Phở bát đá không còn xa lạ với nhiều người yêu phở ở Thủ đô. Việc dùng bát đá để nhúng sợi phở là một phương thức độc đáo, giúp bát phở nóng hổi đến tận cuối bữa ăn.
Tuy mới mở bán phở bát đá không lâu nhưng quán phở ở quận Đống Đa (Hà Nội) này đã trở thành chốn quen của rất nhiều thực khách.
Chủ quán phở là chị Chu Phương Linh. Chị Linh vốn theo học ngành ngân hàng và từng có thời gian làm văn phòng. Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống bán phở, chị đã quyết định nghỉ việc, mở quán phở của riêng mình.
Để tạo nên sự khác biệt với những quán phở nổi tiếng, lâu đời tại Hà Nội, chị Linh quyết định sử dụng phở bát đá. "Những bát phở bình thường sẽ nguội dần đi nhưng phở bát đá thì nóng hôi hổi đến khi thực khách thưởng thức xong. Cách làm này giúp bát phở tươi ngon, nóng hổi và cũng độc đáo hơn",
Quy trình làm ra bát phở đá trải qua nhiều bước khác nhau. Nước phở được ninh từ xương bò trong 12 - 15 tiếng, nêm nếm hồi, quế để dậy mùi. Công thức nấu nước phở được chị Linh làm theo "bí quyết gia truyền".
Khi chuẩn bị phần ăn cho thực khách, đầu bếp đổ nước dùng từ nồi lớn sang những chiếc bát đá đang đặt trên lửa to. Chiếc bát được bê ra khi nước dùng đang sôi sùng sục, nghi ngút khói.
Mỗi suất phở bát đá bao gồm một bát đá chứa nước dùng sôi sùng sục, thơm phức, một đĩa phở trắng, một đĩa thịt tùy theo ý thực khách, kèm rau sống, chanh, ớt, trứng. Quán có mời thực khách thêm miếng dưa hấu để tráng miệng.
Bánh phở sử dụng tại quán được đặt làm riêng bằng phương pháp tráng thủ công. Sợi phở dùng tới đâu được cắt tới đó. "Nếu sử dụng loại phở thông thường trên thị trường thì khi thả vào bát nước dùng nóng hôi hổi sẽ dễ bị nát", chị Linh cho biết.
Những chiếc bát đá được chị Linh đặt riêng từ Bình Định, vận chuyển cầu kì ra Hà Nội.
Chủ quán cho biết, thịt bò được đặt ở mối riêng. Thịt được mang tới lúc 5h sáng rồi làm sạch, sơ chế. Khách ăn tới đâu, chị Linh sẽ thái thịt tới đó. "Tuy là phở bát đá nhưng hương vị và cách chế biến của món phở nhà tôi vẫn mang đặc trưng của phở Hà Nội. Vì thế phần thịt rất quan trọng, góp phần tạo nên hương vị, chất lượng món ăn", chị Linh chia sẻ.
Để bát đá giữ nhiệt lâu, chủ quán nung chúng bằng bếp ga với nhiệt độ tới 300 độ C, sau đó đổ nước phở sôi sùng sục vào rồi bê ngay ra cho thực khách thưởng thức.
Để thưởng thức trọn vẹn nhất món ăn này, khi nhân viên bưng ra, thực khách nên bỏ ngay thịt vào tô, khéo léo căn độ tái, chín theo sở thích. Việc thả thịt sớm cũng giúp tạo thêm độ ngọt cho nước dùng. Sau đó, thực khách lần lượt cho thêm bánh phở, rau thơm, hành và thưởng thức. Thực khách cũng có thể thêm mắm, muối, tương ớt... theo khẩu vị riêng.
Độ nóng từ bát đá sẽ làm miếng thịt tái dần đi, tạo ra những tiếng xèo xèo khá thú vị và thu hút thực khách. Vị ngọt của thịt bò gần như được giữ trọn vẹn.
Quán phở bát đá ở đây có đủ loại như: tái chín, tái gầu, bắp nạm, lõi… với giá dao động từ 50.000-90.000 đồng. Quán mở cửa từ 6 giờ sáng tới 9 giờ tối.
Hầu hết thực khách đến đây đều có lời khen ngợi cho phần nước dùng: Nước không hề có váng dầu mỡ nhưng lại ngọt rõ vị xương bò hầm. Khi nhúng thịt vào, miếng thịt ăn mềm, ngọt, ngon "cuốn lưỡi". Anh Nguyễn Văn Lâm (Thanh Xuân, Hà Nội) đã là khách quen của quán. "Mình thích ăn phở bát đá bởi giữ được độ nóng. Nước phở ngon, thịt tái chín tùy theo sở thích và phần bánh phở không hề nát", anh cho biết.
Phở bát đá là sự kết hợp khá ấn tượng giữa hương vị truyền thống và ẩm thực hiện đại. Khi thưởng thức, thực khách cảm giác như mình chính là một đầu bếp tạo nên tô phở.