lundi 26 novembre 2012

Vương Quốc Tình Yêu


Vương Quốc Tình Yêu


Hôm nay Giáo hội mừng kính Đức Giê-su là Vua vũ trụ. Đức Kitô quả thật là Vua Vũ Trụ vì Ngài chính là Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo nên vũ trụ xinh đẹp này. Tuy nhiên, không giống các vị vua ở trần gian, dùng sức mạnh và vũ lực để cai trị, trong vương quốc của Đức Giê-su không còn chỗ cho bạo lực, chiến tranh,... mà chỉ có chỗ cho tình yêu. Vì yêu thương nên Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người trở nên công dân của vương quốc này, và tình yêu cũng chính là căn tính của mọi công dân.

Trên thế giới của chúng ta đang sống, mọi người thường hay nói về giấc mơ Mỹ. Có rất nhiều người muốn trở thành công dân của đất nước nước giàu có này. Vì thế, chính phủ Mỹ rất hạn chế trong việc chấp nhận cho công dân một nước khác trở thành công dân Mỹ. Vương quốc của Giê-su thì khác, tất cả mọi người đều được mời gọi gia nhập vương quốc của Ngài. Lời mời gọi yêu thương được Thiên Chúa dành cho mỗi người và từng người, không phân biệt tuổi tác, địa vị, sang giàu. Mọi người được mời gọi để tự do gia nhập vương quốc này. Ai cũng được mời gọi gia nhập, nhưng ai cũng có quyền khước từ. Tự do của con người lớn đến nỗi thánh Âutinh đã nói: Khi Thiên Chúa tạo dựng nên con Ngài không cần hỏi ý kiến con, nhưng khi cứu chuộc con, Ngài cần sự hợp tác của con.

Vì là một vương quốc của tình yêu, nên Ngài không cần phải có một bộ luật cứng rắn hay một quân đội hùng mạnh để điều hành. Tất cả chỉ dựa trên tình yêu. Chính Đức Giê-su xuống trần gian để làm chứng cho tình yêu. Ngài rao giảng, thi ân và trao ban sự tha thứ. Ngài chạnh lòng thương trước những mãnh đời bất hạnh. Trái tim Ngài thổn thức trước những nghịch cảnh của con người. Đi đến đâu ngài thi ân giáng phúc tới đó.
Tình yêu của Ngài lên cực điểm trong những giây phút cuối đời, khi Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, khi Ngài tha thứ cho kẻ phản bội mình, khi Ngài an ủi người môn đệ thân tín chối bỏ mình. Hơn hết, tình yêu đó vượt qua mọi giới hạn, vượt qua hận thù và sự dữ khi Ngài đã tha thứ cho kẻ giết mình. Thánh giá diễn tả tình yêu của Chúa Giê-su dành cho Chúa Cha và cho con người.

Vì Thiên Chúa là Tình Yêu và vương quốc Ngài là vương quốc tình yêu, nên Ngài cũng muốn tình yêu chính là căn tính của mọi công dân trong vương quốc của Ngài. Chúa Giê-su đã trở thành một mẫu gương sống động cho tất cả con dân của mình. Chính Ngài đã nhắn nhủ các môn đệ rằng "Anh em hãy yêu tha nhân như chính Thầy đã yêu anh em" (Ga 15,12). Mỗi người con dân của vương quốc Chúa Giê-su sẽ nhận được một thẻ căn cước khi sống điều răn duy nhất này. Vì “ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35). Vâng, tình yêu chính là căn tính của người môn đệ, của những ai xưng mình là Kitô hữu.

Mừng lễ Chúa Ki-tô là vua vũ trụ hôm nay, chúng ta nhận ra rằng trong thế giới ngày hôm nay vẫn còn rất nhiều người khước từ lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, từ chối gia nhập vương quốc tình yêu của Ngài. Dưới sự ảnh hưởng và sự lan tràn của chủ nghĩa tục hoá và chủ nghĩa vô thần, con người ngày nay vẫn đang tự giam mình trong bóng tối sự chết và bịt tai trước lời mời gọi yêu thương của Chúa. Tuy nhiên, những nỗ lực của Giáo hội trong công cuộc Tân Phúc Âm Hoá cho ta thấy được phần nào sự kiên nhẫn và lòng thương xót Chúa vẫn luôn lớn hơn sự bất trung và dửng dưng của con người. Dù con người có bưng tai bịt mắt, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung tín với lời mời gọi của mình. Lời Ngài vẫn luôn cất lên. Ngài vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi.


Mừng lễ Chúa Kitô là Vua hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi để xét lại đời sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta đã thực sự đặt Chúa là tâm điểm của cuộc đời mình chưa? Chúa có thực sự là vua của chúng ta trong mỗi lựa chọn của chúng ta trong đời sống thương ngày chưa? Chúng ta đã sống chiều kích tình yêu của vương quốc Đức Giêsu chưa? Chắc chắn rằng, chúng ta chưa sống trọn hảo chiều kích này, vì vẫn còn đó rất nhiều người không nhận ra lời chứng của chúng ta trong đời sống thường ngày của mình.

Lạy Chúa Giê-su
Tạ ơn Chúa vì đã đón nhận chúng con vào vương quốc của Ngài
Xin cho chúng con sống xứng đáng với tình yêu của Chúa
ngang qua việc làm chứng cho Tình Yêu.
Trong một thế giới đang bị tàn phá bởi chiến tranh và hận thù,
xin cho chúng con biết quảng đại  và tha thứ,
trong một thế giới đầy chia rẽ,
xin cho chúng con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất
trong một thế giới chạy theo tiền bạc
xin cho chúng con dám làm chứng cho Tình Yêu.



Nguyễn Minh Triệu sj

Nguồn vietvatican.net

samedi 24 novembre 2012

Mỗi buổi sáng thức dậy

 
Mỗi buổi sáng  thức dậy
 
 
« Mỗi buổi sáng khi em mở mắt thức dậy, em đều nhìn ngay ra cửa số, thấy ánh sáng, thấy mặt trời,
em mừng lắm chị à. Em tạ ơn Chúa đã cho em sống thêm một ngày nữa ! »
Em và tôi không có nhiều kỷ niệm riêng với nhau, ngoài những gặp gỡ tại giáo xứ và trong các sinh hoạt với ban giáo lý viên. Em khá bảnh trai, gương mặt tròn trịa, thông minh, lúc nào cũng sáng ngời nhờ nụ cười đôn hậu. Tuy vóc dáng nhỏ thó, giọng nói của em rất là to khoẻ. Cách đây hai năm, lớp giáo lý do em phụ trách ở ngay trước phòng học của lớp tôi. Qua cánh cửa đóng kín, tôi và các học trò vẫn còn nghe giọng nói của em sang sảng vọng vào lớp chúng tôi. Thuở ấy, vợ chồng em thuộc vào các giáo lý viên ‘kỳ cựu’, còn tôi thì rất là ngơ ngác trong công tác này. Nhưng bao giờ vợ chồng em cũng khiêm nhường, thân ái trong lời ăn tiếng nói với tôi. Tuy bề ngoài trầm tĩnh, hiền lành, em lại rất là kiên quyết trong các ý kiến của mình khi bàn thảo với nhau về các vấn đề chung của ban GL.
Cách đây hai năm, em lâm vào căn bệnh hiểm nghèo, căn bệnh của thời đại ngày nay : ung thư. Sức khoẻ của em giảm dần. Mặc dầu vậy, lúc nào tự đi đứng được, em đều đến giáo xứ tham dự thánh lễ. Tôi vẫn hay đến gặp chào em, nhưng không bao giờ tôi dám hỏi đến bệnh trạng của em nhiều hơn những điều tôi đã biết. Cuối tháng tám vừa qua, được vợ em báo tin em vừa qua một cuộc giải phẫu nặng nề, và dự đoán của bác sĩ về sự sống còn của em không được khả quan, tôi nhất định phải đến gặp em. Lúc đó, tôi chưa hiểu được điều gì đã thúc dục tôi mạnh mẽ như thế, vì trong tình trạng của em, việc thăm viếng chỉ nên dành cho gia đình và bạn bè rất thân để tránh cho em mệt mỏi thêm. Tôi thật cám ơn vợ của em đã nhận lời tôi yêu cầu. Vì cuộc gặp gỡ đó là một trong những sự kiện đã ghi dấu rất quan trọng trong cuộc đời tôi.
Ngay từ lúc đứng ở cửa phòng để chờ một người bạn đang chào em ra về, tôi đã rất ngỡ ngàng khi thoáng thấy vóc dáng của em. Em ốm và tiều tụy như một đứa trẻ lên mười ! Gương mặt em không còn một thớ thịt nào cả, hai má em thóp lại, em ngồi xếp bằng nơi cuối giường, với một vòng băng trắng dày quấn chung quanh đầu để che vết mỗ. Tim tôi thót lại đau nhói và chân tôi như bị chôn tại chỗ mấy giây đồng hồ. Khi đến hôn chào em, dù cố gắng kiềm chế, nước mắt tôi cứ dần dần tuôn ra…Tôi kéo ghế ngồi xuống, rồi tự nhiên nắm lấy tay em. Hai bàn tay chúng tôi không rời nhau cho đến lúc tôi ra về. Thỉnh thoảng trong câu chuyện, em lại xiết nhẹ tay tôi. Tôi cảm nhận được qua kinh nghiệm, nắm tay một người trong lúc họ đang chao đảo, cô đơn, lo sợ, là cần thiết và quý báu hơn muôn ngàn ngôn từ hoa mỹ mà tình trạng của họ lúc đó không thể nào tiếp nhận được. Có lẽ tôi may mắn, hôm đó em vẫn còn nói chuyện được nhiều mà không bị hụt hơi. Câu mở đầu của em như một yêu cầu, hay đúng hơn là một nài xin : « Chị đừng buồn, đừng khóc, mà phải vui với gia đình em !» Có lẽ em đã thấy quá nhiều nước mắt chảy ra vì thương tâm trước hoàn cảnh của em, nhưng chắc ít ai có thể xuyên suốt được, trong một lần tiếp xúc ngắn ngũi với em, Đức-Tin mãnh liệt nơi em trong những giờ phút cuối cùng ở thế gian. Trong từng hơi thở đứt quãng, em miên man chia sẻ với tôi những gì vụt qua tim qua óc, như thể em đã đoán được rằng em sẽ không còn có dịp để trao đổi với tôi lần nữa :
 
"... Chúa đã cho chúng em cơ hội để chuẩn bị tất cả mọi sự... Chị đến thăm em là vì thương em, là Chúa đến thăm em… Em cảm tạ Chúa đã cho em có ngày này, để em được mọi người đến thăm, bày tỏ tình yêu của Chúa….Em chảy nước mắt đây, không phải vì em buồn đâu, mà vì em vui mừng chị à !" ..."Mỗi buổi sáng khi em mở mắt thức dậy, em đều nhìn ngay ra cửa số, thấy ánh sáng,thấy mặt trời, em mừng lắm chị à. Em tạ ơn Chúa đã cho em sống thêm một ngày nữa ! "... "Mình cứ đi tìm cái gì tốt đẹp cho mình, nhưng cái Chúa cho đôi khi là như thế này đây. Chính vì em ốm yếu, xấu xí, tàn tạ, nên Chúa mới đến với em. Chính vì em hơi tàn sức cạn, Chúa mới là sức mạnh của em, như thánh Phaolô nói : « Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh"…"Chị có thời gian và điều kiện thì nên trở lại với lớp giáo lý. Các em cần mình dẫn dắt đến gần Chúa hơn. Và chính mình cũng sẽ có cơ hội đến gần Chúa… Có những người dạy giáo lý vì cho là mình có nhiều kiến thức, mình hay, mình giỏi. Hỏng, hỏng hết !...Đừng bao giờ nói chữ 'dạy '. Chúa làm việc qua mình. Mình chỉ là công cụ của Chúa."... "Cuối cùng lại cuộc đời này còn gì ? Kiến thức, tài ba, sắc đẹp, sức khoẻ ? Chỉ còn lại tình thương mà thôi !" …" Cầu nguyện cho em, để em đừng bao giờ xa Chúa, vì mệt mỏi, quên sít, vì sợ hãi, vì những lý do nào đó mà chính em cũng không hiểu được. Em không nói chuyện đạo đức đâu chị à, giờ phút này không còn là lúc để em nói lung tung..."
 
Tôi vừa nghe em nói, vừa như bị em lôi cuốn vào trong ánh mắt nhìn của em. Một ánh mắt sáng long lanh, tràn đầy yêu thương và khẩn khoản. Ánh mắt đối với tôi sao quen thuộc như thế ? Tôi đã thoáng gặp cái nhìn đó nhiều lần lắm, ở đâu ? lúc nào ? Thấy em đã thấm mệt, tôi bảo em ngã lưng nằm nghỉ một chút, nhưng em không chịu, em sợ nằm rồi em sẽ không bao giờ còn ngồi dậy được. Thấy mình đã ở khá lâu với em, tôi xin phép ra về, và hẹn lần sau đến sẽ trò chuyện với em nhiều hơn. Em ngắt lời tôi : « Chị không cần thăm em lần sau đâu ! Đường đi xa xôi quá ! Chị ở nhà, nhớ đến em và cầu nguyện cho em đủ rồi ! » Tôi đứng dậy cúi hôn lên trán em. Ánh mắt chúng tôi chạm vào nhau, không biết là bao lâu, nhưng đối với tôi lúc đó thời gian như dừng lại, và không gian không còn là căn phòng bệnh viện buồn tẻ nữa. Tôi thấy mình bị nhấc bổng lên thật cao, lên đến một ngọn đồi hoang sơ, chỉ có nắng và cát. Trên đỉnh đồi, từ cây thập giá cũ xưa mà thời gian đã làm rạn nứt từng thớ gỗ, có một ánh mắt nhìn tôi, nhìn nhân loại bao la...Ánh mắt chứa đựng sâu thẳm lời gọi mời thống hối, tha thứ, yêu thương. Vòng băng trắng chung quanh đầu em, giờ phút ấy giống như vòng mão gai của hơn 2000 năm trước. Không phải là máu, nhưng trên trán em cũng đang rịn ra những giọt mồ hôi từ đớn đau thể xác vì thuốc men nhiều quá làm cho em thường thấy nóng bức khó chịu trong người. Em ơi ! Em bảo rằng tôi đến thăm em là Chúa Giêsu đang đến thăm em. Còn tôi khi đối diện với em, tôi đã được sống cảm nghiệm thế nào là gặp gỡ Đấng Cứu Thế nơi người anh em bé nhỏ, đau khổ mà mình tiếp cận gần gũi mỗi ngày. Tôi chợt ao ước, nếu có phép lạ cho em mạnh khoẻ lại như xưa, tôi sẽ mời em tham dự một khóa ba ngày với Phong Trào Cursillo. Chắc chắn là em sẽ tâm đắc ngay với linh đạo của PT, vì em đã sống hoán cải từng ngày, vì sức mạnh giúp em chấp nhận Thánh Ý Chúa trong cơn thử thách và chuẩn bị tinh thần cho vợ con trong giây phút biệt ly sắp tới, sức mạnh đó đã bén rễ từ Niềm Tin ở Đức Kitô. Em là một nhân chứng sống động cho yêu thương và cậy trông trong cuộc đời rất bình thường của một giáo dân, một người chồng, một người cha.
Hai tuần sau đó, em đã khép mắt lại vĩnh viễn, sau nửa thế kỷ đời người trên chặng đường lữ hành trần thế. Thời tiết đã thay đổi biết bao nhiêu lần. Qua hết những ngày hè nắng ấm. Nối tiếp theo những trận mưa rào. Lá vàng bắt đầu rơi rụng. Và hơi lạnh cuối năm đang bàng bạc chung quanh… Mỗi sáng thức giấc, tôi đều nhìn ra bầu trời bên ngoài. Dù là nắng hay mưa, trời mù sương hay sáng tỏ, tôi đều cùng em dâng ngày bằng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa. Em đã ra đi thêm một ngày, tôi sống được thêm một ngày. Và như thế là chúng ta lại có chung với nhau một ngày nữa phải không em ? Một ngày của Tin-Cậy-Mến./.
Nhớ về H. - Tháng các linh hồn
11.2012 *K7 

Phạm Anh sưu tầm

vendredi 23 novembre 2012

Classements canadiens des universités,Les étudiants apprécient toujours autant l’Université de Sherbrooke

Équipe Vert et Or

Les étudiants apprécient toujours autant l’Université de Sherbrooke

<p>L’UdeS reçoit aussi la meilleure cote au Canada pour la qualité des services pédagogiques, des services d’information professionnelle et d’orientation, de ses bibliothèques ainsi que des services de préparation à la carrière et de placement.</p>

L’UdeS reçoit aussi la meilleure cote au Canada pour la qualité des services pédagogiques, des services d’information professionnelle et d’orientation, de ses bibliothèques ainsi que des services de préparation à la carrière et de placement.
Photo : Archives

21 novembre 2012
Les grands classements nationaux publiés récemment par le quotidien torontois The Globe and Mail, le magazine Maclean’s et la firme Research Infosource confirment une fois de plus la satisfaction des étudiantes et étudiants envers l’Université de Sherbrooke. Les classements mettent également en évidence son innovation et son excellente réputation parmi les universités canadiennes.
Le sondage mené par The Globe and Mail auprès des étudiantes et étudiants canadiens confirme que l'Université de Sherbrooke fait partie des universités les mieux cotées et les plus appréciées au Canada. Les étudiantes et étudiants de l’UdeS lui attribuent la 3e meilleure cote au pays dans la catégorie des grandes et moyennes universités, tout juste derrière l’Université Queen’s et l’Université de Guelph.
Selon cette enquête, Sherbrooke est en tête des universités canadiennes en ce qui a trait aux services offerts aux étudiants, au sentiment de sécurité éprouvé sur ses campus, à la qualité du transport en commun et à son engagement envers le développement durable.
Elle reçoit aussi la meilleure cote au Canada pour la qualité des services pédagogiques, des services d’information professionnelle et d’orientation, de ses bibliothèques ainsi que des services de préparation à la carrière et de placement. La qualité de vie à Sherbrooke de même que la disponibilité et le coût du logement hors campus font également partie des éléments qui la rendent très appréciée.
Enfin, parmi les grandes et moyennes universités, l’UdeS se situe première quant à la taille des classes, à la qualité du matériel pédagogique fourni, au développement des capacités à analyser et à résoudre des problèmes ainsi qu’aux possibilités offertes aux étudiantes et étudiants de premier cycle de s’initier à la recherche.

Palmarès du magazine Maclean’s

Pour sa part, le palmarès des universités canadiennes publié par le magazine Maclean's place l’Université de Montréal, l’Université Laval et l’Université de Sherbrooke côte à côte respectivement aux 12e, 13e et 14e rangs des grandes universités canadiennes offrant des formations de 3e cycle et dotées d’une faculté de médecine.
Parmi les éléments à signaler, retenons l’excellent classement de l’UdeS au niveau de sa réputation à l’échelle canadienne, soit la 7e place au Canada et la 1re francophone. Le sondage sur la réputation, mené auprès de 8000 dirigeants, recruteurs, directeurs d'école et conseillers en orientation d’un océan à l'autre, atteste que l'Université de Sherbrooke est particulièrement reconnue pour son leadership et son innovation.
Le magazine Maclean’s présente également quelques résultats de l’Enquête nationale sur la participation étudiante menée en 2011, tant auprès des nouveaux étudiants que de ceux qui complètent leur formation. L’Université Bishop’s et l’Université de Sherbrooke figurent toutes deux en tête des universités québécoises – et largement au-dessus de la moyenne canadienne – quant à l’évaluation de l’expérience éducationnelle ainsi que du choix de l’institution, si ce choix était à refaire. Ce bulletin illustre à quel point les étudiants vivent concrètement le concept «Sherbrooke, ville universitaire».

Des avancées importantes en recherche

Selon le classement 2012 de la firme Research Infosource, l’Université de Sherbrooke consolide sa position au Club des 100 M$, un groupe sélect des universités ayant chacune plus de 100 M$ en octrois pour la recherche. Les subventions et contrats obtenus ont connu une hausse de plus de 30 %, passant de 111,9 M$ en 2010 à 145,5 M$ en 2011. Au classement général, l’UdeS occupe le 16e rang parmi toutes les universités canadiennes, une augmentation notable par rapport aux années précédentes.

jeudi 22 novembre 2012

Tâm Tình Biết Ơn (KĐ)

Kim Đoan 








Tâm Tình Biết Ơn
Xin tạ ơn Trời
Xin cảm ơn đời
Tạo vật muôn loài
Tình thương đồngloại.
Xin tạ ơn ơn Trời
Xin cảm ơn đời
Công ơn Cha Mẹ
Sinh thành dưỡng dục.


Xin tạ ơn Trời
Xin cảm ơn đời
Yêu thương hạnh phúc
Tình thân bạn bè.
Xin tạ ơn Trời
Xin cảm ơn đời
Hồng ân nhận trao
Vạn điều êm ấm.
Xin tạ ơn Trời
Xin cảm  ơn đời
Mơ ước hòa bình
Ấm no khắp chốn.
KĐ (Lễ Tạ Ơn 2012)

mercredi 21 novembre 2012

Vườn thiền

Vườn Thiền 
Ngọc Hân

Vườn thiền là một loại hình nghệ thuật phổ biến ở Nhật.
Các thiền sư Nhật đã mượn nghệ thuật nầy để tạo ra môi trường phù hợp cho việc tu học .
Tại kinh đô Kyoto ( Nhật Bản) , ngôi chùa Ryuanji (Long An) nổi tiếng khu vườn cảnh . Khu vườn cảnh này chẳng có bông hoa ,cỏ cây, mà chỉ được thiết kế bằng mười mấy hòn đá và rất nhiều cát trắng . Mới nhìn vào, chẳng có gì nổi bật cả nhưng trải qua sự thiết kế linh xảo của thiền giả thì lại rất có sức hấp dẫn kỳ diệu tạo cho người tham quan một cảm giác thư thái , dễ chịu .

Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng họ đã tìm ra điều bí mật đằng sau cảm giác thư thái đó: khu vườn hơn 5 thế kỷ đã gửi một thông điệp ẩn - một bức tranh “hình cây” - tới tiềm thức của chúng ta.
Vườn là một khoảnh sân hình chữ nhật, kích thước 30 x 10 mét, bao ba mặt là những bức tường đất, mặt thứ tư là hè gỗ. Bên trong được rải một lớp sỏi trắng và 15 tảng đá lớn. 15 tảng đá này có kích cỡ khác nhau, được xếp thành 5 khối riêng biệt. Mỗi ngày, thảm sỏi lại được đảo đều, theo hình vòng tròn quanh mỗi khối đá và theo hàng ở những chỗ còn lại. Những khối đá được sắp xếp khéo đến nỗi, dù bạn quan sát từ góc độ nào cũng chỉ thấy được 14 tảng. Từ lâu, người ta vẫn tin rằng khi đến thăm vườn Thiền, tinh thần của bạn sẽ được khai sáng.



Trong nhiều thế kỷ, nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích về khu vườn được UNESCO xếp vào hàng di sản thế giới này. Có giả thuyết cho rằng thảm sỏi trắng tượng trưng cho đại dương, và những hòn đá là các quần đảo của Nhật Bản. Giả thuyết khác lại nhìn thấy ở đó một gia đình nhà hổ, gồm một con mẹ và những con non, đang bơi qua một biển cát trắng… Tuy nhiên, vẫn chưa ai giải thích được sức hấp dẫn kỳ diệu của vườn Thiền. Nay, sử dụng những tính toán đối xứng, nhóm nghiên cứu của Gert Van Tonder, Đại học Kyoto, đã nhận ra hình một thân cây nằm trong những khoảng trống giữa những khối đá đó. Thân cây này cũng nằm thẳng hàng với một vị trí tốt nhất trong một ngôi đền cổ ở cạnh đó, để từ đây có thể nhìn ra vườn.
Van Tonder nói: “Một cách vô thức, chúng ta đã tri giác thấy hình thân cây ẩn, và chính nó đã đem lại vẻ quyến rũ bí ẩn cho vườn Thiền”. Van Tonder cũng đã thử tính toán trong trường hợp những khối đá được xếp ở các vị trí ngẫu nhiên khác. Kết quả là ông không hề tạo được một hình cây tương tự.
Điều đó chứng tỏ người xưa đã bố trí khu vườn này không phải theo một cách tình cờ. Và khu vườn, giống như nụ cười bí ẩn của Mona Lisa, hàng thế kỷ qua vẫn có sức quyến rũ với hàng triệu du khách.



Khu vườn trang trí bằng các hòn đá nầy được Tây phương biết đến dưới tên gọi là Vườn thiền (Zen garden , tiếng Nhật gọi là Zen niwa)) do nhà văn nữ Hoa kỳ Loraine Kuck viết trong cuốn sách " 100 khu vườn của Kyoto" ( 100 Gardens of Kyoto ) .
Các ngôi vườn Phật giáo thì đã có từ thế kỷ thứ 6, nhưng những nét đặc trưng về khung cảnh khô (dry landscape) của vườn thiền mãi đến thế kỷ 14 mới bắt đầu.
Một số vườn Thiền chỉ bao gồm sự kết hợp của các khối đá. Tuy nhiên những điểm nổi bật của một mảnh vườn Thiền Nhật bản thường là khung cảnh khô tạo nên một sắc thái giống các tranh vẽ 3 chiều. Mảnh vườn không quá lớn, kích thước gần với một sân chơi nhỏ hơn là một khu vườn. Dùng các hiệu ứng tâm lý tạo cảm giác về không gian và khoảng cách như là việc thiết trí các cây bonsai nhỏ làm nền.
Các non bộ (hay tảng đá) được đặt cẩn thận gợi cảm của núi non hùng vĩ. Cát được trải thành các dòng chảy nhỏ, tạo ra hình ảnh của nước.
Cách bài trí không đối xứng và dùng cây cỏ sắp xếp giản dị và là loại cây dễ tìm. Phản ánh khung cảnh thiên nhiên.

Nói chung , vườn thiền được thiết kế trên một diện tích nhỏ vài mét vuông với thảm sỏi trắng tinh , phiến đá lót đen tuyền , hai , ba tảng đá được lựa chọn kỹ ... Gam màu đặc biệt trầm. Ðá có ý nghĩa quan trọng trong vườn thiền (người Nhật tự tu dưỡng tinh thần bằng cách ngồi xem đá mọc). Vườn thiền được trang trí bằng những đường nét đơn giản hài hoà, tránh sơn màu loè loẹt , tôn trọng sự giản dị , thanh khiết.
Phong cách thiết kế vườn thiền còn ảnh hưởng sâu sắc đến kiểu thiết kế vườn hoa Trung Quốc. Ðặc biệt ngày nay, người ta chú trọng vào việc làm đẹp vườn nhà, làm đẹp tâm hồn, vậy nên vườn thiền có thể cung cấp cho các nhà thiết kế trang trí một sự tham khảo quí báu.
Triết lý của vườn thiền là một sự cố gắng nắm bắt tinh thần hay cốt tủy của thiên nhiên hơn là một sự bắt chước thiên nhiên. Do đó, các mảnh vườn này có thể rất trừu tượng. Với cõi lòng thư thái, bình thản nên khi bước chân vào những cảnh vườn như thế, ngồi yên lặng nơi cửa vườn, ngắm nhìn đá trắng như băng giá nhưng lại dịu dàng ấm áp, bất giác tâm hồn bay bổng trong cảnh trời biển bao la, hòa quyện trong thế giới sâu rộng huyền diệu của thiền.
Từng hạt cát, viên sỏi hay từng tảng đá cũng làm dấy lên trong lòng người một sự tư duy về mối tương duyên trong cuộc sống hay sự ảo hoá của kiếp người...
(Sưu tầm)






Vườn Thiền Nhật Bản

Chào các bạn! Các bạn có bao giờ để ý đến khu vườn nhà mình không? Kiểu như khu vườn nhà mình có mấy cây hoa, mấy cây rau, khi nào thì nở hoa nhiều nhất...Hoặc là thỉnh thoảng các bạn có sắp xếp lại mấy chậu cây cảnh để thay đổi không khí, hoặc khiến cho khu vườn của mình trở nên ý nghĩa hơn, cho dù ý nghĩa ấy chỉ có bạn mới nghĩ ra và cảm nhận được.


Thông thường thì các khu vườn phương Tây hay kể cả vườn Việt Nam nhà mình, hay trồng thật nhiều hoa với những sắc màu dịu dàng hay rực rỡ để tô điểm thêm cho căn nhà và khoảng sân, phải không? Nhưng với người Nhật, khu vườn không chỉ dùng để tô điểm cho căn nhà đâu. Làm vườn được họ coi là một nghệ thuật cao quý cần được lưu giữ vào bảo tồn. Và khu vườn chính là tuyệt tác của những nghệ nhân làm vườn. Mọi thứ từ cây cối cho đến những đồ vật đặt trong khu vườn đều có xu hướng thiên về tâm linh, một thứ tâm tưởng thuộc về nơi linh thiêng, cao quý. Nhìn vào khu vườn truyền thống của Nhật, chúng ta sẽ thấy một không gian yên ắng, thanh bình đến trống trải. Nhưng điều đó không khiến người ta cảm thấy nhàm chán, ngược lại càng khiến chúng ta tò mò hơn, và sẽ ngắm nhìn khu vườn lâu hơn, kỹ hơn, để rồi tìm ra được sự cầu kỳ và tinh tế trong thiết kế của khu vườn, đồng thời khám phá ra chính bản thân và tâm hồn mình. Nếu bỏ thời gian ra để khám phá khu vườn Nhật Bản và ý nghĩa của nó, chắc chắn bạn sẽ còn thấy nhiều điều hấp dẫn và thú vị hơn nữa.


Một khu vườn Nhật cơ bản thường bao gồm các yếu tố: hồ nước, đá, cây và những thực vật nhỏ hơn. Theo những nghệ nhân làm vườn, khu vườn là sự mô tả thiên nhiên một cách chính xác nhất và cũng thể hiện được lòng kính trọng của con người đối với tự nhiên. Thậm chí nhìn vào khu vườn Nhật, bạn còn có thể thấy được cả 4 mùa trong đó. Phong cách thiết kế khu vườn Nhật Bản có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu nhất vẫn là 3 phong cách truyền thống: Karesansui, Chaniwa và Tsukiyama.
Mở đầu cho loạt bài về các phong cách thiết kế vườn Nhật này, Ichi sẽ giới thiệu tới các bạn khu vườn theo phong cách Karesansui.

Karesansui (枯山水), có nghĩa là vườn khô, còn được gọi là vườn đá hay khu vườn có dòng suối khô. Đây là khu vườn có sự kết hợp chặt chẽ với Phật giáo Thiền phái, là phong cách duy nhất chỉ có ở Nhật, nên cũng có nơi gọi là vườn Thiền. Trong kiểu thiết kế này, vẻ đẹp của thiên nhiên được miêu tả theo quan niệm trừu tượng bằng cách sử dụng đá, cát, sỏi và những miếng rêu. Rất ít cây cỏ, thậm chí có nơi không hề có. Khu vườn được thiết kế trông như những hòn đảo hay ngọn núi nổi lên trên giữa mặt nước mênh mông trong khi không hề sử dụng một chút nước nào.
Nước ở đây chính là cát trắng được cào thành những vòng tròn gợn sóng xung quanh những hòn đá - tượng trưng cho những hòn đảo và núi non của Nhật Bản. Những viên sỏi hay phiến đá phẳng sẽ tượng trưng cho những cây cầu. Và một điều đặc biệt là, khu vườn luôn được thay đổi theo một thời gian nhất định. Những hòn đá, những làn sóng cát được sắp xếp lại theo chủ ý của chủ nhân khu vườn, nhưng những hòn sỏi hay phiến đá thì rất ít khi được sắp xếp lại, chúng chỉ được xếp lại theo một trật tự mới mỗi khi có sự can thiệp của thời tiết hoặc do sự vô tình của con người.


Một trong những nghệ nhân làm vườn Thiền được biết đến sớm nhất là Musou Kokushi (1275 – 1351), là người đã dựng lên 66 ngôi miếu đạo Thiền khắp đất nước Nhật Bản, và thiết kế hàng tá khu vườn Thiền ở Kamakura và cả Kyoto. Nhưng khu vườn Thiền khô được biết đến đầu tiên lại là vào năm 1251, nó thuộc về chùa Kenchou ở Kamakura – 1 trong 5 ngôi chùa Thiền lớn nhất thời Kamakura. Kenchou đã trở thành trung tâm Phật giáo Thiền phái lớn nhất dưới sự bảo trợ của nhà nước.

Vì Karesansui tập trung nhấn mạnh vào một không gian trống trải, tạo ra một vẻ đẹp tĩnh tại mà huyền bí, nên các chùa chiền, miếu mạo theo Thiền phái mới sử dụng nó. Theo kiểu thiết kế của Karesansui thì cách tốt nhất để ngắm khu vườn chính là khi bạn ngồi một mình, và theo đúng tư thế trang trọng nhất của Thiền phái.

Một số người nhìn thấy những ngọn đồi nhọn chọc thẳng lên những đám mây lớn.
Một số người nhìn thấy những con hổ lớn đang vượt sông.
Một số người nhìn thấy những hòn đảo đang nổi lên giữa biển.
Một số người lại nhìn thấy một cái hồ hay thậm chí là thiên đường.
Một số người khác lại chẳng thấy gì ngoài những hòn đá.

Tất cả vẫn là Karesansui. Cũng vì mang vẻ đẹp huyền bí mà bản thân mỗi người, từ khách du lịch cho đến các vị tăng lữ khi ngắm Karesansui đều có thể cảm nhận được nhiều ý nghĩa và có những cách nhìn khác nhau như thế. Nhưng tất cả đều cảm thấy được tâm hồn mình đang lắng lại, yên bình hơn, thậm chí có thể nhìn lại chính mình và tìm ra điều quan trọng nhất của cuộc đời.

Cuộc sống hiện đại luôn tràn ngập những những điều phức tạp và rối rắm. Chúng ta cứ phải sống trong cái mớ hỗn độn ấy mà không biết gỡ ở đâu, và gỡ thế nào. Ngồi ăn sáng ta nghĩ về công việc trong ngày. Đến công sở hay trường học ta lại nghĩ đến chuyện về nhà, về nhà rồi ta lại nghĩ đến chuyện cuối tuần này làm gì. Và thời gian cứ thế trôi đi, ngày nào cũng thế, tuần nào cũng thế, tháng nào cũng thế, chúng ta cứ quanh quẩn ở một nơi ấy, một công việc ấy và cùng một suy nghĩ ấy...

Rồi đến khi nhìn vào một khu vườn trống trải, tĩnh mịch, chẳng có gì vướng vào mắt cả, tự dưng những suy nghĩ bề bộn biến mất, thay vào đó là một tâm trạng thoải mái, đầu bạn tự dưng nhẹ hẳn đi, tâm hồn bạn trở nên thanh thản hơn, bởi không phải bận tâm về cuộc sống hối hả thường ngày, lúc đó chính là lúc bạn nghĩ về bản thân. Thanh lọc tâm hồn, cũng giống như thanh lọc những giọt nước, bạn cứ để yên như thế, những hạt bụi sẽ lắng xuống đáy, những giọt nước sẽ trở nên trong vắt và ngọt mát.

Vì sao chúng ta không thể nhận thức được hết sự thật một cách chính xác nhất? Đó là do tầm nhìn hạn chế của chúng ta, chỉ nhìn theo một hướng bằng con mắt chủ quan. Những quyết định lầm lẫn từ đó mà sinh ra. Khu vườn Thiền ở ngôi chùa Ryuuan, có khoảng 15 hòn đá luôn được sắp xếp một cách cố ý sao cho khi nhìn từ mọi góc độ, ta cũng chỉ nhìn thấy được 14 hòn đá mà thôi. Giống như thế, trong cuộc sống hiện thực, chúng ta không thể nhìn thấu mọi thứ. Chỉ có bằng suy ngẫm ta mới có thể sáng suốt hơn, thanh thản hơn, và đó chính là điều mà Karesansui nói riêng cũng như Thiền phái nói chung muốn mọi người hướng tới.


Khu vườn Karesansui độc đáo này không chỉ là một thắng cảnh, một nét văn hoá cần gìn giữ mà còn mang một vẻ huyền bí đậm chất Phương Đông phải không các bạn? Khi nào các bạn có ghé thăm khu vườn này, nhớ kể lại cho Ichi nghe xem các bạn đã nhìn thấy những gì với nhé!
Khu vườn thứ hai mang tên Chaniwa (茶庭), được ghép từ chữ Trà (Cha - 茶) và chữ Viên (Niwa –庭 ), dịch nghĩa ra sẽ là Vườn Trà. Sở dĩ có tên như vậy là bởi khu vườn có liên hệ mật thiết với Trà Đạo. Khi tham gia vào nghi lễ thưởng trà (Chanoyu) của người Nhật, bạn sẽ phải vào Trà thất (Chashitsu), và Trà thất thì lại nằm trong Chaniwa. Nói cách khác, Chaniwa là khu vườn được thiết kế để dành cho những nơi có tổ chức Chanoyu.


Xuất hiện từ thế kỷ 14, thời đó Chaniwa không phải là khu vườn mà ai cũng có thể hiểu hết được vẻ đẹp của nó. Khu vườn đơn thuần chỉ là những bụi hoa hoặc cây nhỏ xanh mướt, xuyên qua chúng là những lối đi hẹp được làm một cách cẩn thận, có lát những bậc đá để bước lên, dẫn đến Trà thất. Con đường này gọi là nobedan, và những bậc đá đó được gọi là tobi-ishi, hoặc nori-no-ishi. Trong những bậc đá ấy, có 3 bậc đá có tên riêng: Yaku ishi – hòn đá lớn nhô lên nhằm nhấn mạnh khung cảnh nổi bật của khu vườn, fumi ishi – hòn đá cuối cùng để khách bước lên vào Trà thất, và fumiwake ishi – cao hơn và to hơn những hòn đá khác, thường đặt ở chỗ giao nhau của những nobedan.

Có rất nhiều cách sắp xếp tobi-ishi, phổ biến nhất vẫn là xếp theo đường thẳng từng hòn một – chokuuchi, ngoài ra còn có các cách khác như: niren’uchi – mỗi một bậc đá gồm 2 hòn đá xếp ngang nhau, sanren’uchi – hàng 3 hòn đá, goren’uchi – hàng 5 hòn đá, shichi-go-san – hàng xếp theo kiểu 7-5-3, shisankuzushi – hàng 3-4 theo kiểu zic zắc, chidorigake – hàng xếp xen kẽ kiểu zic zắc, gankouuchi – xếp theo hình đàn ngỗng bay, konohauchi – kiểu “lá vàng rơi” và tanzakuuchi – xếp hình chữ nhật.


Ngoài nobedan, Chaniwa còn có thêm những đặc trưng khác, đó là tourou – đèn đá, koshikake machiai – nơi dừng chân có ghế băng dài để ngồi chờ, sunasetchin – khu vệ sinh, tsukubai – bể nước bằng đá để cho khách rửa tay trước khi bước vào Trà thất, và nakakuguri – cổng nhỏ để bước vào vườn (còn gọi là Chuumon). Có nơi dựng đến 2 nakakuguri để tạo nên cảm giác chia đôi khu vườn, nhưng cũng có nơi sau khi bước qua nakakuguri thứ 2 rồi, bỗng xuất hiện thêm 1 nakakuguri thứ 3!

Tourou và tsukubai
Nobedan

Nakakuguri
Đôi lúc ta cũng bắt gặp một khu vườn Trà chỉ có nobedan mà không có những thứ kia, và vì thế mà Chaniwa còn có tên là Rojiniwa – khu vườn có lối đi hẹp.
Một nghi thức bắt buộc dành cho khách thưởng trà trước khi bước vào Trà thất, đó chính là phải thanh tẩy cơ thể. Nơi để thanh tẩy chính là bể nước bằng đá tsukubai. Tất nhiên không phải ra tsukubai đứng dội nước xối xả lên người đâu, đây là bể nước lộ thiên đấy ^^, mà chỉ rửa tay thôi (nếu bạn ko đi tất đi giày mà đi dép thì cũng phải rửa cả chân luôn đó nha). Chúng ta vẫn thường rửa tay trước khi ăn cơm mà, cho nên rửa tay trước khi tham gia một nghi thức trang trọng như trà đạo thì đúng là thật cần thiết phải không? Vì tsukubai là một bể nước thấp, nên khách phải cúi người thậm chí là quỳ xuống để rửa tay. Như thế để chứng tỏ sự khiêm tốn và nhún nhường của mình khi thưởng trà. Còn có một loại bể khác cao hơn, gọi là chozubachi, nhưng loại này chỉ có ở ngoài đền thờ miếu mạo mà thôi.

Trong Thiền phái, chủ nghĩa đơn giản và sự suy ngẫm trong yên lặng là những bước rất quan trọng để khai sáng tâm hồn cũng như lý trí.
Mục đích thiết kế Chaniwa một cách đơn giản với yếu tố chủ đạo là đá chính là để tạo ra sự cô độc và tách rời khỏi thế giới hiện tại cho người tham gia Chanoyu, khiến chủ nhân nghi lễ cũng như người khách được mời đến thưởng trà trở nên tập trung hơn, có thể cảm nhận được sâu sắc hơn hương vị của trà, sự tôn nghiêm và thành kính của cả 2 bên chủ - khách, cảm thấy trân trọng hơn cái giây phút “nhất kỳ nhất hội” ấy, đồng thời có được khoảnh khắc yên bình tĩnh lặng hiếm có giữa cuộc sống hối hả nhộn nhịp thường ngày.


Đơn giản, không cầu kỳ và bí ẩn như Karesansui nhưng lại mang một vẻ tôn nghiêm, trầm mặc, đó chính là Chaniwa. Và như đã nói ở trên, Chanoyu là một nghi thức trang trọng, chỉ những người khách được chủ nhân buổi tiệc trà mời mới được bước vào Trà thất. Do đó, Chaniwa không phải là khu vườn để ai cũng có thể thoải mái bước vào tham quan. Nhưng không vì thế mà nó không mất đi sự nổi tiếng so với những khu vườn truyền thống khác của Nhật Bản. Khi đã bước vào Chaniwa rồi thì bạn sẽ không thể quên được cái ấn tượng mà nó tạo ra cho người xem: sự đơn giản, tĩnh mịch đến mức bạn không dám thở mạnh vì sợ sẽ phá vỡ cái không khí trang nghiêm và thành kính ấy.
Thế là chúng ta đã biết được 2 trong 3 loại vườn truyền thống đặc trưng nhất của Nhật rồi nhỉ. Hôm nay Ichi xin được giới thiệu đến các bạn loại vườn cuối cùng : Tsukiyama.


Tsukiyama (築山), nghĩa là “hòn non bộ”, được dựng lên với yếu tố chủ đạo là những ngọn núi nhân tạo, do đó nó còn được gọi là Vườn Đồi. Vườn Đồi được thiết kế để mang lại ấn tượng về một vùng đất rộng lớn, mặc dù hầu hết các khu vườn như thế này thực sự không lớn lắm, thậm chí là nhỏ. Đặc trưng của khu vườn kiểu này là những ngọn đồi, dòng suối, con thác nhỏ, những ao hồ trong veo, bên cạnh là cây cầu bắc ngang, điểm xuyết vào đó những bụi cây xanh tươi hay những bông hoa khoe sắc, những con đường nhỏ quanh co, y hệt như một bức tranh thu nhỏ của thiên nhiên rộng lớn. Có thể nói, Tsukiyama là khu vườn được thiết kế mô phỏng theo thế giới thiên nhiên chỉ bằng những yếu tố cơ bản của tự nhiên.

Tsukiyama trở nên nổi tiếng kể từ thời Edo, với tên gọi cũ là Kasan – 1 khu vườn với những ngọn đồi nhân tạo, được thiết kế trái ngược hẳn với Hiraniwa - Vườn phẳng – là những khu vườn bình thường như những khu vườn phổ biến trong mọi ngôi nhà.


Vườn Đồi được thiết kế chủ yếu dựa trên yếu tố Đồi núi và những đường viền quanh chân đồi, đây là kiểu thiết kế phổ biến nhất. Ngoài ra, những yếu tố như suối, ao hồ, bụi cây hay cây nhỏ các loại sẽ được dùng để làm nổi bật lên yếu tố chủ đạo đó.
Có một cây đặc biệt được trồng ở trên trước mặt ngọn đồi, đóng vai trò trung tâm của khu vườn - gọi là Shuboku (cây chủ), và cây đó có thể là cây thông (matsu) hoặc cây sồi, thỉnh thoảng người ta cũng dùng cây sakura hoặc liễu để làm Shuboku, nhưng chỉ với những khu vườn cá nhân được thiết kế theo sở thích cá nhân thôi.
Còn với những Vườn Đồi ở chùa chiền như chùa Tenryu và Saihou ở Kyoto là những khu vườn trang trọng đầy tôn nghiêm thì chỉ sử dụng thông hoặc sồi làm Shuboku. Bên cạnh Shuboku, cần chú ý thêm một điểm nữa là Hashibasami no ishi – những hòn đá xếp dưới chân cầu với ý nghĩa tương trợ và tượng trưng cho sức mạnh.



Không chỉ có cây cỏ, non nước không, một số Vườn Đồi còn có cả rùa và hạc, được xếp ở 2 hòn đảo riêng biệt. Vì theo thần thoại Trung Hoa và Nhật Bản, rùa và hạc là 2 linh vật biểu trưng cho sự trường thọ và cuộc sống hạnh phúc. Nếu 2 linh vật ấy đứng cùng nhau trong khu vườn thiên nhiên ấy, thì chúng sẽ mang lại hạnh phúc và sự trường sinh cho gia chủ.


Để ngắm nhìn khu vườn có rất nhiều cách. Theo truyền thống, Tsukiyama thường được thiết kế để có thể đứng một chỗ vẫn có thể quan sát được cả khu vườn, ví dụ như ở hiên nhà hoặc hành lang của những đền chùa miếu mạo. Đó là cách quan sát tốt nhất. Nhưng ngày nay, những khu vườn Đồi hiện đại hơn và rộng lớn hơn với nhiều con đường nhỏ trong vườn cho phép người tham quan có thể đi dạo khắp vườn, đồng thời quan sát được chi tiết và cụ thể hơn vẻ đẹp của khu vườn.



Nếu như 2 loại vườn Karesansui và Chaniwa khiến người xem chìm vào thế giới tâm tưởng đầy tĩnh lặng và suy tư thì Tsukiyama lại khác hẳn. Nó giúp chúng ta về lại với thiên nhiên cây cỏ, sống lại trong thế giới hoang sơ và tự nhiên nhất, cảm nhận được không khí trong lành, sức sống âm ỉ nhưng không ngừng vươn lên trong từng sợi cỏ, hạt sương, tránh xa cuộc sống xô bồ, ồn ã và đầy bon chen.
Thay vào đó là những âm thanh đến từ tự nhiên, tiếng nước chảy róc rách từ những dòng suối nhỏ, tiếng thác nước reo vui trong nắng sớm, hay tiếng những con côn trùng đập cánh trong không trung .... tất cả những âm thanh nhẹ nhàng đầy trong trẻo đó liệu ta có thể tìm lại trong những thành phố công nghiệp hiện đại đầy khói bụi, khí đốt và những nhà máy công xưởng ngày nào cũng ầm ầm tiếng máy móc hoạt động? Quay về với tự nhiên, quan tâm đến thiên nhiên, và hãy bảo vệ thiên nhiên, đó chính là điều mà những nghệ nhân thiết kết Tsukiyama muốn chúng ta để ý và hướng tới.


Những khu vườn mang phong cách Nhật Bản luôn đạt được đồng thời 2 yếu tố lớn: tính thẩm mỹ cao và ý nghĩa sâu sắc. Mỗi khu vườn đều toát lên vẻ đẹp đặc trưng riêng, nhưng những ý nghĩa ẩn sâu trong nó cũng nổi bật không kém. Nó khiến người xem không thể dời mắt hay dời chân ra khỏi khu vườn khi còn chưa tìm hiểu được hết ý nghĩa của nó. Vườn Nhật luôn có một sức hút hấp dẫn đến kỳ lạ với tất cả những ai có ý định bước vào đó.