jeudi 24 mars 2022

Putin được gì khi xâm lược Ukraine? Dương Thu Hương

Putin được gì khi xâm lược Ukraine?
Dương Thu Hương.

Với mình, một đứa đã lang thang trong thời trẻ trâu dọc nước Nga, từ thủ đô tới Sibêri, qua đến Saint Petersburg, cái thời đáng ra phải đi học nhưng đi buôn là chính, từng được sống với tất cả sự nồng ấm chân thành của người dân Nga ngay sau khi liên bang Xô viết sụp đổ, từ tính cách của người dân đến lịch sử chính trị của đất nước này, việc quân đội Nga sa lầy như hiện nay giữa chiến trường Ukraina thực sự mình không ngạc nhiên.

Nhìn lại từ thời Sa hoàng, nước Nga chưa bao giờ có dân chủ. Lịch sử cai trị của đất nước này luôn chỉ ra sự tàn bạo của kẻ mạnh với người yếu thế. Mạng người trong lịch sử nước này chưa bao giờ có giá trị, đơn giản với những ví dụ về các trại cải tạo lao động dành cho những người đối lập trong suốt chiều dài lịch sử, với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, được dựng lên tại vùng đất băng giá Sibêri, nơi nhiệt độ giữa mùa đông và mùa hè có thể chênh lệch tới 100 độ C. Chỉ có bạch dương mới sống sót được trong khí hậu này. Hàng trăm ngàn tù nhân đã phải bỏ xác khi hoàng cung mới được xây dựng tại Saint Petersburg. Rồi đến thời Stalin với những thảm sát đẫm máu những người bất đồng chính kiến và giới trí thức. Lịch sử chính trị của Nga được in dấu bởi sự dối trá và tàn bạo. Cho đến tận hôm nay.

Điều này giải thích cho những hành động mà quân đội Nga đang ngày đêm thực hiện trong cuộc chiến tại Ukraina khi giết hại dân lành một cách man rợ.
20 năm Putin cai trị nước Nga, cũng vài lần mình trở về thăm chốn cũ. Ngoài những hào hoa phồn thịnh tại các thành phố lớn cùng với những vấn nạn của sự phát triển không có quy mô, khí thải và nạn kẹt xe tại Mátxcơva là một tình trạng kinh hoàng. Nếu không tính toán cụ thể và ra sân bay vào chiều cuối tuần, khi dân cư thành phố nườm nượp đổ ra nhà nghỉ ngoại ô và các cửa ngõ tắc nghẹt, việc bạn bị trễ máy bay là chuyện không ai quan tâm. Phương tiện giao thông công cộng cũng chỉ có bus ra sân bay, nếu bus vì tắc đường không đến kịp cũng là chuyện của bạn. Không ai có trách nhiệm ở đây cả.

Về đến nông thôn, thanh niên trai gái trẻ không có việc làm, tụ tập nghiện hút. Không có tiền, họ tự pha chế đồ hàng từ xăng, mà theo nghiên cứu thì tác dụng của nó có thể phá hủy cơ thể trong vòng 1 năm. Trong làng chỉ duy nhất rượu bia và thuốc lá là bán chạy, ngoài thanh niên nghiện ngập chỉ có người già ở lại, còn lại thì bỏ xứ lên thành phố kiếm sống. Một viễn cảnh khiến mình cảm thấy thực sự bị trầm cảm khi về thăm.

Con trai mẹ nuôi mình ở Nga đi lính nghĩa vụ, lúc sang thăm mình hỏi cái mũi làm sao mà vẹo thế kia. Nó bảo vào lính bị đánh hội đồng, lính mới bao giờ cũng vậy. Và bạo lực trong quân ngũ là bình thường.

Thật tình, nếu không có những kỷ niệm quá sâu đậm với những người dân Nga bình dị, mình sẽ không bao giờ quay lại cái xứ sở bất an này.

Mấy tháng sau khi sang Nga, mình bị viêm ruột thừa phải mổ. Lúc vết mổ chưa khô, một cụ già làm thêm trong bệnh viện ngày nào cũng mang máy tới sấy vết mổ cho mình và trò chuyện. Mười tám tuổi, lơ ngơ giữa một đất nước xa lạ, mình nhớ mãi tình cảm bà cụ dành cho mình. Có tối đi tàu điện ngầm từ nhà bạn về ký túc xá ở Mát, bị thằng say xỉn bám theo, một cô trung niên kéo mình xuống tàu, vừa đi vừa nói với thằng say bám theo hai cô cháu, mày cút đi, nó là cháu tao đấy, để cho nó yên. Ra khỏi ga tàu rồi bà lại đưa mình xuống tàu, để chắc chắn là thằng kia không còn bám theo mình nữa.

Và nhiều lắm những may mắn như vậy.

Nhưng mà cảnh sát Nga sách nhiễu người nước ngoài để kiếm tiền thì cũng không còn lời nào để tả. Bất nhân và vô pháp luật, không coi nhân phẩm con người ra gì.

Tham nhũng từ bộ máy hành chính đến tư pháp, hành pháp thật khủng khiếp tại đây.

Đầu những năm 90, người nước ngoài, đặc biệt là người Việt nam, bị giết tại Mát vì cướp của hay vì lý do nào đó, rất nhiều. Trong số đó, lực lượng đặc nhiệm của Nga cũng dính tay vào nhiều vụ giết người mà không ai phải chịu một sự trừng phạt nào trước pháp luật.

Đến nay, nước Nga vẫn là một điểm đến không an toàn. Hai mươi năm Putin cai trị, nước Nga chỉ được lộng lẫy hơn về bề nổi, và những nhóm lợi ích thân Putin trục lợi theo hệ thống chính sách. Cơ sở hạ tầng, và đời sống của người dân, đặc biệt là người già, không kề được cải thiện. Đầu những năm 90 sống ở Mát, nhìn những cụ già đứng giữa trời lạnh bán thêm mới rau củ hành bù vào đồng lương ít ỏi, mình xót xa nghĩ nếu mẹ mình cũng phải bương chải thế này thì khổ lắm. Nghiện ngập say xỉn chết cóng ngoài đường mùa đông là bình thường. Giờ cũng vẫn y nguyên như vậy.

Putin với mình như một đứa trẻ hư cảm thấy không được quan tâm đủ như nó mong muốn, và vì tự ti trước sự nhỏ bé của mình nên lần này tấn công Ukraina cho đàn anh phía Tây biết sức mạnh của kẻ tự ti. Nhớ những clips Putin quảng bá sức mạnh cơ bắp bằng việc cởi trần cưỡi ngựa, câu cá hay săn gấu, đồng nghiệp người Nga của mình cười và bảo, mày nghĩ gì khi bà Merkel thời mấy năm trước khi còn là Thủ tướng Đức cũng làm vậy? Mình cười bảo, lạy trời chuyện đó sẽ không xảy ra, nếu không chắc tao lại phải di cư đi miền đất mới mày ạ.

Hay ho gì với cái quá khứ điệp viên KGB để giờ đây khoác lên mình bao nhiêu cái chết của người đối lập, nhà báo hay người đào thải vì đầu độc hay ám sát họ, từ trong nước tới nước ngoài?

Cuộc tấn công Ukraina của Putin, với mình là phiên bản đúp của bài học về suy nghĩ đám đông. Điển hình của cách suy nghĩ này được nhắc tới trong tâm lý học là trận đánh của những người Cu ba _đã di tản qua Mỹ _dưới sự điều hành của chính quyền Hoa kỳ vào vịnh Con heo(Pigs Bay) tại Cu ba năm 1961. Tất cả các tướng lĩnh trong bộ chỉ huy đều biết rằng trận đánh không có cơ hội chiến thắng, vì khi đổ bộ vào vịnh thì khả năng lính bị bắn chết là chắc chắn cao. Nhưng vì sợ là người duy nhất nói ra điều này, và sợ bị đào thải khỏi guồng máy, không ai đã dám nói ra sự thật. Kết quả là những người di tản Cu ba quay trở lại tấn công nước này đã bị chết thê thảm khi đổ bộ vào vịnh.

Vì sợ bị đầu độc, giết hại và không có cơ hội kiếm chác thăng tiến, nên những người tham gia họp bàn chiến sự trong bộ chỉ huy của Putin đã phạm đúng lỗi group thinking này. Câu lạc bộ 99 phần trăm của quốc hội độc tài đã bỏ phiếu tán thành việc tấn công Ukraina. Và họ chủ quan sẽ ăn gỏi Ukraina trong một tuần. Họ sống trong môi trường với những giá trị đạo đức và nhân phẩm suy đồi, nên họ đã nghĩ loài người tiến bộ cũng giống như họ. Họ đã không thể nghĩ đến phản ứng mạnh mẽ và đoàn kết của cộng đồng quốc tế trước hành động xâm lấn của họ vào lãnh thổ Ukraina. Putin và đồng bọn đã quá coi thường sức mạnh của sự tử tế.

Việc quân đội Nga rệu rã, vũ khí lạc hậu, với mức độ tham nhũng như ở Nga, chẳng thể ngạc nhiên về việc này. Quân đội Nga qua cuộc chiến này đã chứng tỏ họ không mạnh mẽ như họ và người khác tưởng. Ý chí và khả năng chiến đấu của thế hệ lính mới nhập ngũ không cao, nhiệt huyết lại của kẻ xâm lược gây tội ác lại càng không phải là nhiệt huyết của người dũng cảm hy sinh cứu nước, dẫn đến việc lính Nga hiện nay bắt đầu đảo ngũ. Đảng tự do dân chủ FDP tại Đức đang đưa ra đề nghị chấp nhận tị nạn chính trị cho lính Nga đào ngũ. Tay chân của Putin, tổng thống Bạch nga, muốn quân đội của nước này tham chiến cho Nga, nhưng tướng lĩnh của họ đã không đồng ý với việc này. Tình trạng lính Bạch nga vượt biên sang Ukraina ủng hộ nước này chiến đấu với Nga khiến thủ tướng Bạch nga phải ra lệnh kiểm sóat chặt chẽ biên giới nước này. Kazachstan, nước Cộng hoà thuộc liên bang Nga cũ với cuộc bạo động của người dân phản đối chính quyền ngay trước khi Putin tấn công Ukraina đã gửi viện trợ cho Ukraina thể hiện tinh thần đoàn kết với nước này. Trong sự kiện này, Putin đã ủng hộ chính quyền nước này đàn áp người dân và tuyên bố Nga sẽ không chấp nhận các nước thuộc hệ thống Xô viết cũ có quyền tự trị.

Các nước cộng hoà khác thuộc liên bang Xô viết cũ cũng đang quay lưng lại với Nga sau sự kiện nước này tấn công Ukraina.

Nga đã thua chưa?

Xin thưa, đã, và trên mọi mặt trận. Từ kinh tế, chiến thuật, quân sự, và đặc biệt là lòng người. Chỉ có những kẻ không có não và chẳng có tim mới có thể ủng hộ cuộc chiến phi nghĩa và vô nhân đạo này. Chưa thấy bài trừ phát xít ở Ukraina chỗ nào, chỉ thấy quân đội Nga tàn phá và hủy diệt đất nước và con người ở đây. Mình không tin Nga sẽ thắng trận đánh này, không chỉ bởi cái ác không thể thắng cái thiện, mà đây là một cuộc chiến về giá trị nhân loại. Không có luật pháp nào cho phép được tấn công xâm phạm lãnh thổ và hủy diệt một nước có chủ quyền. Điều này cả thế giới văn minh đang chỉ ra cho Nga bằng thái độ của mình.

Nga sẽ được gì khi xâm chiếm được Ukraina khi chỉ còn là đống đổ nát, lòng dân không phục, và cả thế giới tẩy chay?

Mình nghĩ Putin sẽ hướng tới một cuộc đàm phán và những thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh trước khi mất mặt. Mình hy vọng ngày đó sẽ sớm tới, để không phải thêm một ngày nào cuộc sống và hoà bình tại Ukraina và trên thế giới bị đe dọa bởi một đứa trẻ hư như Putin nữa.

Mình nghĩ chắc Putin, ngoài bệnh tâm lý hoang tưởng quyền lực gì đó, cái này phải BS tâm lý mới kết luận được, còn là một đứa trẻ đáng thương không được biết đến tình yêu thương của cha mẹ. Đứa trẻ được yêu thương sẽ cảm nhận được hạnh phúc và muốn lan tỏa nó, thay vì gây đau thương, bởi nó không được biết đến thương yêu.

Đức Dalai Lama chắc chắn sẽ nói, những kẻ như Putin tạo ra Karma, vòng luân hồi rất xấu, và chúng ta càng phải cầu nguyện cho họ nhiều hơn.

Mình ít ăn thịt vì hạn chế mức tối thiểu sinh vật sống phải chết vì mình, nhưng nếu có đóng góp để trả tiền cho ai triệt hạ được Putin, mình xin góp phần.

Việc Putin mang bom nguyên tử ra dọa thì cũng giống thằng ủn chơi ngông. Hai thằng này chắc có hầm trú ẩn chống bom nguyên tử với 70 tiên nữ để cưỡi, giống như mấy tồng chí đánh bom cảm tử đạo Hồi mong ước được thưởng sau khi chết. Nhưng triệt tiêu nguồn sống của nhân loại, và chui rúc dưới hầm trú ẩn, sống vậy thì là động vật ở kỷ nguyên nào chứ đâu có thể là con người?

Chiều hôm qua bầu trời nước Đức được phủ vàng. Mình tỉnh giấc ngủ trưa trong chùa nhìn ra, thấy lạ không biết tại sao. Chiều đọc tin mới biết cát từ sa mạc Sahara được gió thổi sang tận đây. Nếu Putin dùng bom nguyên tử, môi trường sống tại châu Âu và cả tận đâu nữa coi như không còn.

Chính trị, chỉ đơn giản là không khí ta ở, nguồn nước ta uống. Và giá trị nhân phẩm và đạo đức của con người là bất khả xâm phạm.

Đừng chỉ nghĩ đến nồi cơm điện nhà mình vì dù thế giới có sụp đổ, thảm họa nó sẽ trừ mình ra.

Nghĩ như vậy thì cũng coi như là không biết nghĩ.

Viva Ukraina!

------------------------

Nước Nga, những ngày này nhớ lại

17 tháng 3, 2022

Mùa hè 1983 tôi đến Mạc Tư Khoa sau hai ngày đêm trên tàu từ Praha, qua Lvov, Kiev, Kharkov, xuyên suốt một vùng mênh mông của Ukraine. Đêm đầu tiên ngủ trên nền xi măng của căn phòng ký túc xá dơ bẩn của người bạn. Bốn giờ sáng tỉnh giấc thấy bạn không có trong phòng. 7 giờ sáng bạn về với hai con gà còn lông vừa bị bẻ cổ. Người bạn dậy sớm ra một chợ trời ngoại ô mua tí thịt đãi bạn. Hôm đó vào Hồng Trường, cửa hàng bách hoá MGU nổi tiếng đối diện với điện Kremlin hầu như trống trơn, chỉ vài con gấu Misa nhồi bông, biểu tượng của Olympics Moskva 80, rất nhiều quạt tai voi, bàn ủi; chỗ thực phẩm hầu như không có gì, mấy ổ bánh mì đen chỏng chơ.

Chúng tôi ngao ngán. Cỗ máy kinh tế của Liên Xô không còn vận hành nữa, cuộc chiến ở Afghanistan, cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ đã làm xơ cứng một xã hội ngập chìm trong khủng hoảng. Năm 91, nghe tin Liên Xô sụp đổ tôi chẳng lấy gì làm lạ. Người Nga đã chán ngấy với khẩu hiệu. Họ cần một mái nhà trên đầu, chút thịt cho bữa cơm, cái xe và vài bộ quần áo. Liên Xô không làm được điều đó.

Nước Nga đối với tôi thời đó vẫn còn nhiều bí ẩn lẫn thích thú. Thời nhỏ tôi đã bị mê hoặc bởi sự tàn bạo và dày vò trong Tội Ác và Trừng Phạt của Dostoevsky, thổn thức với thân phận con người và tình yêu mong manh giữa những đối thay thời cuộc ở Bác Sĩ Zhivago của Pasternak. Nhưng trên hết là sự tuyên truyền và suy tôn nước Nga ở Việt Nam sau năm 75 như một tương lai cho nhân loại, thế giới đại đồng. Trong trí óc tôi thời đó còn gờm gợn tại sao tại thiên đường xã hội chủ nghĩa lại có Quần Đảo Ngục Tù của Solzhenitsyn.

Chuyến đi thăm Mạc Tư Khoa làm tôi thất vọng!

Sau nhiều năm sống ở Đông Âu, nơi người Tiệp, người Ba Lan, người Slovak nói cùng một giòng ngôn ngữ như người Nga, chả ai thích thú với người Nga. Trong các quán bia ở Tiệp và Đông Đức, quán rượu ở Ba Lan, sự chế diễu tính nhà quê của người Nga luôn là một đề tài muôn thuở. Người ta nói chuyện vui rằng mật vụ Stasi của Đông Đức có thể bắt anh ở quán vì mọi chuyện nhưng chửi Nga thì không sao, họ còn phụ họa thêm. Nước Nga đã đóng góp cho kho tàng nhân loại từ văn học, hội hoạ, âm nhạc, khoa học những thành tựu tuyệt vời. Nhưng trong tâm khảm người Âu châu, người Nga luôn dùng vũ lực đem đến cho lục địa nhiều điều phiền muộn. Napoleon thất trận, những người Cossacks vào quán xá Paris, đập bàn dậm chân la hét ‘bistro, bistro’ trong tiếng Nga nghĩa là nhanh lên, nhanh lên. Sau đó tiếng Pháp có thêm từ Bistro là quán ăn nhanh. Năm 45, người Anh Mỹ đối xử với những vùng tạm chiếm ở Đức một cách nhân đạo thì vùng Nga chiếm hàng trăm ngàn vụ hãm hiếp, trả thù . Năm 1953, xe tăng Nga dẹp loạn ở Đông Đức, 1956 đàn áp ở Budapest và Poznan, 1968 đàn áp ở Praha. Ba Lan chẳng bao giờ quên vụ thảm sát Katyn và những thế kỷ bị Nga đô hộ.

Vậy người Nga là ai?

Những người Nga tôi quen đều rất tốt và chân chất. Nhiều đồng nghiệp trong ngành giỏi tuyệt vời. Với một dân tộc có trí tuệ như vậy và một đất nước bao la tài nguyên trù phú, tại sao người Nga lúc nào cũng nghèo?

Câu trả lời đối với tôi có thể tìm thấy trong sự quay lưng và phản bội của giới cầm quyền và tinh hoa của Nga cho đại đa số nhân dân. Những người lính nông dân của Nga sau khi thắng Napoleon trở về vẫn mang thân làm kiếp nông nô, một dạng nô lệ cho giới quý tộc vốn chiếm hữu phần lớn đất đai. Giới quyền quý của Nga dùng tiếng Pháp trong giao tiếp nhiều như tiếng mẹ đẻ. Sự bất lực của Nga Hoàng về cải cách xã hội dẫn tới Cách Mạng Tháng Mười 1917 làm đổi thay cục diện thế giới. Dưới chế độ cộng sản, người Nga chẳng sống khá hơn. Nạn đói ở Ukraine và thanh trừng tàn bạo của Stalin cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người. Cuộc chiến tranh chống Quốc xã Đức cướp thêm hai mươi triệu người nữa. Thời hậu Stalin cũng bê bết trì trệ, người Nga buộc nhịn ăn để làm siêu cường, để viện trợ cho các quốc gia khác. Chịu không nổi, Liên Xô sụp đổ. Thời hậu Cộng sản, Putin lên cầm quyền, giới tài phiệt ăn theo bòn rút của cải quốc gia. Chỉ trong thời gian này người Nga mới bắt đầu biết đến thế giới, giới trung lưu có thể mua xe và đi nghỉ hè ở Ai Cập. Mạc Tư Khoa có McDonald và Starbucks nhưng GDP đầu người của Nga chỉ có 11 ngàn đô tức 1/6 của Mỹ và nền kinh tế Nga xấp xỉ Tây Ban Nha. Người Nga vẫn nghèo! Sự sụp đổ của chế độ cộng sản có thể giúp đời sống tốt hơn chút đỉnh nhưng những giá trị về dân chủ và nhân quyền chẳng bám rễ ở Nga. Giới tính hoa thỏa hiệp với Putin, chia chác quyền lợi. Giáo hội chính thống giáo của Nga, vốn bị triệt tiêu trong thời cộng sản phải biết giá trị của tự do hơn ai hết lại ủng hộ Putin, xem Putin như cứu cánh của nền văn minh Nga, vốn bị Tây Phương xem như lạc hậu. Solzhenitsyn trở về Nga sau lưu vong, quay lưng lại với những giá trị nhân bản vốn đã cưu mang ông, ca ngợi Putin như người tìm lại được nước Nga cho người Nga. Nước Nga của Solzhenitsyn bao gồm Ukraine như một phần không thể tách rời của đất mẹ. Người học trò của ông, Putin mấy ngày trước khi xâm lược Ukraine đã lập lại luận điệu đó.

Trong những dân tộc đã mất rất nhiều mà chẳng đạt được hạnh phúc, người Nga và người Việt có thể chia xẻ cùng niềm bất hạnh. Hơn chục năm trước tôi có đến công tác ở Volgograd, tên mới của thành phố Stalingrad. Nơi đây cuối năm 1942, đầu năm 1943 đã diễn ra trận chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại giữa Phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô. Trên đồi Mamayev, nơi bức tượng Người Mẹ sừng sững là nơi đánh dấu cái chết của hơn 200 ngàn binh lính hai phía trong một vùng đất chưa đến một cây số vuông. Stalin nướng vào đây hàng chục sư đoàn, nướng sạch. Một người lính gởi vào đây sống trung bình 4 giờ. Sỏi trên đồi vẫn còn chứa mảnh vụn của xương người. Phía dưới Volgograd ngày nay tiêu điều. Hôm đó tôi liên tưởng tới Quảng Trị, Khe Sanh, Xuân Lộc, Vị Xuyên. Bao nhiêu mất mát và hy sinh chỉ để lại một nước Nga nghèo và một nước Việt nhược tiểu. Cả hai nước đều có một điểm chung là một nhóm tài phiệt cá mập giàu sụ trên đầu nhân dân.

Phần lớn giới tinh hoa của Nga qua bảo thế kỷ chẳng thích gì những giá trị của Tây Phương. Có thể là sự mặc cảm. Chính Thống Giáo Nga luôn cạnh tranh với Cơ Đốc Giáo. Sự thiếu vắng giá trị tự do trong xã hội làm người Nga luôn ngây ngất với lãnh tụ cho đến khi họ không có gì ăn vì những kẻ lãnh đạo điên rồ. Cứ nhìn năm 1917 và 1991 thì thấy rõ.

Cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraine sẽ chỉ cho người Nga thấy rằng họ sẽ nghèo hơn rất nhiều trong những năm tới. Chẳng ai cạp đất mà ăn được cho dù đó là đất thánh của một đế quốc tuy mênh mông nhưng đã là quá khứ.

Trần Anh Chương

Maryland, March 13, 2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire