Có điều gì đó không ổn nơi chúng ta: phải hoán cải
Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro
Anne Kurian
ROMA, 5 tháng 3 năm 2014 (Zenit.org)
[…]
Chú ý đến người anh em là khởi đầu của việc hoán cải
Đức Thánh Cha trích dẫn bài đọc thứ nhất: "Hãy xé lòng, chứ
đừng xé áo" (Ge 2,13) và ngài nhắc nhở trong bài giảng rằng "đặc điểm của
thời hồng ân này là hoán cải tâm hồn".
Quả thật, "hoán cải không chỉ là những hình thức bên
ngoài hay những quyết tâm mơ hồ, nhưng đòi hỏi tất cả cuộc sống phải
xuất phát từ trung tâm con người, từ lương tâm".
ĐTC trích dẫn các "cuộc tranh giành quyền lực" như ví
dụ, điều này chứng tỏ rằng người ta tưởng mình là Thiên Chúa Nhân
Lành: "Khi tôi thấy trong môi trường hạn hẹp hằng ngày nơi tôi đang
sống, họ tranh giành quyền lực để gây ảnh hưởng. Những người này
chơi trò Thiên Chúa Tạo Hóa, và họ vẫn chưa nhận ra họ không phải là
Thiên Chúa".
Mùa Chay là bước đường kêu gọi con người "thoát ra khỏi
nếp cũ, mở mắt và tai ra, nhưng nhất là mở lòng ra cho Chúa và anh
em", để vượt ra khỏi "mảnh đất vuông" của mình:
"chỉ khi nào chúng ta cảm thấy trăn trở vì những khó khăn và đau
khổ của anh em mình thì chúng ta mới có thể bắt đầu con đường hoán
cải để tiến đến Phục Sinh."
ĐTC lưu ý: trong một thế giới "mà Thiên Chúa bị loại trừ
ra khỏi chân trời", Mùa Chay mời gọi con người nhớ rằng mình là
"thọ tạo", mình "không phải là Thiên Chúa", cách nhìn này giúp chúng ta thấy "tranh
giành quyền lực" không còn quan trọng nữa.
Xét cho cùng, Mùa Chay là "một lời mời gọi tỉnh dậy, ra
khỏi mê muội", "quay về với Chúa", vì "có điều gì
đó không ổn trong chúng ta, trong xã hội, trong Giáo Hội và mỗi người
"cần phải thay đổi, làm một bước ngoặt, hoán cải".
Ý nghĩa của việc cầu nguyện, ăn chay, làm phúc
ĐTC dừng lại trên ba yếu tố mà Tin Mừng đưa ra trong Mùa Chay cho
bước đường thiêng liêng: "cầu
nguyện, ăn chay và làm phúc", ĐTC cho rằng cả ba yếu tố nói lên
"sự cần thiết đừng để cho bề ngoài chi phối mình". "Không
phải vì được người khác tán thưởng hay thành công mà cuộc sống có
giá trị, nhưng chính vì những gì con người có "trong nội tâm".
Cầu nguyện "là sức mạnh của người Kitô hữu và của mọi kẻ
tin": cầu nguyện là "nhảy vào trong biển tình yêu vô biên của
Thiên Chúa, để thưởng nếm tình âu yếm của Người" trước "sự
yếu đuối và mong manh của cuộc đời", trước "biết bao vết
thương có thể làm cho tâm hồn nên chai đá".
ĐTC nói tiếp: trong Mùa Chay khi cầu nguyện lòng chúng ta phải
"chất chứa những nhu cầu của anh em", "cầu bầu trước
Chúa cho biết bao tình cảnh nghèo khổ".
ĐTC cảnh giác: việc ăn chay không được "mang tính hình
thức", nghĩa là ăn chay không được làm cho chúng ta "thỏa thuê"
vì cho chúng ta cảm tưởng mình là người "giữ đạo phải
phép": "Ăn chay chỉ có ý nghĩa khi làm cho người ăn chay cảm thấy
không ổn" và "sau đó muốn làm gì đó vì lợi ích của người
khác" hay khi ăn chay giúp cho người ăn chay "trau giồi phong cách
người Samari Nhân Hậu, biết nghiêng mình nhìn đến người anh em gặp khó
khăn".
Ăn chay là "chọn lối sống giản dị, không phung phí" vì
ăn chay kêu gọi "sống ý thức và có trách nhiệm trước bất công,
lạm dụng". Ăn chay cũng là "dấu chỉ tin tưởng vào Chúa và
sự quan phòng của Người".
Cuối cùng, làm phúc "giả thiết cho nhưng không", vì
"mình cho một người mà mình không trông mong nhận gì ngược lại
từ họ": "Cho nhưng không phải là một trong những đặc tính
của người Kitô hữu", vì "ý thức rằng mình đã nhận mọi sự
từ Thiên Chúa cách nhưng không".
ĐTC kết luận: vào một thời đại mà "trong đời sống hằng
ngày người ta không cho nhưng không, mà mọi sự đều được mua bán",
làm phúc là dịp để chúng ta giải thoát mình khỏi "nỗi ám ảnh phải
sở hữu, khỏi nỗi sợ hãi bị mất những gì mình có, khỏi nỗi buồn
của người không muốn chia sẻ cuộc sống sung túc tiện nghi của
mình".
Viết cùng Anita Bourdin
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire