Tự Lực văn đoàn: Hương văn xuyên thế hệ
SGTT.VN - Nhân dịp khánh thành trụ sở mới của đại học
Hoa Sen, TP.HCM ngày 10.11, nhà báo Vu Gia sẽ có buổi nói chuyện với
sinh viên trường này về Tự Lực văn đoàn, một chủ đề mà ông đã nghiên cứu
tương đối tường tận. Một phần nội dung của buổi nói chuyện này đã được
chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị.
Các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn được tái bản sau này.
|
Năm ngoái có một hội thảo về Tự Lực văn đoàn nhân
kỷ niệm 80 năm văn đoàn này ra đời. Anh là người đọc tham luận đầu tiên,
vậy lần này liệu có gì khác những gì độc giả đã biết?
Tham luận tôi viết năm ngoái nhân kỷ niệm 80 năm Tự Lực
văn đoàn chỉ có một chi tiết là đính chính lại lịch sử. Nó liên quan
đến vụ thơ mới đánh thơ cũ, nhất là báo Phong hoá của văn đoàn cứ nhè
Tản Đà mà “đánh”. Sau đó nhà văn Khái Hưng đến chơi hỏi Tản Đà: “Tụi tôi
nói anh như vậy anh có giận không?” – “Giận gì, cuộc đời là sân khấu,
mình là diễn viên sân khấu đó, có gì đâu mà giận!” Cho nên tới giờ cuối,
chính Nhất Linh là người kêu Tản Đà dịch thơ Đường: “Tôi dành cho anh
mỗi số một ô, anh dịch thơ Đường cho tôi”. Nhờ Nhất Linh mà mình mới có
tập thơ Đường do Tản Đà dịch và ông làm việc này cho đến chết.
Vậy anh sẽ nói điều gì cho sinh viên nghe về Tự Lực văn đoàn?
Thứ nhứt tôi sẽ nói cho họ biết trong lịch sử văn học
Việt Nam có một văn đoàn như thế. Sau 80 năm nhìn lại, người ta xác nhận
Tự Lực văn đoàn vẫn là văn đoàn duy nhất làm văn chương, sống được bằng
văn chương mà không có sự tài trợ của ai hết. Và đến ngày nay người ta
vẫn phải thừa nhận đây là văn đoàn duy nhất làm nên cuộc cách mạng văn
học của thế kỷ 20. Thậm chí phải dùng cụm từ “văn chương Tự Lực văn
đoàn” để phân biệt với những thể loại văn học khác. Đối với sinh viên,
việc cảm thụ văn chương qua những câu văn trong sáng, thấm đẫm tình yêu
quê hương của Tự Lực văn đoàn lẽ ra đã phải được thẩm thấu từ nhỏ như ở
thế hệ chúng tôi.
Thông qua buổi nói chuyện này tôi cũng muốn đề cập đến
gương tự học của các thành viên Tự Lực văn đoàn. Ông Thế Lữ, so bằng cấp
mới học tới lớp 8 bây giờ. Tú Mỡ mới xong lớp 9. Khái Hưng, Thạch Lam
mới hết lớp 11. Nhưng họ tự học tiếng Anh, chữ Hán. Ví dụ như Thế Lữ
dịch Con quỷ truyền kiếp từ nguyên bản tiếng Anh, hay sau năm 1945 ông
dịch kịch Nga, kịch Trung Quốc từ tiếng Trung. Khái Hưng dịch Mưa của
Somerset Maugham là từ tiếng Anh. Nói thêm, một số giáo sư sau này mà
tôi biết như giáo sư Lê Trí Viễn, Cao Xuân Hạo… đều tự học ngoại ngữ.
Nhờ cánh cửa sổ mở ra thế giới ấy mà họ đọc các tác phẩm nổi tiếng của
thế giới không qua văn bản dịch. Đó cũng là một lợi thế cho người viết
khi kết hợp nền văn hoá bản địa với ngôn ngữ hiện đại, tư tưởng hiện đại
của thế giới để tạo ra một dòng văn học Việt rất riêng, rất trí tuệ.
Văn chương cần tài năng, nghề này tuy không có thầy nhưng lại có rất
nhiều “thầy” ở cuộc đời, ở khắp nơi.
Tuy nhiên trong buổi nói chuyện này, tôi không phân
tích tác phẩm mà nói về văn chương Tự Lực văn đoàn đã để lại ấn tượng từ
thời trai trẻ của thế hệ chúng tôi cho đến bây giờ như thế nào.
Một cuốn sách của Vu Gia viết về tác giả Tự Lực văn đoàn.
|
Anh yêu điều gì nhất ở văn chương Tự Lực văn đoàn?
Có những câu thơ như bám vào da thịt mình mà mãi không
rớt được. Ví dụ đọc câu thơ này: “Anh đi đường anh tôi đường tôi/Tình
nghĩa đôi ta có thế thôi/Đã quyết không mong sum họp mãi/Bận lòng chi
nữa lúc chia phôi…”
(Giây phút chạnh lòng của Thế Lữ). Đọc câu thơ như thế
tưởng sáng ra được mọi thứ! Hay đọc văn xuôi, thấy quê hương mình chỗ
nào cũng đẹp. Lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi chỉ muốn tìm đến đê Yên Phụ,
ga Thạch Lỗi, chùa Long Giáng… là những nơi mà các tác phẩm của các nhà
văn Tự Lực văn đoàn mô tả. Những gì họ viết cứ tự nhiên vào trong mình,
gắn với mình và trở thành ký ức đẹp không bao giờ quên được.
Ca dao Việt Nam có câu “Anh về để áo cho em/Để đêm em
mặc để ngày em ôm”, mùi văn của Tự Lực văn đoàn làm cho tôi và cả thế hệ
tôi vương vấn mãi. Đôi lúc căng thẳng, mệt mỏi vì đời sống này, tôi chỉ
cần đọc vài dòng tiểu thuyết của Bướm trắng (Nhất Linh), lại thấy yêu
đời. Văn chương mà trơn tuột thì mình chẳng có gì đọng lại, đọc chỉ mất
thời giờ!
Chân Triết (thực hiện)
Tự Lực văn đoàn do Nguyễn Tường Tam (Nhất
Linh) khởi xướng và thành lập năm 1934, là tổ chức văn học đầu tiên của
Việt Nam mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện
đại, do tư nhân chủ xướng. Trong mười năm (1932 – 1942) tồn tại, văn
đoàn này với những sáng tác văn học, hoạt động báo chí, xuất bản sách,
trao giải thưởng... đã tạo nhiều ảnh hưởng đến văn học và xã hội Việt
Nam thời kỳ đó.
Ban đầu, bút nhóm chỉ có sáu thành viên:
Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ, về sau kết
nạp thêm Xuân Diệu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire