vendredi 19 mai 2023

Làm Sao Để sống Lâu, Tăng Tuổi Thọ?

 Làm Sao Để sống Lâu, Tăng Tuổi Thọ?

Nguyen Thuong  Vũ

Thưa các anh chị,
Trong lịch sử nhân loại có rất nhiều anecdotes về các hoàng đế , nhất là các Hoàng Đế Trung Quốc , kể từ đời Tần Thủy Hoàng Đế - đã sai bao nhiều Ngự Y/Đại Phu /đi tìm kiếm các bí thuật để sống lâu.
Hồi tôi còn trẻ thì các hãng bào chế Pháp tung ra tin mật ong, nhất là mật ong chúa (Gelée Royale), rất công hiệu làm tăng tuổi già.
Tin này là “ba xạo”.

Huyền sử Trung Hoa, Cao Ly thì ca tụng các củ nhân sâm, các nấm linh chi, - ngàn năm - có sức , không những chữa được bệnh, mà còn tăng tuổi thọ nhiều lắm.
Trong ngành Y Khoa của chúng tôi thì ai cũng biết cái bí quyết quan trọng nhất để sống lâu là có cha, mẹ, ông bà sống lâu.

Genetics:
 
If you have parents who live long, the chance that you will live long is very high.
Lẽ dĩ nhiên là không phải ai cũng có cha, mẹ, ông bà sống lâu cả.
Vậy thì phải làm thế nào để sống lâu ?
Nếu không có yếu tố gia truyền/ genetic/ đó thì cái bí quyết quan trọng # 2 là ăn ít.
Chúng tôi gọi là Caloric Restriction.
Đừng ăn nhiều, đừng mang nhiều Calories vào trong thân thể,

Nhịn ăn.
Ăn là 1 trong tứ khoái trong phong tục Việt Nam và Trung Hoa.
Không phải ai cũng nhịn ăn được.
Trong lịch sử hiện đại, có 3 số người bị “bắt buộc”  ăn rất ít trong 1 thời gian nhiều năm trời.

Các người Do Thái sống sót nhờ  quân đội đồng minh giải phóng họ từ các trại giết người của Hitler Nazi trong Thế Chiến II.
Các người Nga bị tống đi sống tại các Gulag miền Siberia bởi đảng Cộng Sản Nga dưới thời Stalin.
Các sĩ quan Việt Nam bị sống nhiều năm trong các gulags “cải tạo”   vùng Hoàng Liên Sơn, Sông Máu, Tây Ninh, Long Bình , do các lãnh đạo Cộng Sản “thắng cuộc” tại Hanoi bắt đi.
“ Đi 10 ngày mà thành 5 năm,  10 năm”.

Trong các group này, thì các người sống sót Do Thái được nghiên cứu nhiều nhất.
Các người Do Thái yếu đuối, tật nguyền thì chết ngay 2-3 năm sau khi được giải phóng.
Các người còn lại, nêu vẫn giử thói quen ăn ít, hoạt động mổi ngày thì sống rất lâu, có người tới ngày hôm nay  , sau 75 năm năm, được giải thoát ,  vẫn còn sống khỏe mạnh, tinh tường.

Tôi không được biết có cuộc nghiên cứu Y Học về các người Nga và Việt Nam tư Gulag về hay không?
Có lẽ là không, vì không thấy data tren Internet.
Tuy nhiên có nhiều nhận xét của các người thân thuộc nhận thấy, nếu các người từ các trại cải tạo về, vẫn dùng 1 formula về ăn ít – nhiều hơn , nhưng giống – cách ăn ít, thanh bạch ở trại cải tạo/gulag/ thì vấn sống lâu như các người Do Thái.

Trong các giải pháp khác thì người ta nhận thấy các người ăn, uống theo cách ăn miền Địa Trung Hải/ “Mediterranean” / thì sống lâu .
Cách ăn miền Địa Trung Hải/ “Mediterranean” gồm có nhiều hoa quả, các loại nut như Almond, walnut, peanut, ăn dầu Olive  và trong các người Pháp sống lâu thì uống “vừa phải” mỗi ngày rượu vang đỏ (tốt hơn rượu vang trắng).
Cái này trong Y Học thì người ta gọi là «The French Paradox »

Gần đay Đại Học Mayo danh tiếng có khởi sự 1 phường trình dùng Quercetin và Resveratrol mổi ngày để xem có thăng tuổi thọ hay không.
Resveratrol là 1 chất lấy ra từ vỏ trái nho dùng làm rượu.
Một viên Resveratrol bán tại Costco có công hiệu ngang với uống 100 ly rượu vang đỏ.
Resveratrol  do 2 giáo sư Harvard kiếm ra, rôi bán lại Patent cho 1 hãng Bào Chế , lãnh 800 million $ về ăn chơi. Hai bác sỉ tuồi chỉ hơn  con gái tôi, cháu Hoài Trang , 10 -15 tuổi mà thôi.

Người ta nhận thấy khi cho các con chuột Resveratrol thì nó khỏe mạnh và sống lâu 50% hơn các con chuột khác.
Áp dụng vào người thì sẽ sống vào khoảng 120-130 tuổi.
Xin nhắc lại là đây là kết quả trên chuột, không dám chắc là sẽ áp dụng được trên người (human application)

Quercetin là 1 chất được tìm thấy trên các cây cỏ, nó có chất anti-oxidant rất mạnh. Nhiều năm nay người ta dùng Quercetin như 1 cách điều trị “phụ” cho các bệnh nhân dùng chemotherapy chữa Cancer, cách điều trị này do Memorial Sloan Kettering Cancer Center  khởi xướng, nhưng đước các đại học khác như Harvard, Mayo, MD Anderson, Stanford... cũng áp dụng
Mayo university thấy các bệnh nhân bị Ung Thư, dùng Quercetin, thì sống lâu hơn các bệnh nhân khác đáng kể, và trong 3 năm nay, Mayo dùng Quercetin và Resveratrol để xem có tăng thọ các người không bị Ung Thư hay không?

Trong 20 năm qua, tôi uống Resveratrol mổi ngày, và 5 năm nay, tôi uống thêm Quercetin mỗi ngày.
Tôi có uống them Vitamine D3 nữa.
Uống như vậy có công hiệu hay không ?
Toi không biết.

Tuy nhiên tôi trên 80 lâu nay  rồi, mỗi ngày vẫn đi bộ 4-5 km,  vẫn  thỉnh thoảng leo núi, leo đồi  thì mỗi ngày,
Mổi ngày vẫn uống 1-2 ly rượu vang, ca hát với bạn hữu thường xuyên,  đọc sách, nghe nhạc mổi ngày, đi du lịch thường xuyên (2 ngày nữa tôi sẽ dời khỏi Hoa Kỳ trong 1 tháng  bụi đời, giang hồ du lịch  vùng Cận Đông và sailing vùng Địa Trung Hải).
Cả đời tôi chưa bao giờ phải nhập viên cả (nhập viện các người khác thì rất nhiều ☺☺☺)
Hai hàm răng chưa bị đau bao giờ cả, răng bố mẹ cho từ hồi 5-6 tuổi vẫn còn giữ nguyên vẹn, chưa rụng  hay thay răng nào cả.

Một vài dòng viết cho những người bạn thân tình, nhất là cho các đàn anh, đàn chị, của tôi tại Hoa Kỳ, Canada  hay Pháp Quốc, mà lâu tôi không được gặp, với ước mong mấy dòng này nếu không giúp đỡ gì các anh chị, thì ít nhất sẽ mang lại 1 trận cười cho các anh chị, ôm bụng cười thằng đồng nghiệp đàn em, già rồi mà còn nhiễu sự.

Rất thân mến
Nguyen Thuong Vu

H.Phúc sưu tầm

mercredi 17 mai 2023

Ký hiệu dưới đáy chai nhựa ?

Hầu hết các chai nhựa, đồ dùng bằng nhựa đều có các ký hiệu này, vậy tại sao người ta phải đánh dấu như vậy, có nguyên nhân của nó cả đấy. Nếu bạn không muốn tự làm hại sức khỏe bản thân thì cần phải biết những điều này.

Những sản phẩm gia dụng làm bằng nhựa như chai nước, hộp lọ mà bạn mua không phải cái nào cũng giống nhau, và sự khác biệt quan trọng chính là mức độ độc hại của loại nhựa mà cấu tạo nên chúng.
Mỗi loại nhựa đều được biểu thị bằng chữ cái hoặc con số, thường nằm giữa hình tam giác với các mũi tên và có thể tìm thấy trên vỏ hoặc dưới đáy các sản phẩm nhựa.


Đã bao giờ bạn thắc mắc ý nghĩa của những kí hiệu này chưa?
Các kí hiệu này ẩn chứa thông tin quan trọng vì mỗi loại nhựa lại chứa những chất hóa học có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe của chúng ta theo các cấp độ khác nhau.
Dưới đây là tổng hợp 7 loại nhựa thường được sử dụng và ý nghĩa kí hiệu của chúng.



Có tất cả 7 loại nhựa, mỗi loại lại chứa thông tin về mức độ độc hại của từng loại nhựa đó.

1. Số 1 – PET hay còn gọi là PETE


Nhựa PETE sử dụng rộng rãi nhưng chỉ nên dùng một lần.
Nhựa PET (viết tắt của polyethylene terephthalate) là một trong số những loại nhựa được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm gia dụng, ví dụ như chai nước khoáng, nước ngọt, bia và bao bì đóng gói.
Đây là kí hiệu chỉ loại nhựa chỉ sử dụng duy nhất một lần, nên nếu dùng đi dùng lại có thể gia tăng nguy cơ làm hòa tan các kim loại nặng và hóa chất cấu tạo nên chúng. Các chất này làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hóc-môn trong cơ thể.
Nhựa PET rất khó để làm sạch, mức độ tái chế của chúng cũng rất thấp (chỉ khoảng 20%) vì vậy tốt nhất là dùng xong hãy vứt chúng đi ngay.


2. Số 2 – HDP hay HDPE



Mệnh danh là nhựa an toàn nhất trong tất cả, nhựa số 2 thường được khuyên dùng bởi các chuyên gia.
HDP (high density polyethylene, tức là nhựa nhiệt dẻo mật độ cao) là loại nhựa dùng để chế tạo các bình nhựa cứng như bình đựng sữa, bình đựng chất tẩy rửa, dầu ăn, đồ chơi và một số túi nhựa.
Loại nhựa này không thải ra chất độc hại nào vì thế, các chuyên gia thường khuyên lựa chọn các loại chai HDP khi mua hàng bởi chúng được coi là an toàn nhất trong tất cả.


3. Số 3 – PVC hay 3V



Nhựa số 3 là loại nhựa rất phổ biến nhưng lại chứa nhiều chất độc hại.
PVC là loại nhựa mềm và dẻo được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm trong suốt, chai đựng dầu ăn, đồ chơi và rất nhiều sản phẩm khác.
PVC khá phổ biến nhưng chúng có chứa 2 loại hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến hóc-môn cơ thể. Chất này có thể giải phóng chất độc khi ở nhiệt độ cao, nên chỉ được phép đựng thực phẩm hoặc đồ uống dưới 81 độ C.


4. Số 4 – LDPE

Nhựa số 4 có nhiều công dụng nhưng không nên dùng ở nhiệt độ cao.
LDPE là chất nhựa nhiệt dẻo mật độ thấp khá phổ biến trong các hộp mì, hộp đồ đông lạnh, túi đựng hàng và vỏ bánh. Sản phẩm chứa chất này sẽ không thể làm nóng trong lò vi sóng, tránh nhiệt độ cao vì sẽ giải phóng hóa chất.


5. Số 5 – PP

Nhựa số 5 chịu nhiệt rất tốt và an toàn khi đặt trong lò vi sóng.
PP (polypropylene) là loại nhựa màu trắng hoặc gần như trong suốt, dùng để làm cốc đựng sữa chua, si-rô, hoặc cốc cà phê.
Chất này bền và nhẹ, chịu được ở nhiệt độ 167 độ C nên có thể tái sử dụng, quay trong lò vi sóng. PP cũng chống được ẩm và chất nhờn rất tốt.


6. Số 6 – PS


Nhựa số 6 hay dùng cho hộp nhựa xốp hoặc dĩa thìa dùng một lần.
PS, hay polystyrene, là loại nhựa rẻ và nhẹ có thể tìm thấy trên vỏ một số hộp đựng đồ ăn nhanh, cốc uống nước, hộp đựng trứng và dao đĩa thìa picnic.
Dù chúng có khả năng chịu nhiệt và lạnh đáng kể, nhưng ở nhiệt độ cao như lò vi sóng chúng có thể giải phóng chất độc hại.
Ngoài ra, cũng không được dùng đựng đồ có chất acid mạnh, chất kiềm mạnh. Chính vì thế, loại nhựa này không được phép dùng để đựng đồ ăn thức uống lâu dài.

Bạch Mai sưu tầm






Thuyền phó tàu Titanic tiết lộ bí mật vĩ đại giấu kín nửa đời người

 Thuyền phó tàu Titanic tiết lộ bí mật vĩ đại giấu kín nửa đời người, phương Tây họ văn minh hơn chúng ta từ rất lâu!



Nhân sinh như cõi mộng, dù cho người đó giàu có bao nhiêu hay nghèo kém cỡ nào, đứng trước sinh tử cũng đều chỉ là một sinh mệnh bé nhỏ. Quan trọng hơn, khi ấy người ta mới thật sự nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc đời: Không phải vật chất, không phải quyền danh, càng không phải nhận lại điều gì cho mình mà là cho người khác, mà là lòng vị tha. 

Đêm ngày 14/4/1912, một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra. Con tàu mang phong hiệu “không thể chìm” có tên Titanic đã đâm sầm vào một tảng băng trôi khổng lồ. Kết quả của vụ va chạm ấy là những con số và nỗi đau mà người ta không bao giờ muốn nhắc lại.

1.514 người đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu kinh hoàng năm ấy. Nỗi đau đã khép lại hơn 100 năm, ngày nay, những gì người ta lưu lại về từ khóa “Titanic” có thể là: Vụ đắm tàu, thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại hay mối tình lãng mạn của Jack và Rose, cũng có thể là tình ca bất hủ My heart will go on qua chất giọng cao vút của Celine Dion…

Tuy nhiên, hầu như tất cả đều không nhận ra, đằng sau bức màn đen tối của những nỗi đau và mất mát ấy là một kiệt tác vĩ đại của Lòng vị tha.

Charles Lightoller, khi ấy 38 tuổi, Thuyền phó thứ 2 trên con tàu Titanic, ông là người cuối cùng được kéo lên trên thuyền cứu hộ, cũng là người còn sống sót có chức vị cao nhất trên thuyền lúc đó.

Trở về từ cõi chết, sau rất nhiều năm giấu kín và im lặng, cuối cùng Charles quyết định viết 17 trang hồi ức, kể lại chi tiết vụ tai nạn kinh hoàng mà ông chứng kiến. Từng câu từng chữ của ông chưa bao giờ sống động và dồn dập đến vậy. “Chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng đêm đó!”

“Phụ nữ và trẻ em lên trước!”

Khi mệnh lệnh vừa vang lên, nhiều người rời thuyền cứu hộ, họ lặng lẽ bước ra phía sau châm điếu thuốc và hút. Charles không thấy bất kỳ một phụ nữ hay trẻ em có ý định bỏ lại những người đàn ông thân yêu của họ. Tất cả mọi người dường như rất bình tĩnh… trước cái chết… dù đó là một thương nhân nổi tiếng hay người hầu.

Khi chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên được đưa xuống mặt nước, Charles đã hỏi một người phụ nữ họ Straw khi ấy đang ở trên boong tàu rằng: “Bà có muốn tôi đưa bà lên thuyền cứu hộ không?”

Người phụ nữ lắc đầu: “Không, tôi nghĩ vẫn là ở lại trên tàu thì tốt hơn”. Người chồng của bà hỏi: “Tại sao em lại không muốn đi lên thuyền cứu hộ?” Người phụ nữ mỉm cười trả lời: “Không, em vẫn muốn ở bên cạnh anh”. Cũng kể từ đây, Charles không bao giờ còn gặp lại đôi vợ chồng này lần nữa…

Astor đệ tứ (John Jacob Astor IV), một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng và là một trong những người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi đưa người vợ mang thai 5 tháng tuổi lên thuyền cứu hộ, một tay dắt chó, tay còn lại châm điếu xì gà rồi hét to về phía chiếc thuyền cứu hộ đang trôi dần về nơi xa: “Anh yêu hai mẹ con”.

Thuyền phó đã ra mệnh lệnh cho Astor đệ tứ lên thuyền, nhưng ông kiên quyết trả lời rằng: “Tôi thích cách nói cơ bản nhất (bảo vệ phái yếu)!”. Sau đó, ông nhường chỗ của mình cho một người phụ nữ ở khoang hạng 3.

Vài ngày sau, khi bình minh vươn lên trên mặt biển Đại Tây Dương, đội cứu hộ tìm thấy thi thể ông trong tình trạng đầu bị chấn thương nghiêm trọng do đập vào ống khói. Khối tài sản của ông đủ để chế tạo 10 con tàu Titanic, nhưng Astor đệ tứ đã từ chối tất cả. Ông chọn cái chết để bảo vệ người thân yêu của mình, bảo vệ “phụ nữ và trẻ em” và bảo vệ nhân cách của mình.

Ben Guggenheim, một nhà tỷ phú, một nhân vật nổi tiếng trong ngành ngân hàng. Trong giờ phút nguy nan nhất, khi tất cả mọi người đang hối hả và vội vã, ông thản nhiên thay một bộ vest dạ hội sang trọng và tuyên bố: “Tôi phải chết thật trịnh trọng, như một quý ông”.

Trong lời nhắn ông gửi cho vợ viết: “Trên con tàu này, không có bất kỳ một phụ nữ nào vì anh cướp chỗ trên thuyền cứu hộ mà bị bỏ lại trên boong tàu. Anh sẽ không chết giống như một tên khốn, anh sẽ giống như một người đàn ông chân chính”.

Một thủy thủ đề nghị với Strauss, nhà sáng lập công ty bách hóa Macy của Mỹ, cũng là người giàu thứ hai thế giới rằng: “Tôi bảo đảm sẽ không ai phản đối một người già như ngài bước lên thuyền cứu hộ đâu”. Strauss nói: “Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại”. Khi ông cố gắng khuyên giải bà Rosalie vợ của mình lên thuyền cứu hộ thì bà vẫn một mực từ chối. Bà nói: “Bao nhiêu năm qua, anh đi đâu là em theo đến đó, em sẽ cùng anh đi đến bất cứ nơi nào mà anh muốn đi”.

Sau đó, ông choàng lấy cánh tay của bà Rosalie, thong thả bước đến chiếc ghế trên boong tàu, ngồi xuống và chờ đợi giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ngày nay, tại Bronx thành phố New York, người ta xây một tượng đài để tưởng niệm vợ chồng ông Strauss, trên đó khắc hàng chữ: “Tình yêu không thể nào nhấn chìm dù có nhiều nước biển hơn nữa”.

Một doanh nhân người Pháp tên Nahuatl đưa hai cậu con trai của mình lên thuyền cứu hộ, nhờ một vài người phụ nữ chăm sóc cho chúng, và mình thì từ chối lên thuyền. Sau khi hai đứa con trai được cứu sống, báo chí khắp nơi trên thế giới đều rầm rộ đăng hình ảnh của hai đứa trẻ này, cho đến khi mẹ của chúng từ hình ảnh nhận ra được chúng.

Trong giờ phút nguy kịch, Lydepas ôm chặt lấy người chồng mới cưới, không muốn thoát chết một mình. Vì bất đắc dĩ, chồng Lydepas phải đấm cô ngất xỉu, khi cô tỉnh lại thì đã thấy mình trên một chiếc thuyền cứu hộ đang trôi lênh đênh ngoài biển. Về sau, Lydepas cả đời không tái giá, sống độc thân để hoài niệm người chồng đã mất của mình.

Trong buổi họp mặt những người may mắn sống sót tại Lausanne nước Thụy Sĩ, bà Smith kể lại: “Lúc đó hai đứa con của tôi được bế lên thuyền cứu hộ. Vì quá tải nên tôi không thể lên thuyền nữa, một người phụ nữ ngồi trên thuyền cứu hộ khi ấy đã đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, rồi đẩy tôi lên và hét lớn với tôi một câu: ‘Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!’.” Bà hối tiếc vì lúc đó đã không hỏi tên người phụ nữ đó.

Những người thiệt mạng trong vụ tai nạn này còn có tỷ phú Acid, nhà báo nổi tiếng Stead, Thiếu tá pháo binh Bart, kỹ sư Robble nổi tiếng v.v.. Họ nhường chỗ của mình trên thuyền cứu hộ, cho những phụ nữ nông dân không một đồng trên người.

Hơn 50 nhân viên cấp cao trên tàu Titanic, ngoài thuyền phó thứ hai Charles Lightoller chỉ huy cứu hộ may mắn sống sót, toàn bộ đều hết mình cứu người đến chết trong cương vị của mình.

Khoảng 2h sáng nhân viên điện báo số 1 John Philip nhận được mệnh lệnh bỏ tàu của thuyền trưởng, mọi người tự mình cứu mình, nhưng ông vẫn ngồi trong phòng thông báo, vẫn giữ tư thế phát tín hiệu SOS liên tục cho đến phút cuối cùng.

Khi đuôi tàu bắt đầu chìm xuống nước, Charles nghe thấy vào khoảnh khắc cuối cùng, khoảnh khắc của sinh ly tử biệt, những lời yêu thương vang lên: “I love you! I love you!”

Trong bức màn đêm đen tối nhuốm đẫm đau khổ và chia ly, tinh thần quý tộc nổi lên như ngọn đuốc rực sáng, khắc họa nên một tuyệt tác vĩ đại về nhân cách và đạo đức con người. Giáo dục lối sống không chỉ là lý thuyết; mà trong những hoàn cảnh thực tế, những bài học đạo đức ăn sâu vào tâm thức trở thành kim chỉ nam cho hành động của mỗi người.

Phụ nữ và trẻ em, những con người yếu đuối cần được tôn trọng và ưu tiên. Những người đàn ông lịch lãm không chỉ là kẻ nói lời hoa mỹ và tử tế trên bàn tiệc; mà ngay cả khi đối diện với thực tế rằng dù ngày mai tất cả đều trở thành vô nghĩa thì bài học về đạo đức và nhân cách hôm nay vẫn cần được thực hành một cách tuyệt đối.

Nhân sinh như cõi mộng, dù cho người đó giàu có bao nhiêu hay nghèo kém cỡ nào, đứng trước sinh tử cũng đều chỉ là một sinh mệnh bé nhỏ. Quan trọng hơn, khi ấy người ta mới thật sự nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc đời: Không phải vật chất, không phải quyền danh càng không phải nhận lại điều gì cho mình mà là cho người khác, là vị tha.

Vị tha hàm chứa một sức mạnh vô tỉ, đã biến những con người xấu số trong cơn “bão biển” kinh hoàng năm ấy trở thành biểu tượng vĩ đại của tấm lòng thiện lương cao cả.

P/s: Những câu chuyện thế này theo các bạn có nên đưa vào sách giáo khoa không?

Hoàng Nguyên Vũ 

Hồng Phúc sưu tầm

samedi 13 mai 2023

Tả quân Lê văn Duyệt ( 1763 or 1764 – 30 July 1832) Lăng Ông Bà Chiểu

Vì sao Tả Quân Lê văn Duyệt xuất thân thái giám nhưng khi mất lại nằm cùng bà Phu Nhân ?

Từ lâu người Sài Gòn, Gia Định,Chợ Lớn xem Tả Quân Lê văn Duyệt là một vị thần có hơi hám tâm linh dân gian...Đây là một hiện tượng độc nhứt vô nhị.

Các dịp Lễ Tết số lượng người đi Lăng Ông đông gấp nhiều lần đình chùa, ngày thường khách vẫn nườm nượp nhang khói không lúc nào nguội lạnh.

Ngày Tết Nguyên Đán đầu năm trong tiết tháng Giêng se lạnh, khi mà Trời Đất giao hòa cùng lòng người thì bá tánh thích ghé Lăng Tả Quân đặng cầu nguyện cho một năm an bình, tài lộc...

Sài Gòn còn có mộ và đền thờ của Võ Tánh,Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy nhưng đông nhứt vẫn là Lăng Ông Bà Chiểu. Gần đó có đền thờ Trần Hưng Đạo nhưng dân Nam Kỳ ít khi lui tới .

Dân gian coi ông như thần và tế lễ ông tại lăng mang nghi thức thờ thần. Nghi lễ cúng kiếng tại lăng pha trộn giữa nghi lễ thờ cúng ông bà, tổ tiên của người Nam Kỳ với nghi lễ cúng thần.


Người Việt cúng trái cây,bánh và nhang đèn. Người Hoa cúng heo quay theo tục của họ.


Vì ngày xưa Tổng Trấn làm cho Sài Gòn ,Nam Kỳ giàu mạnh nên nhiều người Việt lẫn Hoa coi ông là Phúc Thần ,thành ra cúng tế ông là cầu xin ,đó là lẽ thường xuất phát từ tâm tưởng của người dân


Xin bắt đầu vài dòng về những ngày xưa


Năm 1760 ông Lê Văn Hiếu cùng vợ chồng con trai ông bà là ông bà Lê Văn Toại rời Quảng Ngãi theo ghe bầu vô Nam Kỳ và tới vùng Mỹ Tho,sau định cư tại Vàm Trà Lọt


Ông Lê Văn Toại và bà Nguyễn Thị Lập sanh ra con trai Lê Văn Duyệt ở đây


Ông Lê Văn Toại sanh được 4 con trai,ông Duyệt là con thứ hai,con trưởng


Tương truyền, từ năm 14, 15 tuổi ông Lê Văn Duyệt thường tự than: “Sanh ra ở đời loạn mà không dựng cờ nổi trống làm đại tướng, để công danh trên thẻ bạc, thì chẳng đáng làm mặt trai!”.


Năm 1765 gia đình này dời nhà qua bên Long Hưng sanh sống


Năm 1780 trong đêm mưa gió,Tây Sơn truy sát chúa Nguyễn Phước Ánh đã chạy từ Gia Định về Mỹ Tho tới vàm Ông Hổ và ghe chèo bị mắc cạn .Ông Lê Văn Toại chèo ghe ra cứu chúa Nguyễn và tùy tùng đem về nhà mình trú tạm


Sau thấy ông Duyệt lanh lẹ,cũng khỏe mạnh,chúa trả ơn gia đình họ Lê bằng cách nhận con trai họ là Lê Văn Duyệt cho đi theo cùng đặng làm thái giám nội cung


Sử Nguyễn chép Lê Văn Duyệt tuổi thơ không chịu học hành mà chỉ thích bắt chim, đánh cá,đá gà và tụ tập các trẻ trong làng, chia phe chơi trò tập trận


Đại Nam liệt truyện cho biết “ông mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn, có tài lực”, và mắc bệnh “ẩn cung hình” từ lúc mới sanh.


Ẩn cung hình tức bộ phận sanh dục quá nhỏ và hình như con tằm không thể sanh con được


Nhiều nhà sử học nói ông không có bộ phận sanh dục nam ,có người nói đó là tật "ẩn tinh hoàn"


Chữ " ái nam ái nữ" là chữ không chính xác với một nhân vật lịch sử


Trích "Nhật ký hành trình" của John White ,London 1824, tr. 236:


"Tổng Trấn Sài Gòn nghe lời người ta nói là một hoạn quan. Trông hình dáng của ông đã chứng minh khá rõ tiếng đồn này. Ông ấy khoảng 50 tuổi , có cái nhìn thông minh. Ông có vẻ hoạt động mạnh về thể chất & tinh thần


Gương mặt tròn , nhẳn , không râu. Riêng giọng nói rất chát tai , giống tiếng đàn bà. Còn y phục của ông ta giản dị giống như y phục của người nghèo .."


Theo mô tả thì ông không có râu,giọng hơi chát,tức là âm hơi bổng, nội tiết tố nam testosterone hơi bị ít


Từ thái giám ,ông được làm cai đội nội cung,rồi tham gia đánh trận


Dũng cảm và quyết đoán,ông đánh trăm trận trăm thắng .Nổi danh trận Thị Nại Quy Nhơn


Tả Quân Tổng Trấn Lê Văn Duyệt gan dạ,lập nhiều chiến công vào bậc nhứt khai quốc công thần thời Gia Long


Ông từng giữ chức Tổng Trấn Gia Định Thành 2 lần: từ 1812 đến 1815 (triều vua Gia Long) và từ 1820 đến 1832 (đời vua Minh Mạng)


Tả Quân lúc uy quyền, tuy chữ ít nhưng lòng người ai cũng kính phục, gọi ông là Ông Lớn Thượng, là Lê Thượng Công


Ông là người giỏi quân sự lẫn chánh trị, ngoại giao,là một vị quan nghiêm khắc, thanh liêm


Dù quyền hành lớn, ông không hề hiếp đáp kẻ dưới, hoặc tìm mọi cách để tư túi riêng.lính của ông có kỷ luật, không hề phá phách, cướp bóc dân gian


Vì bất đồng cách trị quốc với vua Minh Mạng nên ông vua này để bụng với ông Duyệt nhưng do Lê Văn Duyệt có quyền uy lớn trong triều đình nên vua Minh Mạng không làm gì được


Nên hiểu ông Duyệt là thủ lãnh thế lực Nam Kỳ thời đó,phe Nam Kỳ góp phần cho nhà Nguyễn trung hưng,Nam Kỳ giàu có ,nạp thuế,góp lúa gạo nhiều nhứt cho Huế


Tả quân Lê Văn Duyệt được vua Gia Long tin tưởng giao như như phó vương Nam Kỳ tự trị,vua Gia Long nhờ dân Nam Kỳ mà trung hưng nhà Nguyễn,sống mấy chục năm ở Nam Kỳ nên vua hiểu bụng dạ người Nam Kỳ,cái tánh hảo sảng nhưng cũng rất tự do ,Nam Kỳ tuy nhìn là dễ tánh nhưng thực sự rất khó,nguyên tắc rất chặt


Thời của ông Tả Quân cai quản thì đất Gia Định-Nam Kỳ tự do kinh tế thị trường,doanh nhân ngoại quốc Tây -Tàu bán buôn,truyền giáo tự do


Thời Minh Mạng cương vực lãnh thổ Đại Nam bao trùm Lào và Cam Bốt ,công của phe Nam Kỳ rất lớn vì góp của cải,lương thực vào chuyện đó


Sanh thời vua Minh Mạng không sợ ai ,ông nắm quyền tột đỉnh ở Huế,nhưng lại cảm thấy phe Nam Kỳ có thể uy hiếp triều đình


Lịch sử tréo ngoe ở chổ khi thạnh quá thì sẽ suy.Chánh trị mà,đó là quyền lợi của Nam Kỳ và Huế đã có sự mâu thuẩn nhau


Vua Gia Long vì được người Tàu Minh Hương giúp trung hưng nhà Nguyễn nên ông có chánh sách “nhẹ tay” , Minh Hương được miễn lao dịch và miễn thuế thân.


Năm 1824, Minh Mạng buộc tất cả người Tàu di cư phải đóng thuế thân kể cả người Minh Hương ,Lê Văn Duyệt phản đối


Lê Văn Duyệt cũng chống lịnh cấm đạo Thiên Chúa ,chống chủ trương trọng nông ức thương của Minh Mạng.Minh Mạng chủ trương triệt luôn quyền tự trị của người Chàm ở trấn Thuận Thành ,ông Duyệt cũng chống


Khi ông Duyệt còn sống,biết lão thần có uy tín lớn nên vua làm ngơ,khi ông Duyệt vừa qua đời thì vua Minh Mạng ra tay


Chờ sau khi Tả Quân Lê Văn Duyệt mất vào năm 1832 việc đầu tiên của vua Minh Mạng là phá hết thế lực,phe cánh của Tả Quân ở Gia Định và đặt quan cai trị trực tiếp


Vua Minh Mạng triệt phiên bớt thế lực của Tả Quân,bỏ quy chế tự trị của Gia Định trấn,lập tỉnh trực thuộc Huế,áp dụng chánh sách thắt chặt kinh tế ở Nam Kỳ nên đã bị Nam Kỳ phản ứng chống đối


Những cái này ông Duyệt còn sống lại cho tự do


Quan từ Huế vô,việc đầu tiên là khám tư dinh và truy xét tài sản của Lê Văn Duyệt,sau đó có những cử chỉ bất kính với người vừa mất


Tổng đốc Nguyễn Văn Quế ,bố chánh Bạch Xuân Nguyên và án sát Nguyễn Chương Đạt sai dựng lên một vụ án xử Lê Văn Duyệt


Người Minh Hương,người Công giáo,điền chủ,quan lại Nam Kỳ bất bình


Đêm 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), con nuôi Tả Quân là Lê Văn Khôi cùng 27 lính hồi lương đột nhập dinh Bố Chánh giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên.


Quan Tổng đốc Nguyễn Văn Quế cũng bị giết


Tới ngày 7 tháng 6 năm 1833,quân binh biến chiếm cả Nam Kỳ lục tỉnh một cách dễ dàng,Huế rúng động


Dân Nam Kỳ ủng hộ vang trời


Phe Lê Văn Khôi bao gồm: Dân điền chủ Nam Kỳ,Cố đạo,giáo dân Công giáo , người Tàu bốn bang –kể cả con cháu Mạc Cửu ở Hà Tiên ,con cháu Thoại Ngọc Hầu,người Miên (Con trai ông Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn) ,Tiểu vương Chàm ở trấn Thuận Thành (Bình Thuận) một số người dân tộc ở Tây Nguyên cũng có dính líu


Chúng ta nên nhìn kỹ,cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi bắt nguồn từ chính sách triệt phiên ,cấm đạo và bế quan tỏa cảng của vua Minh Mạng.ở Nam Kỳ ,nó là mâu thuẩn chánh trị giữa Nam Kỳ mà Tả Quân là thủ lãnh và triều đình Huế mà vua Minh Mạng là đại diện


Cuộc binh biến thách thức vua Minh Mạng trong hơn 2 năm từ 1833 tới 1835


Và trong thế bị ép,Lê Văn Khôi làm binh biến,vua Minh Mạng sau đó dẹp được nhưng Huế cũng một phen xấc bấc xang bang và người ta đồn trong thời gian đó vua Minh Mạng sợ Lê Văn Khôi hành quân thốc ra đánh úp Huế nên đem vàng bạc chôn rất nhiều nơi ở Huế


Lê Văn Khôi không đánh rốc ra Huế là một sai lầm,để triều đình có thì giờ đem quân vào Nam ,trước tiên là khủng bố giới điền chủ nuôi Lê Văn Khôi


Vụ binh biến thành Phiên An của Lê Văn Khôi rốt cuộc bị triều đình dẹp yên


Cả thảy 1.831 người trong thành đều bị chém đầu và vùi xác chung trong một hố ở Đồng Tập Trận mà vua Minh Mạng gọi là Mả Ngụy-Mả Biền Tru


"Chiều giông Mả ngụy cũng giông.


Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây


Sống thời gươm bén cầm tay


Chết thời một sợi lông mày cũng buông


Thương thay Mả ngụy mưa tuôn..."


Trong đó có 800 người Tàu Nam Kỳ.Sử chép có một người tên “Bốn Bang” trước khi chết để lại bài thơ lục bát dài 308 câu kể lại sự kiện gọi là “Bốn Bang thư”,bài thơ này là của ông Lưu Hằng Tín


Xin nhớ, Bốn Bang không phải tên người nào riêng lẻ,là bốn bang hội của người Tàu gồm Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam.Tức là hiểu rằng có 4 bang hội Tàu hổ trợ tài chánh và nhơn lực cho Lê Văn Khôi


Triều đình áp giải về Huế xét xử và tử hình lăng trì,bêu đầu 8 người,cầm đầu -trong đó có Lê Văn Cù -con trai 7 tuổi của Lê Văn Khôi (Khôi đã chết trước đó) ,một giáo sĩ Pháp tên Marchand (Cố Du), hai người Tàu tên Mạch Tấn Giai (người Tiều) và con trai nhỏ của ông này , Lưu Hằng Tín (người Quảng).Sau khi bêu đầu thì xác được đưa trả về Nam chôn


Sai lầm của Lê Văn Khôi khi đi cầu viện quân Xiêm vì thế tính chánh danh đã không còn được sự ủng hộ của bá tánh Nam Kỳ


Sau khi chiếm thành Phiên An, chém 1.831 người chôn ở mả ngụy –mả biền tru.Vua Minh Mạng cho phá thành xây laị thành nhỏ


Vua Minh Mạng đã san bằng mả của ông Duyệt và lôi nguồn gốc thái giám của ông Duyệt ra miệt thị.Ngay tại mả Tả Quân vua Minh Mạng cho đóng tấm bia đề chữ "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ“ (Đây chỗ tên hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phép nước”


Đến lúc Tả quân Lê Văn Duyệt mất đi, vua Minh Mạng mới tuyên án tội của Lê Văn Duyệt trên ngôi mộ của ông


Vì bị oan khuất,hạ nhục mà dân lại còn thương nhiều hơn,từ tình cảm tới tâm linh,thành linh thần Gia Định


Lăng Ông linh thiêng trong lòng dân Nam Kỳ,người Tàu Chợ Lớn kêu là Lăng của phò mã gia gia,nghĩa là lăng cha ông phò mã (Cha thừa kế của phò mã Lê Văn Yên-ông này là cháu ông Duyệt,con ông em Lê Văn Phong )


Tương truyền tướng tinh của Tả Quân là con cọp ,khi còn sống lúc ngủ thì ban đêm có người thấy có bóng dáng con cọp hiện ra chợp chờn ở bên cạnh


Vì Tả Quân có danh vọng với Nam Kỳ, cho tự do thông thương,kinh tế thị trường,tự do truyền đạo,có tầm nhìn của một người Nam Kỳ mở ,lòng dạ thoáng ,tầm nhìn rộng đã bị hạ nhục ngay cái mả-chổ chôn nấm xương tàn của mình


Suốt mấy chục năm khu mả của ông hoang vắng không ai dám đi qua ,truyền rằng đêm xuống nghe quân reo ngựa hí,có ma khóc lóc ở đó


Dân Gia Định cả Việt lẫn Tàu đều đau thương


Tả Quân Lê Văn Duyệt càng bị hạ nhục,bị xử khi đã chết thì cái tiếng linh của ông càng lan rộng trong dân gian


Dân kể giai thoại rằng những năm 1950 vua Thành Thái dịp Tết nọ lơn tơn đi chơi Lăng Ông,có ai đưa cho cựu hoàng cây nhang ,ông nói rằng:”Nó (Ông Duyệt) phải lạy tao chứ tao không lạy nó”


Có chuyện truyền rằng vua Thành Thái vào Nam Kỳ đi ngang Lăng Ông thì xe hơi bị chết máy, Thành Thái phải sai bỏ cái xiềng trên mộ ông mới nổ máy được (Nhưng thực tế cái xiềng ấy đã được bỏ đi từ đầu đời Thiệu Trị )


Lăng Ông linh thiêng trong lòng dân Nam Kỳ,người Tàu Chợ Lớn kêu là Lăng của phò mã gia gia,nghĩa là lăng cha ông phò mã


Kế bên mả vợ chồng Tả Quân người dân xưa dựng lên 上公廟 “Thượng Công miếu” từ 1841 , không ngày nào là không có người đến cúng kiếng bánh trái,nhang đèn


Đó là lòng dân,dân thương nên dân cúng


Còn vì sao xuất thân là hoạn quan mà Tả Quân lại có Phu Nhân và lăng ngày nay có hai ngôi mộ song táng kế bên?


Tả Quân phu nhân tên là Đỗ Thị Phận


Đọc "Sài Gòn năm xưa" ông Vương Hồng Sển chép rằng :


"Nghe nói lại, lối năm 1885, thì chợ cũ ở vào xóm nhà dưỡng đường Chợ Rẫy, nay chỉ còn trơ lại một danh trơn và đây có lẽ là một chợ hồi đời trước, đến trào Pháp lại dẹp đi. Trước dưỡng đường Chợ Rẫy, xưa kia có một ngôi mộ cổ bằng vôi, kiểu chạm trổ rất khéo, tương truyền là của một ông hầu tứớc họ Đỗ (Tombeau du marquis de Đỗ)


Trường Viễn Đông Bác cổ đã xin liệt kê làm cổ tích,nhưng chủ đất là người có thế lực, một hai xin phá để cất phố xá và viên Toàn quyền Decoux ưng lời, thiệt là rất tiếc cho một cổ tích không có người ủng hộ


Mộ phần họ Đỗ này có dính líu với Tả quân phu nhơn, tên tộc là Đỗ Thị Phẫn. Tương truyền khi Lê Tả quân bị tội, phu nhơn về ngụ nơi xóm Chợ Rẫy, trong một ngôi chùa Phật, do bà mẹ năm xưa đứng tạo lập tục danh là Chùa Bà Dội." (Hết trích)


Tức là khúc Chợ Rẫy là đất của bên ngoại nhà bà Đỗ Thị Phẫn,chùa Bà Đội là chùa của má bà lập ra


Chúng ta chỉ có một chi tiết mơ hồ về Tả Quân phu nhân Đỗ Thị Phận


Vào năm 1900, bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng và lúc đó còn mả họ Đỗ,còn chùa Bà Dội là chùa nào tới nay chưa xác định được


Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt vốn là thái giám,sanh ra có tật "ẩn cung" nhưng trưởng thành trong chiến trận


Sử thần triều Nguyễn viết “Chư tướng thời trung hưng chỉ có Duyệt cùng Nguyễn Văn Trương đánh giặc không thua trận nào”.


Ông Tả Quân tánh rất nóng và có học vấn hạn chế


Sau 1802 ông Lê Văn Duyệt là Đệ Nhứt Khai Quốc Công Thần của nhà Nguyễn ,vua phong ông là Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân,tước Quận Công


Sau đó vua Gia Long ban vợ cho Tả Quân Lê Văn Duyệt


Sử không ghi dòng nào về bà vợ họ Đỗ này


Trong truyện ngắn "Đức Tả Quân" của Phạm Hữu Hoàng có ghi là " Bấy giờ trong triều có nàng Đỗ Thị Phận, là ái nữ quan Thượng bảo khanh Đỗ Phiên. Đỗ Thị Phận dung nhan xinh đẹp, giỏi về y thuật, tính tình nghiêm nghị"


Thượng bảo khanh thời Gia Long là quan trật Tòng tam phẩm.Tuy nhiên chưa tra ra ông Thượng bảo khanh Đỗ Phiên là ai


Nhưng bà Đỗ Thị Phận này có lẽ cũng là con quan và vào cung làm cung nữ .Thời xưa bà Từ Cung Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc mới vô cung cũng làm cung nữ hầu hạ đó thôi


Nhà vua ban hôn cho Tả Quân với bà Đỗ Thị Phận ,tức bà Đỗ này làm phu nhân Tả Quân ,cả hai người phải chấp nhận


Vua Gia Long đổi tên bà Đỗ từ Phận ra Phẫn


Chữ 墳 phẫn có nghĩa cao lớn,đất nhô lên. Đỗ Thị Phận thành Đỗ Thị Phẫn,tên được vua ban cho luôn ,quá vinh dự


Trong "Đức Tả Quân"Phạm Hữu Hoàn tả tâm trạng đêm hợp cẩn vợ chồng nghe rất có lý ,chồng là thái giám,vợ cung nữ và họ rất tôn trọng nhau về lý trí


(Trích)


"Đỗ Thị Phẫn mặc áo tân nương, khăn đỏ rũ che mặt ngồi trên ghế đợi. Tả quân bước vào, tới ngồi ghế đối diện.


Tả quân lên tiếng, rành rọt:


– Nàng là nương tử vua ban. Nhưng ta không thể cùng nàng chăn gối. Mong nàng hiểu cho. Đây là phòng riêng của nàng, cần gì cứ nói với ta


Lời vừa rồi của Tả quân làm Đỗ Thị Phẫn giảm bớt căng thẳng. Không ngờ Tả quân thẳng thắn, dứt khoát như vậy. Mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng hơn. Nàng bớt lo âu như lúc bước vào dinh thự của Tả quân trong tiếng pháo nổ đón dâu. Lê Văn Duyệt gọi hai tỳ nữ vào căn dặn chăm lo cho nàng, rồi đi ra ngoài.


.........


Trong cuộc sống hằng ngày, Lê Văn Duyệt không để Đỗ Thị Phẫn thiếu thốn điều gì. Những lễ hội cung đình, Tả quân đều đưa phu nhân đi dự. Việc hiếu nghĩa cả hai phía, Tả quân đều lo chu toàn. Mỗi khi có việc quân phải đi xa lâu ngày, Tả quân tin cậy căn dặn vợ quán xuyến việc nhà


Đỗ Thị Phẫn quen dần với cuộc sống mới


Càng gần gũi, nàng thấy Tả quân không như những gì mường tượng ban đầu


Người chồng chưa bao giờ đồng tịch đồng sàng luôn cảm thông và hết sức tôn trọng nàng. Qua nhiều lần hàn huyên tâm sự, ít nhiều đã có sự gắn bó."(Hết trích)


Thuyền theo lái,gái theo chồng


Tả Quân phu nhân gắn bó với chồng mấy chục năm,bà là người hiền thục đoan chánh,lo từng chút cho chồng từ miếng ăn tới giấc ngủ,ông là người liêm khiết và sĩ diện


Năm 1832 Cọp Gấm Đồng Nai Lê Văn Duyệt lìa đời khi đương chức Tổng Trấn Gia Định Thành tại tư dinh của ông ở khu dinh Độc Lập ngày nay


Trần Bảo Định trong "Kệ kinh trong lòng người" viết lại giây phút vợ lìa chồng như sau:


" Ánh bạch lạp không đủ sáng để soi thủng bóng tối đêm cuối, phu nhân Đỗ Thị Phẫn quỳ bên giường bịnh lắng nghe lời trăn trối của chồng:


- Nếu, một mai ta đi về cõi khác, phu nhân quay lại xóm Rẫy xưa, nơi mẹ trước kia đã tạo lập ngôi chùa Phật, tục danh chùa Bà Dội mà nương náu...


Gió rít tường thành dữ dội, tiếng mưa át cả lời người sắp ra đi và những hạt mưa đêm không thấm thấu nổi những giọt nước mắt của phu nhân Tổng trấn Gia Định thành


- Nàng đừng tiếc thương ta, bởi ta chỉ là kẻ yêm hoạn tầm thường... ta không thể... thiệt là, vô cùng có lỗi với phu nhân


Minh Mạng đầu nuôi chí cả, óc thông minh, trái tim còn nóng hổi, chưa lạnh lùng...tuy bụng dạ có hẹp hòi đố kỵ...


Ta tin rằng, Minh Mạng sẽ trả thù ta, nhưng với phu nhân chắc là không. Bởi, Minh Mạng thừa biết ta với nàng chỉ là phu thê trên danh nghĩa... "


Tả Quân mất ngày 30 tháng 7 năm Mậu Thìn (nhằm ngày 15 tháng 8 năm 1832) hưởng thọ 69 tuổi


Tả quân còn có hai cô hầu rất thương ,bằng chứng ngày nay mé ngoài vòng thành Lăng Ông còn có mả hai cô hầu rất lớn.


Đêm 8/5/1833 Lê Văn Khôi làm binh biến chiếm thành Gia Định ly khai triều đình Huế trong 2 năm trời làm Huế một phen thất kinh


Đại Nam Thực lục chép trước khi phát động binh biến, Lê Văn Khôi có tới bẩm với bà Đỗ Thị bà đã khóc ròng nói: “Các ngươi làm thế thì chắc chắn Thượng công sẽ bị đào mả thôi".


Ngày 16 tháng 7 năm 1835, quân triều đình Huế chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào thành Gia Định,vụ binh biến bị dẹp.


Vua Minh Mạng làm án xử Lê Văn Duyệt nhưng chừa Đỗ phu nhân ra vì biết bà là vợ danh phận và không có con nối dõi.


Đỗ phu nhân về Chợ Rẫy sống ẩn dật, nhịn nhục ở chùa Bà Dội tới chết.


Khi bà mất người nhà vạch rào ban đêm đem quan tài bà chôn kế bên Tả Quân ở trong Lăng Ông Bà Chiểu. Lúc này mả bị đục bia,san núm, xiềng xích và nhiều lời đồn về ban đêm ma quỷ gào thét vang trời .Người vợ đồng cam cùng chịu hình phạt với chồng.


Ngày nay đi lăng Ông thấy mả Tả Quân và Phu Nhân họ Đỗ nằm song song nhau ,ta biết hai ông bà chung thủy và sắt son với nhau


"Đạo nào bằng đạo phu thê


Tay ấp, má kề, sanh tử có nhau"


Tình nghĩa vợ chồng từ trong cách sống và sự tôn trọng nhau.


Người xưa có lòng sáng tợ mặt trời


Kết luận:


Chưa có ông tướng nào có được vị trí tâm linh như Tả Quân Lê Văn Duyệt .


Chưa vua nào phong Thần cho ông, nhưng dân coi ông là Thần , coi ông như Phước Thần của Sài Gòn, kêu nơi gửi nắm xương tàn của ông là “Lăng Ông” ( Đức Tả Quân là người duy nhứt mà nơi yên nghỉ được dân thành kính tôn xưng là “Lăng” ngang hàng với các Vua nhà Nguyễn ).


Sống làm tướng bách chiến bách thắng,sống làm quan thanh liêm lo cho dân, chết làm Thần của dân


Có gì hạnh phúc hơn !?


Mang lễ vật cúng không phải là mê tín dị đoan, tục này có từ đời xưa với lòng tin "có kiêng có lành". Người Việt thờ tổ tiên, thường vẫn làm mâm cơm cúng giỗ ông bà, thì mang lễ vật cúng Tả Quân cũng như cúng ông bà vậy thôi .


Cúng Lăng Ông hay có xây chầu hát bộ. Đó là nét văn hóa đặc trưng Nam Kỳ xưa cần giữ gìn .


Cầu khấn Tả Quân cũng không phải mê tín dị đoan,cũng chẳng phải trả giá, trả treo gì với tiền nhân ,thực chất nó là niềm tin,là tình thương,là sự gửi gắm lòng thành ,niềm tin của dân Nam Kỳ vào Tả Quân .Cái sự "linh thiêng" và "linh ứng" là một đặc trưng ở đây mà các nơi khác không có được.


Đốt giấy tiền vàng bạc ở Lăng Tả Quân thường là người Tàu ,đó là tục của họ, họ cúng chùa Tàu cũng vậy mà thôi.


Lăng Ông Bà Chiểu đã trở thành trung tâm tín ngưỡng thờ Thần điển hình của người Nam Kỳ vùng Sài Gòn Gia Định, đồng thời cũng là biểu tượng giáo dục tinh thần chánh trị cho thế hệ trẻ Nam Kỳ

Thông điệp là: Sống có chánh kiến, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tay gươm tay viết, biết ý thức đem lợi ích về cho Nam Kỳ, biết phản và chết vẫn hiển linh bảo vệ xứ sở mình.


-Nguyễn Gia Việt-

Bạch Mai chuyển

vendredi 12 mai 2023

Bài giảng đạo đức gần 3 triệu lượt xem của cô giáo Đàm Lê Đức 87 tuổi



jeudi 11 mai 2023

Vợ chồng Việt - Mỹ mở quán bún đậu mắm tôm giữa lòng New York

Vợ chồng Việt - Mỹ mở quán bún đậu mắm tôm giữa lòng New York


Vợ chồng Nhung Đào - Jerald Head chụp hình trước quán bún đậu tại New York

Tác giả,Thương Lê

BBC News Tiếng Việt

7 tháng 5 2023

Ở nước Mỹ ngày nay không khó để tìm một nhà hàng phục vụ các món đặc trưng của Việt Nam như phở hay bánh mì…

Thế nhưng bún đậu mắm tôm thì rất hiếm hoi vì tại Hoa Kỳ không phải ai cũng mê mùi vị đặc trưng của mắm tôm, và nguyên liệu làm ra món này cũng không dễ tìm ở nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất.

Ấy vậy mà cặp vợ chồng trẻ Nhung Đào - Jerald Head đã đưa được mắm tôm qua Mỹ, bán ngay trên vỉa hè Manhattan và quán ăn nhỏ của họ được The New York Times bình chọn là 26/100 nhà hàng ngon nhất ở New York năm 2023.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Nhung và Jerald cho biết ý tưởng mở nhà hàng tên Mắm xuất phát từ việc cả hai vợ chồng đều rất mê món này.

Vốn là đầu bếp chuyên nấu món Việt bên Mỹ, Jerald sang Việt Nam lần đầu năm 2016 với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ nền ẩm thực bản địa. Tới ngày thứ ba, anh tình cờ gặp Nhung tại một quán ăn, hai người chào nhau rồi trò chuyện, từ đó chính thức quen nhau vào năm 2017.

“Mê mắm tôm hơn cả người Việt”

Nhung cho biết, hồi mới quen nhau ở Việt Nam, mỗi lần hẹn hò hai người đều đi ăn bún đậu mắm tôm, thậm chí ăn hết ba suất đặc biệt.

“Bình thường mới quen người ta thường hạn chế ăn mắm tôm vì hơi “nặng mùi”, nhưng Jerald thì mê mắm tôm hơn cả người Việt”, người vợ Việt chia sẻ.

Sau khi hai người kết hôn thì Việt Nam đóng cửa biên giới vì Covid, Jerald không qua thăm vợ được. Nhung chuyển sang Mỹ ở cùng chồng vào tháng 7/2020, cũng là lúc đỉnh dịch, mọi người không được ra đường và nhà hàng đều đóng cửa.

“Khi đó hai vợ chồng chỉ nghĩ ở nhà lâu quá nên chán, muốn làm bún đậu là món mình thích nhất mà muốn mua ở ngoài cũng không có huống gì là lúc dịch bệnh”, Nhung nói.

"Dù mục đích ban đầu là chỉ làm vài bàn cho bạn bè biết và tới ăn là vui rồi, nhưng chỉ sau một tuần, khách tới ăn truyền tai nhau và chia sẻ trên mạng xã hội, quán dần đông khách".

Và mới đây, đầu tháng 4/2023, khi tờ báo danh tiếng của nước Mỹ The New York Times có bài viết giới thiệu “món ăn Việt Nam hấp dẫn nhất ở New York” về quán ăn tên Mắm của Nhung và Jerald, thì nhà hàng nhỏ lại càng nhộn nhịp.

Vỏn vẹn chưa tới 40 mét vuông, Mắm chỉ chứa được tối đa 19 chỗ ngồi nên khách thường ngồi tràn ra vỉa hè trên những bộ bàn ghế nhựa xanh đậm chất Việt Nam.


Thực khách ngồi ăn bún đậu trên vỉa hè New York

“Bữa trưa Hà Nội giữa lòng Manhattan”

Có lẽ một trong những điểm hấp dẫn của Mắm là thực khách tới đây được thưởng thức một trải nghiệm "rất Việt Nam": ngồi ăn trên bộ bàn ghế nhựa Duy Tân, trong khi người đi bộ, chó mèo, xe đạp điện, xe đạp và xe gắn máy tấp nập qua lại.

Nhà phê bình ẩm thực Pete Wells của The New York Times đánh giá đây là: “một trải nghiệm gần giống bữa trưa Hà Nội giữa lòng Manhattan vậy”.

Chuyên gia này đã tới Mắm nhiều lần, xếp quán vào thứ 26 trong “Top 100 nhà hàng ngon nhất New York 2023”, và đây cũng là quán Việt duy nhất nằm trong danh sách.

Nhung chia sẻ rằng từ cuối năm ngoái, nhà hàng có nhiều khách nước ngoài vào ăn vì họ đi ngang qua thấy bàn ghế nhựa kê ở ngoài đường, bên trên kê một cái mâm có mẹt bún đậu, rồi khách vừa ăn uống vừa trò chuyện rất thoải mái. Đó là một điều gì đó khác hoàn toàn với nhà hàng quán ăn bên Mỹ, nên họ tò mò và muốn thử.

“Tất cả đều là ý tưởng của Jerald trong lần về Việt Nam chơi cuối năm 2022, hai vợ chồng dù có con nhỏ nhưng ráng mang sang Mỹ đồ đạc lỉnh kỉnh gồm nào bàn ghế, mâm đồng, rổ nhựa Duy Tân, mẹt tre… Tiền hành lý quá khổ còn đắt hơn tiền mua nhưng hai vợ chồng đều thấy rất đáng”, Nhung nói với BBC.


Vỏn vẹn chưa tới 40 mét vuông, nhà hàng có sức chứa tối đa 19 chỗ ngồi

Và tất nhiên là phải nhắc đến tay nghề công phu của anh đầu bếp người Mỹ nói được tiếng Việt nữa. Ngoại trừ mắm tôm là nhập khẩu từ Việt Nam, tất cả mọi thứ còn lại gồm bún, đậu phụ, dồi, chả cốm… đều được Jerald cùng vợ tự làm theo cách riêng vô cùng kỳ công.

Đầu bếp người Mỹ cho biết: “Ở Mỹ có muốn làm mắm tôm cũng không được, vì không có tôm tươi. May mắn là Nhung đã tìm được một làng chài ở Thanh Hoá, nơi ngư dân tự đánh bắt thuỷ sản xong rồi làm mắm, nên chất lượng rất tốt”.

Bún đậu nhà làm

Tất cả thành phần còn lại đều được hai vợ chồng tự đi chợ rồi chế biến rất tỉ mỉ. Để làm đậu phụ, hai vợ chồng mang sang từ Việt Nam chiếc máy 40 lít. Đầu tiên là xay nhuyễn hạt đậu nành thành sữa, sau đó thì nấu chín, ép thành miếng đậu phụ.

Trước khi có chiếc máy này, hai vợ chồng phải đứng quậy bằng tay rất lâu, chưa kể có những lúc bị cháy, rất mất công và tốn thời gian. Mỗi ngày, hai vợ chồng làm ra được 30 cân đậu phụ.

Với chả cốm, Jerald trộn cốm tươi mua ở Hà Nội trong chuyến về Việt Nam năm 2022 vào giò sống và rán trong chảo dầu nóng, còn dồi được chế biến theo công thức riêng của bố Nhung.

“Bán món này ở Mỹ rất vất vả bởi thiếu nguyên liệu”, Nhung chia sẻ. “Ở Việt Nam cái gì cũng có sẵn, chỉ cần chọn chỗ bán đậu phụ ngon, ra chợ mua bún, ngay cả nếu muốn đặt hàng đơn vị họ chuyên làm chả cốm họ sẽ giao tận nơi và dồi cũng thế”.


Mẹt bún đậu được chế biến kỳ công của cặp vợ chồng Việt - Mỹ


“Đậu nành, lá chuối đông lạnh thì dễ tìm, lòng cũng có nhiều chỗ bán, nhưng huyết thì chỉ có một chỗ thôi. Rau thơm như tía tô, kinh giới... thì New York không có, hai vợ chồng phải mua từ một phụ nữ người Việt tại Florida, nơi có khí hậu phù hợp để trồng các loại rau này…”

Công sức của họ đã được đền đáp bằng những đánh giá tích cực của thực khách qua các chia sẻ của họ trên mạng xã hội. Nhiều người Việt nhận xét bún đậu tại Mắm ngon hơn cả quán ở Hà Nội.

“Kể câu chuyện ẩm thực Việt”

Nhung và Jerald cho biết các nhà hàng Việt ở Mỹ thường thay đổi mùi vị của thức ăn để phù hợp hơn với người bản xứ, nhưng hai vợ chồng muốn giữ nguyên hồn cốt của món bún đậu.

“Với những vị khách đến ăn lần đầu tiên, chúng tôi đều khuyến khích họ hãy thử ăn mắm tôm. Chỉ khi họ không ăn được thì mới đổi qua nước mắm hoặc nước tương”, Nhung nói.

Với mong muốn hoàn thiện món ăn này hơn nữa, hai vợ chồng còn đưa vào thực đơn những món ăn kèm phù hợp như gỏi nghêu, chả ốc cuốn lá lốt nướng, cà tím nướng… Ngoài ra, để đổi món thì có vài tuần nhà hàng sẽ bán bún hến, bún riêu cua bắp bò, cháo lòng, bún bò huế, vịt cháy tỏi, lẩu dê… nhằm mang đến nhiều hương vị Việt cho thực khách.

Món ốc ăn kèm với bún đậu cho đầu bếp Mỹ chế biến (xin xem ảnh đính kèm dưới đây)

Sau khi thu hút được sự chú ý của truyền thông Mỹ, nhà hàng nhỏ ngày càng đông khách người Việt lẫn nước ngoài. Nhung nói rằng có rất nhiều người Việt đã dành hàng tiếng đồng hồ di chuyển từ các bang khác sang New York để được thưởng thức hương vị quê nhà.

Dù chỉ mở vào một số buổi trong ba ngày cuối tuần do bận chăm con nhỏ, cặp vợ chồng Việt-Mỹ luôn cố gắng duy trì sự ổn định và hướng tới sự hoàn thiện.

“Có nhiều người ngỏ ý hợp tác mở chi nhánh ở các bang khác, nhưng chúng tôi hiện chỉ muốn tập trung hoàn thiện nhà hàng bún đậu của mình”, Jerald nói.

Cuối cùng, anh chia sẻ một quan sát rằng:

“Tôi nghĩ rằng rất nhiều nhà hàng Việt Nam ở Mỹ đang trở thành nạn nhân của việc có quá nhiều món trong thực đơn vì họ cố gắng làm quá nhiều. Vì vậy, chúng tôi muốn thực đơn của mình đơn giản hơn nhưng gắn kết và có ý nghĩa, giống như kể một câu chuyện về món bún đậu mắm tôm và văn hóa dùng thức ăn ở vỉa hè của Việt Nam vậy”.



















lundi 8 mai 2023

HỒI KÝ CỦA MỘT NGƯỜI BỊ KẸT LẠI HÀ NỘI SAU 1954

 HỒI KÝ CỦA MỘT NGƯỜI BỊ KẸT LẠI HÀ NỘI SAU 1954


                    

Ông Hòa là cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, bị Cộng sản bắt đi tù năm 1975, sang Mỹ theo diện HO. Tôi gặp ông tại một tiệc cưới, trở thành bạn, thường gặp nhau bởi cùng sở thích, nói chuyện văn chương, thời thế, dù trong quá khứ ông sống tại miền Nam, tôi ở xứ Bắc.
Một lần tới thăm, cháu Thu Lan, con ông Hòa, hỏi tôi:
- “Bác ở Hà Nội mà cũng đi ty nạn à…?”
Nghe hỏi tự nhiên nên tôi chỉ cười:
- “Cái cột đèn mà biết đi, nó cũng đi… nữa là bác!”
Thực ra tôi đã không trốn thoát được từ lần đầu “vượt tuyến” vào miền Nam. Rồi thêm nhiều lần nữa và 2 lần “vượt biển”, vẫn không thoát. Chịu đủ các “nạn” của chế độ cộng sản trong 27 năm ở lại miền Bắc, tôi không tị nạn, mà đi tìm Tự Do, trở thành thuyền nhân, đến nước Mỹ năm 1982.
Sinh trưởng tại Hà Nội, những năm đầu sống ở Mỹ, tôi đã gặp nhiều câu hỏi như cháu Thu Lan, có người vì tò mò, có người giễu cợt. Thời gian rồi cũng hiểu nhau.
Tôi hằng suy nghĩ và muốn viết những giòng hồi tưởng, vẽ lại bức tranh Hà Nội xưa, tặng thế hệ trẻ, và riêng cho những người Hà Nội di cư. Người dân sống ở miền Nam trù phú, kể cả hàng triệu người di cư từ miền Bắc, đã không biết được những gì xảy ra tại Hà Nội, thời người cộng sản chưa vận com-lê, đeo cà-vạt, phụ nữ không mặc áo dài.
Hiệp định Geneva chia đôi nước Việt. Cộng sản, chưa lộ mặt là Cộng sản, tràn vào miền Bắc tháng 10 năm 1954. Người Hà Nội đã “di cư” vào miền Nam, bỏ lại Hà Nội hoang vắng, tiêu điều, với chính quyền mới là Việt Minh, đọc tắt lại thành Vẹm. Vì chưa trưởng thành, tôi đã không hiểu thế nào là …Vẹm! Khi họ tiếp quản Hà Nội, tôi đang ở Hải Phòng. Dân đông nghịt thành phố, chờ tầu há mồm để di cư. Trước Nhà Hát Lớn, vali, hòm gỗ, bao gói xếp la liệt.
Lang thang chợ trời, tôi chờ cha tôi quyết định đi Nam hay ở lại. Hiệp định Geneva ghi nước Việt Nam chỉ tạm thời chia cắt, hai năm sau sẽ “Tổng tuyển cử” thống nhất. 
Ai ngờ cộng sản miền Bắc “tổng tấn công” miền Nam! 
Gia đình lớn của tôi, không ai làm cho Pháp, cũng không ai theo Việt Minh. Cha tôi làm chủ một hãng thầu, nghĩ đơn giản là dân thường nên ở lại. Tôi phải về Hà Nội học.
Chuyến xe lửa Hà Nội “tăng bo” tại ga Phạm Xá, nghĩa là hai chính quyền, hai chế độ, ngăn cách bởi một đoạn đường vài trăm mét, phải đi bộ hoặc xe ngựa. Người xuống Hải phòng ùn ùn với hành lý để đi Nam, người đi Hà Nội là con buôn, mang xăng về bán. Những toa tầu chật cứng người và chất cháy, từ chai lọ đến can chứa nhà binh, leo lên nóc tầu, bíu vào thành toa, liều lĩnh, hỗn loạn … 
Tới cầu Long Biên tức là vào Hà Nội. Tầu lắc lư, người va chạm người. Thằng bé ù chạc 15 tuổi, quắc mắt nhìn tôi: 
“Ðề nghị đồng chí xác định lại thái độ, lập trường tư tưởng!”
Tôi bàng hoàng vì thứ ngoại ngữ Trung quốc, phiên âm thành tiếng Việt, nghe lần đầu không hiểu, để rồi phải “học tập” suốt 20 năm, “ngoại ngữ cộng sản”: “đấu tranh”, “cảnh giác”, “căm thù” và … “tiêu diệt giai cấp”! (Thứ ngôn ngữ này ghi trong ngoặc kép.)
Hà Nội im lìm trong tiết đông lạnh giá, người Hà Nội e dè nghe ngóng từng “chính sách” mới ban hành. 
“Cán bộ” và “bộ đội” chỉ khác nhau có ngôi sao trên mũ bằng nan tre, phủ lớp vải mầu cỏ úa, gọi là “mũ bộ đội”, sau này có tên là “nón cối”. Hà Nội “xuất hiện” đôi dép “Bình Trị Thiên”, người Bắc gọi là “dép lốp”, ghi vào lịch sử thành “dép râu”.
Chiếc áo dài duyên dáng, thướt tha của thiếu nữ Hà Nội được coi là “biểu hiện” của “tư sản, phong kiến”, biến mất trong mười mấy năm sau, vì “triệt để cách mạng”. Lần đầu tiên, “toàn thể chị em phụ nữ” đều mặc giống nhau: áo “sơ mi”, quần đen. Hãn hữu, như đám cưới mới mặc sơ mi trắng vì “cả nước” không có xà phòng.
Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam. Tôi phải học năm cuối cùng, Tú tài 2, cùng một số “lớp Chín hậu phương”, năm sau sẽ sát nhập thành “hệ mười năm”. Số học sinh “lớp Chín” này vào lớp không phải để học, mà là “tổ chức Hiệu đoàn”, nhận “chỉ thị của Thành đoàn” rồi “phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!” 
Họ truy lùng… đốt sách!
Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu đoàn “kiểm tra”, lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang “tập trung” tại Thư viện phố Tràng Thi, để đốt. 
Lửa cháy bập bùng mấy ngày, trong niềm “phấn khởi”, lời hô khẩu hiệu “quyết tâm”, và “phát biểu của bí thư Thành đoàn”: tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn là … “cực kỳ phản động!” Vào lớp học với những “phê bình, kiểm thảo…cảnh giác, lập trường”, tôi đành bỏ học.
Chiếc radio Philip, “tự nguyện”, mang ra “đồn công an”, thế là hết, gia tài của tôi!
Mất đời học sinh, tôi bắt đầu cuộc sống đọa đày vì “thành phần giai cấp”, “sổ hộ khẩu”, “tem, phiếu thực phẩm”, “lao động nghĩa vụ hàng tháng”. 
Ðây là chính sách dồn ép thanh niên Hà Nội đi “lao động công trường”, miền rừng núi xa xôi. Tôi chỉ bám Hà Nội được 2 năm là bị “cắt hộ khẩu”, … đi tù!
Tết đầu tiên sau “tiếp quản”, còn được gọi là “sau hòa bình lập lại”, Hà Nội mơ hồ. Những bộ mặt vàng võ, áo quần nhầu nát, xám xịt, thái độ “ít cởi mở”, từ “nông thôn” kéo về tiếp quản chiếm nhà người Hà Nội di cư. Người Hà Nội ở lại bắt đầu hoang mang vì những tin đồn và “chỉ thị”: ăn Tết “đơn giản, tiết kiệm”. Hàng hóa hiếm dần, “hàng nội” thay cho “hàng ngoại”.
Âm thầm, tôi dạo bước bên bờ Hồ Gươm, tối 30 Tết. Tháp Rùa, Cầu Thê Húc nhạt nhòa, ảm đạm, đền Ngọc Sơn vắng lặng. Chỉ có Nhà Thủy Tạ, đêm nay có ca nhạc, lần cuối cùng của nghệ sĩ Hà Nội. 
Ðoàn Chuẩn nhớ thương hát “Gửi người em gái miền Nam”, để rồi bị đấu tố là phong cách tiểu tư sản, rạp xinê Ðại Ðồng phố Hàng Cót bị “tịch thu”. 
Hoàng Giác ca bài “Bóng ngày qua”, bị kết tội thành “tề ngụy”, hiệu đàn nhỏ phố Cầu Gỗ phải dẹp, vào tổ đan mũ nan, làn mây, sống “tiêu cực” hết đời trong đói nghèo, khốn khổ. 
Danh ca Minh Ðỗ, Ngọc Bảo, nhạc sĩ Tạ Tấn, sau này làm gì, sống ra sao, “phân tán”, chẳng ai còn dám gặp nhau, sợ thành “phản động tụ tập”.
“Chỉ thị Ðảng và Ủy ban Thành” “phổ biến rộng rãi trong quần chúng” là diệt chó. “Toàn dân diệt chó”, từ thành thị đến “nông thôn”. Gậy gộc, giây thừng, đòn gánh, nện chết hoặc bắt trói, rồi đầu làng, góc phố “liên hoan tập thể”.
Lý do giết chó, nói là trừ bệnh chó dại, nhưng đó là “chủ trương”, chuẩn bị cho đấu tố “cải tạo tư sản” và “cải cách ruộng đất”. Du kích, công an rình mò, “theo dõi”, “nắm vững tình hình” không bị lộ bởi chó sủa. Mọi nơi im phăng phắc ban đêm, mọi người nín thở đợi chờ thảm họa. 
Hà Nội đói và rách, khoai sắn chiếm 2 phần tem gạo, 3 mét vải “cung cấp” một năm theo “từng người trong hộ”. Mẹ may thêm chiếc quần “đi lao động “ thì con nít cởi truồng. 
Người thành thị, làm cật lực, xây dựng cơ ngơi, có ai ngờ bị quy là “tư sản bóc lột”? nhẹ hơn là “tiểu tư sản”, vẫn là “đối tượng của cách mạng”. 
Nông dân có dăm sào ruộng đất gia truyền vẫn bị quy là “địa chủ bóc lột, cường hào ác bá”!
Giáo sư Trương văn Minh, hiệu trưởng trường Tây Sơn, ngày đầu “học tập”, đã nhẩy lầu, tự tử. 
“Tư sản Hà Nội” di cư vào Nam hết, chẳng còn bao nhiêu nên “công tác cải tạo được làm “gọn nhẹ” và “thành công vượt mức”, nghĩa là mang bắn một, hai người “điển hình”, coi là “bọn đầu xỏ” “đầu cơ tích trữ”, còn thì “kiểm kê”, đánh “thuế hàng hóa”, “truy thu”, rồi “tịch thu” vì “ngoan cố, chống lại cách mạng!”

Báo, đài hàng ngày tường thuật chuyện đấu tố, kể tội ác địa chủ, theo bài bản của “đội cải cách” về làng, “bắt rễ” “bần cố nông”, “chuẩn bị thật tốt”, nghĩa là bắt học thuộc lòng “từng điểm”: tội ác địa chủ thì phải có hiếp dâm, đánh đập, bắt con ở đợ, “điển hình” thì mang thai nhi cho vào cối giã, nấu cho lợn ăn, đánh chết tá điền, hiếp vợ sặc máu …! 
Một vài vụ, do “Ðảng lãnh đạo”, “vận động tốt”, con gái, con dâu địa chủ, “thoát ly giai cấp”, “tích cực” “tố cáo tội ác” của cha mẹ.
Cảnh tượng này thật não nùng! Lời Bác dạy suốt mấy mươi năm: “Trung với Ðảng, hiếu với dân …” là vậy! 
“Bần cố nông” cắm biển nhận ruộng được chia, chưa cấy xong hai vụ thì phải “vào hợp tác”, “làm ăn tập thể”, ruộng đất lại thu hồi về “cộng sản”.
“Toàn miền Bắc” biết được điều “cơ bản” về Xã hội chủ nghĩa là… nói dối! Mọi người, mọi nhà “thi đua nói dối”, nói những gì Ðảng nói. Nói dối để sống còn, tránh bị “đàn áp”, lâu rồi thành “nếp sống”, cả một thế hệ hoặc lặng câm, hoặc nói dối, vì được “rèn luyện” trong xã hội ngục tù, lấy “công an” làm “nòng cốt” chế độ.
Ở Mỹ, ai hỏi bạn: “How are you?”, bạn trả lời: “I’m fine, thank you.” 
Ở miền Bắc VN thời đại Hồ chí Minh, “cán bộ” hỏi: “Công tác thế nào?” Dù làm nghề bơm xe, vá lốp, người ta trả lời, “…rất phấn khởi, ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng… các nước anh em!”
Bị bắt bên bờ sông Bến Hải, giới tuyến chia hai miền Nam Bắc, năm 19 tuổi, tôi bị “bộ đội biên phòng” giong về Lệ Thủy, được “tự do” ở trong nhà chị “du kích” hai ngày, đợi đò về Ðồng Hới. Trải 9 trại giam nữa thì về tới Hỏa Lò Hà Nội, vào xà lim. Cảnh tù tội chẳng có gì tươi đẹp, xã hội cũng là một nhà tù, không như báo, đài hằng ngày kêu to “Chế độ ta tươi đẹp”.
Cơ hàn thiết thân, bất cố liêm sỉ, người tù “biến chất”, người tứ chiến kéo về, nhận là người Hà Nội, đói rét triền miên nên cũng “biến chất”!
Ðối xử lọc lừa, gia đình, bè bạn, họ hàng, “tiếp xúc” với nhau phải “luôn luôn cảnh giác”. Hà Nội đã mất nền lễ giáo cổ xưa, Hà Nội suy sụp tinh thần vì danh từ “đồng chí”! 
Nằm trong xà lim, không có ngày đêm, giờ giấc, nghe tiếng động mà suy đoán “tình hình”. Ánh điện tù mù chiếu ô cửa sổ nhỏ song sắt, cao quá đầu, tôi đứng trên xà lim, dùng ngón tay vẽ chữ lên tường, “liên lạc” được với Thụy An ở xà lim phía trước.
Thụy An là người Hà Nội ở lại tham gia hoạt động “Nhân Văn Giai Phẩm”, đòi tự do cho văn nghệ sĩ, sau chuyển lên rừng, không có ngày về Hà Nội. Bà phẩn uất, đã dùng đũa tre chọc mù một mắt, nói câu khí phách truyền tụng: “Chế độ này chỉ đáng nhìn bằng nửa con mắt!”
Người du lịch Việt Nam, ít có ai lên vùng Thượng Du xứ Bắc, tỉnh Lào Cai, có trại tù Phong Quang hà khắc, có thung lũng sâu heo hút, có tù chính trị chặt tre vầu theo “định mức chỉ tiêu”. Rừng núi bao la, tiếng chim “bắt cô trói cột”, nấc lên nức nở, tiếng gà gô, thức giấc, sương mù quanh năm.
Phố Hàng Ðào Hà Nội, vốn là “con đường tư sản”, có người trai trẻ tên Kim, học sinh Albert Sarraut. Học trường Tây thì phải chịu sự “căm thù đế quốc” của Ðảng, “đế quốc Pháp” trước kia và “đế quốc Mỹ” sau này.
Tù chính trị nhốt lẫn với lưu manh, chưa đủ một năm, Kim Hàng Ðào “bất mãn” trở thành Kim Cụt, bị chặt đứt cánh tay đến vai, không thuốc, không “nhà thương” mà vẫn không chết.
Phố Nguyễn công Trứ gần Nhà Rượu, phía Nam Hà Nội, người thanh niên đẹp trai, có biệt danh Phan Sữa, giỏi đàn guitar, mê nhạc Ðoàn Chuẩn, đi tù Phong Quang vì “lãng mạn tiểu tư sản”. Không hành lý nhưng vẫn ôm theo cây đàn guitar. Chỉ vì “tiểu tư sản”, không “tiến bộ”, không có ngày về…! Ba tháng “kỷ luật”, Phan Sữa hấp hối, khiêng ra khỏi Cổng Trời cao vút, gió núi mây ngàn, thì tiêu tan giấc mơ Tình Nghệ Sĩ!
Người già Hà Nội chết dần, thế hệ thứ hai, “xung phong”, “tình nguyện” hoặc bị “tập trung” xa rời Hà Nội. Bộ công an “quyết tâm quét sạch tàn dư đế quốc, phản động”, nên chỉ còn người Hà Nội từ “kháng chiến” về, “nhất trí tán thành” những gì Ðảng … nói dối!
Tôi may mắn sống sót, dù mang lý lịch “bôi đen chế độ”, “âm mưu lật đổ chính quyền”, trở thành người “Hà Nội di cư”, 10 năm về Hà Nội đôi lần, khó khăn vì “trình báo hộ khẩu”, “tạm trú tạm vắng”. “Kinh nghiệm bản thân”, “phấn đấu vượt qua bao khó khăn, gian khổ”, số lần tù đã quên trong trí nhớ, tôi sống tại Hải Phòng, vùng biển.
Hải Phòng là cơ hội “ngàn năm một thuở” cho người Hà Nội “vượt biên” khi chính quyền Hà Nội chống Tầu, xua đuổi “người Hoa” ra biển, khi nước Mỹ và thế giới đón nhận “thuyền nhân” tị nạn.
Năm 1980, tôi vào Sài Gòn, thành phố đã mất tên sau “ngày giải phóng miền Nam”. Vào Nam, tuy phải lén lút mà đi, nhưng vẫn còn dễ hơn “di chuyển” trong các tỉnh miền Bắc trước đây. Tôi bước trên đường Tự Do, hưởng chút dư hương của Sài Gòn cũ, cảnh tượng rồi cũng đổi thay như Hà Nội đã đổi thay sau 1954 vì “cán ngố” cai trị.
Dân chúng miền Nam “vượt biển” ào ạt, nghe nói dễ hơn nên tôi vào Sài Gòn, tìm manh mối. Gặp cha mẹ ca sĩ Thanh Lan tại nhà, đường Hồ Xuân Hương, gặp cựu sĩ quan Cộng Hòa, anh Minh, anh Ngọc, đường Trần Quốc Toản, tù từ miền Bắc trở về. Ðường ra biển tính theo “cây”, bảy, tám cây mà dễ bị lừa. Chị Thanh Chi (mẹ Thanh Lan) nhìn “nón cối” “ngụy trang” của tôi, mỉm cười: “Trông anh như cán ngố, mà chẳng ngố chút nào!” 
“Hà Nội, trí thức thời Tây, chứ bộ…!.”
Cả nước Việt Nam, ai cũng sẽ trở thành diễn viên, kịch sĩ giỏi!” 
Về lại Hải Phòng với “giấy giới thiệu” của “Sở giao thông” do “móc ngoặc” với “cán bộ miền Nam” ở Saigòn, tôi đã tìm ra “biện pháp tốt nhất” là những dân chài miền Bắc vùng ven biển. Ðã đến lúc câu truyền tụng “Nếu cái cột điện mà biết đi….”, dân Bắc “thấm nhuần” nên “nỗ lực” vượt biên.
Năm bốn mươi tư tuổi, tôi tìm được Tự Do, định cư tại Mỹ, học tiếng Anh ngày càng khá, nhưng nói tiếng Việt với đồng hương, vẫn còn pha chút “ngoại ngữ Việt cộng” năm xưa.
Cuộc sống của tôi ở Việt Nam đã đến “mức độ” khốn cùng, nên tan nát, thương đau. Khi đã lang thang “đầu đường xó chợ” thì mới đủ “tiêu chuẩn” “xuống thành phần”, lý lịch có thể ghi là “dân nghèo thành thị”, nhưng vẫn không bao giờ được vào “công nhân biên chế nhà nước”.
Tôi mang nhẫn nhục, “kiên trì” sang Mỹ, làm lại cuộc đời nên “đạt kết quả vô cùng tốt đẹp”, “đạt được nguyện vọng” hằng ước mơ!
Có người “kêu ca” về “chế độ tư bản” Mỹ tạo nên cuộc sống lo âu, tất bật hàng ngày, thì xin “thông cảm” với tôi, ngợi ca nước Mỹ đã cho tôi nhân quyền, dân chủ, trở thành công dân Hoa kỳ gốc Việt, hưởng đầy đủ “phúc lợi xã hội”, còn đẹp hơn tả trong sách Mác Lê về giấc mơ Cộng sản.
Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ rồi. Cộng sản Việt Nam bây giờ “đổi mới”. Tiếng “đổi” và“đổ” chỉ khác một chữ “i”. Người Việt Nam sẽ cắt đứt chữ “i”, dù phải từ từ, bằng “diễn biến hòa bình”. Chế độ Việt cộng “nhất định phải đổ”, đó là “quy luật tất yếu của lịch sử nhân loại”. 
Ôi! “đỉnh cao trí tuệ”, một mớ danh từ…!

Nguồn : Nguyễn Văn Luận. 

image

H.Phúc sưu tầm