩ rồi trở lại Montréal 1975 tỵ nạn. Ông tiếp tục hành nghề kỹ sư ở Hydro Québec tới khi về hưu.

Năm 1952, ông Huỳnh Văn Lang, được học bổng Công giáo qua học ở Đại học Laval, thành phố Québec học được 2 năm về Hành chánh trước khi qua Mỹ tiếp tục học Kinh Tế và về Việt Nam giúp Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập viện Hối đoái. Ông cũng là ‘cột chèo’ với ông Trường.

Bà Martha Trần, trong bài viết ‘Chị Martha’ của anh Lê Đình Chơn Tâm, người Huế, chọn đạo và thích đi xa, chọn đi tu trước 1954 ở tu viện Thiên chúa ở Chicoutimi qua, tu gần 20 năm, đến năm 1969 được học Biochimie ở Sherbrooke nhưng sau đó phải bỏ dòng và ra đi làm. Bà Martha/Maria dạy học ở CEGEP de l’Outaouais; nay bà đã về hưu ở Ottawa, hơn 93 tuổi.

Kế đến là những Du học sinh từ Âu Châu, Hoa Kỳ, Nhật, Sĩ quan tu nghiệp ‘ghé qua’ dài hạn Canada và người Việt tỵ nạn sau 30 tháng tư 1975 tới Canada.

Du học sinh

Những học sinh xuất sắc đậu Tú tài 2 hạng cao trong hạng tuổi 18 hay 19 được tuyển chọn du học Canada với học bổng Colombo, học bổng quốc gia hay tự túc. Một số khác được đi tu nghiệp về y tế như y tá, bác sỹ v.v. Hồ sơ đi du học rất nhiêu khê vì phải có sự chấp nhận của nha Cảnh sát, nha Động viên, nha Du học, nha Khảo thí, ty Thuế vụ, hồ sơ sức khỏe, Bộ Nội vụ, An Ninh quốc gia, giấy nhận học của trường tại Canada, học bạ, Visa (Chiếu khán) của Tòa Đại sứ Canada, Chứng chỉ Tú tài 2 hạng cao, trình độ Ngoại ngữ, v.v. Phải ở túc trực Saigon mới lo nổi giấy tờ với những cơ quan này. Cậu Tú 18 tuổi chỉ biết học, ngây thơ khờ dại thì khó xoay sở nổi! Nhiều bạn bị kẹt ở lại Việt Nam vì hồ sơ sức khỏe, thiếu giấy trường Canada nhận cho học hay lý lịch gia đình. Cô nhi tử sĩ và con quân nhân được thêm điểm. Tôi ước lượng khoảng 20% là con ông cháu cha.

Sổ thông hành VNCH

Trước 1975, Canada không có Tòa Đại sứ ở Saigon vì vai trò trung lập trong nhiệm vụ kiểm soát đình chiến, Ban đầu thì Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến Canada, (góc Lý Thái Tổ và Hùng Vương) lo Visa và từ 1967 thì phải qua Tòa Đại sứ Anh quốc, đường Thống Nhất, lo chuyển hồ sơ qua Tòa Đại sứ Canada ở Hong Kong. Mổi tuần chỉ gởi đi một lần nên rất lâu mới được cấp Visa, sớm lắm cũng 3 tuần. Hơn nữa Chứng chỉ Tú tài phần thứ hai Việt Nam có khoảng cuối tháng 7; Baccalauréat de l’Enseignement Secondaire của Pháp, thì cuối tháng 6, khó mà có giấy trường Canada để nhập học đầu tháng 9. Phải mất tới 2 tuần cho mỗi thư từ Saigon đến Montréal. Đa số Du học sinh Colombo phải mất 1 năm học và sinh viên tự túc phải tựu trường tháng giêng hay tháng 9 năm sau.

Mỗi năm phải gởi xin gia hạn Passport (Sổ thông hành) với Tòa Đại sứ Việt Nam tại Washington D.C. với giấy chứng nhận lên lớp học, rồi xuống Immigration Canada (Sở Di trú) gia hạn Visa. Nhiều bạn đổi ngành hay ở lại lớp bị cắt chuyển ngân hay học bổng.

Giấy chứng nhận đã chích ngừa do WHO cấp

Thập niên 1970, tiền học là 275$/học kỳ 4 tháng; bốn anh em tôi học cùng trường thì người thứ ba được miễn phí. Tiền học ở Québec rẻ hơn ở Ontario và rẻ hơn ở Mỹ nhiều lần.

Canada không cho sinh viên ngoại quốc (sinh viên nhập cảnh theo visa étudiant) học Y khoa và Nha khoa, và cũng không cho họ đi làm hè, trừ vài trường hợp đặc biệt!

Mỗi năm Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cho đi du học khoảng 1000 người. Năm 1964 VNCH cho 1564 du học sinh đi Pháp và 379 sang Hoa Kỳ.

Không phải sinh viên Việt Nam nào cũng muốn ở lại Canada. Nhiều người sau khi ra trường vài tháng thì về nước vì cha mẹ già, vì có người yêu, vì nhớ ‘chùm khế ngọt’ quê nhà hay vì không thích hợp khí hậu, ẩm thực, v.v. Khoảng 10% sinh viên du học về nước theo thống kê 1963, nhưng khi chiến tranh leo thang thì đi nhiều hơn và về ít hơn, nam cũng như nữ. Năm 1973, Tổng trưởng Dân Vận Hoàng Đức Nhã đã tạo điều kiện để sinh viên/kiều bào về quan sát tình hình đất nước VNCH.

Lịch sử Trường Polytechnique

1873, do Urgel-Eugene Archambault thành lập với tên École des sciences appliquées aux arts et à l’industrie, ở khu đường St Denis, Montréal 

Con dấu của Polytechnique Montreal

1877 đổi tên thành École Polytechnique de Montréal

1887 sáp nhập vào faculté des arts de l’Université Laval ( thành phố Québec)

1905 tọa lạc tại 228 đường St Denis (góc đại học UQAM bây giờ)

1918 Luật Québec chấp nhận từ “ing civil” trong tỉnh bang

1920 Đại học Montréal thành lập, trường Polytechnique sáp nhập vào UdeM, nhưng được tự trị (autonome)

1920 Corporation des ingénieurs civils thành lập

1941 Thâu nhận Dr. Georges Welter từ Varsovie (Warsaw)/Ba Lan, để thành lập “Laboratoire d’essais de matériaux” 1948, rất nổi tiếng và cũng là nơi đào tạo nhiều Tiến sĩ và sinh viên Cao học Việt Nam sau này

1958 Dời về Mont Royal trong khuôn viên ‘Campus’ Đại học Montréal  với 8 ngành.

Từ tháng 7 năm 2006, trường đổi tên là Polytechnique Montréal.

Châm ngôn (devise/motto) của trường tiếng Latin là : UT TENSIO SIC VIS

Tiếng Pháp là L’allongement est proportionnel à la force, lấy theo đinh luật 1676 của nhà Vật lý học người Anh, Robert Hooke, trong môn Sức bền vật liệu (résistance des matériaux). Nghĩa bóng: Kết quả sẽ tỷ lệ thuận với sự cố gắng. Hình của trường là con Ong với bánh xe răng và thanh sắt xây cất chữ I

Khi xưa, trước 1975, thì nằm trong  5 trường kỹ sư hàng đầu Canada, (Mc Gill, Toronto, Poly) nhưng nay, theo Mclean magazine 2022 thì Poly xếp hạng 11 (2021 hạng 8), McGill University đứng hạng 3 (2021 hạng 4),Toronto University hạng nhứt (2021 hạng nhứt) trong 40 trường kỹ sư ở Canada.

Thứ hạng của 20 trường Kỹ sư Canada theo Mclean Magazine 2022. Nguồn Mclean Magazine

Theo US News & World report (2020):

Bia tưởng niệm tại trường Poly. Wikiwand

Engineering : Poly #172 , McGill  #93, Vancouver #64, Toronto #54 trên thế giới.

2017-2018: trường Poly đào tạo 880 kỹ sư, 450 Cao học và 115 Tiến sỹ, có khoảng 9000 sinh viên

Mỗi năm Trường tưởng niệm vụ một sát thủ thảm sát phái nữ ngày 6 tháng 12 năm 1989 khiến 13 nữ sinh viên và 1 nữ nhân viên tại trường thiệt mạng.

Bốn năm Poly

Khi chúng tôi học thì có tên Ecole Polytechnique de Montréal, nằm trong khuôn viên của đại học Montréal, trên núi Mont Royal, nhìn xuống đường Édouard Montpetit (tên cũ là Maple Wood) và Decelles. Trường “affilié”, tự trị như trường Hautes Etudes Commerciales (HEC Montréal), với Đại học Montréal.

Trả lại em yêu, khung trời đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
 

Phạm Duy

Lúc đó có 9 phân khoa: Génie Civil, Mécanique, Électrique, Chimie, Physique, Géologie, Minier, Métallurgie, Industriel. Ngành Công Nghệ, em út, được thành lập năm 1966 trực thuộc Département mécanique (option industriel) và năm 1972 Génie Industriel mới được thành lập.

Chương trình học cũng giống như các trường Poly thế giới: Bách Khoa Phú Thọ, Lausanne, Rensselaer vv. nhưng không giống hoàn toàn trường quân sự École Polytechnique de Paris. Hai năm đầu học chung đủ mọi ngành (kế toán, tài chánh vv.) rồi 2 năm sau mới đi chuyên ngành, tất cả học 4 năm.

Trường nhìn ra hướng Tây, cao nhứt của viện đại học. Từ lầu 7 có vue panoramique xuống thành phố. Có ba ngã vào, từ đường Édouard Montpetit thì dốc cao hơn, xe phải chạy số 1 hoặc số 2; từ Decelles thì dốc lài hơn nhưng dài hơn. Phía sau là nghĩa địa Mont Royal, ớn lạnh trong mùa đông đi học về khuya! Đa số sinh viên mướn nhà ở đường Edouard-Montpetit, từ dưới đi lên Poly khoảng 1 Km, leo dốc đứng 0.5 km, mổi ngày đi 2 lên lần, nắng mưa hay tuyết lạnh: đi 7h30 về 18h, tối 20h-24h. Như là Đoạn đường chiến binh, chỉ 2 năm là bottes de saut của Khu dân sinh hay giày ‘Gia’ đường Gia Long cũng phải ‘banh xác’. Từ nhà tới trường khoảng 2 Km, có nhiều bạn còn phải đi xa hơn. Các nữ sinh viên cũng cừ khôi không kém! Ngã thứ ba thì gần hơn, đi từ Centre social và Tour des vierges chừng 0.5 Km, dốc thấp hơn.

Trường Poly, thập niên 1970, trong khuôn viên Đại học Montréal.

Ϲon đường nào ta đi với bàn chân nhỏ bé
Ϲon đường chiều thủ đô con đường bụi mờ…
Con đường tuổi măng tre nắng vàng tươi đẹp đẽ
Bóng người dài trên hè con đường tình ta đi!
  

Phạm Duy

Từ khi có CEGEP (College) thì dân Québecois vào Đại học thường là 19 tuổi, trong khi cô cậu Tú Việt Nam chỉ có 18 tuổi hay nhỏ hơn nên ra trường trẻ hơn.

Kỷ niệm của những sinh viên học ở Polytechnique là tuần huấn nhục (semaine d’initiation) để đàn anh ‘đì’ và biết đàn em. Khi ra trường thì đeo nhẫn bằng sắt ở ngón út tay phải để nhắc nhở trách nhiệm của kỹ sư và một ly to (Buck) uống bia có ghi năm ra trường.

Sinh viên Việt Nam học học rất giỏi năm đầu nhưng khi bắt đầu đụng tới thực tập thì yếu dần. Riêng một anh đã thực tập quá sớm nên có baby cuối năm đầu! Tôi thì nghe tiếng ‘Còi’ (QuébeCois) mà đần người ra như: Icit, Loa boa, Ekeurant, Bibitte, Ben bon, Char, Móe, Tóe, Tabarkak, v.v.

Năm 1966 sinh viên Việt Nam tại Polytechnique nhiều nhất là học sinh từ trường Petrus Ký, năm 1968 thì từ Jean Jacques Rousseau, và năm 1970 thì từ Taberd Pháp & Việt.

Sinh Viên Việt Nam Montréal không lấy tên Tây như Jean, Pierre, v.v. như bên Pháp mà chỉ có biệt danh thân thương do bạn bè đặt: Liêm mù, Tuấn đui, Tuấn thẹo, Hùng nhỏng, Hùng lém, Hùng điên, Long địa, Long chả lụa.

Hội đoàn Việt Nam tại Montréal

Những năm đầu 1960 thì các anh Nguyễn Công Thanh, Huỳnh Phước Bàng, Lê Văn Thanh, v.v. thành lập Hội Sinh Viên Montréal rất đơn sơ. Năm 1971 khi Cộng đồng đông người hơn, trên 100 người thì anh Ngô Đăng Tuấn được bầu làm chủ tịch (1971-1972) và anh Nguyễn Hùng Phát làm chủ tịch nhiệm kỳ 1972-1973 cùng với anh Lâm Chấn Thọ, Phó ngoại vụ. Sau lần tổ chức chuyến về thăm Việt Nam năm 1973 thì Hội sinh viên chấm hết. Trụ sở Hội sinh viên đặt tại 2515 Apt 1 Edouard Montpetit đối diện Université de Montréal. Hội viên phải đóng niên liễm.

Ban chấp hành lo tổ chức văn nghệ Tết, nấu bánh chưng bán, đại hội thể thao, Noel, trại Hè, báo chí tin tức, biểu tình, giúp sinh viên mới, gởi đơn xin Visa, v.v.

Trước 1975, ‘Xứ lạnh tình nồng’ có khoảng 200 người Việt Nam tại Montréal. (Sinh viên: Poly, 90, UM/HEC, 50, UQAM/Concordia/McGill, 30, Việt kiều khoảng 30 người).

Những sinh viên trẻ đây nhiệt huyết tại trụ sở Hội Việt Kiều Montréal trên đường Édouard Montpetit. Đứng: Nguyễn Ngọc Nhơn, Phạm Đỗ Triệu, Lưu Kim Chi, Nguyễn Thành Cung, Nguyễn Quan, Nguyễn Thành Long. Ngồi: Huỳnh Công Long, Nguyễn Ngọc Đức, Lê Văn Anh Dũng, Dương Ngọc Điệp, Nguyễn Phát Quang (tác giả).

Đại hội Thể Thao Bắc Mỹ

Đại hội Thể Thao Bắc Mỹ là một sinh hoạt đông đảo để sinh viên và kiều bào gặp nhau trong mùa hè, chính thức tổ chức lần đầu tiên từ ngày 23 đến 25 tháng 7 năm 1971.

Huy chương ĐH Thể thao Bác Mỹ kỳ XV, 1988 tại Centre Claude Robillard, Montréal — Kỷ niệm từ tay anh Dương Tâm Chí

Tuy nhiên những năm trước đó cũng có những trận đá banh tại sân cỏ CEPSUM (Centre d’éducation physique et des sports de l’Université de Montréal) hay còn gọi là sân Vincent d’Indy thuộc Đại học Montréal, giữa sinh viên Montréal với nhau hay với sinh viên Đại học Laval. Năm 1965, anh Huỳnh Phước Bàng đã lái xe xuống Washington DC xin được 400$ của Đại sứ Trần Thiện Khiêm để mướn sân, thực phẩm và huy chương, văn nghệ tăng thêm phấn khởi cho lực sĩ Montréal.

Truyền thống tốt đẹp đó kéo dài được 24 kỳ, đến năm 2008 thì chấm dứt. Đại hội Thể thao được tổ chức nhiều nơi ở Bắc Mỹ như Montréal, Quebec, Maryland, Philadelphia, Ottawa, Michigan, Long Beach, Etobicoke, Texas, v.v. Từ năm 1982 đến 1991, số lực sỹ tham dự lên hơn 1000 người.

Các bộ môn thường được tranh tài là: Điền Kinh (athlétisme), Vũ cầu, Bóng rổ, Bơi lội, Túc cầu, Quần vợt, Bóng bàn, Bóng chuyền.

Tóm tắt 5 kỳ đầu như sau:

Đại hội Thể Thao Bắc Mỹ 1971-1977.

Bậc anh tài, anh thư ngoài việc học vấn xuất sắc còn nghề tay trái như âm nhạc, võ thuật, ẩm thực, thể thao. Tôi không biết rõ tài …xì phé của các anh?

Ở Laval có anh Lâm Chí Công đoạt nhiều huy chương vàng về vũ cầu, điền kinh, bóng chuyền, anh Trần Văn An với Tennis, Bóng bàn, Đá banh; ở Montréal có Đức vẹo là thủ môn, và lực sỹ Vũ cầu.

Đội A Montréal, áo xanh. Đứng: Nguyễn Ngọc Tuấn, Lê Phan Lân, Nguyễn Tín Bửu Châu, Nguyễn Hữu Trung bệnh, Thiệu, Nguyễn Chiến Thắng, Dương Văn Lũy. Ngồi: Hùng lém, Lê Văn Thanh, Bửu Việt, Mai Phát Thanh, Nguyễn Đăng Hòa, Lê Phan Long & Cầu thủ đại học Sherbrooke: Quách Tinh Văn, v.v.
Đội B Montréal với chiếc cúp vô địch. Đứng: Lê Văn Thanh, Nguyễn Tín Bửu Châu, Lê Phan Lân. Ngồi: … Mai Phát Minh, Nguyễn Ngọc Tuấn, … , Thủ môn Nguyễn Minh Đức vẹo ôm banh, Nguyễn Hữu Trung bệnh nâng cúp.
Đội A Montréal, áo vàng và Đội B. Đứng: Trần Văn Bá, Hùng lém, Châu Trần Trung Chánh, … Nguyễn Văn Hoàng Nam, Lê Phan Lân. Ngồi: Mai Phát Minh, Nguyễn Hữu Trung bệnh, Kiều Công Bằng (A, đeo băng đô trắng) ,Phạm Đăng Hòa, …, Phạm Thông (A), …
Ngững cặp đùi rắn chắc của đội B Montréal oai hùng năm xưa
5 chiếc cúp chờ 5 đội Montréal, Québec, Sherbrooke, Ottawa, và Washington D.C.
Ai còn, ai mất?
Đội banh Québec. Đứng: Phạm Cơ, Trương Khắc Trọng, Chung Duy Ân, Nguyễn Duy Vinh dài, Nguyễn Đức Hải bò, Lê Khác Huy (A), Trần Dần, Lê Hồng Hải cụNgồi: Trương Phục Quốc, Nguyễn Kỳ Toàn (C), Mai Xuân Lương, Trần Văn Rê, Nguyxn Hùng Dũng bầu.

Văn Nghệ Tết

Nghệ sỹ Kim Chung và Nguyễn Hồng Vân trong vở cái lương Đường về Quê Ngoại, trích đoạn từ tuồng Ông Cò Quận 9. (Lê Văn Ngà trong vai ông Cò Lê Văn Hương và Huỳnh Công Hiển thủ vai (Nhân?) con trai (vợ lớn) ông Cò.)
Hoạt cảnh giao duyên: Nguyễn Phát Thanh với Huỳnh Công Long bên 3 nàng thông nữ trẻ đẹp.
Ảo thuật gia nhà ta với trứng gà vỡ ra giấy vụn bị MC Trương Trí Vũ và Phạm Đăng Hòa bật mí là mọi người cười bể bụng. Anh Nguyễn Văn Hoàng Nam, quay lưng, đánh piano.

CAMPING

Đây là truyền thống giữa bạn bè và cũng là sự gắn bó đàn anh đàn em với nhau như tinh thần Hướng đạo.

Nhóm 1966-1970, Mont Tremblant: Nguyễn Mậu, Phạm Ngọc Chấn, Huỳnh Hữu Lễ, Hùng nhỏng, Lê Văn Sỹ, v.v.
Trại hè 1974 tại Mont Tremblant

Giới thiệu Văn hóa Việt Nam tại Poly

Mỗi năm tại Poly có tổ chức ngày Văn hóa thế giới, Journée Internationale để các sinh viên ngoại quốc giới thiệu sản phẩm của xứ mình. Các chị  sinh viên Việt nam với chiếc áo dài ‘quốc hồn’ như trong hình, lo phần ẩm thực như bánh phồng tôm, chả giò, cơm chiên, còn các anh lo khiêng vác, dọn dẹp.

Journée Internationale — Giới thiệu văn hóa và ẩm thực Việt Nam năm 1974 tại Polytechnique: Trần Bạch Liên, Lê Đức, Nguyễn Phát Quang, Lâm Thúy Vân… những chiếc áo dài Việt Nam thướt tha.

Yêu Nước

Tháng giêng 1974, khi Trung Cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, chúng tôi bỏ học một ngày khi mới tựu trường hai tuần. Hai chuyến xe bus đưa sinh viên từ Montréal, đa số từ Polytechnique cùng với sinh viên Ottawa đã biểu tình tại Quốc hội Canada rồi sau đó tới Tòa đại sứ Trung Cộng, hô hào đả đảo bằng tiếng Tàu. Thật không may mắn là sau biểu tình, phóng viên Montréal vui đùa liệng tuyết với nhau tại đại học Ottawa làm hư máy và hư mất hình luôn.

Và năm sau, sinh viên Việt Nam lại biểu Tình chống Cộng sản miền Bắc tại Quốc hội Canada, trước ngày mất nước năm 1975.

Sinh viên có biết trách nhiệm, có yêu nước không?

Cuộc biểu tình của sinh viên Viêt Nam chống Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa (1/1974 tại Ottawa). Ảnh: DCVOnline.


Sinh viên Việt Nam biểu tình tại Ottawa trước tháng 4, 1975.

PLAN COLOMBO

Chương trình Colombo được thành lập năm 1951 tại thủ đô Colombo của xứ Tích Lan (Ceylan/Sri Lanka). Canada, Úc Đại Lợi (Australia), Tân Tây Lan (New Zealand) và Nhật Bản là những xứ cho nhiều học bổng cho sinh viên của những nước hội viên như Việt Nam, Singapore, Mã Lai (Malaysia), Campuchia, Lào, Senegal, v.v.

Plan Colombo Canada Khóa 1, năm 1958, có những sinh viên sau là giáo sư Poly như Bùi Thiệu Tường, Lê Tường Khánh, v.v. Khóa thứ 2 năm 1959 có khoảng 10 người gồm Trần Anh Kiệt, Nguyễn Đình Diệm, Nguyễn Ngọc Đoan, Đinh Công Bảng ở Poly và vài chị ở Université de Montréal (Đỗ thị Soi, Alice Hồ V Hạp). Ở Laval cũng khoảng 10 người: Trịnh Ngọc Giao, Nguyễn Ngọc Định, Lê Tấn Kiệt. Chương trình Poly học 5 năm nhưng có Tú tài 2 Pháp thì vào thẳng năm thứ 2. Bác sỹ Từ Uyên và TS Lý Thành Đáng được tu nghiệp ngành Y tế vào năm 1960.

Những khóa kế tiếp ở Poly có Vũ Ngọc Can, Quản Tú Anh, Nguyễn Duy Khiêm, Quách Thanh Tùng, Lê Văn Thiện, Vương Gia Tòng, Ngô Trọng Cường, Phạm Thông, Tống Thị Vân Khanh, Trần Thị Thu Lan, v.v.

Mỗi năm có khoảng 20 học bổng Colombo, chia đều cho sinh viên học ở Montréal và Đại học Laval (tp Québec). Từ năm 1964 với 40 học bổng thì có thêm sinh viên ở đại học Sherbrooke và các trường tiếng Anh như McGill và Ottawa.

Hối suất USD và Đồng Việt Nam

Học bổng năm 1958 được 140CAD, tới 1965 là 150$, năm 1966 165$. Sinh viên được cấp đầy đủ tiền mua sách vở, đóng học phí và tiền nghỉ hè. Nhiều sinh viên đã gởi tiền về nuôi gia đình ở tỉnh. Nếu chẳng may bị bệnh thì vô Hôpital des Anciens Combattants (bệnh viện dành cho cựu chiến binh).

Để so sánh, trong cùng thời gian, học bổng quốc gia (VNCH) từ 75$, tăng lên 150$ rồi 250$ vào năm 1973. Sinh viên du học tự túc được đổi 150CAD từ năm 1968. Giá dollar Can cao hơn dollar Mỹ một chút, và giá chính thức như hình bên.

Giá chợ đen còn cao hơn.

Trường Poly không muốn cho sinh viên Colombo học lên cao học hay tiến sĩ, khác với Laval, Sherbrooke, Ottawa, McGill cho nên sinh viên phải về nước hoặc phải đi truờng khác để tiếp tục học cao lên. Từ 1970  Poly mới nhận nhiều sinh viên Việt Nam học sau bậc cử nhân.

Chương trình Colombo Khóa 1967 tại Canada có khoảng 30 học bổng và là khóa chót cho sinh viên Việt Nam.

Đội trong mơ ( Dream Team)

Tôi muốn viết ra đây để nói lên lời cám ơn như một sinh viên khóa đàn em cùng niềm hãnh diện cho Việt Nam với hình ảnh tốt đẹp. Việc đó đã  đem lại sự ưu ái đến người Việt Nam tỵ nạn sau này.

Thật vậy Tổng trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh (Tiến sỹ Dược khoa Pháp), năm 1973 trong phần phát thưởng tại trường Petrus Trương Vĩnh Ký có nêu lên sự thành công đậu 100%  của khóa 1972 ban B và các cựu học sinh Petrus du học xuất sắc tại Canada, bình thường là 70-80%. Ông muốn nhắc đến khóa 1966-1970 tại trường Polytechnique. Trong khóa này thì 10 người tốt nghiệp hàng đầu (top ten) thì 6 người là Việt Nam với hạng nhứt Mécanique (Lê văn Ngàn 4/4, Nguyễn Vĩnh Mỹ, Lâm Chí Hùng, Ngô Anh Dũng), Électrique (Huỳnh Hữu Lễ), Chimie (Trịnh Bá Tài), Métallurgie (Nguyễn Duy Phúc). Tinh thần dân tộc Québecois không thấp.

Ban A: dự thi 77, trúng tuyển 71, với 2 Ưu, “112” Bình (con số “112” in trong Kỷ yếu Trương Vĩnh Ký 1972-1973 là một lỗi đánh máy. Số học sinh đậu Bình phải nhỏ hơn 71. Nó có thể là 11, 12 hoặc 2), 17 Bình thứ, tỉ lệ thi đậu là 92%.

Nên nhớ năm 1966, thời chính phủ Nguyễn cao Kỳ, Tổng trưởng Giáo Dục Lê Minh Trí từ chối học bổng của Pháp (25 học bổng?) cùng lúc Việt Nam Cộng hòa xin thêm học bổng Colombo ở Canada và Úc Đại Lợi. Do đó đa số học sinh ưu tú Việt Nam dồn về 2 xứ này.

Khi xưa phải học hết môn rồi thi tất cả vào cuối năm; nếu rớt chỉ được thi lại 1 lần và nếu không được nữa thì …ra trường sớm. Điểm cao thì được A (top 10) tương đương 4 điểm. Phải học tối thiểu 120 credits tùy lựa chọn mới tốt nghiệp. Ra trường 4/4 thì được ghi là Très Grande Distinction trong bằng cấp Baccalauréat es Sciences Appliquées (B.Sc.A.), trên 3.8/4 là Grande Dictinction, v.v. Tới năm 1976 thì ra trường với văn bằng B. Ing. không có hạng thứ. Học Maîtrise (cao học) thì tối thiểu phải mất 1.5 năm, Doctorat (tiến sĩ) thì ít nhất là 3 năm.

Từ năm 1969 thì Poly đổi qua học Tín chỉ (crédit), một năm có 2 học kỳ 4 tháng, rớt môn nào học lại môn đó chớ không phải ở lại lớp như xưa. Vì thế sinh viên Việt Nam ở Bắc Mỹ tốt nghiệp cao hơn ở Âu Châu.

Cũng nên nói qua cách học của sinh viên Việt Nam tại Poly. Đa số sinh viên lên trường học ban đêm và cuối tuần trong các phòng học trống, học tới mấy giờ cũng được, sướng hơn học ở Thư viện đóng cửa sớm, và họ tránh ở nhà gần giường ngủ và gần tủ lạnh… Ngoài ra, học ở trường được đàn anh chỉ bài học, bài tập, đề thi và nhất là các anh đang học cao học, tiến sĩ chấm bài thi giùm giáo sư, rộng rãi với sinh viên Việt Nam hơn. Các nữ sinh viên được đàn anh chăm lo chu đáo, kèm…kẹp kỹ hơn nữa! Năm 1973, ở Poly có khoảng 20 sinh Việt Nam theo học bậc cao học và tiến sĩ trong 70 người, và rất ít nữ sinh viên.

Nhóm Thân cộng

Tôi có dịp quen biết nhiều bạn du học sinh thân cộng từ Nhật, Đức, Pháp, Québec, Sherbrooke, Montréal. Họ cũng là người từ miền nam, Việt Nam Cộng Hòa, đi du học với sự đóng góp gián tiếp của dân miền nam; do khác biệt từ hối đoái chính thức và chợ đen nghĩa là VNCH mất ngoại tệ. Đa số những sinh viên thân cộng đó có liên hệ với Hội Đoàn Kết, Hội Việt Kiều Yêu Nước Montréal. Họ có chừng 30 người nhưng chỉ 5 người là ồn ào, to tiếng, thủ đoạn, hay chửi bới VNCH số còn lại là cảm tình viên, tình bằng hữu, cùng yêu nước, thích triết Karl Marx nhưng không chống lại VNCH. Không ai là đảng viên cộng sản. Đa số học ở Sherbrooke và Laval, lên Montréal làm việc sinh sống và thường là giáo sư CEGEP hoặc Đại học. Vài đứa to mồm bị phe ta ‘đục’ hay nhờ Còi (Quebecois) để dấu kỷ niệm.

Họ là những người bạn dễ thương, tử tế nhưng cảm tính họ lớn hơn, thắng óc lý luận, ngây thơ giữa sự thật và sự giả dối vì tuyên truyền của cộng sản quá tinh vi. Thế giới còn bị mắc lừa huống chi những sinh viên non nớt. Đa số họ bất mãn VNCH vì cha mẹ bị thất sủng, thấy bất công tham nhũng vì chỉ đọc báo ‘loạn’ VNCH và bị tuyên truyền tinh vi của cộng sản, sợ về nước sống gian khổ vất vả, v.v. Ngày nào TV ở Canada cũng chiếu cảnh B52 Mỹ trải thảm bom ngoài bắc, màn trực thăng xả đại liên, cùng những bài báo phản chiến, v.v.

Sinh viên “yêu nước” trốn quân dịch không về nước: (từ trái qua phải): Lương Châu Phước, Đỗ Đức Viên, Trần Tuấn Dũng, và Nguyễn Văn Nhã. 1970. Nguồn: Tạp chí PARADE/Washington Post June 14, 1970

 Xin ghi lại vài lời chia sẻ về những người bạn thân cộng như sau.

“Nó học với tui từ Đệ thất Petrus ký tới lúc du học Colombo; ít nói ít chính trị mà tự nhiên từ năm thứ ba đại học nó ngã theo VC. Không có quốc tịch Canada, không gái gú, không rượu chè, thích ăn cá và bác Hồ! Tui với nó vẫn là bạn thân và vẫn liên lạc. Nó về Việt Nam ra Bắc sống mấy năm, bây giờ sáng mắt ra nhưng không dám than, chỉ lắc đầu.”

“Ổng đi biểu tình ở Pháp bị cha vợ tương lai cảnh cáo mà vẫn tiếp tục nên bị mất vị hôn thê.”

“Anh em chỉ gặp mặt lúc giỗ kỵ mà vẫn cãi nhau khi nói chính trị Việt Nam, tránh khó quá.”

“Chắc ổng ăn ‘mắm’ nhiều quá.”

“Tôi thấy Mỹ đảo chánh ông Diệm và oanh tạc miền Bắc tôi, ăn hiếp nước nghèo nên bất bình.”

”Nó học ở Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, hiền khô và có ông anh xuất sắc ở Võ bị Đalạt. Cũng gặp vài lần tuy không thân, có tham dự thể thao mà qua đây sao nó thành ‘tinh’ không hiểu được?”

Ngoài sự phản bội từ nơi nuôi nấng, họ còn tự lừa dối chính mình…Trí thức phải là người biết ngượng? Thập niên 80, nhờ đặt ‘trúng cửa’ Thương cảng Saigon nên Beaudry trúng mánh hơn Paris mà hốt bạc. Báo Đất Việt nổ liên tục, tố cáo tội ác chế độ Mỹ-Ngụy. Nhưng khi biết Cộng sản là gian xảo, độc ác và tham lam thì đã trễ, nhưng ít có ‘Lời sám hối muộn màng’!

Đời Sống

Đa số sinh viên tự túc đi làm hè ‘chui’ vì theo đúng luật sinh viên ngoại quốc chỉ có Visa Étudiant không được đi làm, Học bổng còn khắt khe hơn. Được làm trong xưởng (manufacture) là sướng lắm rồi vì sạch sẽ, đúng giờ giấc và lương hơn minimum (1.50$/giờ), số còn lại làm busboy (dọn bàn), plongeur (rửa chén) trong nhà hàng. Đi làm như thế là đủ 50% tiền học trong năm.

Sinh viên Montréal thì ở nhà mướn, apartement, càng xa Đại học thì càng rẻ như khu Côtes des Neiges, Barclay hay ở dưới hầm (sous sol). Mướn 3 phòng ngủ nhưng ở 4-5 đứa là chuyện thường, tiết kiệm, vui vẻ và ít sợ ‘ma’ nhưng gây lộn vì bếp núc và tủ lạnh cũng không ít. Đầu tháng Bảy là bạn bè thay phiên phụ nhau dọn nhà, khiêng matelas (nệm ngủ) lên xuống hay từ đầu đường đến cuối đường, vui vui.

Đi chợ thì rất đơn giản. Chợ Steinberg ở centre Van Horne/Wilderton  chỉ có thịt bò steak, thit bò bằm/xay, thịt heo côtelettes, thịt gà và laitues Iceberg, celery rồi tự ôm bao giấy về. Chỉ có bánh mì sandwich và ít có cá. Nếu đi chợ Quatre Frères ở đường St. Laurent  thì rẻ hơn và nếu mua trên 40$ được giao tận nhà. Mỗi sinh viên tốn 20$/tuần nếu tự nấu và làm sandwiches ăn trưa. Không sinh viên nào không biết nấu món Spaghetti, phở gà, gà rôti, trứng chiên, hot dog và mì gói ăn liền.

Steinberg’s, trung tâm mua sắm Wilderton, Montreal, 1960.

Những năm đầu tôi bị sốc khi thấy mọi người Bắc Mỹ uống nước bằng robinet hay hả miệng cho vòi nước vào miệng. Tôi uống sữa và uống nước cam Sunkist congéle, rẻ tiền và bổ hơn nước chai.

Phố Tàu Montréal thì có tiệm ăn Sun Ko Ming, Tai Sun; tiệm ‘chạp phô’ Leon Jung ở đường Clark bán nước mắm muối, tương đen, gạo, bánh phở, mì cộng thêm những con dế Hong Kong’ (con dán) miễn phí. Cho nên apartements Việt Nam ở thường có dán chạy tầng này lên tầng khác. Góc đường Clark / Lagauchetiere có tiệm café Rickshaw để ăn khuya hay ăn ‘sương’!

Những năm đầu 1970, một gallon imperial Canada (4.54 lít) xăng chỉ có 0.75$, vé bus 0.25$; chưa có thẻ crédit và giấy tờ không có hình ảnh gì hết. Đôi lúc sinh viên Việt Nam bị cấm không cho vào rạp coi phim Emmanuelle vì mặt mày trông còn quá trẻ để coi phim người lớn!

Thay lời kết luận

Thôi đã nhiều chuyện lắm rồi, Tôi sợ mang tiếng 3D: Dài Dai Dở nên xin ngừng nơi đây.

Xin lỗi quý anh chị khi nêu tên và đưa hình ảnh ngày xưa chỉ với mục đích ghi lại chút kỷ niệm đẹp của thời sinh viên du học.

Cám ơn các anh Trần Anh Kiệt, Nguyễn Duy Khiêm, Phạm Thông, Lê Văn Ngàn, Lê Văn Sỹ, Lê Phan Lân, Chung Duy Ân.

Không quên tưởng nhớ các anh Nguyễn Hùng Phát, Lê Văn Thanh, Lâm Chí Hùng và Dương Tâm Chí, cùng những đàn anh quí mến và khả kính khác.

Bài này viết theo trí nhớ của 50 năm trước và lời kể của các niên trưởng 60 năm đã qua. Nếu có sai sót tên và năm tháng, v.v. thì quay anh chị xin vui lòng bỏ qua và bổ túc thêm. Hình đã khó kiếm, mắt mờ nhìn khó ra người xưa, trí lại lú lẫn nữa!

Chúc độc giả một mùa Giáng Sinh Thân tâm An Lạc

nguyenphatquang@hotmail.com

NOEL 2021 cập nhật NOEL 2022.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài viết do tác giả gởi, hình ảnh do tác giả sưu tập. DCVOnline chỉnh sửa và trình bầy bổ túc.

NGUỒN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire