mercredi 26 juin 2019

Thư của Cha gửi cho con gái nhân ngày Father's Day




Con gái của Ba,
Còn bốn tháng nữa con tròn 56 tuổi. Nhưng trong lòng Ba con vẫn còn trẻ như tuổi 15. Ba nhớ lại cũng ngày nầy 18 năm về trước, cha con mình đùm túm dắt nhau đi vượt biên rồi sang Mỹ. Ba nói là "đùm túm" vì hồi đó Ba từ trại tù cải tạo về thì con đã gần 40 tuổi. Khổ. Nghèo.

Nhìn con gái Ba héo úa dung nhan mà Ba khóc ròng. Tại ba! Tại Ba hết thảy! Làm con gái của một "sĩ quan nguỵ" nên từ trường Đại Học ra con không có việc làm. Hàng ngày, ngồi ở góc chợ Bàu Hoa vùng Ngã Tư Bảy Hiền-Sài Gòn để bán từng tô bún mắm. Cứ ba tháng một lần lặn lội ra Bắc thăm Ba.
Năm 1975 Mẹ con mới 50 tuổi. Người vẫn nghĩ rằng Ba chỉ đi "học tập ít ngày".

Thành ra, nghe Ba đi Bắc, Mẹ con bị shock. Cộng thêm bệnh cao huyết áp sẵn có Mẹ còn "nhất định nằm một chỗ!".Thế là con gái của Ba vừa lo cho Mẹ, vừa lo cho Ba. Ba ở tù 8 năm thì Mẹ con mất. Phải đến 4 năm gian khổ đời con nữa Ba mới được trở về.



Buổi tối đoàn viên ấy, cha con mừng mừng tủi tủi. Nhìn ảnh Mẹ con vẫn như tươi cười Ba tan nát cả lòng. Nhưng biết nói làm sao" Vận mệnh cá nhân mình gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc.
Cả thời tuổi trẻ của Ba hầu như đi khắp 4 vùng chiến thuật. Mẹ con cứ bồi hồi theo dõi đường Ba đi. Không biết mình sẽ thành goá phụ lúc nào. Thời gian ở nhà của Ba rất ít. Con là con đầu lòng. Lại là con gái. Cảm ơn con gái của Ba. Một đứa con gái có lòng hiếu thảo. Trong một lần thăm nuôi tại trại tù, con kể Ba nghe: Từ nhà mình tới chợ Bàu Hoa chừng non 1 cây số. Sáng nào con cũng bày hàng bún mắm ra. Mùi mắm kho thơm lừng. Có cả tôm thẻ lột, thịt quay, cà tím. Có cả những rau nhúc, cây bông súng, rau đắng, húng cây, giá sống và bắp cải bào. Khách hàng đông lắm! Con còn cười vui nói với Ba:
Khi nào Ba về con sẽ mở một tiệm bún mắm và rau VÂN KHANH cho Ba ngồi thu tiền. Ba nghe với lòng se sắt.

Con gái của Ba,
Trớ trêu thay, lúc Ba về con đã là con gái lỡ thì. Ba buồn lắm. Nhờ ơn Thượng Đế mình vượt biên một lần trót lọt. Ba đặt chân đến đất Mỹ vào cái tuổi người ta sắp nghỉ ngơi. Chính vì vậy mà con lại khổ vì Ba. Con không muốn Ba đi làm ca đêm giữa trời rét buốt. Con nói cái lạnh miền Bắc Việt Nam đã cứa nát thịt da Ba cả chục năm trời cũng đủ lắm rồi. Ba hãy để con lo. Nhưng Ba đâu đành lòng như thế. Buổi sáng con ra khỏi nhà là Ba cũng đi. Tiệm giặt ủi gần nhà mình quá mà. Ba nhận phần việc ủi và xếp quần áo. Đi tới đi lui xem máy giặt nào ngưng. Máy sấy nào đồ đã khô. Chỉ vậy thôi. Một ngày, tính ra Ba đi cũng gần 5 cây số. Tội ngiệp con gái của Ba. Lúc người ta báo tin Ba bị xỉu thì con khóc ròng. Ba về nhà ở không và cho con nuôi tiếp. Thật người xưa nói đúng! "Trẻ cậy cha, già cậy con" mà.

Vân Khanh con,
Cho đến một buổi chiều, con đưa về nhà một trung niên trẻ. Trung niên mà Ba cho là "trẻ". Vì Ba thấy diện mạo anh ta cũng dễ nhìn. Ba mừng vì con của Ba rồi cũng có một bến đợi để neo thuyền. Ba cầu mong cho con hạnh phúc. Chồng của con cũng là chiến hữu của Ba. Gia cảnh cũng không may mắn giống như Ba. Vợ anh đã chết trong lần đi thăm chồng. Cả chiếc xe lăn xuống vực. Từ đó anh dở dở ương ương. Qua Mỹ rồi anh vẫn sống như người mộng du. Cho tới ngày gặp con. Tình yêu thật là kỳ diệu! Chẳng những khiến cho con gái của Ba trẻ lại mà anh chàng "dở hơi" kia cũng chừng như mới cải lão hoàn đồng. Cứ 4 giờ khuya , anh thức dậy đi bỏ báo. Tới 9 giờ sáng về. Nghỉ ngơi rồi 5 giờ chiều đi vào hãng. 1 giờ đêm mới trở về nhà. Ba cảm ơn Thượng Đế lần nữa vì con có người chồng hiền lành và độ lượng. Chứ vào tuổi của Ba không bị đưa vào nhà dưỡng lão là hiếm lắm. Con nhớ gia đình Bác Th. không" Hai bác cưới vợ cho anh Cảnh từ lúc còn ở Việt Nam . Vậy mà qua Mỹ rồi Bác Thanh bị cô dâu xem như gánh nặng. Nhất định đòi anh Cảnh phải đưa Mẹ vào Nursing home cho đến chết.

Vân Khanh con,
Cả một thời trẻ tuổi của con đã dành để sống cho cha mẹ. Bây giờ con hãy sống cho con đi. Ba rất cảm động mỗi lần khách đến thăm nhà con hay nói: vợ chồng con có phước lắm nên suýt soát tuổi 60 mà vẫn còn có cha để phụng dưỡng. Phải ! Hồi đó ba khó nghĩ mỗi lần nghe người ta cho rằng sự sống con người tính theo công thức: 5 năm, 6 tháng, 7 ngày. Nghĩa là ở tuổi đời 5 bó, tuổi thọ tính theo năm. Đến 6 bó thì tính theo tháng , mà 7 bó thì tính theo ngày. Ba đã 80, chắc phải tính theo giờ quá!
Cảm ơn vợ chồng con đã chăm sóc Ba mỗi ngày. Con nói: Ba ơi ! Với chúng con ngày nào cũng là Father's Day cả. Ba thật có lỗi với con. Hồi đó Ba vẫn buồn thầm trong lòng khi mẹ con sinh con là con gái. Ông Nội con sợ Ba chết trận thì không có con trai nối dõi tông đường. Còn nếu Ba già mà yếu đau thì con là gái không thể chăm cho Ba được.

Ca dao có câu:"Trai mà chi Gái mà chi
Con nào có nghĩa có nghì thì hơn".

Nói đến đây Ba chợt nhớ loáng thoáng câu chuyện "Tấm đắp mông ngựa" mà Ba đã đọc từ rất lâu:
Chuyện kể :
Một người cha đã đem cả gia tài còn lại của mình cưới cho con cô vợ giàu, trẻ đẹp. Một thời gian đầu sống vui. Rồi những đứa cháu nội lần lượt ra đời. Người cha mỗi ngày một già yếu. Người con trai rất yêu và nể vợ. Dần dần quên đi trong nhà còn có người cha. Mùa Đông lạnh lẽo mà sức già chịu không thấu những ngày giá tuyết phũ phàng.Trong khi những con ngựa nuôi trong chuồng thì được giữ ấm bằng những tấm đắp mông. Đến chừng không thể chịu đựng được nữa người cha bèn gọi con trai để nói rằng:
- Con ơi , hãy cho cha một tấm đắp mông ngựa đễ cha dễ ngủ vì mùa Đông nầy lạnh quá!
Con dâu nghe được bèn nói với chồng:
- Anh hãy lấy tấm đắp cũ ngoài sân kia mà cắt cho cha một nửa.
Người con trai làm theo lời vợ. Trong lúc cố dùng sức cắt đôi tấm đắp ra thì đứa con nhỏ đến gần, hỏi:
-Cha ơi, sao không cho ông Nội cả tấm đi" Cha cắt ra làm chi "
Người cha trả lời:
- Để dành con à.
Hôm sau, người con trai thấy đứa con mình cũng đem tấm đắp mông ngựa khác cắt ra làm đôi. Người con trai giận dữ hỏi:
- Con làm cái gì vậy" Tại sao con cắt nó ra"
Đứa con nhỏ đáp:
- Nửa tấm nầy con cho ông Nội. Còn nửa nầy để dành khi nào cha già con sẽ cho cha.
Người cha giật mình hối hận. Từ đó, hết lòng chăm sóc cha mình cho đến cuối cuộc đời.

Vân Khanh,
Ba ước ao những người cha khác cũng có con hiếu thảo như con gái của Ba. Ba rất tự hào về con. Trong lúc có biết bao gia đình, cha mẹ ngậm đắng nuốt cay vì những đứa con Việt Nam sống theo kiểu Mỹ. Rất tự do! Thậm chí đã khước từ hai chữ HIẾU KÍNH cha mẹ, làm cho các bậc sinh thành hàng ngày sống "nước mắt chan cơm" thì Ba đã được vợ chồng con hết lòng chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ.
Người xưa nói: "Hiếu thuận huờn sinh hiếu thuận tử. Ngỗ nghịch huờn sinh ngỗ nghịch nhi". Ba ước nề nếp gia đình mình là như vậy.
Ba của con,
HOÀNG YẾN


Minh Nguyễn sưu tầm























































mardi 25 juin 2019

Bài tập thể dục cho người loãng xương BS Nguyễn Nga

Khi mắc chứng loãng xương, điều chúng ta cần làm là điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập nhẹ nhàng một cách có khoa học. Ngoài điều trị thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn nên tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng của người bị loãng xương để biết rằng người bị loãng xương nên ăn gì và không nên ăn gì.


Ngoài ra, phải kết hợp với những bài tập luyện có khoa học dành riêng cho người bị loãng xương. Đặc biệt lưu ý không được tập luyện quá sức và sai khoa học, bởi điều đó có ảnh hưởng rất xấu đến tình trạng bệnh, thậm chí còn gây ra biến chứng gãy xương. Sau đây là những bài tập thể dục giúp phòng ngừa loãng xương, giảm nguy cơ loãng xương.



Những Nội Dung Cần Lưu Ý [Ẩn đi]
1. Ý nghĩa của thể dục với người bệnh loãng xương
2. Các bài tập giúp ích cho những người bệnh loãng xương
3. Một số bài tập nên tránh
4. Một số bài tập dành cho người bệnh loãng xương
Bài tập 1: Tư thế cái cây
Bài tập 2: Tư thế “Chào mặt trời
Bài tập 3: Tư thế “nửa vầng trăng”


1. Ý nghĩa của thể dục với người bệnh loãng xương

Trước hết cần nhắc lại lối sống ít vận động là một trong các nguyên nhân gây loãng xương.
Hầu hết các trường hợp biến chứng gãy xương của người bệnh loãng xương xảy ra do bị ngã. Việc thường xuyên tập thể dục thể thao giúp tăng sức mạnh của cơ bắp, duy trì thăng bằng và giảm nguy cơ bị ngã. Thể dục cũng có thể làm giảm nguy cơ nứt, rạn, gãy xương do loãng xương bằng cách làm chậm tốc độ hủy xương.

2. Các bài tập giúp ích cho những người bệnh loãng xương 

Bài tập dưỡng sinh phù hợp với người bệnh loãng xương
Bài tập dưỡng sinh phù hợp với người bệnh loãng xương (Ảnh internet)
  • Các bài tập thể dục hoặc thể dục nhịp điệu theo các điệu nhạc nhẹ nhàng…
  • Đối với thanh niên còn trẻ tuổi có thể luyện sức đẩy với tạ, bài tập kéo căng với dây chun…
  • Các bài tập thể dục giúp nâng cao khả năng giữ thăng bằng như dưỡng sinh, thái cực quyền.
  • Bài tập tốt nhất nên là sự kết hợp của 3 nhóm bài tập trên.
  • Bơi lội và các môn thể thao dưới nước là những bài tập không cần phải chịu sức nặng của cơ thể khá phù hợp với người bệnh loãng xương.
  • Những người già hoặc những người bị loãng xương nên chọn tập thể dục bằng cách đi bộ. Mặc dù đi bộ là bài thể dục khiến các xương chi dưới đặc biệt là đầu gối phải chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể song nó phần nào làm tăng sức mạnh của các cơ.

3. Một số bài tập nên tránh

Người bệnh loãng xương không nên tập tennis
Người bệnh loãng xương không nên tập tennis (Ảnh internet)
Người bệnh loãng xương thường có nguy cơ cao gãy xương do vậy các môn thể dục được lựa chọn cần tránh: 
  • Các động tác yêu cầu phải kéo căng cột sống như gập bụng.
  • Các môn thể thao làm tăng nguy cơ bị té ngã như đi cà kheo, cưỡi ngựa…
  • Một số bài tập thể thao đòi hỏi chuyển động nhanh, mạnh, bất ngờ như cầu lông, tennis, bóng chuyền..
  • Không nên tập quá lâu cho 1 buổi tập. Tốt nhất nên thể thao khoảng 30 – 45 phút.

4. Một số bài tập dành cho người bệnh loãng xương

Bài tập 1: Tư thế cái cây




Tư thế cái cây – Bài tập thể dục cho người loãng xương (Ảnh internet)
Tư thế này để bắt đầu cho người mới tập luyện là rất tốt. Động tác này giúp kích thích vùng xương hông, xương chậu, xương xương sống và vai.
Thực hiện như sau: Đứng thẳng người, lưng thẳng, mắt nhìn thẳng về phía trước. Chắp 2 tay lại đặt trước ngực. Co chân phải lên, lòng bàn chân đặt vào đùi, giữ nguyên tư thế 5-10 giây, đồng thờ hít thở. Sau đó thả lỏng, hạ chân xuống và làm tương tự với chân kia.

Bài tập 2: Tư thế “Chào mặt trời




Tư thế chào mặt trời – Bài tập thể dục cho người loãng xương(Ảnh internet)
Bên cạnh tư thế cái cây, tư thế chào mặt trời cũng là động tác rất tốt dành cho người mới bắt đầu Động tác này giúp tăng cường khả năng cân bằng của cột sống, tăng độ cứng của cột sống, hông và cánh tay
Thực hiện như sau: Chuẩn bị trong tư thế quỳ bò, hai tay thẳng với vai, hai đầu gối thẳng với hông, bàn chân dựng đứng với sàn, mười ngón chân và 2 bàn tay đều bám sàn. Giữ tư thế này trong vài hơi thở sau đó chầm chậm nhấc chân phải và tay trái khỏi sàn. Duỗi thẳng chân và thẳng tay sao cho chân phải và tay trái song song với sàn. Nếu làm tốt thì bạn nên giữ vị trí này vài hơi thở sau đó thở ra, hạ tay và chân về vị trí ban đầu. Tiếp tục như thế, ta đổi tay và đổi chân. Cách thực hiện như lần thứ nhất. Thực hiện liên tục khoảng 4 – 6 lần.

Bài tập 3: Tư thế “nửa vầng trăng”




Tư thế nửa vầng trăng – Bài tập thể dục cho người loãng xương(Ảnh internet)
Thực hiện như sau: Đứng một chân lên thảm tập yoga. Hông bên phải áp gần vào tường để giữ cân bằng. Đặt tay phải chống lên vật chống (có thể là ghế).Tay trái chống vào bên hông trái. Từ từ nâng chân trái lên, có thể chỉ nâng lên một chút hoặc cho tới khi chân song song với sàn nhà. Áp lưng gần vào tường, sau đó đưa cánh tay trái hướng thẳng lên trần. Sau vài hơi thở, hạ xuống và lặp lại với bên kia. Trong những lần tiếp theo bạn có thể không cần tựa vào tường nữa.
Trên đây là 3 động tác đơn giản dành cho người bị loãng xương. Ngoài ra, để điều trị hay giảm nguy cơ loãng xương sớm, bạn cũng có thể tìm đến phương pháp đơn giản hiệu quả là đi bộ. Đối với loãng xương ở người già thì nên chọn tập thể dục bằng cách này. Mặc dù đi bộ là bài thể dục chịu sức nặng của thể trọng nhưng lại không có tác động lớn đến sức khỏe của xương, sức mạnh cơ bắp, thể dục hoặc cân bằng, trừ khi nó được thực hiện ở cường độ cao với tốc độ nhanh hơn trong thời gian dài. Bên cạnh các bài tập người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn trong điều trị loãng xương của bác sỹ.
BS Nguyễn Nga
Theo Nội khoa Việt Nam

lundi 24 juin 2019

10 Điều Răn Của Linh Mục

10 Điều Răn Của Linh Mục
ĐHY. FX. Nguyễn Văn Thuận

1. Những gì tôi sống trong tư cách là 1 linh mục thì quan trọng hơn những gì tôi làm.

2. Những gì Chúa Kitô làm qua trung gian của tôi thì quan trọng hơn những gì do chính tôi làm.

3. Những gì tôi làm cùng với anh em linh mục thì quan trọng hơn những gì tôi làm 1 mình, dù hăng say tới mức suýt bị mất mạng.

4. Những gì tôi sống cho Kinh nguyện và Lời Chúa thì quan trọng hơn những tổ chức bên ngoài.

5. Những gì tôi sống vì lợi ích thiêng liêng của người cộng tác, thì quan trọng hơn những công việc tôi làm cho lợi ích của chính tôi.

6. Hiện diện ít nơi nhưng thiết yếu để đem lại sức sống thì quan trọng hơn có mặt khắp nơi nhưng vội vàng và nửa vời.

7. Hoạt động cùng với người cộng tác thì quan trọng hơn là làm 1 mình, cho dù mình có nhiều khả năng hơn họ. Nói cách khác, hợp tác thì quan trọng hơn hoạt động riêng rẽ.

8. Hy sinh thập giá âm thầm bên trong thì quan trọng hơn những thành quả bên ngoài.

9. Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn giáo xứ, giáo phận và giáo hội toàn cầu thì quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa.

10. Làm chứng về đức tin trước mặt mọi người thì quan trọng hơn tìm cách thoả mãn thị hiếu của họ.

T.Anh chuyển

Cuốn sách kỳ diệu ‘lọc nước’ đã làm thay đổi cuộc sống 600 triệu người Châu Phi

Cuốn sách kỳ diệu ‘lọc nước’ đã làm thay đổi cuộc sống 600 triệu người Châu Phi

Giá trị của sáng tạo không chỉ là mới mẻ mà còn là những món quà ý nghĩa gửi đến những người cần giúp đỡ. Theresa Dankovic là một Tiến sĩ Hóa học, là người đã phát mình ra cuốn sách mang tên Drinkable Book – Sách có thể uống, một cuốn sách đã thay đổi số phận cho hơn 600 triệu người.




Sau chuyến công tác đến châu Phi, vì quá kinh ngạc và đau lòng trước cảnh nhiều em nhỏ phải uống nước bẩn và không đảm bảo vệ sinh, Theresa đã ấp ủ trong mình giấc mơ mang nguồn nước sạch đến cho những người dân nghèo khó.



Chính những điều đó đã thôi thúc Theresa sáng tạo, mặc dù là một tiến sĩ hóa học tài năng, nhưng cô không bị kiến thức khô cứng tách rời cuộc sống. Cô bắt đầu đem những kiến thức mình học được ứng dụng vào đời sống thực tế của người dân.

Tại châu Phi, nguồn nước sạch được xem là một vấn nạn nghiêm trọng, đây cũng chính là nguyên nhân đang khiến cho rất nhiều dịch bệnh xảy ra khắp nơi khi không có đủ nguồn nước sinh hoạt, nhất là những quốc gia đang phát triển.



Trở về từ chuyến đi, Theresa làm việc miệt mài trong phòng thí nghiệm trong suốt 8 năm với hy vọng tìm ra giải pháp cải thiện nguồn nước sạch. Những cố gắng không mỏi mệt ấy đã đem đến cho cô một kết quả thật sự ngoài sức tưởng tượng. Đó là ion nano bạc có tác dụng diệt khuẩn cực hiệu quả! Theresa nảy ra ý tưởng dùng ion bạc nano bỏ vào nguyên liệu làm giấy, nhằm tạo ra loại giấy có độ lọc khuẩn. Trong nhiều tháng, cô làm việc miệt mài tại phòng thí nghiệm, tiến hành hàng ngàn lần kiểm tra. Và cô đã thành công.



Kết quả nghiên cứu, loại giấy này có thể loại bỏ 99% vi khuẩn trong nước, giúp nguồn nước uống sạch hơn tiêu chuẩn nước sạch của Mỹ. Cuốn sách Drinkable Book đã được xuất bản thành công và được đánh giá là một trong 25 thiết kế tốt nhất năm 2015 do tạp chí Time bình chọn.

Mỗi cuốn sách đều có ghi dòng chữ ấm áp: “Nguồn nước ở nông thôn ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn gây chết người. Tuy nhiên, những tờ giấy trong cuốn sách này đều là giấy lọc nước, bảo đảm an toàn cho người uống”.



Điều tuyệt vời bên trong cuốn sách đó là nó được thiết kế rất tiện lợi, mỗi khi dùng chỉ cần mở hộp và đóng hộp, lấy ra tờ giấy và đổ nước vào lọc, nước bẩn sẽ trở thành nước sạch.

Một trang sách nhỏ có thể lọc được 100 lít nước. Mỗi cuốn có thể dùng lọc nước uống cho 1 người trong 4 năm.



Cô ngay lập tức đem theo loại giấy mới mà mình vừa nghiên cứu này đi đến Nam Phi, Kenya, Haiti, Ấn Độ và các nước khác để làm thử nghiệm với 25 loại nước bị ô nhiễm nặng.

Theresa chia sẻ sáng kiến hữu dụng của mình với người dân địa phương và hướng dẫn họ cách dùng thử. Sự hài lòng của mọi người đã làm cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Điều này cũng đem đến cho cô điều ngạc nhiên thú vị. Cô thật sự hạnh phúc khi nghĩ đến trẻ em ở châu Phi sẽ không phải uống nguồn nước màu đen nữa.



Trong quá trình trò chuyện khi làm việc cùng mọi người cô phát hiện rằng: “Điều đáng sợ nhất không phải là nguồn nước bị ô nhiễm mà là ý thức về uống nước sạch của người dân địa phương”.



Thành quả này giúp cô nhận ra sáng tạo và đam mê cộng hưởng cùng lòng thương mới mang đến niềm hạnh phúc thật sự. Niềm hạnh phúc khi biết rằng mình có thể bằng công sức và năng lực của mình để đem niềm vui đến cho nhiều người.




Một người có đầu óc sáng tạo là người biết kết nối vấn đề và mọi thứ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Đó là bởi vì họ có thể kết nối những kinh nghiệm mình có và tổng hợp thành những thứ mới. Lý do khiến họ có thể làm điều đó là họ có nhiều kinh nghiệm hơn hoặc họ đã suy nghĩ nhiều về kinh nghiệm của mình hơn người khác.

Mỗi người chúng ta ai cũng có một sợi dây vô hình nào đó tự buộc lại những sáng tạo của bản thân mình, chúng sẽ ngăn cản và phá hủy đi nhiều cơ hội mới. Và nếu thế mãi mãi bạn sẽ ở trong cái khung cũ kỹ của cuộc đời mình. Bạn nhớ rằng, trên đường đua sáng tạo hay nghệ thuật, điều kỳ diệu chỉ thực sự xuất hiện khi bạn nắm bắt cơ hội, sẵn sàng cho mình thật nhiều trải nghiệm mới.

Gia Viên – Hồng Tâm


T.Anh chuyển

jeudi 20 juin 2019

Vợ Chồng như...Khách khứa

Vợ Chồng như...Khách khứa
Tác Giả: Nguyễn Thị Thanh Dương.


Chị Bông vừa bước vào nhà quẳng ngay cái xách tay xuống bàn và ngồi phịch xuống ghế làm anh Bông ngạc nhiên:
-         Em ơi, có chuyện gì mà em buồn giận, em quăng cái xách tay hiệu Gucci yêu qúy của em mạnh tay thô bạo thế ?
Giọng chị như sinh sự:
   -      Anh mỉa mai em đấy hả? anh làm bộ xót xa cho cái xách tay này trong khi anh thừa biết nó là hàng nhái mà…
-          Tuy xách tay Gucci hàng nhái, nhưng là hàng nhái diện cao cấp vẫn đắt tiền hơn các xách tay hàng thật vô danh tiểu tốt khác..
Chị Bông thở dài thậm thượt:
-         Anh ra lấy cho em ly nước, em khát khô cả cổ rồi đây.
Anh Bông mang ly nước đến cho vợ:
-         Tiêu chuẩn em uống mỗi ngày 2 lít nước mà từ sáng đến giờ em quên chưa uống hả? nào em kể đi, em đã đổi xong bằng lái xe chưa?
Chị Bông uống xong ly nước, đòi hỏi tiếp:
-         Anh vào phòng lấy em cái gối để em nằm ra ghế nghỉ vài phút, đứng xếp hàng rồng rắn ở văn phòng bằng lái xe làm em mỏi cả chân…
Anh Bông đùa:
-         Em làm anh nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng “ Nếu bước chân ngà có mỏi. Xin em tựa sát lòng anh”. Vậy thì em hãy tựa vai anh, kể ra nỗi bực mình cho anh nghe em sẽ nhẹ lòng.
Chị Bông nằm ra ghế thở một hơi cho thoải mái rồi mới kể:
-         Sáng nay trước khi đến văn phòng bằng lái xe thì em đến nhà băng Chase, địa điểm này lúc nào cũng vắng khách, ế ẩm, nên nhân viên chào mời khách vồn vã qúa. Vừa đẩy cái cửa kính bước vào em gặp ngay một cô nhân viên ngồi ở quầy chính giữa mỉm cười tươi như hoa và cất tiếng chào. Em đứng vào xếp hàng sau 2 người, đến lượt em thì ông teller cũng hớn hở không thua gì cô nhân viên ngoài quầy kia, rảnh rang nên ông này khen hôm nay trời đẹp, nhiệt độ ấm cúng và không quên chúc em một ngày đẹp. Khi em bước ra cũng…không thoát khỏi cô nhân viên ngoài quầy lúc nãy, dù đang bận nói phone mà cô cũng dứt ra để nói lời tạm biệt và chúc em một ngày đẹp đẽ.
-         Ôi, có gì lạ đâu, họ làm theo lệnh của cấp trên và để giữ job chứ chẳng ai tử tế với em cả. Có thế mà cũng khoe.
-         Biết rồi, nhưng tài khỏan của mình trong nhà băng Chase thì èo uột như đứa trẻ sinh thiếu tháng nuôi thiếu sữa mà thấy họ tiếp đãi ân cần qúa làm em ngại ngùng, mắc cở …
-         Ừ, ngành ngân hàng lúc này cũng èo uột, sống dở chết dở luôn, lãi suất cho người gởi tiền chưa tới 1 chấm, vì lãi suất ngân hàng cho vay mua nhà chỉ hơn 3 chấm…lời lộc là bao nhiêu trong khi họ phải trả bao chi phí khác. Nhưng họ vẫn phải o bế khách hàng, không ai gởi tiền thì vốn đâu cho họ kinh doanh.?
Rồi anh Bông giục gĩa:
-         Tóm lại là hôm nay em đi đổi bằng lái xe xong chưa? Em chỉ thích nhập đề từ xa, chỉ thích kể chuyện bên lề cho anh sốt ruột lên mới vào chủ đề chính.
Chị Bông gắt lên:
-         Nhập đề từ xa cũng liên quan đến gần chứ, ở nhà băng họ chúc em một ngày vui vẻ mà em có gặp vui vẻ đâu. Em cũng tóm lại cho anh biết là chưa có xong vụ đổi bằng lái xe.
-         Uý trời! em kinh nghiệm lái xe mấy chục năm nay, còn trục trặc gì nữa?
-         Giời ôi, anh chồng Nam Kỳ đơn giản của tôi ơi, bộ khi đổi bằng lái xe họ thử tay lái mình sao? đằng này họ thử mắt nhìn và kết quả là em phải trở về đi bác sĩ nhãn khoa khám mắt, mua kính mới đeo vào thì mới được lấy hẹn đến gặp họ lần nữa, để thử lại mắt. Vừa tốn công vừa tốn tiền, rõ chưa?
 Anh Bông thắc mắc:
-         Bộ em không đọc được mấy chữ ấy thiệt hả? Sao không kêu họ thử đi thử lại vài lần?
Chị Bông cay đắng:
-         Họ thử em 3 lần đều không đọc được, nhưng đáng lẽ họ phải …ưu tiên cho em chứ,  vì em đã ký giấy donate toàn bộ nội tạng trong cơ thể con người em nếu một mai em chết. Em “hi sinh” cho tha nhân, cho xã hội thế mà…họ vẫn làm khó dễ.

-         Thôi em à, lái xe quan trọng nhất là sự nhìn, mắt mũi lơ tơ mơ thì chẳng những hại mình mà còn hại cả người khác, họ lợi lộc gì mà làm khó dễ em…Mai em đi bác sĩ mắt đi, nhân thể kiểm tra lại mắt luôn
-         Biết rồi, khỏi nói. Chuyện lái xe là chuyện sống chết mà, không được lái xe làm sao đi chợ, đi làm? ngồi nhà để mà chết héo à?
Anh Bông nghiêm giọng:
-         Nãy giờ anh đợi em về để thông báo một tin vui nè…em còn nhớ cô chú Bình không? người quen của gia đình anh, đã thay cha mẹ anh đứng ra làm chủ hôn cho anh cưới em ngày xưa đó.
Chị Bông đáp ngay:
-         Nhớ chứ, chú ấy tên Bình, anh tên Bông thành “Bình Bông” thật khó mà quên cả tên lẫn người, lại còn câu dặn dò năm lần bảy lượt của cô chú làm em nhớ đời. Vợ chồng cháu phải luôn “tương kính như tân” dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Thế họ vẫn sống ở Canada hở anh?
-         Đó.. đó…chính là vấn đề anh muốn bàn với em. Tuần tới vợ chồng cô chú Bình sẽ sang Mỹ thăm một số thân nhân, sẵn đi ngang thành phố mình nên muốn ghé vào thăm, anh đã mời cô chú ngủ lại một đêm cho khỏe rồi sáng mai đi tiếp. Cho nên…
-         Thì mình sẽ mời cô chú đi nhà hàng, giới thiệu những qúan ăn Việt Nam tại thành phố này.
Anh Bông hăng hái:
-         Cô chú sẽ đến vào buổi chiều, nghĩa là họ chỉ ăn và ở nhà mình một lần, anh đề nghị em làm cơm nhà đãi khách cho thân tình và tha hồ tâm sự. Vấn đề anh bàn với em là chúng ta sẽ chứng tỏ đã thi hành theo lời dặn đò của cô chú, vợ chồng luôn “tương kính như tân” là tôn trọng, kính mến nhau như…khách khứa, để cô chú hãnh diện và vui lòng.
Chị Bông kêu lên:
-         Giời ơi là giời !! vậy mà hồi nào đến giờ em cứ tưởng chữ “Tân” là “mới”, vợ chồng tôn kính nhau như mới lấy nhau về, hoá ra “Tân” là “khách” đấy. Nhưng anh ơi, mình ăn ở với nhau từ thuở đôi mươi, đến nay đã mấy chục năm trời, hai con đã lớn và đi học ở xa. Chúng mình thấy đủ mọi thứ trần trụi tốt xấu, dở hơi dở hám của nhau rồi, anh còn biết trên mặt em có mấy chục vết nhăn, và em biết trên đầu anh có bao nhiêu sợi tóc ngả màu thì làm sao mà làm khách khứa của nhau được?
Anh Bông khích lệ:
-         Mình chịu khó đóng kịch một buổi chiều thôi mà, cô chú Bình còn theo kiểu xưa lắm, anh từng nghe nói cô chú luôn đối xử với nhau một lòng một dạ “tương kính như tân” đó em. Nghĩa là em sẽ là một cô vợ hiền lành dịu dàng và coi anh như người khách “share” phòng của đời em, ngược lại anh cũng là một anh chồng lịch sự, nhã nhặn coi em như cô khách qúy ở chung nhà. Chúng ta làm đẹp mặt nhau trước mặt khách và nhân thể thử làm lại từ đầu coi có cải thiện được tình nghĩa vợ chồng đã qúa cũ mòn, trơ trụi này không?
Chị Bông không nhịn nổi cười:
-         Em sẽ dấu cái đanh đá, anh sẽ quên cái tính ăn nói cộc cằn bạ đâu phang đấy của anh. Hai chúng ta sẽ là khách khứa của nhau…cũng vui đấy.

***
Cô chú Bình đến vào buổi chiều thứ bảy, chị Bông đã chuẩn bị xong xuôi tươm tất một bữa cơm ngon lành, thịnh soạn đón khách qúy.
Sau bao nhiêu năm, chị Bông thấy họ vẫn ăn nói kiểu cách lịch sự và từ tốn với nhau như ngày xưa, cái dạo chị mới lấy anh Bông.
Cô Bình nói với chồng luôn lễ phép một thưa hai gởi, chú Bình đáp lời vợ luôn lịch thiệp vui vẻ làm chị Bông thầm bái phục, chẳng biết bằng cách nào mà sau mấy chục năm vợ chồng ăn ở với nhau họ vẫn đối xử tốt đẹp như thế?
Chị Bông luôn nghĩ rằng cặp vợ chồng nào khoe hòa hợp nhau, chưa bao giờ  cãi nhau hay làm mất lòng nhau, nghĩa là  luôn“tương kính như tân” thì phải là một người hèn hoặc một …người khùng mới chịu đựng, nhẫn nhịn người kia, chứ bát dĩa để trong sóng chén còn khua nữa là con người.
Chú Bình kéo ghế cho vợ:
-         Mời em ngồi.
Cô vén áo nhẹ nhàng ngồi xuống:
-         Dạ, xin phép anh.…
Cô Bình tự tay lấy napkin lau bát đũa và để ngay ngắn trước mặt chồng:
-         Thưa anh, mọi thứ đã sẵn sàng cho anh.
-         Cám ơn em đã luôn chăm lo cho anh từng chút thế này
-         Thưa, không có chi.
Chị Bông liền bắt chước, quay ra gọi chồng mình đang lúi húi lấy món gì trong bếp:
-         Mời anh Bông ra xơi cơm.
Hồi nào tới giờ anh Bông ghét nhất hai chữ “xơi cơm” của chị Bông hay dùng, anh nói người miền Bắc ăn nói khách sáo qúa, ngay cả khi ăn cơm với rau mắm dưa cà mà cũng trân trọng mời nhau ra “xơi cơm” làm như là tiệc tùng cao lương mỹ vị.
Nhưng hôm nay anh Bông thông minh đáp lễ:
-         Cám ơn em, anh ra ngay đây.
Chị Bông kéo ghế cho anh Bông và dịu dàng:
-         Anh cần gì sao không bảo để em lấy cho . Nào, xin mời cô chú Bình, xin mời anh Bông, chúng ta cùng nâng ly chúc mừng ngày hội ngộ.
Anh Bông vui vẻ:
-         Vợ chồng chúng cháu mời cô chú cứ tự nhiên, chúng ta phải uống hết chai rượu mừng trong chiều nay.

Chị Bông phụ họa chồng:
-         Anh Bông nói rất đúng như em đang nghĩ. Cám ơn anh đã hiểu ý em
Chú Bình uống một hớp rượu, khen:
-         Sau bao nhiêu năm được hội ngộ hai cháu, thấy hai cháu thương yêu nhau, hiểu ý tứ nhau và vẫn đối xử với nhau “ Tương kính như tân” là cô chú thật vui lòng
Cô Bình tiếp lời chồng:
-         Thật chẳng uổng công cô chú đã dặn dò hai cháu trong ngày cưới là vợ chồng phải “Tương kính như tân” y chang như vợ chồng cô chú đây dù tình gìa vẫn trước sau như một. Lời cổ nhân nói thật hữu ích và chí lý, vợ chồng phải tôn trọng nhau như khách khứa mới bền lâu và hạnh phúc.
Chú Bình giảng giải:
-         Vợ chồng ăn ở với nhau cả đời, bởi thế phải biết giữ một khỏang cách để tôn trọng nhau, kính mến nhau, thì tình yêu sẽ thánh thiện và tràn đầy cảm xúc như vừa mới cưới nhau hôm qua.
Anh Bông vỗ tay:
-   Hoan hô cô chú, hoan hô vợ chồng cháu, chúng ta là những cặp vợ chồng luôn tôn trọng, qúy mến nhau như khách khứa, như bạn thân.
Thế là bữa cơm hội ngộ với nhiều món ngon bắt đầu, chú Bình múc súp vào bát cho vợ, và cô Bình âu yếm lấy món súp cho chồng.
Chị Bông cũng lấy bát của chồng và múc vào một chút súp:
-         Mời anh nếm thử món súp đồ biển xem sao?
Anh Bông húp một thìa và hơi nhăn mặt:
-         Úy trời, sao mà…
Chị Bông kín đáo liếc mắt nhìn anh Bông như nhắc nhở, và đáp rất hiền hòa:
-         Chắc anh chưa nếm kỹ đấy, mọi thứ em đều nêm nếm đúng số lượng như đã từng làm cho anh vừa ý bấy lâu nay.
Anh Bông sì sụp húp thêm mấy thìa súp nữa và vội thể hiện vai trò người chồng tế nhị:
-         Thiệt tình là em nói đúng, chắc anh mới uống rượu nên ăn súp lạ miệng mà thôi.

May qúa, anh Bông đã cứu vãn kịp thời, tí nữa là anh cộc cằn kêu lên như thường lệ:” Úy trời, sao mà nấu mặn thế này? thì cô húp cho hết nồi súp đi nhé”
Vì bản tính anh Bông vốn thích ăn lạt, mà trái lại chị Bông thích mặn mà, nên thường xuyên xảy ra sự cố này.
Thế là bữa cơm với nhiều món ăn ngon, với chai rượu đắt tiền làm chủ nhà và khách cùng hào hứng và chếnh choáng. Cuộc chuyện trò kéo dài cho đến tối.
Chị Bông sắp xếp cho vợ chồng khách ngủ căn phòng dưới nhà, đây là căn phòng dự trù cho khách khứa, họ sẽ cảm thấy được tự do thoải mái trong căn phòng ngủ rộng và không gian yên tĩnh dưới này vì tất cả những phòng ngủ khác đều ở trên lầu.
Vợ chồng chị Bông đã lên lầu, vì cũng cần một không gian riêng cho thoải mái khỏi phải đóng kịch trước mặt khách nữa. Cũng may họ chỉ đến một buổi chiều và ngủ qua đêm, chứ họ mà ở lại vài ngày thì vở kịch vợ chồng chị diễn không biết có hoàn thành tốt đẹp đến phút cuối không?
Chị Bông chợt nhớ ra vội đi mở closet và sai chồng:
-         Anh với tay lấy cái chăn bông Đại Hàn xuống cho em.
-         Anh đang bận, em không thấy sao?
Chị Bông cao giọng cằn nhằn:
-         Em đã bảo làm gì thì làm ngay đi.
-         Úy trời, em nói nhỏ thôi lỡ vợ chồng chú Bình nghe thấy em sai anh như bà chủ sai nhân viên thì mất mặt anh, mà tiếng Bắc của em gọi là mất thể diện đó.
-         Làm sao mà họ nghe thấy trừ khi họ đứng rình ngoài cửa, và giờ này không phải để anh ôn lại tiếng Bắc tiếng Nam nhé. Em cần cái chăn Đại Hàn để mang xuống phòng cô chú, cái chăn này sẽ ấm áp hơn. Nhanh lên, không thôi em…quát to lên ráng chịu!
Anh Bông đang dở tay trong phòng tắm cũng vội chạy ra làm theo lời vợ. Chị Bông ôm cái chăn to kềnh to càng đi xuống thang lầu…
Chị đi nhẹ nhàng đến bên phòng ngủ của khách để xem chừng nếu họ đã ngủ say, thì chị chợt  nghe tiếng cô Bình gắt gỏng:
-         Ông có im họng đi giùm tôi được không? Tôi đang buồn ngủ nè,.uống có chút rượu mà lè nhè nãy giờ điếc cả tai.
-         Người ta nói rượu vào lời ra mà. Bà đừng có ỷ ở đây nhà người ta mà tôi không dám bạt tai bà à nghe…
-         Đúng là thằng cha ó đâm, thằng cha vũ phu. Vậy mà trước mặt thiên hạ, trước mặt đám con cháu cứ làm như ta đây là một người đàn ông thanh lịch.
-         Còn bà, tế nhị cái khỉ khô, ăn nói với chồng chỉ làm chồng tức trào máu họng. Không biết bao giờ tôi mới thoát khỏi cái nợ đời này…
Trời ơi, thật là bất ngờ và kinh khủng, thì ra hai vợ chồng cô chú Bình đã cãi nhau từ lúc về phòng ngủ cho đến giờ, chú Bình chếnh chóang say, còn cô Bình ỷ y phòng ngủ dưới lầu không có ai nên họ cứ tự tiện mà cãi nhau.
Chị Bông phải đưa tay lên bịt miệng mình, chỉ sợ không kềm chế nổi và kêu toáng lên thôi.
Chị nhẹ nhàng ôm cái chăn bông Đại Hàn nặng chịch đi ngược lên lầu, thở phào một tiếng và khẽ bảo chồng.:

-         Anh ơi, cất lại cái chăn về chỗ cũ đi.
Anh Bông ngạc nhiên kêu lên:
-         Tại sao em mang cái mền này xuống lầu bằng được bây giờ lại mang lên? Cô chú Bình không chịu đắp hả?
-         Khẽ mồm miệng chứ, rồi em kể cho mà nghe..
Chị Bông kể hết cho chồng những gì mình vừa nghe được và khoái chí kết luận:
-         Thì ra vợ chồng cô chú Bình cũng đóng kịch như vợ chồng mình, nhưng đoạn cuối của họ thê thảm hơn mình nhiều, em chưa bao giờ nặng lời thậm tệ với anh, và anh cũng chưa bào giờ ăn nói lỗ mãng với em đến thế.
Anh Bông thẫn thờ:
-         Không ngờ có những cuộc sống vợ chồng đến mức trơ trẻn thế, nhất là với cô chú Bình mà anh luôn tôn trọng kính mến như một gương mẫu để mình phải vâng lời noi theo, nếu vợ chồng không “tương kính như tân” thì cũng không nên mạt sát nhau, coi thường nhau chứ…
-         Chắc họ quen tính cách đối xử của nhau rồi, có nhiều cặp cãi nhau, đánh nhau phũ phàng mà vẫn ăn ở với nhau con đàn cháu đống, ra đường vẫn đẹp đôi, bề ngoài là một  gia đình đề huề hạnh phúc đấy….
Chị Bông nhẹ nhàng nói tiếp:
-         Mình cứ sống thật với nhau theo tình cảm tự nhiên, cuộc sống vợ chồng nào chẳng là con đường lúc gập ghềnh lúc gío mưa, ai chẳng có tính tốt và tật xấu…hãy chấp nhận và bao dung cho nhau, còn hơn là sống đạo đức gỉa che mắt thế gian trong khi trong lòng thì khinh thường và xem nhau như bèo rác.
-         Cuộc đời nhiều gỉa dối mà em…
Chị Bông chứng minh thêm:
-         Đúng thế, thí dụ như hôm vợ chồng mình đi xem triển lãm tranh trừu tượng của một họa sĩ bạn anh, các bạn khác xúm vào khen bức tranh này ý nghĩa cao siêu, khen bức tranh kia đẹp tuyệt và thâm thúy, em dám chắc chỉ là những lời khen gỉa dối cho vừa lòng tác gỉa hay ra vẻ ta đây hiểu biết. Còn em, nhìn những nét vẽ ngoằn ngoèo như giun bò, rối tung như gà bới, những mảng màu sắc nham nhở như vệt phấn loang trên gương mặt cô gái gìa đỏm dáng lỗi thời mà không hiểu nổi là cái gì, dù tác gỉa đã đặt tên cho bức tranh đàng hoàng tử tế.
-         Anh nhớ rồi, và em đã nói là thà họa sĩ vẽ cụ thể con gà, con vịt, cây ổi, cây soài em còn hiểu được và chấm điểm được chứ gì. Tội nghiệp họa sĩ thuộc trường phái vẽ tranh trừu tượng qúa, tại em không hiểu họ chứ không phải họ vẽ dở đâu…Nhưng dù sao em cũng thành thật để lộ ra là em chẳng biết gì về hội họa.
Chị Bông cười trừ:
- Thôi, chúng mình không tranh cãi giùm các họa sĩ nữa kẻo lại…cãi nhau đến nửa đêm vẫn chưa phân thắng bại. Sửa soạn đi ngủ đi anh.
Chị Bông thay quần áo ngủ lên giường nằm thấy thoải mái từ trong tâm hồn đến thể xác. Anh Bông cũng đã thay xong bộ đồ ngủ, nhưng còn đứng bên giường, mặt anh bỗng nghiêm trang y như lúc chiều trước mặt khách:
-         Thưa cô Bông, tôi có lời khen cô hôm nay đã hoàn thành vai trò người vợ hiền rất xuất sắc.
Chị Bông cố nhịn cười để tung hứng cùng chồng:
-         Không dám. Cám ơn anh.
-         Thưa cô Bông, tôi xin phép được lên giường ngủ cùng cô, có được không?
Chị Bông làm bộ e lệ kéo cao cổ chiếc áo ngủ hớ hênh và kéo chăn đắp lên đôi chân trần, lễ phép trả lời:
-         Vâng ạ, xin mời anh, rước anh lên giường.

Hai vợ chồng ôm nhau cười khúc khích…Tiếng chị Bông thì thầm:
Đây là màn cuối của vở kịch “Vợ chồng tôn kính nhau như khách khứa”  nhé. Anh mà thưa gởi nữa là em…đạp anh rơi xuống giường luôn đấy…

Điều gì xảy ra khi lên cơn đau tim?




Điều gì xảy ra khi lên cơn đau tim?

Mỗi năm có khoảng 7 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh về tim mạch gây nên các cơn đau tim và các vấn đề khác, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi lên cơn đau tim?
Đầu tiên hãy tìm hiểu nguyên nhân trước đã!


Cũng như các cơ khác, tim cần oxy và khi không có đủ lượng oxy cần thiết, cơn đau tim xảy ra. Lượng mỡ tích tụ hình thành các mảng xơ vữa trên thành động mạch vành - những mạch máu có vài trò cung cấp máu giàu oxy tới tim. Các mảng xơ vữa này ngày càng lớn lên khi ta già và dần dần làm hẹp lòng động mạch.


Cuối cùng, mảng xơ vữa có thể trở thành vật cản. Nếu một trong các mảng xơ vữa bị nứt vỡ, một cục máu đông sẽ hình thành quanh đó chỉ trong vài phút và chặn luồn máu lưu thông gây tắc mạch và nhồi máu cơ tim.


Việc lưu thông máu đến cơ tim bị gián đoạn và chỉ trong vài phút, các tế bào thiếu oxy bắt đầu chết. Nếu không được điều trị, tình trạng có thể xấu đi nhanh chóng. Cơ bị tổn hại có thể không bơm được máu và dẫn đến tim loạn nhịp. Trong trường hợp xấu nhất, nhồi máu cơ tim có thể dẫn tới đột tử.

Làm thế nào bạn biết được khi nào bị đau tim?


Triệu chứng phổ biến nhất là đau ngực do cơ tim bị thiếu oxy gây ra. Các bệnh nhân cảm thấy như bị bóp nghẹt. Nó có thể lan ra cánh tay trái, hàm, lưng và bụng. Nhưng không phải lúc nào cũng bất ngờ và kịch tính như trong phim. Một số trường hợp cảm thấy buồn nôn hay khó thở.


Các triệu chứng có thể khó phát hiện hơn ở phụ nữ và người lớn tuổi vì sẽ bị lầm tưởng là sự mệt mỏi bình thường. Và nguy hiểm hơn hết, ở khá nhiều người, đặc biệt với những ai mắc bệnh tiểu đường và các căn bệnh đau thần kinh thì cơn đau tim có thể xảy ra một cách yên lặng.

Làm gì khi có triệu chứng đau tim?


Nếu bạn nghi ngờ ai đó có thể đang bị đau tim, việc quan trọng nhất là phải cấp cứu ngay lập tức để nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ sẽ dùng Aspirin (thuốc làm loãng máu) và Nitroglycerin (thuốc giãn động mạch) để giữ cho cơn đau tim không trở nên nghiêm trọng hơn.



Trong phòng cấp cứu, các bác sĩ có thể chẩn đoán một cơn đau tim bằng việc sử dụng điện tâm đồ để đo hoạt động cơ tim và xét nghiệm máu để đánh giá tổn thương cơ tim. Bệnh nhân sau đó được đưa tới phòng khám tim công nghệ cao nơi làm các xét nghiệm để xác định vị trí bị nghẽn.


Những cách phổ biến trong điều trị bệnh động mạch vành có thể kể đến như: Nong mạch bằng bóng, phẫu thuật đặt stent (đưa vào một khung đỡ bằng kim loại hay nhựa dẻo để giữ cho lòng động mạch được thông).



Nhưng nếu bị tắc nghẽn nặng có thể cần đến phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Phẫu thuật ghép nối một đoạn tĩnh mạch hay động mạch từ phần khác của cơ thể (thường ở tay và chân) khiến dòng máu lưu thông theo một đường khác đến tim giúp tái lập sự lưu thông và phục hồi chức năng tim.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh



Điều trị đau tim tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng phòng ngừa vẫn là tốt nhất. Cả các yếu tố di truyền và lối sống đều tác động đến nguy cơ đau tim. Do đó bạn có thể thay đổi lối sống để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và giảm cân đều có thể giảm nguy cơ xảy ra đau tim, bất kể bạn đã từng bị trước đó hay chưa.



Các bác sĩ khuyên nên tập thể dục vài lần một tuần, thực hiện cả các bài tập rèn luyện sức mạnh. Một chế độ ăn uống có lợi cho tim với lượng đường và chất béo bão hòa thấp. Ăn thật nhiều chất xơ, thịt gà và cá, hạn chế ăn thịt đỏ, bơ và đường, ngoài ra các loại ngũ cốc và quả hạch như óc chó, hạnh nhân đều có lợi.



Thuốc cũng có thể giúp ngừa đau tim. Bác sĩ thường kê thuốc Aspirin liều thấp, đặc biệt là cho các bệnh nhân đã từng bị đau tim và những người có có nguy cơ cao. Các loại thuốc giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường cũng sẽ giảm khả năng xảy ra đau tim.

Đau tim có thể phổ biến nhưng không phải là không ngừa được. Chế độ ăn uống lành mạnh, kế hoạch luyện tập hợp lý, tránh sử dụng thuốc lá, ngủ đủ giấc, sống yêu đời vui vẻ, thực hiện hết những điều này sẽ giúp bạn đảm bảo có một hệ tim mạch khỏe mạnh!

(theo khoahoc.tv)
--------------------------------------------------------------
Đọc thêm
Dấu hiệu cảnh báo đau tim
Làm thế nào để sống sót khi lên cơn đau tim một mình?

T.Anh chuyển

mercredi 19 juin 2019

YÊU VÀ THƯƠNG

YÊU VÀ THƯƠNG



Đôi khi, cuộc sống là một chuỗi của cô đơn tận cùng, khi lòng người thì vô hạn, nhưng trái tim lại hữu hạn. Vậy nên, chúng ta luôn phải học cách rộng mở với đời nhưng lại e ấp khép chặt trái tim.

Cuộc sống ném vào đời những quy luật của thương yêu bất tận, nhưng lại nhỏ nhen khi tình yêu đã mang đến đủ nhiều giới hạn. Bởi mỗi chúng ta được sinh ra, đều được nhồi nặn sự ích kỷ hàn... chặt trong linh hồn.

Tạo hóa sinh ra con người phải biết đi trên đôi chân của mình, gượng dậy giữa những mặc cảm của nỗi đau chồng chất.
Đó đôi khi là một lợi thế, nhưng phần nhiều lại là yếu điểm.

Dần dà, con người ta phải học sống trong nỗi cô đơn, cái "cô đơn" ngấm ngầm trong máu thịt, và khép mình giữa những mạch cảm xúc đẩy đưa. Người quen thân đã ít, người xa ngày một nhiều, học cách đối mặt với nỗi cô đơn là điều hiển nhiên phải có.

Mặc dù, những bài học cuộc sống vốn không hề giản đơn.

Ngồi một chỗ thì thời gian vẫn cứ trôi qua một cách lãnh cảm. Ấy vậy mà khi con người quá bận rộn với nhiều mục tiêu, tìm kiếm một phút đắm mình cho thời gian chảy dài như thế lại trở nên hiếm hoi vô cùng. Người có nhiều thời gian luôn nghĩ đến những việc muốn làm, người không có thời gian lại nghĩ về những việc không cần thiết phải làm.

image2.png
Vì vậy, họ vô tình quên đi những điều giản dị hiển diện xung quanh, có khi chỉ là một nụ cười của người nào đó có ý nghĩa trong cuộc đời. Cuộc sống không bán vé quay lại, mất đi vĩnh viễn không thu hồi được. Thế thì, tại sao không thử " Yêu - Thương " ngay từ lúc này?

Con người ta cần phải nếm trải đủ nhiều nỗi đau thì mới ngấm được yêu thương là điều cần thiết. Cũng như việc đi qua những ngày mưa dầm dề, mới thấy được tình yêu nồng nàn dành cho những ngày nắng gắt. Rồi một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng, có những người chỉ có thể ở trong trái tim mình, chứ không thể hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Tình yêu thì ở trong tim, nó không phụ thuộc vào lời nói hay cách thể hiên bề ngoài. Chỉ cần trong thâm tâm chúng ta biết rằng, mình vẫn biết yêu thương, thế đã là quá đủ.
Đừng cố công làm màu mè lên những khái niệm giản đơn của cuộc sống, bởi những thứ xuất phát từ trái tim vốn dĩ rất mộc mạc.

Chẳng ai yêu lại không chút mong cầu, bánh xe dĩ vãng dù xa xôi vẫn mang nhiều trái đắng. Tô màu lên những ký ức là điều mỗi người vẫn thường làm khi có điều gì đó ở hiện tại đang vỡ tan. 

Chúng ta thường chìm đắm trong kỷ niệm để xóa nhòa những nỗi đau. Để rồi lại vô tình làm cho những thương tổn trở nên sâu hoắm. Người ta đặt tên cho tình yêu là Định Mệnh, và rồi lại đặt tên cho chia ly là Bi Kịch. Những tình yêu không trọn vẹn, luôn là những cuốn phim lãng mạn chất chứa nhiều nỗi đau.

Không phải cứ tạnh mưa thì cầu vồng sẽ xuất hiện.
Con người ta luôn mong chờ tương lai tốt đẹp vào những phút giây bất trắc của Tạo Hóa, nhưng hiển nhiên chẳng có ai nghĩ rằng, sẽ luôn có biến cố vào phút cuối của lối mòn. Nhưng mà, tự tạo nên một cầu vồng nho nhỏ cho riêng mình cũng chẳng phải là điều khó khăn.

Hãy cứ thử bắn nước tung tóe vào ánh mặt trời, cầu vồng sẽ rực rỡ hiện lên mà thôi. Năng lực của con người vốn dĩ vô hạn, thế nên những gì số phận không thể mang đến cho mình, thì thôi hãy cố gắng tự mình tạo ra vậy.

Chúng ta lướt qua nhau như những vạt nắng, để rồi màn đêm sẽ kéo xuống đuổi nắng đi đâu mất.
Tình yêu vốn dĩ cần phải thủy chung, nhưng thỉnh thoảng lê la bên những vạt nắng cũng là điều dễ hiểu.
Trưởng thành có nghĩa là phải học cách cảm thông cho những lỗi lầm. Vậy mới có thể yêu nhau dài lâu, và thương nhau đậm sâu.

Yêu mà, chi li làm gì, chấp nhặt làm chi.....

Ngửi thấy mùi cô đơn trên những chốn đi - về, lấy kỷ niệm lấp đầy những nỗi đau, ta đặt tên là: " Nơi Bình Yên Trở Lại."


Ngọc Nga sưu tầm