jeudi 6 février 2014

Phân giải Đạo Lý Việt qua sự tích “Bánh Chưng, Bánh Dày”

 Nguồn

Nguyên Khang

      
Dẫn nhập:



Sự tích “Bánh chưng, Bánh Dày” từ thời vua Hùng Vương thứ 18 cho tới ngày nay,  đã là người Việt thì ai ai cũng nhớ vì mỗi dịp xuân về tết đến, nhà nhà đều có bánh chưng làm vật phẩm dâng lên ban thờ Tổ Tiên cúng các Cụ. Và từ xưa cụ đồ VN đã để lại trong nhân gian câu đối tết như sau:



“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,

Cây Nêu, tràng pháo, Bánh Chưng Xanh”.



Vì vậy, kẻ hạ không cần thiết phải viết lại truyện tích trong bài viết này, chỉ xin tóm tắt cái đại ý của sự tích “Bánh Chưng, Bánh Dày”, có người còn gọi là “Tiết Liêu truyền kỳ”.



 Đại ý truyện như sau:



(Thời điểm lịch sử của Tiết Liêu còn gọi là Lang Liêu truyền kỳ có nhiều huyền thuyết khác nhau. Tuy nhiên trong bài phân giải này không chú ý tới thời điểm của lịch sử mà chỉ muốn nêu lên cái “Đạo Lý Vuông Tròn” qua biểu tượng “Bánh Chưng, Bánh Dày”).



Vua Hùng Vương thứ 17 có năm vị Hoàng tử. Ngài muốn tìm người thừa kế ngôi vị, nhưng phân vân không biết lựa chọn ai cho xứng đáng nên nảy ra ý định thử thách các hoàng tử để tìm người có đủ đức tin mà trao ngôi báu. Vua cha bèn triệu tập các Hoàng tử cùng các quan đương triều, rồi phán rằng: Ta muốn tìm người thừa kế ngôi vị sau này, nhưng trong năm vị Hoàng tử, Ta khó định quyết nên Ta ra một điều kiện cho năm Hoàng tử là:



Nếu cuối năm tới ai mang tới dâng lên cho Ta những tài vật hiếm qúy nhất trên đời, thì Ta truyền ngôi báu cho người đó.



Thế là một cuộc chạy đua giữa các Hoàng tử, người thì dẫn lính tráng lên rừng, xuống biển lùng bắt các thú rừng hiếm qúy, kẻ thì đi khắp thiên hạ sang các nước láng giềng lùng mua các trang sức qúy kim vật phẩm cực hiếm mong ngày thi tuyển sẽ được Vua Cha hài lòng lựa chọn. Riêng Hoàng tử Tiết Liêu vì là con trai út lại là con trai của bà thứ Phi, nên hai mẹ con bị trục xuất ra khỏi Kinh thành về làm thứ dân sống tự túc nơi quê mùa, không đuợc hưởng bổng lộc của triều đình. Do cảnh nghèo thế cô nên Tiết Liêu rất lo buồn vì nghĩ mình không thể tranh đua với các anh, tuy không muốn tranh ngôi báu, nhưng lệnh Vua Cha đã ban xuống thì phải thực thi đi tìm vật qúy hiếm dâng lên, nếu không sẽ bị tội khinh quân. Lòng day dứt khôn nguôi không biết xoay sở ra sao. Một đêm nọ, chàng nằm mơ thấy ông Bụt hiện xuống mách bảo cho cách làm hai loại bánh gọi là “Bánh Chưng, Bánh Dày” dùng những nguyên liệu sẵn có như gạo nếp. đậu xanh, thịt heo, cùng với các vật liệu trong vườn như lá chuối, lạt tre và củi đun mà làm thành vật phẩm dâng lên Vua Cha. Hai loại bánh này từ trước đó trong dân gian cũng như ở cung đình chưa hề có, và chưa ai biết làm.



Được ông Bụt xuất hiện trong giấc mơ mách bảo, Tiết Liêu cũng chẳng còn cách nào lựa chọn trong hoàn cảnh nghèo túng và thiếu phương tiện quyền thế so với các vị hoàng tử đàn anh của mình, nên chàng quyết tâm làm theo lời mách bảo của ông Bụt.



Thời gian tới hạn mang vật phẩm về Triều dâng Vua Cha. Các hoàng tử đàn anh đem tới dâng lên Vua Cha vô số các vật phẩm vô cùng qúy giá và hiếm có trên đời, Các Quan đương triều thấy Vua hài lòng nên cũng hết sức vui vẻ hy vọng những vị Hoàng tử mà mình phụ tá sẽ được thừa kế ngôi báu. Riêng Hoàng tử Tiết Liêu với cách ăn mặc giản dị bình dân dâng lên Vua Cha một mâm Bánh Chưng, một mâm Bánh Dày trông rất thô lậu, khiến các Quan trong triều nhìn thấy không nín được tiếng cười chê, khinh mạn. Nhưng đối với Vua Cha, Ngài thấy ngạc nhiên với mâm bánh lạ mắt, nên ăn thử, thấy món bánh này quá ngon lạ miệng nên khen hết lời và ban cho mọi người trong ngày hội được ăn thử và ai ai cũng tấm tắc khen ngon. Vua Cha tuyên bố hai mâm bánh của Hoàng tử Tiết Liêu là vật phẩm xứng đáng được thắng cuộc, rồi tuyên bố người thừa kế ngôi báu là hoàng tử Tiết Liêu, trở thành vị Vua Hùng Vương đời thứ 18.



Phân giải:



          Tại sao Hoàng tử Tiết Liêu được Vua Cha truyền lại ngôi báu cho chàng?



I-                 Cách giải thích vốn có từ xưa nay:





1)   Theo như tích truyện, thì Vua Cha ăn thấy khoái khẩu nên mới truyền ngôi báu.



2)   “Bánh Chưng, Bánh Dày” biểu tượng cho tinh thần Tự lực tự cuờng là biết sử dụng nguyên vật liệu nội địa. Hợp với cách trị dân mà Vua Cha đang áp dụng và mong muốn tìm người con nào thấu triệt điều đó.



II-              Cách phân giải theo đạo lý Bách Việt:



           Dâng lên Vua cha hai biểu tượng “Bánh Chưng, Bánh Dày”, thực ra Hoàng tử Tiết Liêu đã dâng lên Vua Cha một kế sách trị quốc an dân. Hiểu được điều này Ta mới thấy vị Vua Hùng Vương thứ 17 là một vị Minh Quân đáng kính, và Hoàng tử Tiết Liêu xứng đáng được Vua Cha tuyển lựa, Ngài trở thành vị Vua đời Hùng Vương thứ 18. Và từ đó dân Việt coi ngài là một giòng Tổ của mình, như hiện có Đền thờ Ngài ở mọi nơi có người Việt sinh sống.



Vậy Kế sách ấy thể hiện như thế nào?



*- Bánh Chưng:



- Biểu tượng cho Địa, là hình vuông theo chữ Điền vì con người trong đời sống hàng ngày và tới khi chết đều sử dụng các dạng hình có góc vuông như những mảnh ruộng (bờ vừng, bở thửa) sở hữu điền địa, nhà ở (điền trạch) cũng theo dạng có góc vuông, giường nằm, tấm phản, cái bàn v.v… và khi chết thì quan tài hay hố huyệt đều có dạng góc vuông.



Hình Vuông bốn cạnh bằng nhau như chiếc Bánh Chưng thể hiện tính lý công bằng, bình đẳng, nếu phải phân chia thành từng phần (phân bổ quyền lợi cho đại chúng) mà vạch những đường thẳng xuyên qua Tâm điểm của hình (dụng Tâm mà phân xử) thì không bao giờ xảy ra tình trạng bất bình đẳng, có nghĩa là có sự bảo đảm mọi phần đều bằng nhau. Đó là cái lý công bằng và bình đẳng.



- Dùng bốn cái lạt tre (tượng trưng cho bốn phương trời đông, tây, nam, bắc)buộc ngoài cái Bánh Chưng tạo ra 9 cung vuông:





 Một cung giữa (trung tâm hay trung ương) và 8 cung vòng quanh (8 châu thời đó). Đây là kế sách phân quyền trị dân (chia đơn vị hành chánh để quản trị). Từ đó kiến tạo ra phẩm trật trong triều đình gọi là Cửu Phẩm, từ nhất phẩm triều đình (quan Thượng Thư hay quanTể Tướng), thấp nhất là bậc Cửu Phẩm tức quan địa phương cấp quan Huyện.



- Chín Cung trên mặt ngoài lá bọc của Bánh Chưng còn thể hiện sự hình thành mộtquẻ Bát Quái vốn có trên mu Rùa (Thần Quy) gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của Tộc Việt như ta có tích về Nỏ Thần Kim Quy, Hoàn Kiếm truyền kỳ (di tích Cổ thành An Dương Vương ở Vĩnh Phúc, Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội bây giờ) .



- Chín cung đó còn thể hiện về hình thái của vũ trụ như : Trời thì có Cửu Thiên, Địa ngục thì có Cửu tuyền, ngôi Vua có cửu trùng, dòng Tộc thì có Cửu Huyền, số học thì tới số chín (cửu) là cao nhất.



- Cắt đôi chiếc Bánh Chưng nhìn vào mặt cắt, ta nhìn thấy ba màu khác nhau. Trên cùng (lớp ngoài) màu xanh của lá thể hiện tầng Thiên, ở giữa có nhân thịt (thể hiện làNhân), tầng dưới màu vàng của đậu xanh nấu chín (thể hiện cho Địa). Như vậy ba lớp trong Bánh Chưng thể hiện ba phần là Thiên-Địa-Nhân hợp lại. Một chiếc Bánh Chưng ngon còn gọi là Bánh Chưng dền thì điều tiên quyết trong kỹ thuật làm và nấu bánh phải đạt tới ba thành phần Thiên-Địa-Nhân phải quyện lại với nhau thì hương vị mới thiệt hấp dẫn, mới là chiếc bánh thơm ngon và đẹp. 


       

Cũng như trong cách trị quốc an dân phải có đủ ba điều kiện để thành công đó là:“Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” phải hợp đủ trong cách trị quốc. Đó cũng là Nguyên Lý:“Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên hạ” của những Minh Quân phải áp dụng và thể hiện trong  tư cách của mình.




          

Hình vuông nằm trong hình tròn (Trái đất nằm trong bầu trời, đó là biểu tượng: “Thiên bọc Địa”) nên hình vuông biểu hiện cho Quy tắc (Thần Kim Quy) hành xử trong mối quan hệ xã hội giữa người với người hay sự khác biệt các cấp bậc trong thể chế quốc gia. Hình vuông trong quốc gia chính là bên hành pháp, trong tôn giáo, nhà trường, trong gia tộc v.v… thì gọi là Gia có gia quy, tôn giáo có giáo quy v.v…Nên trong dân gian VN thường có câu: “Quốc có Quốc pháp, Gia có gia quy”  là vậy.



 Một điểm nữa là khi cắt chia chiếc Bánh Chưng thì không được dùng dao hay vật dụng kim loại khác để cắt bánh, vì nếu sử dụng dao mà cắt bánh chưng thì thất bại vô cùng vì hầu như không đạt được theo ý muốn và bánh sẽ bị nát nhầu. Nhưng nếu ta dùng mấy sợi lạt tre vốn buộc ngoài chiếc bánh chưng mà cắt bánh thì dễ dàng làm sao và theo được ý muốn cắt chia chiếc bánh. Đó là đạo lý cư xử “mềm dẻo” trong mối ăn chia hòa thuận trong tập thể, chứ không có sự tranh chấp cứng rắn giành giật mà làm hỏng mối lợi chung. Đó chính là mối quan hệ bình hòa trong dân gian làng xóm như câu ngạn ngữ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” mà ta vẫn thường nghe rất thân thương trong ngôn ngữ Việt Tộc. 


     

Cái quy trình 3/9 (Tam môn, Cửu cấp) của Đạo Việt (biểu thị trên chiếc Bánh Chưng) qua quẻ Quy (Kinh dịch) được thể hiện trên lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ (Cờ Việt Nam Cộng Hòa). Thực ra hàng ngàn năm trước quy trình này đã luôn luôn được thể hiện trong các công trình xây cất từ dân dã làng quê, tới các công trình xây cất đồ sộ như Chùa chiền, Đình Miếu cho tới các cung điện vua chúa. Đâu đâu ta cũng nhận diện được như nhà ở làng quê thì đều có ba cửa (cửa chính và hai cửa sổ) Cổng chào lúc nào cũng có tam môn (cổng lớn với hai cửa nhỏ hai bên). Các bậc thềm khi thấp  thì tam cấp (ba bậc) khi cao thì Cửu cấp (chín bậc), hành lang bậc thềm đi lại ở trong các công trình xây cất lớn nhỏ thường thấy đều xây theo thứ bậc “Tam cấp rồi cửu cấp”. Chỗ nơi thờ phượng cũng được gọi như Tam Bảo (Phật Giáo), Ba Ngôi (Thiên chúa Giáo). Các cổng ra vào nơi thờ phượng cũng xây dựng ba cửa gọi là cổng Tam Quan.



Phát hiện mới gần đây nhất là người kiến trúc sư xây dựng công trình Tử Cấm Thành Bắc Kinh thời đầu triều đại nhà Minh bên Trung Quốc, một công trình đồ sộ nhất thế giới cho tới ngày nay là ông Nguyễn An là người Việt (một nghệ nhân bị cống triều thời đó). Qua sự phân tích lý giải của vị học giả người Đức ta nhận diện ra Kiến trúc sư Nguyễn An đã sử dụng trên căn bản các ô hình vuông theo mô hình quẻ Quy (Bát Quái) trên chiếc Bánh Chưng để thiết kế mô hình Tử cấm Thành theo quy trình 3/9 quy Nhất (Tam Cửu quy Nhất). Một thiết kế rất ư là phức tạp cho tới ngày nay nhiều điểm vẫn chưa thể giải mã được.



Là một nô dân bị cùm, bị nhốt trong trại giam chưa hề biết gì về cái đất nước chủ nô, mà bị buộc phải dùng tài nghệ cá nhân vốn có ở Việt Nam để trở thành một kiến trúc sư, một công trình sư bất đắc dĩ hầu giữ lại mạng sống của mình. Ở VN ông Nguyễn An cũng chưa hề có một công trình đầu tay nào cả, ngoài cái tài nghệ nhân (không rõ nguồn gốc về tài nghệ gì) thế mà phải nặn óc ra mà thiết kế một công trình vĩ đại nhất thế giới hồi đó cho tới bây giờ chưa có cái công trình nào sánh bằng.



Điều đó nói nên cái vốn kiến thức sẵn có trong ông đã thấm nhuần được văn hoá Việt Tộc khi còn sống và làm việc ở quê nhà. Nay vì sự sống còn của bản thân mà phải vận dụng cái số vốn kiến thức tiềm ẩn đó cộng với óc quan sát (khi nhìn con dế trong lồng và nghe tiếng kêu của dế, đây là một trò chơi rất phổ biến của các trẻ nhỏ ở VN) mà sáng tạo ra những đường nét mới lạ cho đủ đáp ứng với cái diện tích quá khổ  của công trình mà ông phải phụ trách xây dựng. Thật đúng như câu châm ngôn của Tộc Việt: “Cái khó nó bó cái khôn”. Cho nên ta có thể tự hào mà nói rằng Công trình Tử Cấm Thành là công trình thể hiện theo đạo lý Việt. Và từ Đạo lý Việt mà hình thành.

           

*- Bánh dày: 





          Bánh dày hình tròn làm bằng gạo nếp nấu chín rồi giã mịn, hai mặt là hai bánh hình tròn, phía ngoài hai mặt được lót lá chuối màu xanh, kẹp giữa hai bánh tròn là nhân thịt chiên vàng (gọi là chả Quế). Nhìn cặp bánh dày ta cũng thấy thể hiện ba thành phần đó là: Thiên-Địa-Nhân như bên chiếc Bánh chưng.



Bánh dày là hình tượng của mặt Trời, mặt Trăng (ngày và đêm) đó là chữ Minh(chữ nôm của nước Việt thời đó) tức đại diện cho Thiên, là hình ảnh của ngôi vị Minh Quân.



Hình tròn cũng như hình vuông trong hình học nếu cứ vạch một đường thẳng qua tâm điểm thì mọi phần chia đều bằng nhau dẫu chia nó thành hàng vạn phần nhỏ cũng không hề có sự chênh lệch không đều. Đó là Đạo Tâm của Tộc Việt. Trong mọi sinh hoạt đời sống mà “dụng Tâm  ứng sử” thì sẽ đạt được cái lý bác ái, thương yêu, bình đẳng, công bằng.




Bánh dày mềm dẻo, chả Quế thơm ròn vàng ngậy, lá chuối xanh tươi tạo nên cái đẹp hấp dẫn, hương vị quyến rũ ăn thấy ngon bùi. Ba thành phần “Thiên-Địa-Nhân” quyện chặt lấy nhau tạo nên thành phẩm tuyệt vời. Đó cũng là biểu lý của Đạo: “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” Điều mà bất cứ một vị Minh Quân nào cũng phải thông đạt điều này thì mới có thể  “Tề gia, Trị Quốc, Bình thiên hạ” được.



Bánh Chưng, Bánh dày khi bày cỗ làm vật phẩm để dâng lễ vật cúng tế Trời Đất, Tổ tiên hay biếu tặng giao tế đều phải đi một cặp “Cặp Bánh chưng, Bánh Dày” đó là biểu tượng một đôi như: Âm-Dương, Vợ- Chồng, Quân-Thần, anh-em, chị-em, thày-trò, cha-con, mẹ-con, bạn-hữu v.v…Tất cả các mối quan hệ song phương này luôn luôn “dụng Tâm ứng sử”  sao cho Vuông-Tròn (Bánh Chưng Vuông, Bánh Dày Tròn) thì mọi việc được hạnh thông mỹ mãn. Trong dân gian Việt Nam thường có câu chúc một người Mẹ khi lâm bồn sinh nở thường chúc là: Được “Mẹ Tròn con Vuông” biểu thị cho “Tâm Ý” cầu mong được hạnh thông mỹ mãn. Lời chúc này chỉ có trong ngôn ngữ Việt Tôc mà thôi. Nếu không hiểu được cái Đạo Lý Việt thì không ai có thể hiểu được lời chúc “độc đáo” này. 


           


Bánh Dày hình tròn biểu hiện cho Thiên, hình tròn bao bọc hình vuông, đó là hình ảnh “Bầu Trời bao bọc trái Đất”. Biểu thị cho quyền lực tối thượng của một vị Minh Quân dùng Luật mà trị Quốc, trong luật bao hàm đức tính bao dung để An Dân. Đó là Quốc gia phải có Luật pháp hầu điều hành quốc sự. Trong Tôn giáo, làng xã, nhà trường, đoàn thể thì có luật lệ, trong gia đình thì có tục lệ để điều hành mọi hoạt động của cơ sở. Chính vì thế trong dân gian vẫn có câu châm ngôn: “Nhập gia tùy tục” hầu nhắc nhở nhau cách sống là vậy. Luật tức là phép nước, đồng nghĩa là Luật Pháp. Chính vì thể hiện này mà một quốc gia dân chủ thường phải có hai Viện: Luật pháp và hành pháp. Ta thường gọi là Hạ Viện và Thượng Viện, trong cuộc sống thì có Tòa Án và Cảnh sát là vậy.



    Qua những điều phân tích thể nghiệm trên, ta thấy Tích truyện Bánh Chưng, Bánh Dày không phải là một câu chuyện vui cười trà dư tửu hậu. Mà thực chất Tổ Tiên Tộc Việt Văn Lang đã để lại truyền thừa cho thế hệ mai sau một Đạo Lý Việt thâm hậu rất thực tế trong đời sống con người, trong mối quan hệ tương giao song phương đối lập, Trong Phương sách và tư cách một vị Minh Quân trị quốc an dân. 


          


Nhưng thực đáng tiếc cho dân Việt ta, trải qua hơn bốn ngàn năm biết bao nhiêu vật đổi sao rời, hết Triều đại này tới Triều đại khác đều không mang cái Minh Triết của Đạo Lý Vuông-Tròn mà giáo lý cho dân chúng, hay không ít các vị vua chúa  đã không thông đạt được cái Đạo lý tiềm ẩn trong sự tích “Bánh Chưng, Bánh Dày”, nên không thực hành theo phương sách “Trị Quốc An Dân”.



Mà như trong sách giáo khoa, hay trong lời bình phẩm tích truyện thường chỉ nêu bật cái “Tật” tham ăn tục uống, hưởng thụ của ngon vật lạ trên mồ hôi xương máu của con dân, rồi tuyển chọn kẻ xu nịnh tâng bốc với cái “Tâm Nô Bộc” mà truyền ngôi báu. Hẳn đó cũng là cái nguyên cớ tạo ra khá nhiều những hạng tham quan vô loài ngày càng đông cho tới ngày nay đã trở thành “Quốc nạn tham nhũng” khó bề điều trị như cái triều đại Cộng sản VN đã kéo dài từ năm 1954 cho tới bây giờ.



Những mong bài viết này thể hiện được phần nào cái thâm túy Đạo Lý Tộc Việt xuyên qua tích truyện “Bánh chưng, Bánh dày” mà truyền tới những thế hệ mai sau. Qua đó hầu hy vọng nếu được giới lãnh đạo Quốc gia cũng như con dân nước Việt thông đạt được Đạo lý này mà ứng dụng thì vận mệnh Đất nước Việt Nam sẽ được chuyển hóa mang lại nền hạnh phúc, ấm no, an bình, thịnh vượng cho đất nước và cho muôn dân.

Mong lắm thay, cũng cầu mong nhận được những ý hay để cùng nhau trao dồi mở rộng sự hiểu biết hơn.



Viết ngày 21/01/14

Năm Giáp Ngọ

Nguyên Khang  

Molb. 0468567836

Email: nguyenk42@hotmail.com



*- Phần phụ giải âm ngữ "Chưng" và âm ngữ "Dày":



1)               Âm "Chưng":



Trong truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) có câu:



    "Lễ hôn chuông chắn mọi đường

    Quế càng hương chắp, gấm càng hoa thêm"



Sau này dùng chữ quốc ngữ thì đổi thành:



    "Lễ hôn vuông vắn mọi đường...".



Như vậy: "Chuông chắn" = "Vuông vắn", trong văn học xưa ta cũng thường gặp như: Một chuông lụa, một chuông vải, khăn choàng đầu của phụ nữ Bắc Việt gọi là "chuông khăn" sau đổi cách gọi là "khăn vuông". Âm "chuông" trong tiếng Nôm có nghĩa là bốn cạnh vuông vắn, đầy đủ. (theo Việt Nam từ điển Khai Trí Tiến Đức 1931), âm "chưng": đọc trại từ "chuông" mà ra. "Chưng" có nghĩa là "Vuông", bánh chưng có nghĩa là bánh vuông



2)               Âm "Dày":



Theo chữ Nôm "bánh Dày" gọi là Bánh "Bạc Trì" (Bạc Trì bình).



"Bạc" có nghĩa là mỏng, là dẹt nghịch nghĩa với từ "dầy". "Trì" đọc âm Nôm là "giầy" có nghĩa là cầm, giữ chứ không có nghĩa là bề dầy, hay giầy dép. (theo Đại Nam Quốc Âm Tự viện của Huỳnh Tịnh Của, bảng tra chữ Nôm của Viện ngôn ngữ học 1976, cơ sở ngữ văn Hán-Nôm của Lê Trí Viện 1987). Cho nên "bánh Giầy" có hình tròn dẹt và mỏng .


Sau này theo chữ quốc ngữ mà theo cách phát âm từng địa phương mà thành "bánh dày","bánh giày", "bánh dầy", tuy nhiên hình dạng bánh không thay đổi và sự biểu tượng của bánh vẫn đồng chung ý nghĩa là mặt Trời, mặt Trăng, trong tự Nôm ghép hai tự Nhật Nguyệt lại thành tự "Minh().   

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire