samedi 7 mars 2015

SỐNG TRONG THINH LẶNG


Thinh lặng!  Một điều rất cần thiết cho đời sống nội tâm con người, không riêng gì là người Kitô hữu.  Bất cứ ai, ở địa vị nào, thuộc thành phần nào, bỏ qua sự phân biệt… thì đều cần đến những phút giây trầm tĩnh đi từ khung cảnh bên ngoài cho tới chiều sâu nội tâm.  Cách riêng với người tín hữu, với những ứng sinh hướng tới đời sống hiến dâng cho ơn gọi tu trì, thinh lặng là điều cần được đặt ra, không chỉ như một sự ràng buộc hay một cái gì đó phải có và phải thực hiện, nhưng là một trong những phương thế có thể nói là tương đối tốt để gặp gỡ Đức Kitô, người mục tử mẫu mực, khuôn mẫu để chúng ta vươn tới.

“Giữa ồn ào con tìm kiếm Chúa
Trong thing lặng con tìm thấy Ngài.”

Cuộc sống là chuỗi ngày dài mà mỗi người chúng ta chỉ có thể sống tốt giây phút hiện tại mà không thể biết trước hay là dự đoán trước được tương lai, bởi đó nhiều người vẫn không ngừng nói rằng: “Tương lai là một ẩn số.”  Điều đó có nghĩa là cuộc sống đi ngang qua với giây phút hiện tại.  Nếu ai đó quá chú tâm, lo lắng cho những tháng ngày phía trước thì cũng có những lúc, sự thinh lặng đòi hỏi họ quay về với lòng mình, với chính con người của mình.  Giữa dòng đời được pha tạp hỗn độn với những thứ ồn ào náo động, tâm hồn cũng có những lúc chạy theo vòng xoáy của sự biến động ấy và một khi đã bị cuốn hút bởi muôn vàn tiếng nói khác nhau thì việc giữ cho cõi lòng mình một khoảng lặng là vấn đề phải được lưu tâm trong một sự tự do đích thật.

Vậy thì cốt lõi của sự thinh lặng là gì và vì sao nó trở nên quan trọng đến vậy?Một người không theo bất cứ một tôn giáo nào đã có lần thốt lên: “người công giáo thật là may mắn, vì lẽ những lúc gặp nghịch cảnh trong cuộc đời vẫn còn chỗ tựa nương.”  Thoáng qua có thể nhận thấy, điểm tựa mà họ muốn nói tới không đâu khác ngoài Thiên Chúa, Đấng mà những ai mang danh xưng Kitô hữu tôn thờ và không ngừng mỗi ngày vươn tới, chiêm ngưỡng Ngài là cội nguồn chân lý, là đường, là sự thật và là sự sống, đồng thời là nguồn gốc của mọi cái chân, thiện, mỹ.  Vậy thì nhờ đâu những người vốn không thuộc tôn giáo nào lại nói lên được điều đó nếu như họ không trải qua những phút giây của tiếng nói đi ra từ tận cõi lòng.  Điều này thật đáng cho chúng ta suy nghĩ!

Thật vậy, ngay từ sâu thẳm con tim thì mỗi người luôn ý thức được tầm quan trọng và giá trị cốt lõi khi để cho cõi lòng tìm về ý nghĩa cao quý khởi đi từ sự tĩnh lặng nội tâm.  Theo đó, các môn đệ Chúa Kitô khi lắng nghe tiếng nói trong bức tường của tòa nhà được xây dựng bằng một thứ chất liệu đặc biệt là Lời Chúa, hẳn nhiên tâm hồn dễ dàng đọc được ý nghĩa cuộc đời mình.  Chỉ có vậy, người tín hữu mới nhận ra rằng, căn nguyên của con người mình phát xuất từ đâu và rồi sẽ đi về đâu, để từ đó luôn sống trong tâm tình cảm tạ, rằng được hiện hữu trong thế giới này với muôn ngàn vẻ đẹp là nhờ tình yêu của Thiên Chúa chí tôn, một Thiên Chúa đích thân đi tìm và gặp gỡ, khơi nguồn đối thoại với con người.  Cảm nghiệm như vậy, thì không khó để lý giải lý do vì sao người ngoại giáo vẫn có cái nhìn khách quan và thiện chí về điểm tựa của ngưới tín hữu Chúa Kitô như đã nói trên đây.  Điều đó đòi hỏi phải khơi dậy và phát huy nơi con người mình, từ chính nội tâm của mình một sự trưởng thành về mặt tâm linh, nghĩa là tâm hồn phải đi từ chiều sâu đi lên, để mỗi ngày một thêm tiến triển về lòng mến cũng như sự hòa hợp các nhân đức một cách tiệm tiến, quy hướng mọi sự về với Thiên Chúa.  Hiểu theo cách khác, con người không có sự tĩnh lặng nội tâm thực sự (theo nghĩa tự do nội tâm) thì thật khó để họ nhận ra những vẻ đẹp vốn dĩ luôn tiềm ẩn mà không phải lúc nào cũng khám phá ra được một cách dễ dàng.  Hướng về Đấng tác thành vũ trụ, với người tín hữu chúng ta:

Sự thinh lặng đưa con người trở về với căn nguyên đích thật của mình, nơi xuất phát điểm của mình, nguồn gốc của vũ trụ, của muôn loài... để không ngừng ngắm nhìn một Đấng thánh là Thiên Chúa duy nhất, chân thật và hằng sống, luôn yêu thương con người bằng một tình yêu trên mọi thứ tình yêu.  Đấng tạo dựng trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.

Sự thinh lặng dẫn con người đi vào sa mạc của tình yêu huyền nhiệm, tiếp tục khám phá những nét đẹp tuyệt hảo, những công trình kỳ diệu, những hiện tượng lạ lùng…mà giữa một thế giới biến đổi liên tục thì chỉ trong sự thinh lặng mới giúp chúng ta nhận ra các điều ấy.

Sự thinh lặng giúp con người nhận thấy bản thân mình được tạo dựng một cách “đơn giản nhưng phức tạp,” bởi lẽ con người là một bộ máy hoạt động tinh vi hơn bất cứ loài nào và nơi con người có nhiều nét độc đáo mà càng khám phá thì càng thấy mới lạ, như triết gia công giáo Pháp Gabriel Marcel đã định nghĩa: “Con người là một huyền nhiệm.”  Cùng với đó, chúng ta biết được mình là một thụ tạo thấp hèn, nhưng lại được đặt để hàng đầu trong các tạo vật mà Chúa đã dựng nên, đúng như lời Thánh vịnh:
“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm…”

Với bản chất mỏng giòn, yếu đuối thường hay sa ngã.  Con người cảm thấy như mình đang thiếu đi một điều gì đó có thể giúp cho bản thân vững vàng hơn trong cuộc chiến đấu “một mất một còn.”  Sẽ là mất tất cả khi cõi lòng buông xuôi sau mỗi lần gục ngã, sau mỗi lần thất bại.  Sẽ còn lại chính mình khi nội tâm, khi con tim của mình còn giữ lại một tia sáng của niềm tin, của niềm hy vọng, rằng có yếu đuối thì có thêm ý thức được về mình, lại càng phải cậy đến lòng xót thương của Thiên Chúa, cũng như phải xác tín: “Nơi đâu tội lỗi đã ngập tràn, nơi ấy ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20).  Ngạn ngữ La tinh cũng nói: “Sai lầm là chuyện thường tình của con người.”  Tại sao vậy?  Sự thinh lặng sẽ giúp người tín hữu tìm ra câu giải đáp cho mình về điều đó, khi để cho Lời và ánh sáng của Chúa thúc đẩy họ tìm ra được giải đáp thích đáng nhất, hợp lý nhất.  Vẫn còn đó nhiều điều phải nghĩ tới, nhiều ý nghĩa mà chỉ có trong thinh lặng, trong nội tâm, con người mới khám phá ra hết được.  Mỗi người sẽ đọc được giá trị của sự tĩnh lặng, giữa một bầu khí êm đềm, khi xung quanh mình được bao quát bởi Thần khí Thiên Chúa, đấng mà ngay từ thuở ban đầu đã “bay là là trên mặt nước” (St 1, 2).

Cuộc hành trình của mỗi ứng sinh Linh mục cũng trải qua những cảm nghiệm thực thù trong đời sống với những phút giây thing lặng.  Thinh lặng sẽ giúp họ vươn tới gần Thiên Chúa, vươn cao trong sự trưởng thành và vươn xa trên con đường mà họ đang nhịp bước.  Cùng với những nét riêng biệt mà đời sống dâng hiến mang lại, hy vọng rằng lời cầu nguyện trong thinh lặng xuất phát từ thẳm sâu tâm hồn mỗi ngày được nảy nở thêm lên, được phát huy và thăng tiến không ngừng... để từ đó giúp cho mỗi ứng sinh nhận thấy rõ ràng hơn tiếng gọi của Chúa thực sự đang vang vọng, cũng khởi đi từ chính trong bầu khí đó, họ quảng đại đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Thầy chí thánh Giêsu.  Điều đó góp phần làm nên hành trang cho họ tiến những bước dài hơn nữa trong tương lai, một tương lai vẫy gọi và chan chứa niềm hy vọng, một tương lai đầy những điều hứa hẹn…  

Để rồi trên hết, thinh lặng giúp trở về với chính mình để cảm nếm nguồn hồng ân chan chứa, niềm vui mừng khôn xiết khi biết rằng ơn gọi là một huyền nhiệm, một sáng kiến đến từ Thiên Chúa, một lời mời gọi trong sự tự do tuyệt đối của Ngài.

Cuộc sống quanh ta luôn xoay vần, rung chuyển với muôn hình vạn trạng.  Vẻ đẹp hiển lộ và tiềm ẩn luôn song hành.  Nhận biết chúng với tâm tình cảm tạ để quy hướng hết thảy về Thiên Chúa, người Kitô hữu và cách riêng là với những ai đang theo đuổi ơn gọi tu trì cần tập sống và duy trì một đời sống nội tâm sâu xa, để dù sống trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, tất cả đều có thể thưa lên: “Trong thinh lặng con tìm thấy Ngài.”

Một vài cảm nghiệm đơn sơ nhưng chân thành, muốn được nói lên để cùng chia sẻ với nhau trong hy vọng giúp nhau thăng tiến qua mỗi ngày sống.  Qua đây, rất mong quý độc giả tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến, những sẻ chia đầy ý nghĩa hơn nữa, vì mong muốn bản thân cũng như cho mọi người có được những cảm nghiệm thực thù khởi đi từ sự thinh lặng trong tâm hồn…

Làng Bàu TCV Xã Đoài

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire